KHAI HÓA – CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ

(Chia sẻ từ trang Facebook của Nguyễn Quyết)

Thưở nhỏ trước năm 75 tụi tôi rất thích, gần như say mê các thể loại, một là xem phim, hai là đọc truyện. Cứ rảnh rỗi sau buổi học chiều 2 giờ đầu, tụi tôi rủ nhau đi coi cine. Bấy giờ ở Đà nẵng có mấy rạp quen thuộc là Kinh Đô, Kim Châu trên đường Độc Lập, rạp Lido trên đường Phan Châu Trinh. Giá vé rẻ, bình dân thì có rạp Tân Thanh sau lưng chợ Cồn, trên con đường nhỏ đi xuyên dưới cầu vồng. Sau nầy có thêm hai rạp xây dựng hiện đại là Trưng Vương trên đường Đồng Khánh và rạp Kim trên đường Phan Đình Phùng.

Hồi ấy rạp nào cũng chiếu thường trực, mua vé vào xem lúc nào cũng được, xem cả buổi cũng được. Xem, ngủ, ngủ dậy, xem. Tụi học trò chúng tôi chỉ cần chuẩn bị một cái bánh mì và bịch nước mía là no say thưởng thức. Đà nẵng phổ biến bánh mì gà rất ngon, bánh mì hình tròn đẹp mắt, thịt gà chấy như chà bông, thêm tí bơ, xì dầu thì miễn chê. Dường như mặc định với nhau, mỗi rạp chiếu một thể loại phim khác nhau. Rạp Kinh Đô thường chiếu phim trinh thám, điệp viên 007, phim tình cảm của Pháp với anh chàng diễn viên đẹp trai Alain Delone. Rạp Kim Châu chiếu nhiều phim cao bồi miền tây Texas hoang dã Mỹ với hình tượng Django, Ringo cây súng bá vàng, ngựa phi trên sa mạc, trên thảo nguyên. Rạp Lido chiếu phim chưởng Hồng Kong, rạp Trưng Vương và Kim thì chiếu tổng hợp các thể loại phim. Đến năm 73 thì phim Việt Nam ra đời với các diễn viên Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang.v.v…chuyện phim phóng tác từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Thị Hoàng như Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Loan mắt nhung, Trong vòng tay học trò.v.v…

Ngoài phim ảnh, thể loại văn học, thi ca nhạc kịch không hề thiếu, rất đa dạng. Sách báo, tiểu thuyết, tạp chí, nguyệt san, tuần san viết cho người lớn, cho tuổi thơ, tuổi học trò rất phong phú, ấn loát đẹp, bài viết hay qua các ngòi bút của Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Từ kế Tường, Mai Thảo, Võ Phiến, Võ Hồng, Nhã Ca, Nhật Tiến, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn thị Thụy Vũ.v.v…trong các Tạp chí Văn, Sáng tạo, tuần san Tuổi ngọc, Tuổi hoa….Tụi học trò nghiến ngấu đọc hoài không thấy chán.

Nền văn học miền Nam bấy giờ ở trong một bối cảnh xã hội văn hóa cởi mở, tiếp nhận nhiều trường phái lý thuyết phương Tây hiện đại nên phát triển đa dạng, nhiều lĩnh vực khảo luận, nghiên cứu, triết học, đạo đức, luân lý của các tác giả như Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện…Ngoài ra còn có các bản dịch thuật từ tác phẩm của các triết gia như Krishnamurti qua tác phẩm “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, tác phẩm của nhà hiện sinh Jean Paul Sartre với “Buồn nôn” và “Tồn tại và hư vô”, “Bức tường”.v.v…đọc mà nghiền ngẫm cũng chỉ hiểu được chút ít thôi.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến những bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long…như Cô gái Đồ long, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký, Tiếng đàn ma, Tiếng sáo ma, Thư kiếm ân cừu lục…Và, càng thiếu nếu quên các bộ truyện trinh thám của Người thứ tám qua nhân vật Z28 Tống Văn Bình…

Hồi đó không đủ tiền mua thì đã có các quầy sách cho thuê, tính tiền theo ngày, coi hết cuốn nầy ra đổi cuốn khác, ít tiền mà vẫn đọc được nhiều truyện. Nhiều cô cậu học trò mê mẫn quá, tối trùm mền mở đèn pin đọc lén bị ba mẹ đánh đòn nhiều trận vẫn cứ lén đọc, vậy mà sau nầy đã trở thành văn sĩ, thi sĩ !

Bây giờ, không riêng gì Đà nẵng mà là cả nước ở thời đại 4.0, thú xem phim rạp không còn nữa, quên mất phim màn ảnh rộng, chỉ phổ biến phim truyền hình, nhiều phim mì ăn liền chán ngắt. Sách truyện văn học dường như bị lớp trẻ quên lãng, văn sĩ, thi sĩ gạo cội đã lần lượt qua đời, thiếu người kế thừa vì thế nhạt nhòa dần. Lối sống thực dụng, robot làm sự vô cảm của con người ngày càng nhiều hơn. Lũ nhỏ học ở trường, rồi học thêm túi bụi, học chạy “sô”, mơ ước tấm bằng đại học, cao học mà khi ra trường vẫn bị thất nghiệp đầy rẫy, trong khi tâm hồn khô khan, ảo tưởng về một thời đại 10.0 nào đó xa vời mà quên đi phần hồn trong con người.

Có lẽ đã đến lúc những người có trách nhiệm phải suy nghĩ về điều nầy hay mặc kệ nó, để gió cuốn trôi ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *