Huyền Thoại “Những ngày chủ nhật…”

    Cảnh trong phim “Những ngày chủ nhật trên thành phố Ville d’Auray”

Có thể nào vừa ngưỡng mộ vừa cảm động khi phải xem một bộ phim kể lại mối tình của một người đàn ông 30 tuổi và một bé gái 12 tuổi chăng?

Điều đó cũng rất có thể nhưng phải kèm theo nhiều điều kiện: người đàn ông phải là một người mất trí, tầm thông minh của ông chỉ ở mức độ của tuổi 13; đứa bé thủ vai chính phải có biệt tài và đạo diễn phải là một tài năng hết cỡ; ba yếu tố trên làm cho câu chuyện nhuốm màu thi tứ và mộng mơ. Đó là trường hợp của bộ phim Les dimanches de Ville d’Auray (Những ngày chủ nhật trên thành phố Ville d’Auray) do đạo diễn Serge Bourguignon thực hiện.

Mối tình trẻ thơ

Mở đầu phim là cảnh giội bom khủng khiếp một vùng quê nào đó ở Đông Dương, làm người ta nghĩ ngay đến chiến tranh Việt Nam. Cận cảnh cuối cùng được phóng to là khuôn mặt hãi hùng của một bé gái với tiếng thét xé lòng, tiếp theo là cử chỉ sửng sốt của người lái máy bay, ông giật phắt chiếc mũ phi công ra khỏi đầu. Trên một sân ga em ắng của thành phố Ville d’Avray đã văn người, chỉ còn lại người phi công đang chờ đợi một ai đó, anh lơ láo dán mắt vào tấm quảng cáo có hàng dừa xanh hình ảnh đã làm cho anh nhớ lại một dĩ vãng xa xôi…
Bỗng nhiên trên màn ảnh xuất hiện một cô bé gái, trạc 13 tuổi, đang níu tay một người đàn ông cô bé vừa rấm rứt khóc vừa van lớn: “Con van bố, bố đừng bỏ con vào ký túc xá…”. Tiếng khóc càng lúc càng day dứt cuốn hút lấy người phi công. Anh tiến lại gần và bảo: “Không nên để bé khóc như thế”. Giọng nói thảng thốt với đôi mắt ngẩn ngơ. Anh chìa bàn tay chứa đầy những viên sỏi nhỏ và bảo cô bé hãy chọn lấy viên nào cô thích nhất. Hai luồng nhãn quang giao tiếp như báo hiệu một cơn dông tố bắt đầu. Người cha giật tay cô bé ra và lôi cô bé xoãi chân trên một lối mòn chạy dọc theo một bức tường đen đủi. Ngớ ngẩn, người phi công đuổi theo. Sau khi đưa cô bé vào ký túc xá và sau khi hứa sẽ trở lại mỗi cuối tuần để đưa cô bé đi chơi, người cha vứt bỏ cặp giấy chứa những giấy tờ có liên quan đến cô con gái và biến mất trong đêm. Pierre – tên người phi công – nghe lỏm được câu chuyện của hai cha con, anh nhặt lấy cặp giấy và trở về. Từ đó cứ mỗi cuối tuần, nhân danh cha đến thăm và đưa Françoise – tên cô bé – đi chơi.

Họ lang thang trong các khu rừng các hồ nước, các nẻo đường vắng lặng, họ đuổi nhau, chơi ú tim như những đứa trẻ. Françoise kể cho Pierre nghe về quá khứ của em, về gia đình, về bà ngoại. Pierre kể cho em nghe về những tập tục của người châu Phi như việc họ dùng dao găm để đoán vận mệnh của một người… Em cho Pierre biết Françoise không phải là tên thật của mình. Françoise mơ có một gia đình và trong đó Pierre sẽ là chồng. Françoise đã sống với quá khứ, đang sống trong hiện tại và sẽ sống cho tương lai, trong khi đó thì Pierre chỉ còn có hiện tại.

Hiện tại mong manh

Những ngày chủ nhật lang thang trên các nẻo đường của thành phố Ville d’Avray trôi qua một cách êm đềm. Thế rồi một chủ nhật kia, khi Madeleine, người nữ y tá đã tận tình săn sóc và yêu thương Pierre, được nghỉ phép, cô bảo cho Pierre biết là họ được bạn bè mời đi chơi. Pierre sửng sốt vì đời sống nhịp nhàng của những ngày chủ nhật sẽ bị xáo trộn và anh không có phương tiện nào để báo trước cho Françoise. Anh cố tìm cách thoái thác nhưng không xong. Sau khi ăn uống xong, họ kéo đi xem tướng số và vì muốn làm quà cho Françoise, anh đã lấy trộm chiếc dao găm của nhà bà đoán số. Về phần Madeleine, cô muốn lại gần Pierre thì Pierre lại cố tình lẩn tránh. Pierre là một người mất trí, mọi hành động của anh đều do bản năng dắt dẫn, tất cả những điều đó đều không qua mắt được cô y tá Madeleine. Madeleine bắt đầu theo dõi, cô bỗng nhận ra mối tình của Pierre và Françoise là mối tình trẻ thơ, đầy thi tứ và hồn nhiên đến cảm động. Cô thông cảm và càng yêu thương Pierre hơn.

Mùa Giáng sinh sắp đến, Pierre hứa với Françoise là sẽ tổ chức một đêm Giáng sinh tuyệt diệu cho chính họ. Trong đêm Giáng sinh, Pierre sẽ mang đến một cây thông và con gà trống sắt trên đỉnh nhà thờ và Françoise sẽ viết tên thật của mình trên một mảnh giấy bỏ vào một chiếc hộp để treo trên cây thông Đêm Giáng sinh đến, “họ vui vẻ chạm cốc champagne, và Pierre mở chiếc hộp, trong đó có hàng chữ CYBELE..
Cảnh cuối cùng Pierre nằm sóng soài trước họng súng của viên cảnh sát. Françoise nghẹn ngào bên thân thể bất động của Pierre. Viên cảnh sát cho biết may mà ông kịp thời hạ sát Pierre, nếu không thì hung thủ đã dùng dao găm để giết chết đứa bé! Một ngộ nhận hàm hồ. Viên cảnh sát tiến gần lại Françoise và hỏi: “Cháu tên gì?”. Cô bé hét lên: “Tôi không có tên. Tôi chẳng là ai cả”. Ống kính quét từ từ trên bức tường đen đủi của một tu viện, đồng thời một khúc nhạc đưa tang trỗi mạnh…

Hai nhân vật chính của phim là hai con người bị quá khứ đốn ngã, họ tìm về nhau, cần có nhau, nương tựa vào nhau để xây dựng một hiện tại mong manh. Giữa họ có một gắn bó thân thương và một tình thương trong sáng. Tất cả những tình tiết ý tứ ấy đều được khai thác một cách hết sức tế nhị. Không phải đơn giản mà một bài phê bình trong tờ Neusueek viết: “Đây là một bộ phim chưa từng có trong lịch sử điện ảnh, và sẽ chẳng bao giờ có một bộ phim như thế”. Cũng tại Mỹ, một bài phê bình phim khác đã viết: “Đây không phải là một bộ phim mà là một màn ảo thuật”.

Một hiện tượng hiếm có

Ngay lúc trình làng năm 1962, Những ngày chủ nhật trên thành phố Ville d’Avray đã làm giới điện ảnh xôn xao, được xem như là một thành công lớn cho nền điện ảnh nước Pháp. Vào thời đó, bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng như: Chiến thắng (Victoire), tương đương với giải César hiện nay, giải Oscar cho phim nước ngoài, giải thưởng lớn của nền điện ảnh Nhật Bản… Với tất cả các giải thưởng mà phim đã nhận được, lẽ ra phim đã chuyển ra DVD từ lâu. Thế nhưng không, vì những rối rắm tiềm ẩn trong giới điện ảnh ở Pháp vào thời đó, phim chỉ mới chuyển qua DVD vào tháng 12-2014.

Việc bộ phim không được chiếu trên màn ảnh truyền hình, không được phát hành trên DVD và chỉ được chiếu một cách hiếm hoi trên màn ảnh lớn đã làm cho huyền thoại Những ngày chủ nhật trên thành phố Ville d’Avray càng lúc càng lớn mạnh hơn. Cinémathèque française ở Paris chỉ chiếu lại khoảng 10 năm một lần và lần nào cũng đầy ắp khán giả. Vào tháng 4 năm ngoái, sau 48 năm vắng bóng, phim đã được chiếu lại ở một số rạp và lần này kéo dài đến hơn năm tuần, đó là một hiện tượng hiếm có. Thời gian đã không để lại một tì vết nào trên bộ phim “mãi thơ dại” này.

PHAN HỒNG HẠNH

2 thoughts on “Huyền Thoại “Những ngày chủ nhật…””

  1. Con cám ơn cô đã giới thiệu cuốn phim này, như một nhà bình luận phim chuyên nghiệp! Không biết là có tìm ra để xem được không 🥹

  2. Cám ơn cô Hạnh đã viết tóm tắt lại chuyện film. Em ước gì có thể tìm thấy nơi chiếu để có thể coi tại Cali. Đọc xong mới biết được tên Cybele mà dì Nhụy ( cô giáo của Lycee Pascal ) đặt cho cô em cousine là lấy từ đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *