Thuở còn bên quê nhà mạ tôi luôn trọng ngày Tết Đoan Ngọ. Dân dã nhất là nông dân còn gọi nôm na ngày tết này là tết diệt sâu bọ, tết giữa năm nhằm ngày mùng năm tháng năm âm lịch. Một tết cổ truyền của người Việt mình và cả dân xứ Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan và Trung Quốc. Đoan là mở đầu. Ngọ là thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Nên ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa, lúc mặt trời ngắn nhất gần mặt đất nhất. Theo truyền thuyết thì một ngày sau khi nông dân thu hoạch mùa màng thì bị nạn sâu bọ, làm tai hại bao nhiêu cây trái, thực phẩm. Họ đang than trời như bọng, chưa biết tính sao thì một lão ông tự nhiên từ đâu xuất hiện, tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho mỗi nhà lập một bàn cúng đơn giản với bánh ú tro và trái cây. Rồi ra đứng trước sân nhà tập thể dục. Hay thay, chỉ một lát sau là sâu bọ té ngã lăn chiêng hết. Ông lão nói ngày này sâu bọ rất hung hăng nên hằng năm phải làm y như vậy để tránh và trị các loài sâu bịnh gây hại cho nghề trồng trọt.
Cúng Tết Đoan Ngọ, ngoài hoa quả và bánh ú tro đặc trưng còn có rượu nếp, thịt vịt, chè trôi nước, chè kê … tùy theo mỗi miền. Mạ tôi gốc Huế nên mâm cúng luôn có xôi vò thơm lựng mùi dầu phi hành hương và chè kê hạt bé li ti màu vàng nhạt thú vị từng kẽ răng.
Mùng năm tháng năm luôn làm tôi nhớ một kỷ niệm đẹp đã có với một người khi gia đình tôi còn ở Sài Gòn, một vài năm trước khi ba anh em tôi lần lượt tìm đường vượt biển. Cuối mùa xuân gần mùa hè năm đó tôi bận bịu gạo bài học thi ra trường trung học và chuẩn bị vào đại học. Gặp gỡ nhau là một tình cờ hồn nhiên như bao gặp gỡ với những người bạn khác. Nhưng không hiểu sao lại để lại trong tôi rất nhiều. Để lại những cảm xúc lạ lùng trong tôi, một đứa con gái vừa lớn cho đến bây giờ mọi người vẫn cho là lạnh lùng khô cứng. Người làm thay đổi tâm hồn tôi. Dù tính người hay e ngại rụt rè, cái nắm tay cũng chưa bao giờ dám làm. Người chỉ biết tỏ lòng qua đôi mắt biết nói, qua nụ cười hiền khô, qua những hỏi han ân cần chăm sóc, qua những chồng sách vở đem đến giúp tôi học thi. Năm đó tôi chỉ mới ngấp nghé chứ chưa đến tuổi 20. Kỷ niệm xanh mượt trong vắt như tuổi đời của tôi và người năm đó. Tôi vẫn còn nhớ mãi và đã cất kỷ ánh mắt sâu thẳm lặng lẽ của người trong cái rương ký ức. Mỗi năm ngày Tết Đoan Ngọ tôi lại mở rương săm soi, chút hạnh phúc chút tiếc nuối cho tuổi thanh xuân và những hạnh ngộ trong cuộc đời. (cbm)
Truyền thuyết Tết Đoan Ngọ mà nhờ chị Hân giờ em mới biết.
Chúc chị mỗi năm Tết Đoan Ngọ lại được trở về tuổi 20 cùng ai đó, trong vắt xanh mướt thuở tóc dài ngang vai mượt mà ấy chị nhỉ 💖
Cảm ơn Phương Điệp thật nhiều nghe. Cô em tui dễ thương quá, chịu khó viết comment cho hoài, chị mê lắm 😊
Năm nhớ tới một lần cũng đủ hạnh phúc rồi phải không em?
Nhạc sĩ Phạm Trong Cầu ít sáng tác, nhưng những bài hát của ông đều để lại ấn tượng thật đẹp cho người nghe. Giai điệu nhẹ nhàng, lời bình dị nhưng rất thấm. Có lẽ hai ca khúc được biết đến nhiều nhất là “Mùa thu không trở lại” và “Trường làng tôi”. Riêng “Em mãi là hai mươi tuổi” không hiểu sao đây là lần đầu tiên tôi được nghe, dù bài hát thật dễ thương, dễ làm bồi hồi xao động. Tuổi hai mươi có lẽ là tuổi đẹp nhất vì nó khật khừ nằm giữa tuổi thơ và tuổi làm người lớn. Cái chi lưng chừng đều đẹp huống chi tuổi đời một cô con gái…
Cám ơn Ngọc Hân hát một bài nhạc lạ, nhưng thật dễ thương của Phạm Trọng Cầu. Giọng Hân bao giờ cũng vậy, nhẹ nhàng, tình cảm. Tiếp tục “mãi là 20 tuổi” nhé 🙂
Cảm ơn Hiền! Theo nguồn internet thì Phạm Trọng Cầu đã phổ nhạc thành bài hát “Em mãi là 20 tuổi” từ bài thơ “Không đề” của nhà thơ Quang Dũng (tên thật là Bùi Đình Diệm). Có tất cả 3 nhạc sĩ phổ nhạc cho bài thơ tình thật đẹp này: Phạm Trọng Cầu, Việt Dzũng và Khúc Dương.
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua
Ngày nay ngày nay
Chuyện đẹp qua đi
Thời gian gấp ruổi
Còn lại chúng ta
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp
Ơi! Con đường xưa
Những mùa trút lá
Cành bàng mồ côi
Cổng cũ rêu phong
Ý đợi người
Ơi! Con đường xưa
Men vườn ổi thơm
Em tuổi hai mươi
Yêu anh hào hiệp
Bỏ em anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly
Có những vợ chồng
Không là trăm năm
Mà tình thương yêu …
Sông ơi! Dài sao
Rộng ơi! Biển cả
Thôi em nước mắt
Đừng rơi lã chã
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp