Mụ Lợi

**Một chị bạn “viết lách” mới quen trên mạng gởi cho đọc truyện ngắn có tựa là “Mụ Lợi”. Câu chuyện qua giọng văn vừa thâm trầm vừa dí dõm của chị đọc lên có lúc muốn bật cười, lại có lúc như bật khóc. Chuyện về những phận đời trôi nổi của người Việt tị nạn sau 1975. Xin chia sẻ với đại gia đình TTGD Nguyễn Hiền. Cảm ơn chị Diễm nhiều. (Hiền)

– Chiều mai chị qua em ăn đám giỗ nghe!
– Rứa hả?
– Dạ, em làm đám giỗ bà chị.
– Rồi, tui sẽ qua!

Đó là điện thoại của mụ Lợi. Tôi cố nhớ xem mụ Lợi có bà chị nào không? Tôi quen mụ mấy năm nay, tuy không bao giờ hỏi thăm về đại gia đình của mụ, nhưng mụ đã kể cho tôi nghe về gia đình nội ngoại của mụ từ hồi ở Việt Nam cho tới khi định cư ở bên này, hình như tôi chưa biết về người chị đã mất của mụ.

Tôi gặp mụ năm 2003, lúc làm tờ “Báo Nhà Sacramento”. Ngày ấy, sau tai nạn xe cộ ở Úc, nên khi sang Mỹ làm việc, tôi không dám lái xe nữa, khiến việc đi lại rất trở ngại. Tòa soạn báo BN cách xa nơi tôi ở, không có tuyến đường xe bus, lại phải đến tòa soạn mỗi ngày, nên tôi đã xin quá giang tất cả những người tôi quen, mỗi người một ngày, rồi xoay tua…
Mọi người ai cũng tốt và sẵn lòng giúp đỡ, nhưng tôi không thể kéo dài tình trạng này được.
Ôn Lợi là người quen trong cộng đồng, ôn là cựu sĩ quan quân lực VNCH, khi biết tôi là cựu học sinh Phan Chu trinh Đà Nẵng thì ôn cười hỉ hả cho biết ôn cũng ở Đà Nẵng, ôn học trường Kỹ Thuật, trên tôi vài năm, sau đó thi đậu vô đại học Kiến Trúc Sài Gòn, đến năm thứ hai ôn bỏ học đi lính. Thế là vì tình làng nghĩa xóm, ôn Lợi là người cho tôi quá giang nhiều lần nhất.
Một hôm tôi ngỏ ý nhờ ôn tìm giùm một người đưa đón tôi …dài hạn, cho đến khi tôi lái xe trở lại. Ôn Lợi cười lớn: “Chị tìm mô cho xa, mụ vợ tui nì, mụ đi bán xe lunch. Mụ đi sớm, về lúc 3, 4 giờ chiều, như rứa rất tiện giờ của chị!”.
Tôi mừng như bắt được vàng: “Rứa hả? hồi mô tới chừ răng tui không biết mụ lái xe hè?”; “Trời ơi, mụ lái xe còn độc hơn tui nữa, tại chị không biết, chớ từ hồi dẹp cái tiệm bán thực phẩm Á châu, mụ đi bán xe lunch. Mỗi ngày đi bán về, mụ lái xe đi chỗ ni chỗ tê mua thịt mua cá, rau cỏ nước ngọt để bán cho ngày mai, tui đi làm đâu phụ mụ được, he he, không ai bằng mụ mô!”
Qua cách giới thiệu mụ vợ của ôn Lợi. Tôi vừa vui vừa lo. Vui vì tìm được người giúp phương tiện đi lại, lo vì câu nói “mụ lái xe còn độc hơn tui nữa”.

Tôi điện thoại cho mụ Lợi, nhờ mụ cho tôi quá giang hằng ngày. Tôi nghe giọng nói pha lẫn âm cười quen thuộc của mụ Lợi: “Có chi mô, rứa thì sáng em đi hồi 4 giờ, em sớt chị, rồi thả chị xuống tòa báo, tới chiều, lúc em đi chợ xong, em đón chị về cỡ 4, 5 giờ, khỏe re có chi mô nờ!”

Tôi nói đi như thế thì sớm quá. Mụ nói: “Có chi mô, chị tới sớm làm sớm, về sớm. Chị làm việc chữ nghĩa thì muốn làm lúc mô mà không được, như em đây phải làm theo giờ của người ta, mình bán bữa sáng, thành chi phải đi sớm, rồi tới bữa trưa, phải chờ cho khách ăn xong mới được về!”; “Mụ nói rứa chứ, tui cũng phải làm theo giờ của mọi người là 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều”; “Rứa thì làm răng mà em chở chị được?”. “Thôi tạm thời mụ cho tôi quá giang về, còn lúc đi thì tôi sẽ tính cách khác vậy!”

Thế là mỗi sáng tôi vẫn phải nhờ người quen đi làm cùng tuyến đường hoặc các em trong tòa soạn đến đón, nhưng mỗi chiều về, tôi đi chung với mụ Lợi.
Đúng như lời của ôn Lợi, mụ là anh hùng xa lộ. Mụ lách qua phải, lách qua trái, hoặc sang “len” cái rẹt, chận ngang đầu xe người ta và quay lại cười ruồi với tài xế.
Tôi cài seatbelt thật chặt, và hai chân luôn luôn tự đạp thắng… gió. Đã có lần mụ phải thắng xe gấp, tôi xanh cả mặt, nói mụ lái từ từ cẩn thận, thì mụ cười khanh khách và trả lời: “Chị đừng lo, em lái xe lâu năm lắm rồi, mấy thằng ni hắn chàng ràng trước mặt mình, em lấn lên cho hắn biết mặt thôi!”. Riết, tôi cũng quen cách lái “độc” của mụ.

Thời gian đi chung xe cũng khởi đầu cho tình bạn thân thiết giữa tôi và mụ Lợi.
Từ hôm được mụ cho đi chung xe, tôi không phải nấu cơm chiều. Mụ luôn luôn dành cho tôi một hộp cơm đầy ắp thịt cá rau củ, mụ nói: “Em sắp cho chị đầy đủ thức ăn đây, chị ăn cho có protein, chứ em thấy chị xanh mét”. Thật tình tôi không xanh mét, hay gầy ốm như mụ Lợi nói, nếu có xanh mét, thì chỉ là những lúc mụ lái xe quá nhanh, tôi phải nhắm mắt lại và cầu nguyện thôi. Tôi biết sự chăm sóc của mụ dành cho tôi là do tấm lòng vô cùng bác ái của mụ. Mụ lo cho tôi, như đã từng lo cho rất nhiều người khác.

Mỗi ngày chở tôi về, mụ đều kể cho tôi nghe về cuộc đời của mụ. Mụ thua tôi đến cả chục tuổi, nhưng sao cuộc đời của mụ nó dài lê thê…
Khi chiếc xe van chở đầy nước ngọt, thịt cá rau quả của mụ ngừng lại trước nhà, tôi đều bịn rịn không muốn bước xuống.
Có hôm về đến nhà, câu chuyện kể còn dang dở, mụ tắt máy xe, và tôi ngồi lì trên xe chờ mụ kể hết chuyện mới chịu xuống.

Cách kể chuyện của mụ vui tươi dí dỏm và thật thà dù ở những đoạn đời buồn nhất bi thảm nhất của mụ, đã khiến tôi thương quý mụ nhiều hơn.

Mụ kể, tên thời con gái của mụ là Vết. Quê mụ ở An Cựu, Huế. Mụ học không được nhiều, nhưng rất thích nấu ăn. Mụ chỉ cần ngửi mùi vị hoặc nếm một món ăn lạ, mụ có thể nấu ngay được món ăn ấy. Cũng vì… tài nghệ này của mụ, mà đã có lúc ôn Lợi thở dài rỉ rả kể: “Mụ vợ tui hắn ưa nấu ăn, hắn muốn ăn chi là hắn nấu món nớ. Tây Tàu Mễ chi hắn cũng chơi hết, báo hại tui với đám con ăn ngất ngư luôn. Mà cái tật hắn ưa nấu nhiều, làm mình ăn hoài mấy bữa cũng không hết, bắt ớn”.

Mụ kể, mụ lanh lẹ nên sau khi lấy chồng, mụ sanh một hơi năm đứa con trai gái đầy đủ. Một tay mụ làm ăn nuôi chồng con, quán xuyến nhà cửa nội ngoại đề huề. Chồng mụ không phải làm chi nhiều và…Ôn Lợi là người chồng thứ hai của Mụ.

Mụ kể, năm 1981, chồng mụ đem năm đứa con đi vượt biên, dặn mụ ở nhà chờ tin, và ông ta sẽ bảo lãnh mụ. Mụ chờ suốt một năm trời không có tin tức, mụ sốt ruột…quyết định vượt biên tìm chồng con!.

Nhờ phước đức ông bà, chuyến tàu của mụ cập bến Hồng Kông, cũng là lúc Hồng Kông thay đổi quy chế nhận người tỵ nạn. Người tỵ nạn không được phép ra ngoài đi làm như trước nữa, họ phải ở trong các trại cấm chờ thanh lọc!
Dù đã đến được bến bờ tự do, mụ vẫn không biết chồng con ở đâu, sống chết thế nào. Nhưng mụ nghĩ từ phần đất tự do này, mụ sẽ tìm được thân nhân.
Mụ hòa nhập vào đời sống của trại cấm Hồng Kông cùng hàng trăm ngàn người Việt khác. Với năng khiếu “tự mưu sinh” và bản tính luôn “bênh vực người cô thế”, hai năm sau ngày đặt chân đến trại tỵ nạn, mụ trở thành “trưởng trại nữ” coi sóc mấy trăm người.

Mụ kể, mụ học tiếng Hồng Kông bằng cách “truyền khẩu”, những giao dịch giữa mụ (là trưởng trại) với các giám thị người Hồng Kông chỉ ở phạm vi nhờ họ đi chợ mua xì dầu mắm muối và những đồ dùng cần thiết dành cho phụ nữ.
Mụ sẵn sàng “cãi nhau” với giám thị để bênh vực các trại viên của mình và lần nào phần thắng cũng nghiêng về phía mụ. Nhưng giải quyết những “lộn xộn” nội bộ mới là biệt tài của mụ.

Mụ kể, “Bữa đó con A la mất tiền và nghi cho con B ở giường kế bên, em biết con B hắn đàng hoàng không bao giờ lấy cắp đồ của ai, nhưng em vẫn cho lục soát, không tìm được tiền. Em không muốn tụi giám thị nghĩ xấu về người mình, nên em ứng tiền đưa cho con A cho êm chuyện. Tới tối, con B khóc với em, nói là nó lấy tiền của con A vì má hắn đau nặng ở VN cần tiền vô bịnh viện, hắn hứa sẽ trả lại cho em, em nói hễ sau này cần tiền thì nói với em, chớ đừng lấy của người khác, xấu lắm!.”

Mụ kể, “Bữa đó điểm danh, thấy thiếu một đứa, em đi tìm, thấy hắn nằm trên giường máu me tùm lum, em thất kinh hỏi hắn có chuyện chi, hắn nói tới tháng nhưng không có băng vệ sinh, hắn có nhờ một giám thị đi mua dùm, nhưng tên nớ cầm tiền đi luôn. Em giận quá, đi thẳng lên ban giám thị trại khai báo và đòi “bồi thường”. Sau cùng tên nớ phải móc tiền túi để mua băng vệ sinh, và hoàn trả đủ số tiền cho con tê!”

Tôi hỏi mụ đòi “bồi thường” như thế nào mà hay vậy, mụ cười hí hí: “Em nói tiếng Hồng Kông với tụi hắn, chữ mô không biết em nói tiếng Việt. Em làm dữ lắm, em doạ sẽ viết thư tới Liên Hiệp Quốc về vụ này nếu không được giải quyết thỏa đáng! tụi hắn sợ nên mới làm theo ý mình, chớ em có biết Liên Hiệp Quốc ở mô mô, Cao Ủy còn không dám gặp, nói chi tới Liên Hiệp Quốc!”.

Mụ kể, ở trại cấm được hai năm, một buổi chiều mụ đang xách nước thì nghe có tiếng văng vẳng…Mạ …Mạ…Mạ ơi… Mụ nhìn quanh, toàn người là người, đâu biết ai kêu ai…Mụ đi tiếp, tiếng gọi thất thanh hơn…Mạ, mạ con nì…Mụ nhận ra tiếng con của mụ.. tim mụ thắt lại, Mụ dáo dác kiếm tìm…Bên kia hàng rào của một trại cấm khác, mấy đứa trẻ gầy gò đang quơ tay về phía mụ. Mụ chạy tới sát hàng rào phía mình, mụ nhận ra các con, mụ khuỵu xuống khóc ròng…..
Mụ nói: “Ôi chao ôi, răng mà hắn tội chị ơi, năm đứa con đứng đó mà không tới ôm con được chị nợ. Em nói tụi hắn ngày mai cũng đứng ở đó chờ em. Em chạy về trại gặp giám thị kể cho họ nghe hoàn cảnh của em và nhờ họ dắt lên Cao Ủy nhờ can thiệp. Đêm đó em thức trắng luôn!”

Sau khi Cao Uỷ xét hồ sơ của mụ, họ gặp năm đứa trẻ để xác nhận mụ là mẹ ruột của chúng, thì Cao Ủy cho biết: chồng mụ khi vừa tới trại tỵ nạn, đã kết hôn với một phụ nữ khác để được đi định cư tại Úc. Hiện tại người phụ nữ đó đang mang bầu sắp sanh, và năm đứa trẻ đã có tên đi Úc. Mụ khóc quá chừng, mụ xin Cao ủy cho mụ nhận lại năm đứa con, chứ không đòi hỏi bất kỳ điều gì khác.

Tôi hỏi làm thế nào để Cao Ủy hiểu được ý của mụ, mụ bảo là mụ nói tiếng Anh, tiếng Hồng Kông, tiếng Việt lung tung hết, và thêm phần phụ họa của năm đứa con nữa.
Tôi nghĩ chỉ cần nhìn vào đôi mắt chân thành của mụ và mắt của năm đứa trẻ (mà sau này tôi có cơ hội gặp gỡ và thương yêu), thì một người dù lạnh lùng nguyên tắc đến đâu cũng phải mủi lòng.

Lúc năm đứa con được Cao Ủy tỵ nạn cho phép qua sống chung với mụ, cũng là lúc mụ gặp ôn Lợi, ôn vượt biên và cũng đến trại cấm Hồng Kông.
…..

Tôi đã khóc sướt mướt khi nghe mụ kể lúc gặp lại các con, nhưng tôi đã lặng người khi nghe mụ kể về hoàn cảnh của ôn Lợi và tấm lòng của mụ đối với các con của ôn sau này.

Năm 1975, Ôn Lợi là sĩ quan ngành Quân Cụ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ôn cũng có năm đứa con. Khi VC cưỡng chiếm miền Nam, ôn bị đi tù cải tạo. Vợ ôn ở nhà vất vả mưu sinh, chẳng may bị bệnh lao, nhà nghèo không có tiền mua thuốc chữa trị, nên vợ ôn đã qua đời.

Một năm sau, khi được VC thả về ôn mới biết tin, và biết năm đứa con nhỏ được hai bên nội ngoại đem về nuôi dưỡng. Ôn buồn chán đi lang thang, gặp bạn bè giúp cho đi vượt biên, tới trại ty nạn Hồng Kông, và ôn gặp mụ.
Ôn xúc động về hoàn cảnh của Mụ với năm đứa con. Mụ thương ôn vì gia cảnh não nề, vợ mất lại phải xa cách các con. Ôn và Mụ gắn kết tình nghĩa phu thê…và mụ Vết trở thành mụ Lợi.

Mụ kể, khi được bà con của mụ bảo lãnh qua Mỹ, Ôn và Mụ đã nhanh chóng tìm việc làm, ôn đi cắt cỏ, mụ bán hàng chợ trời mong sao có tiền đặt cọc, để mượn tiền ngân hàng mua cái nhà, làm tài sản cho việc bảo lãnh các con của ôn Lợi.
Mụ muốn cha con ôn Lợi được sống bên nhau. Mụ muốn chăm sóc năm đứa con mất mẹ của ôn Lợi như con của mình. Mụ đã nhận là mẹ các con của ôn Lợi và đứng đơn bảo lãnh.

Mụ không nhớ năm nào ôn Lợi đoàn tụ với năm đứa con, nhưng mụ nhớ giây phút hạnh phúc mụ có được 10 đứa con, rồi hai đứa con trai chung của ôn và mụ ra đời.
Thời gian trôi, mười hai đứa con dần lớn và trưởng thành. Mười hai đứa con đều đi học và mấy đứa lớn đều có nghề nghiệp ổn định, trong đó con trai lớn của mụ học xong tiến sĩ, con gái Út của mụ đi tu, là ni cô tại một ngôi chùa ở New Orleans. Dạo trước có dịp làm việc tại đây, tôi đã đến chùa gặp ni cô, chuyển lời thương yêu của mụ Lợi đến người con gái thánh thiện.
…..

Dựa vào tấm lòng nhân hậu bao dung hiếm có của vợ chồng ôn Lợi, người chồng cũ của mụ từ Úc dã sang Mỹ thăm các con. Mụ kể: “Ôn nớ nói nhớ con, ôn xin qua thăm, em nói với Lợi, Lợi nói phải cho cha con hắn gặp nhau kẻo tội! Rứa là ôn nớ báo ngày giờ cho Lợi. Lợi ra phi trường đón ôn, còn em ở nhà nấu cơm cho mấy đứa con mừng gặp cha hắn!”

Từ lâu tôi thường nghĩ chỉ những người có một căn bản học vấn nào đó, mới có những hành xử tương đối được gọi là đúng đắn và hào hiệp. Thế nhưng tôi đã rất sai trong trường hợp của vợ chồng ôn Lợi. Ôn là mẫu người đàn ông chính trực, trượng phu. Còn Mụ là hình ảnh tuyệt đẹp của phụ nữ Việt Nam với tấm lòng nhân ái bao dung và đức độ. Mụ là người mẹ thương con mình và con chồng hết mực. Mụ là người vợ hiểu biết, quán xuyến trong ngoài và Mụ là người bạn chân tình hiếm có mà tôi may mắn gặp được.
Mụ có khác gì hình bóng người thiếu phụ tảo tần trong thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh:

…Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”

…….

Điện thoại reng, tiếng của ôn Lợi ở đầu giây:
– Chị ơi, chiều mai ghé tui hỉ?
– Dạ, có chuyện chi rứa ôn?
– Dạ, ngày mai đám giỗ vợ tui, tui mời bà con, bạn bè tới ăn đám giỗ cho vui!
– Là răng?
– Dạ, mụ làm đám giỗ cho vợ tui.
– Ô! dạ, cảm ơn ôn, tui sẽ tới!

Tôi thu xếp thời giờ để đến với vợ chồng ôn Lợi. Với ôn Lợi, ngoài sự quen biết thân tình trong công việc cộng đồng và đấu tranh, ôn Lợi còn là người ở Đà Nẵng. Tôi học trường Phan Chu Trinh, ôn Lợi học trường Kỹ Thuật. Hồi đó học sinh Kỹ thuật mặc đồng phục màu xanh nước biển, mỗi lần tan trường, họ ùa ra làm xanh ngắt cả một con đường dài. Trường Kỹ thuật tọa lạc gần bãi biển Thanh Bình, nên các bạn tôi thường lãng mạn nói rằng: “Mỗi khi Kỹ Thuật tan trường, bọn hắn làm nước biển dâng lên khắp phố!”

Và với mụ Lợi, ngoài ân tình cho tôi quá giang mỗi chiều, mụ còn là người bạn vô cùng đặc biệt. Mụ chăm sóc tôi như người thân. Mụ biết tôi mê bún bò, bánh bột lọc, bánh nậm…nên mụ thường nấu các món này cho tôi ăn và mang về. Mụ mua cho tôi quần áo, mặc dù ý thích về trang phục của tôi và mụ khác xa nhau. Trên hết, mụ cho tôi hưởng cái tình người bao la và chứa chan ân nghĩa.

Sacramento đang ở vào mùa hè, nên tuy đã 6 giờ chiều, nắng vẫn gay gắt và chói chang. Khí hậu nóng và khô, không khí đậm đặc khó thở. Qua khỏi xa lộ, quẹo vào con đường dẫn đến nhà vợ chồng ôn Lợi, không gian mới tươi mát dịu dàng, vì hai bên đường có Trúc đào, Tường Vy và Sồi hoa Vàng (cây sồi hiếm hoi ở Sacramento) đang nở rộ.
Mỗi lần ghé thăm mụ Lợi, tôi lại nhớ ngôi nhà ở Úc, trước căn nhà cổ xưa của tôi cũng có hàng Sồi hoa vàng…

Xe đậu kín hai bên đường vào nhà ôn Lợi. tôi phải vất vả lắm mới tìm được chỗ đậu xe. Tôi bước vào nhà, mụ Lợi đón tôi với nụ cười tươi: “Em lo chị đi lộn đường, em tính nói để em lên đón chị”. Tôi nắm tay mụ: “Tui lái xe chừ ngon lành rồi, chỉ thua mụ thôi!”. Mụ cười giòn tan, kéo tôi vào nhà.

Mùi thơm của các món ăn quyện với mùi hương, không gian đúng là ngày giỗ. Ngay giữa phòng khách, tủ thờ có nhiều tầng được đặt sát tường. đèn nến sáng choang. Trên kệ cao nhất, thờ Phật Bà Quan Thế Ấm với hoa trái tươi đẹp. Kệ phía dưới là di ảnh của một phụ nữ trẻ khuôn mặt thanh tao. Hai bên có hai bình hoa Lys trắng muốt thoang thoảng hương thơm. Tôi nghĩ đây là người chị mà mụ Vết làm đám giỗ hôm nay và cũng là người vợ quá cố của ôn Lợi.

Bà con, bạn bè đến thật đông, các món ăn từ chay đến mặn, từ Việt đến Tàu, từ Tây đến Mễ được bày biện khá mỹ thuật trên bàn ăn. Mọi người yên lặng có ý chờ ôn Lợi lên tiếng tuyên bố lý do. Ôn Lợi đứng lên nói: “Bữa ni mụ làm đám giỗ cho vợ tui, tui cảm ơn mụ, chừ để mụ nói ít câu, rồi mình nhập tiệc”.
Mụ Lợi đứng lên, với dáng điệu rụt rè, thẹn thùng mà tôi chưa bao giờ gặp, mụ nói: “Dạ, bữa ni, em làm bữa tiệc, trước là để làm đám giỗ cho chị vợ anh Lợi, và sau là để xin nhận chị là chị của em để em tiện bề hương khói. Chị chết tức tưởi chỉ vì không có tiền mua thuốc, khi anh Lợi bị tù tội. Nếu hoàn cảnh không cay nghiệt như rứa, thì chị vẫn còn sống, thì em sẽ không gặp được anh Lợi. Nên chi cái chết của chị là nhường hạnh phúc cho em. Em đã hứa với lòng mình là khi mô lo cho các con ăn học thành tài, em sẽ hương khói cho chị cho trọn nghĩa. Chừ 10 đứa con riêng của hai vợ chồng em đã thành tài, có vợ có chồng. Hai đứa con chung cũng học hành giỏi giang. Em rước hình chị về để thờ. Bữa ni trước mặt bà con anh Lợi, bà con bên chị và bên em, trước mặt các con và các anh các chị bạn, em xin mọi người chứng giám cho lòng em…”
Giọng mụ Lợi đứt quãng và nhỏ dần. Tim tôi thổn thức. Nước mắt chảy tràn trên má. Tôi xúc động và biết mình đang rất hạnh phúc vì Mụ Vết, bạn tôi là một người đáng quý trọng.

Phạm thị Diễm 2012.

2 thoughts on “Mụ Lợi”

  1. Cảm ơn anh Hiền đã post cau chuyện quá hay và rất cảm động. Tự nhiên thấy rất thương chị Vết và muốn gặp chị. Ôn Lợi thì rỏ ràng dân Đà Nẵng. Cách đối sử và ăn nói là y chang dân mình. Hai vợ chồng thật thà dễ thương quá đi. Rất thích đọc bài viết ni. ❤️😍

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *