Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài

Mùa đông năm nay có vẻ như lạnh hơn mọi năm, mưa cũng nhiều hơn. Nhiều ngày bầu trời xám xịt, không khí ướt sũng cả tháng Giêng khiến tôi cũng lười ra khỏi nhà trừ những trường hợp bất khả kháng. Vậy mà hai tuần nay, ngay giữa mùa đông, mùa xuân như đang rón rén trở về khiến thời tiết trở nên ấm áp dễ chịu. Đường phố ở đâu cũng mang nhiều màu gam đỏ hồng. Vừa xong Tết Nguyên Đán của mình lại đến Valentine’s Day. Trước khi rời Việt Nam, tôi không nhớ nước mình có ngày lễ này, vậy mà bây giờ ngày Lễ Tình Nhân Valentine’s Day đã trở thành một lễ lớn tại Việt Nam và rất nhiều nơi khác trên thế giới.

Theo tôi nghĩ, chuyển ngữ từ tên gọi Valentine’s Day thành Lễ Tình Nhân cũng không hoàn toàn sát ý nghĩa lắm. Nghe từ Lễ Tình Nhân có vẽ như chỉ dành riêng cho hai người yêu nhau, và ngày này là dịp để họ trao quà mà tỏ bày thương yêu. Nhưng Valentine’s Day có ý nghĩa rộng hơn, ngày này không những cho lứa đôi mà cả dành cho tình cảm kết nối giữa người thân, bạn bè.

Tôi còn nhớ vào những năm con trai tôi học tiểu học, tôi phải in thiệp Valentine và gói bánh kẹo cho mỗi bạn trong lớp của nó, để chúng nó trao đổi nhau. Con trai về nhà hãnh diện nói với tôi rằng mấy bạn nó thích lắm. Tôi vui lây theo niềm vui của con. Bây giờ hai con tôi đều trưởng thành cả, dĩ nhiên chúng thích tự tay mình chọn quà và thiệp Valentine hơn.

“Dal vostro Valentino”

Tương truyền rằng vào thế kỷ thứ III, hoàng đế Claudius II cấm tổ chức đám cưới vì ông cho rằng các chàng trai không muốn thi hành nghĩa vụ quân dịch vì họ không muốn rời xa gia đình và người yêu của họ. Linh mục Valentino đã chống lại sắc lịnh này và bí mật cử hành hôn lễ cho các cặp vợ chồng trẻ. Thế là ông bị vướng vào vòng lao lý và bị kết án tử hình. Trước khi ra pháp trường ngày 14 tháng 2, ông gửi một tấm thiệp cho cô con gái người cai ngục đã từng được ông chữa khỏi bệnh mù lòa bẩm sinh bằng phép lạ, ký tên “dal vostro Valentino” (từ Valentino của em, from your Valentine). Ngày 14 tháng 2 đã trở thành ngày mà những người yêu nhau gửi thông điệp tình yêu cho nhau, ký tên “From your Valentine”. Để tỏ tình thương yêu trìu mến cho nhau họ xin người mình yêu  “Be my Valentine”, tặng cho nhau hoa hồng và chocolate. Ngày lễ Valentine dần trở thành một ngày lễ cho tình yêu thương, nay lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới.

Tình yêu thì muôn hình vạn trạng, khó mà định nghĩa cho chính xác được. Yêu một người nào đó có thể vì người đó hạp nhãn, hạp tính, cũng có thể vì người đó mang hình tượng tâm tư của chính mình, cũng có thể vì nghiện cảm xúc, cảm giác lâng lâng mà không muốn buông bỏ đánh mất. Tình yêu đôi khi như một giấc mơ đẹp mà người đang yêu không muốn bị lay thức dậy, năn nỉ được sống mãi trong giấc mơ ấy. 

“Tôi đang mơ giấc mộng dài”

Năn nỉ
Lệ Lan

Tôi đang mơ giấc mộng dài

Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh

Tôi đang nhìn thấy màu xanh

Ở trên cây cỏ rất lành rất thơm

Tôi đang nhìn thấy màu hồng

Của tôi thay đổi luôn luôn theo trời

Hoàng hôn màu đỏ mây tươi

Bình minh nắng trắng ấm trôi vào lòng

Những vì sao tím rất trong

Mảnh trăng vàng rỡ chờ mong tôi nhìn

Tôi đang nhìn thấy trong tim

Tình yêu bay những con chim tuyệt vời

Đừng lay tôi nhé cuộc đời

Tôi còn trẻ lắm cho tôi mơ mòng.

Đây là bài thơ mà cô Alice Lệ Lan đã viết tặng cho người mình yêu, tác giả của ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài”, Phạm Duy. Ông đã phổ nhạc từ bài thơ “Năn nỉ” của cô.

Cách đây hơn 10 năm, trong một dịp lướt net, tôi tình cờ đọc được Hồi Ký Phạm Duy gồm 4 tập. Tập nào cũng dài đăng đẳng. Tôi chỉ định liếc sơ qua cho biết, nhưng không ngờ càng đọc càng thấy lôi cuốn. Mỗi cuốn hồi ký là một giai đoạn đời của ông, với những bản nhạc ông đã sáng tác, lồng trong bối cảnh lịch sử đất nước.

Trước đó, mỗi khi nghe nhạc Phạm Duy, nhất là những bài tình ca ướt át, tôi tự hỏi ông là ai, ông lấy ý ở đâu ra mà viết nhạc đa dạng và phong phú như vậy. Bốn tập hồi ký của ông đã trả lời những thắc mắc đó. Ông có những mối quan hệ tình cảm trước và sau hôn nhân, cả với những cô gái “tóc vàng sợi nhỏ” trong thời gian du học ở Pháp, khiến tôi vừa đọc vừa lắc đầu ngao ngán “ông này hoang đàng quá!” Nhưng nghĩ lại mình là ai mà dám phán xét, khen chê những gì người khác làm. Chỉ biết ông đã để lại cho đời một tài sản âm nhạc đồ sộ nhất nước. Người nghệ sĩ là vậy! Họ cần cảm xúc để sáng tác.

Sau khi đọc xong hồi ký, tôi phải thầm phục những bài ca về quê hương, tuổi thơ, bé ca, nữ ca, bình ca, tình ca… quá hay! Và tôi mê nhạc Phạm Duy từ đấy. Ngoài ra, Phạm Duy có tài phổ nhạc từ thơ, mà không bị gò bó bởi cấu trúc của bài thơ. 

Có một dạo nghe Thái Thanh ca bài “Bà Mẹ Gio Linh” mà tôi lạnh xương sống, cảm động đến rưng rưng. Quá xúc động về câu chuyện thương tâm của bà mẹ Gio Linh mà ông đã chính tai nghe bà kể, đêm về không ngủ ông viết thành ca khúc để đời ấy.

Tôi còn tưởng bài “Cành hoa trắng” viết về một cô gái, cô tiên bị trời giáng xuống trần gian để chịu khổ vì tình. Nhưng hóa ra không phải. Ông viết cho thân phận của ông như tiên bị đày xuống trần gian, phải sống với Việt Minh sau khi khám phá ra bộ mặt thật của họ với danh nghĩa cách mạng kháng chiến chống Pháp. Thèm sáng tác mà không dám lộ liễu than thân trách phận, phải mượn danh nghĩa của một cành hoa trắng.

Và còn rất nhiều nhiều câu chuyện đằng sau những sáng tác của ông. Và câu chuyện của bài “Tôi đang mơ giấc mộng dài” là một mối tình cao thượng, theo như ông kể dưới đây:

Trong Chương 25 của cuốn Hồi Ký THỜI VÀO ĐỜI, tôi nói tới những ngày rất đẹp khi ghé lại tỉnh Phan Thiết vào năm 1944. Tại thành phố sáng sủa và ấm áp này, nhờ bài hát Buồn Tàn Thu của Văn Cao, tôi làm quen với một goá phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt-Anh tên là Hélène. Nàng ở với mẹ già và hai đứa con, một gái là Alice, một trai là Roger, tại một đồn điền ở Suốt Kiết, cách tỉnh lỵ không xa. Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng và trong sạch. Mối tình nửa kín nửa hở được hiểu ngầm là khá say sưa. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương cả, chẳng khác chi trong những mối tình câm lặng khi tôi mới 16 tuổi. Mối tình thốt lên qua những lời ca tôi mượn của Đặng Thế Phong, Lê Thương, hay Văn Cao và qua những lời thơ nàng mượn của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay Huy Cận. Rất có thể vào lúc đó, tôi mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh Cải Lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng, chúng tôi chỉ được coi đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, chuyện con dế con giun nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái như trong tiểu thuyết hay trên màn ảnh cinéma.

Khi tôi giã từ Phan Thiết và Hélène để theo gánh hát vào Nam, nàng tiễn tôi trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, tôi nhận nhiều bức thư (và cả những bài thơ) của Hélène. Tôi cũng luôn luôn gửi thư cho nàng. Tất cả những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư mầu xanh mầu tím… chao ôi, sao mà giống như những gì bao quanh một mối tình huyền diệu. Thực tế, đó chỉ là một mối tình suông! Cho nên khi xẩy ra Cách Mạng và kháng chiến ở miền Nam khiến tôi phải chạy khỏi Saigon, leo lên xe lửa trở về miền Bắc, tàu hoả ngừng tại ga Suốt Kiết mà tôi cũng không ghé thăm Hélène. Rồi kể từ đó, tôi quên nàng goá phụ trẻ tuổi. 

Trở lại Saigon vào năm 1951, tôi chẳng có lúc nào nhớ tới người đẹp Phan Thiết cả. Năm tháng trôi qua với những sinh động và xuẩn động trong nghề nghiệp cũng như trong đời tư, sau tai nạn ái tình kể trên, một hôm tôi đang lang thang trước chợ Bến Thành, đột nhiên Hélène hiện ra trước mắt. Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi đứng nói chuyện rất lâu, biết rằng đôi bên đã có gia đình, tôi đã có bốn đứa con, nàng có thêm ba đứa con nữa. Alice và Roger đã lớn…

– Nếu “ông” rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kìa!

Tôi vội vàng đi theo Hélène về nhà. Hai cháu Alice và Roger chạy ra nắm tay chú. Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương… Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quít tôi như người quen biết từ lâu.

Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Hélène. Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người chung quanh khinh khi, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe cả hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội gì cả! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy! Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, tôi phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (về sau nàng lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Hélène mà ra).

Trong suốt một năm, hằng tuần, tôi lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô bé có vẻ không yêu người cha ghẻ. Hình như tất cả những cô bé sớm mồ côi cha đều không ưa người chồng mới của mẹ mình. Đã không ưa dượng thì chắc chắn cũng ít khi tâm sự với mẹ. Tôi là người có may mắn được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Càng nhìn mặt, càng nghe chuyện cô bé, tôi càng thấy Alice giống Hélène. Cũng vẫn giọng nói đó, cũng vẫn những chuyện tôi đã nghe nơi người mẹ, nói về cuộc đời, nói về mình, nói về người và nhất là nói về nền thi ca Việt Nam.

Thế là cái lưới ái tình chật hẹp tung lên vào năm 1944 mà không chụp vào đầu tôi, hơn mười năm sau, vì không tránh né nên tôi chui tọt vào lưới.

Một chiều mùa Thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Tôi bỏ ra 10 năm để xây dựng một cuộc tình mà kết quả là một số bản tình ca soạn ra để riêng tặng nàng, từ Thương Tình Ca (1956) cho tới Chỉ Chừng Đó Thôi(1975). Nàng cũng viết ra khoảng 300 bài thơ để tặng tôi, trong đó có bài tôi phóng tác thành ca khúc :

Tôi đang mơ giấc mộng dài

Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh…

Đừng lay tôi nhé cuộc đời

Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng

(Trích Hồi ký Phạm Duy – Tập 3 – Chương 8)

Trong hoàn cảnh đất nước ngả nghiêng như vậy, nhất là sau vụ Tết Mậu Thân, tôi không còn bụng dạ nào để nghĩ tới chuyện tâm tình. Tôi không còn thảnh thơi để cuối tuần lái xe đi đón người tình rồi chúng tôi ngồi trong xe hơi hay trên một bãi cỏ hoang ở vùng ngoại ô, nói với nhau những chuyện cao xa, thơ mộng. Người bạn gái cũng cảm thấy phải xa tôi để bước lên xe hoa. Qua một lá thư viết bằng bút chì, nàng giã từ tôi, không buồn rầu nuối tiếc, không ân hận xót xa. Xong rồi, mối tình của tôi phải chấm dứt ở đây rồi. Tôi soạn bài Nghìn Trùng Xa Cách, coi như lời tiễn biệt người yêu:

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi! 

Còn gì đâu nữa mà khóc với cười?

 …Vâng, nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi, tôi chỉ còn lời trăn trối gửi đến cho người:

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời 

Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người…

Tôi sẽ có dịp để biết nàng có hạnh phúc hay không, mấy chục năm sau.

(Trích Hồi ký Phạm Duy – Tập 3 – Chương 17)

Theo như tôi biết, cô Alice Lệ Lan đã có một gia đình hạnh phúc. Cám ơn cô Alice Lệ Lan đã khiến nhạc sĩ Phạm Duy thăng hoa trong tình yêu, ý thơ và âm nhạc để đời cho nhiều thế hệ sau.

Ngày Lễ Tình Nhân 2023
Như Hòe

8 thoughts on “Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài”

  1. Phạm Duy là phù thuỷ âm nhạc nhưng qua ngòi bút của Như Hoè thì thấy một tâm hồn lãng mạn,đi hoang..cũng tuyệt vì điều đó làm nên những ca khúc để đời!

    1. Cám ơn chị Huệ đã chịu khó đọc bài viết này mà phần đông là bản sưu tầm trong Hồi Ký Phạm Duy. Em nghĩ một khi mình đưa ra một phân xét tiêu cực nào đó về một ai, tức là mình cho người dó sai và vô hình chung mình tự cho là mình đúng. Đúng sai cũng không thể đứng từ một góc mà nhìn ra hết được. Đàn ông, cơ địa, tư duy, cảm xúc rất khác người phụ nữ. Hình như cô Thâi Hằng rất hiểu về vấn đề này cho nên họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau cho đến cuối đời 😍

  2. Chị Hoè cũng đang mơ giấc mơ dài phải không chị ơi !
    Có lẽ trong cuộc đời ai cũng có chút say say lòng cho một Valentine ‘s Day 😍

    1. Nếu được sống trong sự bình an, yêu thương, hoa hợp với thiên nhiên và vũ trụ là một giấc mộng dài thì chị xin được sống ở đó mãi. Nhưng nếu đó không là một giấc mộng dài mà là hiện thực, thì đó là sống trong tỉnh thức (mindfulness :). Mến chúc Phương Điệp luôn được bình an hạnh phúc, và ngày nào cũng là ngày Valentine’s 💕

  3. Xưa nay thích nhiều bài hát của nhạc sị Phạm Duy, nhưng chưa biết đẳng sau mỗi bài thường là một câu chuyện của chính ông hay một nhân vật nào đó đã làm ông xúc động mà sáng tác nên. Nay thì thú vị thêm khi nghe “Tôi đang mơ giâc mộng dài, Nghìn trùng xa cách, Cỏ Hồng, Thương tình ca, Chỉ chừng đó thôi … Cám ơn Như Hòe thật nhiều về bài hát TĐMGMD và những tình tiết trong đó. Cho nghe thêm về nhạc Phạm Duy nhé!

    1. Sau khi hiểu được những tình tiết đằng sau ca khúc thì mình sẽ hát với cảm xúc khác hơn. Cố nhạc sĩ Phạm Duy có quá nhiều bài hay mà H rất muốn hát, chỉ sợ mình hát không tới thôi 🙂 Với H, ông là một thiên tài!

Leave a Reply to Nguyen Tam Sơn Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *