Khúc Hát Thanh Xuân

“Khúc hát thanh xuân” là một tình khúc của Johann Strauss được Phạm Duy đặt lời Việt. Nguyên bản có tựa tiếng anh là “When we were young”. Ca khúc này đã một thời làm rung động biết bao con tim bởi giai điệu valse êm ái và ca từ ngọt ngào của nó.

Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi

Nhạc lắng hương xuân bồi hồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi.

Trong không gian, trên thời gian giữa mùa Xuân từng đàn chim vỗ cánh, từng cụm hoa nở rộ khoe sắc làm rung động cả cõi trời sáng, trưa, chiều. Thiên nhiên đã tạo nên một bản nhạc Xuân với đầy đủ hình ảnh và âm sắc. Đó là một “Khúc hát thanh xuân” – “When we were young”. Đó là tuổi trẻ ngọt ngào của chúng ta. Đó là khoảng đời của con người thường được ví von như là mùa xuân. Cái thanh xuân tươi đẹp nhất mà chúng ta ai cũng muốn được trải qua và giữ lại mãi. Ở tuổi thanh xuân, ta cháy hết mình, ta cống hiến từng giây từng phút, và ta ước ao được nói lên những câu yêu thương ngọt ngào với nhau, với người ta thương mến.

Rồi nắm tay cùng nói vui
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai
Khuất xa biến vào nẻo khơi.

Từ đó khi xuân tái hồi
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới đôi mươi.

Vũ trụ thì tuần hoàn qua bốn mùa “xuân, hạ, thu, đông”. Mùa xuân đến rồi đi và năm sau nữa sẽ trở lại. Mùa xuân “tái hồi” theo nghĩa quy luật của đất trời. Nhưng thanh xuân của chúng ta thì sao? Tuổi trẻ của đời người thì làm gì có chuyện “tái hồi”. Tuổi trẻ đã trôi qua là vĩnh viễn chia xa, không ngày trở lại. Thời gian vụt trôi, thanh xuân không còn, lòng ta tiếc nuối. Và hôm nay đây nhìn én liệng đầy trời, nhìn hoa tươi nở rộ ta biết một mùa Xuân lại “tái hồi”. Để ta thêm “bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi”, ta ngẩn ngơ lục tìm lại trong trí nhớ những ký ức tươi đẹp của ngày xưa.


Và bất ngờ làm sao, cái ký ức ấy lại tìm đến với tôi, với chúng ta theo một cách mà mình chưa bao giờ nghĩ đến. Sáng chủ nhật, viết xong vài dòng kèm theo ca khúc “Khúc hát thanh Xuân” của cô bạn Như Hòe gởi cho. Vừa định đăng lên trang nhà thì nhận được email của cô Phan Hồng Hạnh. Email gởi từ Paris nước Pháp. Email chỉ vỏn vẹn một câu trích từ tựa bài hát “Còn một chút gì để nhớ”, nhạc Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định. Email của cô Hạnh còn kèm theo tấm hình một chiếc áo sơ mi trắng nữ sinh, chiếc áo của Liêm Khê con gái đầu cô, chiếc áo còn nguyên mảnh huy hiệu TTGD Nguyễn Hiền. Chao ôi là từng dòng cảm xúc cứ ùn ùn chảy bao vây lấy mình. Chiếc áo sơ mi trắng thời ngôi trường mình vẫn còn hiện hữu. Nó là một trong những ký ức không rời, một trong những hình ảnh bao năm vẫn đeo bám phần đời còn lại của chúng ta. Nó là một “Khúc hát thanh xuân” mà không cần cả lời lẫn nhạc. Nó là “Còn một chút gì để nhớ” giữa chúng ta. Xin chia sẻ đến với đại gia đình TTGD Nguyễn Hiền. Cám ơn cô Hạnh thật nhiều về món quà xuân vô giá tặng chúng em trước thềm năm mới. Và cũng không quên cám ơn Như Hòe lớp 9 về một ca khúc hợp thời và kịp lúc. (Hiền)

 

5 thoughts on “Khúc Hát Thanh Xuân”

  1. Wow! Phục các thầy cô quá! Rời quê hương mà đã mang theo biết bao là kỷ vật quý giá, nhìn mà nhớ một thời TTGD Nguyễn Hiền, một thời hoa mộng. Con cám ơn cô đã trao tặng cho tụi con một món quá tinh thần vô giá vào dịp Xuân sang, cảm động quá. Con thăm cô thầy và các em luôn được an vui sức khỏe.

  2. Cám ơn Hòe đã chia sẻ một nhạc phẩm xưa nhưng rất hay và đầy ý nghĩa về tuổi Xuân.
    Giọng hát nhẹ nhàng thắm thiết nghe thật rung động bồi hồi cùng với hình ảnh áo trắng với huy hiệu TTGDNH của cô Hạnh gởi tặng gợi lại bao kỷ niệm đẹp của lứa tuổi thanh Xuân.
    Nhớ lắm… trường lớp, bạn bè và những mùa Xuân ở quê nhà…

  3. Lời dẫn đầy cảm xúc cho một giọng hát thật nhẹ nhàng! Cảm ơn Hiền và Hòe. Lúc nhỏ luôn vui thích khi cô thầy phát những mảnh huy hiệu của trường đầu niên học. Hình như mỗi học sinh được ba bốn cái thì phải? Áo quần chỉ vỏn vẹn đơn sơ vài ba bộ nên chừng đó huy hiệu đủ xài rồi còn chi.

Leave a Reply to Trương văn Đôn Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *