Từ Hồng Kông Đến Vịnh Hạ Long

Hôm giữa tháng hai, vợ chồng tôi làm một chuyến du ngoạn ra Bắc. Đáp máy bay đến Hà Nội vào buổi tối, check in xong là rượt rượt ra Hồ Gươm ngắm cầu Thê Húc và Tháp Rùa. Sau đó về thăm nhà cô em con người chú ruột. Chú tôi ngày xưa tập kết ra Bắc lấy vợ Hà thành, nên sau tháng tư 1975 tự nhiên nhà tôi là dân Quảng Nam chính hiệu mà lọt ra 2 đứa em họ hàng người Bắc chính tông. Tôi thường gọi cô em này là cô em Hà Nội. Đây là lần đầu tiên chồng tôi gặp cô em vợ người Bắc của gia đình họ Đỗ. Đi đến nhà em ở phố rộng Minh Khai, tìm đến Ngõ nho nhỏ, rồi chui vào Ngách nhỏ xíu. Tôi thấy hai chữ “Ngõ” và “Ngách” nghe hay quá, như chữ Kiệt ở miền Trung và trong Nam chữ Hẻm cũng dễ thương không kém. Tôi mới học được hai chữ “Chặt Hẻm”, có nghĩa là đi tắt qua mấy đường hẻm để đỡ kẹt xe; về Sài Gòn lâu lâu em tôi chở đi xe máy từ Quận 7 sang Quận 1 Quận 3 thường hay chặt hẻm rất điêu luyện. Bên Mỹ thì chỉ có một chữ Alley là xong hết, mà alley nào cũng bự nên xe máy không có dịp lèo lách vào ngõ kiệt như bên này! Sáng hôm sau là đúng ngày “lễ tình nhân”, hai vợ chồng tôi tà tà ăn sáng, hết mặn đến ngọt, hết trà rồi cà phê. Hai đứa tôi âu yếm nắm tay nhau… gọi về cho hai con gái cưng. FaceTime khoe với con “private breakfast nook” của bố mẹ, nhìn ra phía xa xa dưới kia là hồ Gươm. Tôi kể về truyền thuyết vua Lê Lợi sau khi đuổi giặc Minh, trả lại gươm báu cho rùa thần đem về cho Long Vương, luôn tiện giải thích 2 chữ Hoàn Kiếm cho hai cô nàng. Bé Mơ mặt mày nhăn nhó “OMG FOMO quá mẹ ơi!” Hai con tôi là hai đôi chân bay nhảy nên lúc nào cũng “Trời ơi! Tiếc quá, quá tiếc”. Sáng hôm đó vợ chồng tôi vác tô chén sang một bên riêng của phòng ăn, hơi xa chỗ quầy buffet nhưng lại có không gian riêng biệt cho đôi già tha hồ lãng mạn. Tôi còn chôm nguyên một bình hoa màu đỏ khá đẹp đem qua bàn mình và trên tường họ có treo bong bóng lơ lững hình quả tim màu hồng đầy dấu hiệu của Valentine’s Day! Bởi vậy cho nên…

Vì đú đa đú đởn quên cả giờ giấc nên phút cuối phải chạy như giặc. Chồng có phone trong túi nhưng không nghe tài xế gọi, vợ thì muốn thả bộ từ hotel ra Opera House để đón xe ở đó. Trong lúc đang tung tăng, tài xế đến hotel kiếm không ra đôi trẻ lạc. Báo hại tài xế lẫn nhân viên ivivu.com đều tá hoả. Cũng may là họ làm việc tận tình, và giờ cuối chồng tôi bắt phone kịp thời nên xe quay lại nhà hát lớn để đón mình. Là hai kẻ đến sau, hết chỗ nên chồng bị xuống ngồi dãy ghế sau cùng, vợ thì được vinh hạnh ngồi kế bên bác tài. Đáng đời, già mà còn ham vi vu! Đôi ngưu lang chức nữ bị chia cách nguyên chiều dài của chiếc xe khách từ Hà Nội đến cảng Tuần Châu. Lâu lâu xe dừng tại các trạm duỗi chân thì đôi trẻ được gặp nhau, trao đổi chớp nhoáng.

Lúc thì:

-Cưng ngồi trên, cạnh bác tài có ok không? Bố ngồi dưới hơi mỏi cái lưng.
-Dạ ngồi trên đó cái lưng không mỏi nhưng con tim thì đau, cái đầu thì nhức.
-Vì ngồi xa nhớ bố?
-Dạ không, bác tài nói nhiều nghe bể cái đầu và bác lái xe anh hùng quá, làm V hồi hộp.

Lúc thì:

-Có chuyện này hay ho mà V không nghĩ ra ngay từ đầu. V đeo iPod vào học Duolingo, bác tài hết nói!
-Ủa wifi ở đâu ra vậy?
-Dạ mình xin dùng hotspot của phone bác tài. Phone bác cắm ngay trước mặt V, và trong túi bác thêm một phone nữa! Bác rất lịch thiệp, bảo V là: “Tôi không biết bật “nên” như thế nào. Bác cứ bật “nên”thử xem nhá!”

Đến cảng Tuần Châu gặp các nhân viên du thuyền Dora lịch thiệp và chu đáo. Khách được làm thủ tục nhanh gọn trật tự. Riêng anh điều khiển chương trình, người Việt nhìn giống người Tàu, tự giới thiệu tên là Bruce, nói tiếng Anh khá sỏi pha chút khôi hài, thỉnh thoảng hay đùa mình là Bruce Lee (Lý Tiểu Long). Khách trẻ tuổi chắc không biết LTL là ai nhưng các vị lớn tuổi thì cũng có người phá ra cười theo những câu nói hề của anh Bruce. Những lúc như vậy trông anh ta cười khoái chí lắm. Sau đó tàu nhỏ đưa khách ra để lên du thuyền đang đậu ngoài khơi. Vừa xuống tàu nhỏ này, tôi chợt nhớ chuyến hành trình khủng khiếp của 44 năm về trước:

-Bố, cái tàu này đi vuợt biển như mình hồi xưa được không?
-Cưng có thấy tàu này lớn hơn ghe mình đi hồi xưa không? Bự gấp mấy lần ghe mình?
-Ừ hè, mình là ghe đây là tàu bự.
-Cưng có biết máy tàu này mạnh biết bao nhiêu không?
-Dạ bao nhiêu?
-Bố không biết (!), nhưng tàu bự và lướt sóng nhanh như vậy thì máy mạnh gấp ngàn lần ghe mình ngày xưa. Ghe mình máy chưa được F1. Cưng nghĩ sao mà còn hỏi vậy?

Trời ơi chồng tôi làm dốc ghê. Tôi hỏi có một câu hơi ngu thơ mà bị tra vấn lại bao nhiêu là câu hỏi, theo cái kiểu bắt tôi phải tự suy nghĩ theo logic!

Buổi trưa ăn buffet trên du thuyền Dora khá ngon. Nhân viên tiếp tân thì lịch sự hết mình. Vì đa số khách là người nước ngoài nên chúng tôi, đôi trẻ VN, được các em săn sóc đặc biệt. Xin thêm nước nóng: “Dạ có ngay cô nhá, cô về bàn con đem ra cho cô.” Hỏi xin tương ớt: “Dạ có, chú đợi chút nhé!” Lâu lâu các em còn đứng ở bàn chúng tôi huyên thuyên đủ chuyện, có lẻ vì được nói tiếng Việt khoẻ re! Xế chiều sau khi chèo kayak, hai đứa tôi lên bong tàu nằm đánh 1 giấc. Nằm thiu thiu nhìn quanh thấy phong cảnh núi non hùng vĩ, chung quanh vùng vịnh nước êm và xanh như ngọc. Sau một lúc thì chồng tôi, nữa đùa nữa thật, nói theo giọng điệu của một anh xe Grab ở Hà Nội “đẹp thì đẹp đấy, nhưng cứ vậy thôi, núi và nước, nước và núi. Bác có hiểu em nói gì không?” Chúng tôi cười nhớ lại anh tài xế xe Grab tối hôm từ phi trường Nội Bài về phố cổ Hà Nội, anh nói không ngừng nghĩ, luôn chấm câu bằng: Bác có hiểu em nói gì không? Nàng Dora rẽ sóng quanh vịnh Lan Hạ, chiều xuống thật êm đềm. Khi trời tối nhìn thấy đèn sáng nhấp nhô từ phía bờ xa xa. Hai đứa lại nhắc chuyện năm xưa chiếc thuyền nan bé tí xíu, hình như đã thấy đảo Hải Nam rồi, nhưng vì không có la bàn, không có bản đồ hải lý và nhất là cứ tưởng đó là vịnh Hạ Long nên không dám tấp vào. Báo hại đi lạc thêm bao nhiêu là dặm, đói khát thêm bao nhiêu là ngày. Tôi nghĩ chắc tôi sẽ không thấy cảng nào đẹp bằng cảng Victoria, và không có đèn nào sáng đẹp như đèn Hồng Kông của 44 năm trước. Đêm Hồng Kông đẹp tuyệt vời khi chiếc thuyền nan chở 39 mạng người đói rách trôi vào gần bờ, nhìn đèn sáng từ xa như hàng triệu viên kim cương sáng lóng lánh bên bờ biển đen tuyền. Lúc ấy mới biết mình thật sự thoát chết sau một chuyến hải hành đầy hiểm nguy, khoảng cách giữa sự sống và cái chết là bão táp ngay đêm đầu tiên, là mặt nước biển bao la ghe không biết trôi về đâu những ngày sau đó, là đói là khát, là cánh buồm tả tơi, là ván thuyền đang trên đà mục nát…

Sau bữa ăn tối, thuyền Dora có màn văn nghệ karaoke nghiệp dư. Các em tiếp viên lên hát, hết nhạc Việt đến nhạc Mỹ, từ điệu hát mùi mẫn quê hương đến nhạc rap đời nay. Nghe một em rap tiếng Việt cũng dễ thương nên tôi ráng banh tai lên nghe. Tôi thấy các em mộc mạc dễ mến, hát không hay mà vẫn thấy hay hay. Sau đó anh Bruce mời khách lên tham dự, điểm danh từ Anh, Brazil, Thụy Điển, Hà Lan, Pháp, Úc, Canada, Mỹ. Đa số hát tiếng Anh, nhiều bài nghe quen thì cả khách lẫn tiếp viên đều phụ hoạ theo vui nhộn. Khi anh Bruce gọi chúng tôi đại diện cho Hoa Kỳ, tôi can đảm bước lên vì nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ gặp lại các vị này nên… chơi luôn! Tôi cầm mic, tự nhiên thấy cảm động quá. Bao nhiêu ký ức trên chiếc ghe nhỏ xíu tràn về trong đầu, bao nhiêu bùi ngùi dâng tràn trong tim lúc đó. “It really is a bittersweet moment. It’s life coming a full cycle.” Tôi chia sẻ điều này bằng tiếng Anh với họ. Tôi kể mình ra đi đã lâu lắm, một chuyến đi nhiều đắng cay (bitter) trong đời. Nhưng tối nay đứng ở đây, trên chiếc du thuyền này, tôi nếm được ngọt bùi (sweet). Và xin phép sẽ hát bằng tiếng Việt. Định bụng hát bài “Bên kia sông” thơ của Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, vì bài này tôi đã hát trong tiệc cưới để tặng chồng nhân dịp sang sông 30 năm trước. Nhưng tôi nghĩ lại, đây không phải là thính giả cho bài hát này. Với lại đang ở biển mà hát “bên kia sông là ánh mặt trời, bên kia đồi cỏ hoa đan lối” thì hơi lạc đề. Bèn hát bài “Đám cưới trên đường quê” cho đơn giản, sau khi giải thích sơ qua về chủ đề bài hát cho quý vị nước ngoài hiểu chút ít. Cuối cùng tôi nói xin tặng riêng cho chồng mình để kỷ niệm 30 năm sau. Chồng tôi thấy thương vợ quá bèn chạy lên phụ họa nên cuối cùng thành màn song ca. Đúng như câu: “Phụ xướng phu tùng.”

Tối hôm đó đôi trẻ chúng tôi kết thúc màn văn nghệ của du thuyền luôn. Có anh khách người Hà Lan, tên Stefan cao ráo đẹp trai, chạy laị nói: “Trời ơi, cô làm tôi cảm động ghê. Lúc chiều tôi có nghe chồng cô kể sơ qua. Quả là một câu chuyện ly kỳ!” Sau đó Stefan airdrop cho chúng tôi rất nhiều hình, và anh ta có quay video nữa. Thế là hai vợ chồng tôi có đầy đủ bằng chứng để đem về khoe con là bố mẹ mình cũng “cool” như ai. Sáng hôm sau lại đi thuyền nhỏ, nhưng lần này đi thuyền nhỏ ra ghe chèo nhỏ hơn để đi thăm hang động. Trong chương trình thì đề sẽ đi thăm hai hang động: hang Sáng và hang Tối, nhưng hôm đó trời mờ mờ nên họ huỷ đi hang Tối. Tôi thấy không có lý lắm, vì hang Tối thì tối thui, cần gì trời mờ hay trời trong? Nghĩ vậy nhưng không dám hỏi ai, nhất là không dám hỏi chồng tôi. Thăm hang Sáng thôi cũng đẹp mê hồn. Và kết thúc chuyến du ngoạn bằng một chữ “Sáng” cũng hay.

Đỗ Thanh Vịnh, Sài Gòn tháng 3, 2023.
P.S. Nhớ đón xem bài tới: Đứng ở Sapa lại nhớ Ta Hồ (Tahoe)

8 thoughts on “Từ Hồng Kông Đến Vịnh Hạ Long”

  1. Văn của Vịnh lúc nào cũng dí dỏm trào phúng. Đọc mà như “nghe” luôn được những ý nghĩ trong đầu của Vịnh. Hy vọng sớm được đọc bài Sapa/Ta Hồ của Vịnh. 😍

    1. NH ơi, đi chơi thì lúc nào cũng vui nên dễ viết cho dzui. Nhất là VN mình có nhiều chuyện rất trào phúng nữa. Ta Hồ vẫn chưa ra chữ nữa, đang bị mental block đây nì.

  2. Phục Vịnh-Tuần ở chỗ, lúc nào cũng lạc quan yêu đời dù trong mọi hoàn cảnh. Hồi tưởng lại những lúc khốn khó, hiểm nguy như lúc lên thuyền vượt biên, để thấy hiện tại tươi đẹp hạnh phúc hơn rất nhiều. Chúc đôi trẻ mãi mãi như vậy cho bạn bè vui theo nhé! 🙂

    1. Hiền ơi, khi mô đi chơi cũng lạc quan yêu đời hết đó tề. Chuyến rồi về quê, đôi trẻ rất mê ĐN mình. Sẽ viết về ĐN mình đó. Chúc Châu Hiền vui nhiều.

  3. Đôi trẻ đi tuần trăng mật, lại nhớ lúc vượt biên. Phải qua khổ mới biết sướng 😀.

    1. Có những chuyện không bao giờ quên được T hỉ, vượt biên là 1 chuyến đi nhớ cả đời! Nên chi già rồi vẫn còn trẻ lắm đó Thành…Chúc T vui khoẻ nghe.

  4. Tuấn Vịnh vui tới bến há, chúc mừng đôi uyên ương 30-năm! Bùi ngùi theo khi Vịnh nhắc lại chuyến vượt biển đến HK.

    1. Mẹ Hân, chuyến rồi gặp con rể hụt và con dâu mới ở SG vui lắm. Tiếc là TV không gặp hai đứa hắn ở Hà Nội Sa Pa, gặp chắc còn vui bội phần. See you soon mẹ Hân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *