Về Việt nam

Cuối cùng rồi chuyến bay của chúng tôi cũng đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Hai mẹ con không hẹn mà cùng nhìn ra bên ngoài qua khung cửa sổ nhỏ bé của máy bay. Bầu trời trong veo, nắng chiều lấp lánh phản chiếu trên đường băng. Vài chiếc máy bay chạy chầm chậm chuẩn bị cất cánh, những chiếc khác đổ im lìm nối với khung hành lang dẫn lối ra vào. Chuyến về Việt nam lần này đồng hành cùng tôi là cậu con trai út. Vẫn còn nhớ chuyến đầu tiên, tôi đi với cô bạn Kim Anh cách đây hơn mười năm. Mục đích chuyến đi đó là tìm về lại với trường xưa, thăm thầy cô và bạn bè. Dịp thứ nhì, tôi đi Hà Nội với chồng và một số bạn đồng nghiệp. Mục tiêu chính là dò xét trực tiếp những cảm nhận của người Hoa Kỳ về Việt Nam, cũng như tìm hiểu thêm về phương tiện giúp cải thiện vấn đề y tế và vệ sinh. Riêng lần này đặc biệt hơn, tôi muốn dùng chuyến đi như một cơ hội để giảng dạy cho con tôi biết về lịch sử, đời sống, và văn hóa phong tục của người Việt nam. Mặc dầu, thực tế thì chính tôi đây cũng đã quên đi khá nhiều sau hơn gần 48 năm tha phương.

Đặt chân đến Việt nam lần này tâm trạng tôi cũng khác hơn những lần trước. Cảm xúc của mình tự dưng trống rỗng mặc dù cách đây vài hôm tôi vẫn trông ngóng chờ đợi. Tôi không nôn nao như lần đầu tiên trở về quê hương, không lo lắng như lần thứ nhì trở lại Hà Nội. Có lẽ, tôi không còn muốn đặt nhiều hy vọng để rồi lại phải thất vọng, tôi không muốn suy nghĩ nhiều để mình phải xao xuyến với dĩ vãng và bị rung động với những gì đã bị cướp mất. Dù sao những hình ảnh gần 50 năm trước quê nhà vẫn còn đọng lại trong tôi để mình dễ canh cánh bùi ngùi…

Những hôm đầu ở Sài Gòn.

Đi theo đoàn du hành nên thời gian rất eo hẹp, tôi chỉ có thể dành vài khoảng trống ngắn ngủi cho riêng mình. Tôi có dịp đưa con trai tôi đi ngang qua căn biệt thự của ông bà ngoại mình nằm trên đường Trần Quý Cáp ngày xưa. Căn biệt thự này hồi đó nằm sát bên gia thất của tướng Westmoreland. Dấu tích của ngày xưa không còn lại gì nhiều. Bây giờ nó đã được chia năm xẻ bảy thành nhiều căn hộ, tuy không còn thấy thẩm mỹ cho lắm, nhưng còn vương vấn một chút kiến trúc Tây Phương. Nhớ ông bà ngoại thật nhiều.

Tôi cũng may mắn hẹn gặp được với vợ chồng Nguyễn Xuân Phát để dùng cơm tối và hoàn thành được sứ mạng do cô bạn Bích Liên giao phó. Hai bữa cơm với vợ chồng Phát thật vui và ấm cúng. Nhưng lại là kỷ niệm đáng nhớ đời vì sau đó cả hai mẹ con đều bị trúng thực. Có lẽ do tận tình thưởng thức món ốc hấp dẫn quá nên tối hôm đó hai mẹ con nôn ói đến lăn chiên. May là có thuốc dự phòng nên chúng tôi hồi phục sau hai ngày để tiếp tục chuyến đi xuyên Việt với đoàn du lịch.

Rời Sài Gòn, ra Đà Nẵng, gặp phải thời tiết xấu, người chỉ huy đoàn phải thay đổi chương trình tham quan nên chúng tôi chỉ ghé lại Đà nẵng thời gian rất ngắn ngủi. Thế là tiếc quá, không có dịp thăm bạn bè và chụp hình đứng trước trường như các bạn nhắn nhủ.

Chúng tôi đến Hội an lúc chạng vạng tối và trời mưa dầm dề. Cơ thể còn yếu nên chúng tôi quyết định bỏ buổi cơm chiều và ngủ thằng một giấc 15 tiếng lấy lại sức. Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, tôi một mình dạo chung quanh thành phố, đến thăm căn nhà cũ của ông bà nội tôi gần cầu Khỉ, bên sông Thu Bồn. Căn nhà cổ kính còn đó nhưng chủ cũ đã về thế giới bên kia. Bao kỷ niệm thời thơ ấu bên ông bà ùa về, nước mắt tuôn tràn và tôi lặng lẽ đi ngược lại về khách sạn. Ngậm ngùi. Ngày hôm đó, chúng tôi được đi viếng thăm Làng Mộc Kim Bồng và Làng Rau Trà Quế. Làng Mộc Kim Bồng được xây dựng từ thế kỷ XVI và nổi tiếng về những sản phẩm gỗ phản ảnh nét văn hóa đặc biệt của dân Hội An. Chúng tôi đến đây bằng đò từ Phố Cổ. Sau đó chúng tôi viếng thăm Làng Rau Trà Quế. Nơi đây người dân sống rất bình dị. Họ vẫn còn duy trì phương pháp trồng rau hữu cơ từ đời xưa truyền lại. Lối chăm sóc rau ở đây rất tỉ mỉ. Nước tưới rau là nguồn nước sạch trong lòng đất và phân bón là rong vớt từ đầm. Sài gòn làm tôi nhớ ngoại quay quắt, thì nỗi nhớ nội khi nhìn lại căn nhà cổ ở phố Hội cũng làm mình đến quắt quay. Bao kỷ niệm ấu thơ hiện về.

Sau hai đêm tạm trú tại Hội An, chúng tôi đi Huế. Trên đường đi, chúng tôi có ngừng lại ngắm biển Mỹ Khê, Tiên Sa, và Lăng Cô. Phong cảnh rất hữu tình. Quê hương tôi mộc mạc và đượm đầy tình người. Tôi yêu quê tôi!

Những ngày tại Huế, chúng tôi cùng phái đoàn du lịch, viếng Đại Nội Kinh Thành, Chùa Thiên Mụ, Lăng Vua Tự Đức, Lăng Vua Khải Định, Chùa Đông Thuyền và tìm lại những nơi quen thuộc như trường Quốc Học, Ty Y Tế, Cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba, etc… Xót xa khi trở lại những chỗ này. Khung cảnh cố đô vẫn còn đó hữu tình, nhưng cảm xúc hoài cổ làm mình buồn buồn sao ấy. Khách sạn của chúng tôi lại nằm ngay bên bờ Sông Hương nên càng thấm đậm thêm nỗi ray rứt.

Chúng tôi rời Huế và đi Hạ Long. Sau khi đáp máy bay xuống phi trường Nội Bài, chúng tôi đi xe đến Hạ Long. Hành trình chuyến đi tất cả tốn khoảng 4 tiếng đồng hồ. Thành phố Hạ Long rất vắng vì chính quyền Trung quốc lúc ấy có lệnh đóng biên giới, không cho qua lại do nạn COVID hoành hành. Chúng tôi tận hưởng những giây phút thăng trầm một ngày ở Hạ Long, sáng trưa chiều tối gì cũng có từng nét đẹp riêng của cảnh vật. Cảnh đẹp và thanh tịnh, hiếm hoi trong đời tôi có dịp hòa mình vào với thiên nhiên như vậy.

Rời Hạ Long, chúng tôi về lại Hà Nội. Chúng tôi ở lại đấy bốn ngày trước khi về lại Hoa Kỳ. Chúng tôi đi viếng nhiều nơi mà trước đây tôi chưa có dịp đến. Được gắn liền những diễn biến lịch sử với những nơi viếng thăm, tôi thấy mình thật may mắn. Bao lâu nay, học lịch sử, tôi chỉ biết tên của những kinh thành Việt nam, bây giờ tôi mới thấy được tận mắt. Những Kinh Thành Hoa Lư, Hoàng Thành Thăng Long, Đại Nội Kinh Thành. Nhìn thấy mà như nghe vọng lại lịch sử bốn ngàn năm văn hiến của đất nước dân tộc mình. Tận mắt thấy cầu Trường Tiền, cầu Long Biên, Củ Chi, etc… mà thấm thêm lịch sử vừa oai hùng vừa đau thương của dân mình. Chuyến đi dài ngày với con trai tôi đã đọng lại trong chúng tôi thật nhiều những cảm xúc. Không phải chỉ là những kiến thức được tích lũy thêm mà cả cái hồn quê hương trổi dậy sau bao bao năm tưởng chừng nguội lạnh. Nhìn ánh mắt con trai tôi tò mò rồi thán phục khi được nghe người hướng dẫn viên du lịch kể về lịch sử quê hương của bố mẹ mà lòng tôi dâng lên biết bao thương yêu. Tôi hứa với lòng mình, dù viết được ít hay nhiều tôi cũng sẽ cố gắng thuật lại những bài học và trải nghiệm quý báu chúng tôi thu nhặt được sau chuyến đi nhớ mãi và nhớ đời này…….

Tường Vi (NH-Lớp 10/75)

4 thoughts on “Về Việt nam”

  1. Thăm quê nhà với con thì còn chi hạnh phúc và ý nghĩa hơn! Cảm ơn chị Tường Vi đã chia sẻ.

  2. Ky này TV đi từ Nam ra Bác. Biết nhiều history của nước mình. Tiếc là TV không gặp được nhiều bạn bè.

Leave a Reply to Hà Nam Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *