Căn Nhà Xưa

Năm ngoái nhân dịp Lễ Tình nhân, tôi có viết một bài về thi-văn-nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua ý nghĩa bài hát “Căn nha xưa” của ông. Bài viết nhận được vài ý kiến của bạn bè, nên nay tôi sửa đổi và thêm thắt vài chỗ cho rõ ý hơn. Xin chia sẻ với đại gia đình cũng nhân ngày Lễ này.

*********

Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi cùng với đoàn quân miền bắc tiến vào Sài gòn nhà văn Dương Thu Hương chợt nhận ra rằng, trong một cuộc chiến thì bên thắng cuộc chưa hẳn thuộc về lẽ phải và kẻ thua chưa chắc là hoàn toàn xấu. Dưới mắt bà, Sài gòn là hình ảnh của một thành phố có vẽ đẹp văn minh đang bị đánh cắp. Hối tiếc, bà đã ngồi trên lề đường mà bật khóc tức tưởi. Bà tủi hờn cho một hành trình tưởng là dấn thân vì tự do dân tộc của mình nhưng hóa ra bị lừa phỉnh. Nhưng trong cùng thời điểm đó, trên khắp miền nam cũng có biết bao nhiêu người đang khóc, khác hơn chăng họ khóc trong âm thầm và trong nỗi sợ hãi. Bà Dương Thu Hương sau khi khóc giữa Sài gòn thì trở về đất bắc, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, vẫn viết đều đặn, vẫn hưởng chế độ ưu đãi của một cán bộ văn nghệ sĩ nhà nước. Còn những người miền nam, nhất là những quân dân cán chính của chế độ cộng hòa, những giọt nước mắt của họ vẫn tháng ngày đau đớn nhỏ xuống không ngừng nghỉ. Dương Thu Hương dù phản kháng vẫn còn được quyền cầm bút để nói lên dòng tư tưởng đang chảy trong tâm trí mình. Mặt bên kia, biết bao văn nghệ sĩ miền nam đâu được cái quyền hạnh phúc đó. Họ có muốn viết, muốn sáng tác thì chỉ còn cách gói gọn mà cất kỷ trong trí nhớ.

Trong số những tinh hoa của miền nam đang bị vùi dập không thương tiếc đó bao gồm cả Nguyễn Đình Toàn. Một nhà văn tiếng tăm ở lại sau cuộc chiến. Ông chịu cảnh tù đày hơn 10 năm chỉ vì những sáng tác mà phía bên kia đánh giá là lãng mạn tiểu tư sản, nguy hiểm cho chế độ. 10 năm và một bản án treo không biết ngày về thì thật quá khủng khiếp cho một con người. Nhất là một người xưa nay tay chỉ biết cầm bút như ông. Nhưng bây giờ ngẫm lại, chúng ta có nên tạm gọi đó là duyên cơ may mắn hay không? Khi từ những năm tháng tù đày nam bắc ấy đã làm nên một Nguyễn Đình Toàn tài hoa trong âm nhạc ngoài tài năng văn chương đã được khẳng định. Cuộc đời bao giờ cũng có hai mặt sấp ngửa, mất mặt này biết đâu lại cho chúng ta được mặt kia.

Trong mùa Lễ Tình yêu năm nay, tôi muốn viết vài dòng về Văn-Thi-Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và ca khúc “Căn nhà xưa” của ông, một sáng tác đã làm xúc động biết bao con tim người nghe một khi họ bất chợt bắt gặp nó đâu đó…

Cách đây khá lâu, một người bạn kể cho tôi nghe đã gặp ông bà Nguyễn Đình Toàn trong một buổi dạ tiệc. Hôm ấy trông ông có vẻ lặng lẽ, dáng hiền lành lẻ loi ngồi chung bàn ăn với vài người quen, nhưng dường như không chung câu chuyện với họ. Thỉnh thoảng bà lại gắp một món nào đó, bỏ vào chén rồi nhắc ông cầm đũa. Ông ít nói, kiệm lời trái với một Nguyễn Đình Toàn khi cầm bút, khi dòng văn-thơ-nhạc của ông như suối mát cứ mượt mà tuôn chảy len lỏi vào tâm hồn chúng ta. Và cứ vậy ở lại đấy mãi…

Nguyễn Đình Toàn là một trường hợp đặc biệt hiếm hoi trong giới văn chương, nghệ thuật miền nam. Nói là đặc biệt vì ở mỗi lãnh vực góp mặt nào ông đều để lại dấu ấn tài hoa đáng ngưỡng mộ. Trước 1975, chúng ta biết đến Nguyễn Đình Toàn qua những truyện dài như Chị Em Hải, Áo mơ phai (Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973), thơ có những bài tiêu biểu như Khi em về, Mai tôi đi, Khúc ca Phạm Thái… Ngoài sáng tác, ông còn được biết đến là người viết lời giới thiệu cho những bài hát trong chương trình Nhạc chủ đề vào mỗi tối thứ năm trên đài phát thanh Sài gòn. Điều đặc biệt là những đoản văn tình tứ lãng mạn ấy được chính giọng ấm áp truyền cảm của ông đọc lên. Vào thời đó và cho đến cả bây giờ, có biết bao người đã mê mẩn cái giọng đọc như ru hồn đó của ông. Trong một bài viết đăng cách đây khá lâu, nhà thơ Du Tử Lê đã từng gọi Nguyễn Đình Toàn là “người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam. Một cách diễn đạt dễ thương nhưng cũng rất gần gũi trong ý nghĩa.

Riêng về nhạc thì trước đây chúng ta chỉ biết ông là người viết lời cho hai tình khúc tuyệt vời của Vũ Thành An, Tình khúc thứ nhất và Em đến thăm anh đêm 30. Sau 75, Nguyễn Đình Toàn vì hoàn cảnh như bao văn nghệ sĩ khác đành gát bút. Nhưng không phải vì vậy mà tâm hồn ông khô cạn trước những gì đang xảy ra trước mắt mình, qua lăng kính của một tâm hồn nghệ sĩ đầy mẫn cảm, ông đã giấu kín suy nghĩ mình bằng những bài thơ, bằng những dòng nhạc kẻ nên trong trí nhớ. Đó cũng là một khúc rẻ đặc biệt để một Nguyễn Đình Toàn văn-thi sĩ bỗng nhiên trở thành nhạc sĩ tay ngang khó có ai sánh bằng. Hai ca khúc được biết đến nhiều nhất của ông là “Sài gòn niềm nhớ không tên” (nguyên bản có tên là Nước mắt cho Sài gòn) và “Căn nhà xưa”. Hoàn cảnh sáng tác của chúng cũng khác nhau, một ở trong nước và một khi ông đã ra định cư nước ngoài. Nhưng cả hai đều nói đến những mất mác hạnh phúc để lại cho ông nhiều nuối tiếc. “Sài gòn niềm nhớ không tên” viết cho tan biến của một thế chế tự do, còn “Căn nhà xưa” cho chia xa những ký ức riêng tư của chính mình.

Tuy tác giả chưa bao giờ thổ lộ, nhưng một người con của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn chia sẻ rằng, Căn nhà xưa là tình khúc ông viết tặng vợ mình nhân ngày sinh nhật, bà Thu Hồng Nguyễn Đình Toàn. Ông sáng tác và cho ra mắt bài hát này khi bà Thu Hồng hầu như mất trí nhớ vì căn bệnh Alzheimer. Phải chăng nhạc sĩ viết Căn nhà xưa như một cố công nhắc nhỡ những kỷ niệm của hai ông bà từng có nơi ấy, như một phương pháp trị liệu gián tiếp hồi phục vùng ký ức. Điều đáng tiếc là cách đây hơn một năm, bà Thu Hồng đã từ giã ông ra đi, bỏ lại căn nhà có khu vườn cải, có tường rêu và lũ ốc sên bò quanh, có tiếng nắng rêu giòn giã trên mái, có những đêm bình yên.

Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái.
Ở đó có những lũ sên bò quanh những vết nứt rêu tường xanh
Ở đó có lá cuốn dây ngoài song có gió mát đêm bình yên

Từ Căn nhà xưa của Nguyễn Đình Toàn còn có thể nghe được tiếng chuông giáo đường, và nếu nhìn qua một quãng không xa thì lại thấy có nghĩa trang buồn. Nơi căn nhà này ngoài những tháng ngày vui hạnh phúc, ông bà còn có những tháng năm khốn khó, những lần ông bị tù đày theo vận nước nổi trôi, một tay bà gánh vác gia đình, một mình bà tảo tần nuôi con thăm chồng. Từ một văn nhân nghệ sĩ đến một tù nhân không án kêu, thì bao giờ bà Thu Hồng Nguyễn Đình Toàn cũng là chỗ dựa cho ông yên tâm với công việc, bớt lo lắng vì những biến cố điêu đứng trong đời.

Ở đó có những tháng năm buồn tênh
khốn khó quyết nuôi tình duyên
đã trốn thoát qua nhiều phen

Nhạc và lời Nguyễn Đình Toàn tựa như thơ văn của ông bao giờ cũng đẹp một cách bình dị, không than vãn kêu ca, không hán tự điển tích, không chơi chữ rắc rối. Tất cả kín kẻ, gói ghém vừa đủ mang theo trong đó những xôn xao rộn ràng cần có cho chúng ta thấm hiểu.

Ở cuối bài hát Căn nhà xưa có một câu rất hay và mang tính ẩn dụ. “Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng.”
Người thiếu nữ như những cánh lá trà mọc trên thảo nguyên, khi còn xanh thì không có hương thơm, nhưng khi đã khô úa thì rất thơm nồng. Bà Thu Hồng thời thiếu nữ rủ bỏ tất cả những riêng tư của mình, núp bóng sau lưng cho sự nghiệp và cả gian truân của ông Nguyễn Đình Toàn. Cho dù thời gian trôi đi người thiếu nữ thuở nào không còn dáng dấp biếc xanh nhưng đổi lại là thấm đậm mùi hương. Ngày xưa chúng ta có bà Tú Xương vì sự nghiệp của chồng đã nắng mưa tảo tần, thì sau và cả trước tháng tư 1975 chúng ta có bà Thu Hồng, phu nhân Nguyễn Đình Toàn cứ vậy một đời vì chồng vì con trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bài hát này đã gây xúc động mạnh với nhiều người. Ai lại không có một căn nhà của riêng mình chất chứa bao kỷ niệm. Để nghe “Căn nhà xưa” của Nguyễn Đình Toàn mà cứ ngỡ là ông viết về chính căn nhà của mình.

Thỉnh thoảng tôi hay nghe lại “Căn Nhà xưa” mình tập hát cách đây khá lâu, khi bà Nguyễn Đình Toàn vẫn còn. Nhớ đến hình ảnh hai ông bà trong buổi dạ tiệc mà người bạn kể. Rồi chợt nghĩ về một văn-thi-nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn không còn bà một bên trong những bữa tiệc, không ai gắp và nhắc nhở ông cầm đũa dùng một món ăn nào đó, một Nguyễn Đình Toàn dáng dấp lẻ loi lại càng lẽ loi hơn bây giờ.

Mùa Lễ Tình nhân nghe và tìm hiểu về ca khúc “Căn nhà xưa”, chúng ta không khỏi đem lòng ngưỡng mộ người nghệ sĩ đáng kính Nguyễn Đình Toàn. Ông vẫn luôn hoài chung thủy với một cuộc tình. Và đi bên cạnh ông cho đến cuối đời, chúng ta cũng không thể nào quên nhắc đến tấm lòng hy sinh sắc son của bà Thu Hồng như một trân trọng quí hiếm. Tình vợ nghĩa chồng của ông bà Nguyễn Đình Toàn là một trong những nét đẹp của miền nam trước 1975, dù đã quá khứ nhưng chúng đang phản ảnh cho chúng ta biết ít nhiều về một nền văn học nhân bản, tự do đã bị đánh tráo khái niệm và hình ảnh.

Boston, mùa Lễ Tình nhân 2023
Trương Hữu Hiền

4 thoughts on “Căn Nhà Xưa”

  1. Cám ơn Hiền đã chia sẻ một bài văn và bản nhạc rất tình cảm của cố nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn.

  2. Cảm ơn Hiền đã chia sẻ một bài viết hay, một bài hát thấm! Nhớ lại hội ngộ liên trường năm 2016 được cô Lập đọc cho nghe bài thơ Thần Tượng thật lãng mạn của Nguyễn Đình Toàn. Hãy gọi Valentine’s Day là ngày lễ của mọi tình yêu thương chân thật bền lâu, không hẳn chỉ dành riêng cho tình nhân 🌹

  3. Sáng chủ nhật đọc và nghe anh Hiền hát. Hay toàn tập 😻
    Anh có “nghe sau lưng anh tiếng lá mừng, mừng đại gia đình NH có căn nhà xưa. Ở đó có ngày xưa xôn xao tìm về, có những vòng tay ôm hội ngộ tíu tít, có tiếng cười giòn tan như tiếng pháo đầu Xuân mới (em muốn khoe dịp tất niên và Tết Quý Mão vừa rồi lớp 6 tụi em có những bạn chạy xe mấy tiếng đồng hồ đến Garden Grove, chỉ để cho nhau cái ôm và ríu ran với nhau một lát), có nụ ấm lòng đêm Đông ghé thăm, làm tan đi cái lạnh tuyết rơi ngoài kia (lần gặp bất ngờ không định trước với chị Hân & Suong ở Chicago), có những sớm mai thức dậy còn được miễn phí nghe hát và đọc văn thơ lai láng (như sáng CN hôm ni nè 😛)
    Mãi mãi là như vậy, chân tình ở đó ❤️

    Chúc đại gia đình các anh chị và các bạn NH một Năm mới 2023 hạnh phúc, bình an cùng lời yêu thương cho ngày Lễ Tình Nhân 🌹

  4. Cám ơn Hiền đã kể lại chuyện tình cho đến cuối đời của người đã viết Tình khúc thứ nhất. Thật cảm động! H rất thích Bông Hồng tạ ơn của ông, nhất là được nghe giọng đọc của ông.

Leave a Reply to Ngọc Hân Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *