Một lần về lại Đà nẵng tôi có hẹn với vài người bạn ăn trưa ở quán Phì Lũ. Một quán có trước năm 1975. Tôi nhớ địa điểm quán cũ nằm kế bên rạp hát Kim Châu trên đường Độc Lập. Bây giờ thì Phì Lũ chuyển về đường Nguyễn Chí Thanh (Duy Tân cũ). Quán khá rộng, khang trang, và dĩ nhiên giá cả cũng không được bình dân lắm.
Từ khách sạn tôi đi bộ đến quán. Còn quá sớm nên tôi đặt bàn rồi ngồi đợi. Lát sau Hằng và Trúc đến. Thật ra thì tôi chỉ nhận ra Hằng, cô bạn mình ghé thăm cách đây mấy hôm. Còn Trúc tôi chỉ đoán vậy vì Hằng nói trước sẽ rủ Trúc theo. Gần 40 năm rồi thì làm sao nhận ra nhau được. Thật ra tôi chỉ quen Hằng và Trúc sau cái ngày gọi là “giải phóng”. Gần nhà, những sinh hoạt đoàn thể địa phương bắt buộc tham gia, rồi được phân chia học cùng trường để dễ thân nhau. Nhà Hằng và Trúc kế bên, cách nhà tôi khoảng đi bộ chỉ năm, mười phút. Gần 40 năm. Hai cô bạn ngày nào ngây thơ xinh xắn, bây giờ dĩ nhiên đã đứng tuổi. Còn tôi tóc bạc nhiều hơn tiêu, khật khừ lão. Hôm tôi ghé thăm, nói tên ra Hằng phải thật lâu mới chịu tin!
Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đợi Bình. Tối qua nghe ông bạn nói đang đi công tác tận Qui Nhơn, sáng hôm sau sẽ bắt xe đò về ngay. Bình là bạn học từ nhỏ với tôi ở TTGD Nguyễn Hiền, có biệt danh là “Bình hủ”. Mẹ Bình có họ hàng gần với bên nội tôi. Tính tình Bình thẳng thắn “phổi bò” đụng đâu nói đó, dễ làm người khác khó chịu khi không rõ tính. Hồi đó Bình thích Trúc không cần giấu diếm.
Ngồi đợi đến cả nửa tiếng sau mới thấy Bình lái xe gắn máy đến. Vừa vào quán ông bạn đã ào ào nói không khác chi xưa, cứ như khoảng cách 40 năm mới đâu hôm qua. Những ngày chúng tôi hay ghé quán tạp hóa trước nhà Trúc nghe Bình đấu hót chuyện trên trời dưới biển.
Ngồi vào bàn chưa kịp chào hỏi Bình đã cười to nói ngay:
-Hằng với Hiền còn nhớ Trúc không?
Chưa ai trả lời thì Bình phang tiếp:
-Trúc đen con ông đại úy Trí, nhà có lò bánh mì. Sau “giải phóng” mở quán tạp hóa đó. Trúc hồi đó “mết” Bình lắm. Nhớ chưa!
Thật tình muốn bụm miệng ông bạn tôi ngay mà không kịp. Lật đật đá chân Bình dưới gầm bàn và nháy mắt hướng về Trúc. Một chút giật mình, Bình nhìn theo, vẫn chưa nhận ra “cố nhân”.
-Ê Bình, chưa nhận ra ai ngồi kế bên mi hả!
Tôi không nhịn được cười, nhắc khẻ Bình.
Hằng nói thêm:
-Trời, vậy mà hồi xưa cứ bô bô nói thương Trúc mỗi lần gặp. Đúng là ông Bình phổi bò vô tư lự. Người đẹp Trúc của ông đấy. Hồi xưa mê người ta mà bây giờ cứ nói ngược. Tật vậy không chừa! Hihi.
Bình cười to thêm, lại oang oang mồm mép như cũ:
-Trời Trúc đây hả! Lạ quá, đẹp mệnh phụ như vầy làm không nhận ra luôn. Bình xin lỗi vô ý nói lung tung nghe!
Tôi thoáng thấy Trúc gượng cười, không nói gì cả. Có lẽ Trúc buồn. Để khỏa lấp bớt không khí ngượng ngùng tôi gọi người phục vụ đến kêu món ăn. Quán buổi trưa khá đông khách. Vài bàn hơi ồn ào vì dùng nhiều rượu bia. Thời gian trôi dần rồi cuộc chuyện giữa chúng tôi cũng trở nên tự nhiên hơn. Những kỷ niệm một thời được nhắc đến. Hằng và Trúc trông vui hẳn. Bình thì vẫn như ngày cũ, bao giờ cũng làm chủ được tập thể trong đám đông. Nhưng nhờ vậy bữa tiệc trở nên thân tình sôi nổi hơn, chớ không như tính tình ít nói như tôi thì sẽ buồn tẻ lắm.
Ăn trưa xong, tôi mời ba người bạn đi uống cà phê để dễ chuyện trò hơn. Tôi nhớ là Bình dẫn đến quán Trúc Lâm Viên (?). Quán trong vườn khá yên tỉnh. Nghe đâu Bình là chuyên viên quản lý cho chuỗi cà phê Trung Nguyên. Bạn tôi rất rành về ngành sản xuất cà phê, loại nào ngon, loại nào dỡ. Bình huyên thuyên cả về cách thiết kế dàn âm thanh trong quán sao cho hay. Nghe Bình nói thật thú vị.
Ngồi với bạn, tôi chủ yếu kể về chuyện vượt biên của mình, rồi chuyện sống xứ này xứ nọ sau khi rời Việt nam. Nói chung chuyện của tôi đơn điệu, chẳng có gì ngoài công việc hãng xưởng bao năm nay.
Hằng và Bình thì vẫn ở Đà nẵng từ đó tới giờ. Hằng có mở một quán ăn ngay tại nhà. Cuộc sống có lẽ khá giả. Chỉ có tôi và Trúc bỏ Đà nẵng đi. Tôi đi luôn từ đó đến tận bây giờ. Trúc thì kể, lập gia đình xong theo về quê chồng ở Nha Trang sống hơn 30 năm. Gần đây vợ chồng Trúc mới quay lại Đà nẵng. Trúc nói thêm, dù sao quê nhà có anh em họ hàng vẫn dễ nương tựa nhau hơn khi khốn khó. Tôi hỏi về căn nhà cũ của gia đình. Trúc kể ba nàng sau khi tù “cải tạo” về một thời gian rồi lại bị bắt vì tội dính líu đến tổ chức phản động. Nhà cửa, lò bánh mì bị tịch thu, cả nhà phải đi ở nhờ mỗi người mỗi nơi. Tôi nhớ gia đình Trúc hồi đó khá giả, nhà toàn con gái, mấy chị em xinh đẹp có tiếng. Nghe chuyện về hoàn cảnh gia đình Trúc thật tội nghiệp. Cuộc đời lắm ngả rẻ ai biết được…
Gần 40 năm mới gặp lại Bình, Trúc và Hằng. Một kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có lẽ nhớ nhất là câu chuyện Bình không nhận ra “cố nhân” một thời mình theo đuổi trong quán Phì Lũ. Tôi không biết đó là kỷ niệm vui hay buồn. Nhớ đến thì vui muốn bật cười ngay, nhưng nghĩ đến nét ngượng ngùng của Trúc, tôi cảm nhận được trong đó có chút gì như buồn tủi. Thời gian trôi qua sao vội vã quá! 40 năm để ai còn nhận ra ai! Nụ cười, ánh mắt lần đó của cô bạn cũ vẫn theo năm tháng mãi ám ảnh tôi…
Một sáng Chủ nhật tháng Sáu
Trương Hữu Hiền
Tôi đã chết, coi như tôi đã chết
Về làm chi, tìm kiếm nữa làm gì
Lối đi cũ, chẳng hàng cây soi bóng
Thành phố xưa, tên một kẻ không tim
Đã bao lâu, tên đường đều thay đổi
Tự Do mất rồi, đồng khởi niềm đau
Công lý tiêu tan, khởi nghĩa thêm sầu
Nay mới hiểu vô thường từng giây phút
Nếu mai mốt có về thăm chốn cũ
Còn ai đâu mà tìm kiếm uổng công
Kẻ bỏ đi, người thay dạ đổi lòng
Thì thôi hãy coi mình như khách lạ
Tôi nằm đó giữa muôn trùng thay đổi
Lá vàng rơi che khuất nấm mộ sâu
Còn sót chăng, tấm bia mộ ngả màu
“Nơi Đây An Nghĩ Một Người Không Còn Nữa”
Cám ơn bạn về một bài thơ hay, đầy cảm xúc!
Bài hát phổ từ thơ và câu chuyện anh Hiền kể khớp nhau đến mức em tưởng đồng tác giả anh Hiền ui.
Văn anh Hiền viết cũng rất… hiền, rất thật như tên gọi của anh. Chuyện bình dị và đời thường nhưng khi anh kể lại vẫn luôn mang màu sắc rất thơ, đầy cảm xúc.
Anh Hiền hôm nào về lại phố xưa đi. Lần này chắc anh không thấy đổi thay, lạ lẫm nữa đâu, quanh anh mong rằng sẽ là những cảm nhận thân quen, gần gũi.
Rồi anh lại được cất giọng trầm ấm, ngâm nga “ buổi tôi về” 😍
Cám ơn cô Phương lúc nào cũng động viên, khuyến khích anh bằng những lời có cánh. Rất vui 🙂
Được gặp những người bạn NH như tìm lại được những thân quen.
Anh Hiền có nguồn cảm hứng intarissable. Văn hay, giọng đẹp!
Cám ơn Thu Châu. Anh thì nhớ đâu và nhớ chi viết đó. Nhiều chuyện hỉ 🙂
Mong nhận được bài viết mới. Nếu không ngại thì tham gia hát hò cho vui nhé!
Quel talent. Bravo
Bài viết vừa buồn cười vừa cảm động “Cười ra nước mắt” và nhất là bài hát ăn sát với nội dung bài viết. Làm sao em tìm ra được những bài hát mà cô chưa từng nghe. Cảm và phục.
Bises
Dạ. Cám ơn cô đọc và nghe bài viết lẫn bài hát của em. Câu chuyện em kể thì vẫn nhớ kỷ dù đã rất lâu. Còn bài hát thì em nghe và thích chỉ mới đây thôi. Nhưng khi tập hát xong thì tự nhiên liên tưởng đến câu chuyện gặp mấy người bạn ở Đà nẵng năm đó.
Chúc cô thầy luôn vui khỏe. Mong được nghe thêm giọng hát của thầy cô.
Trương Hữu Hiền
“Tôi” cũng đã đổi thay mà lại bảo “em” đừng thay đổi! Hình như không được công bằng 😂😂😂
Chỉ mình “Tôi” gánh chịu đổi thay được rồi. “Em” thì đừng để còn tìm ra lối mà về… ĐN 🙂
Bài thơ thật hay, lời văn chân tình, mộc mạc, anh Hiền hát rất cảm xúc và sâu lắng. Tuyệt vời anh Hiền ơi. Anh thật sự là người giữ lửa cho học sinh TTGD Nguyễn Hiền.
Cám ơn Đôn gởi những lời chân tình đến anh. Rất vui khi được liên lạc và sinh hoạt thường xuyên với thầy cô, bạn bè TTGD NH, dù chỉ là trên không gian mạng. Giữ lữa được chừng nào anh sẽ cố gắng. Cám ơn Đôn và những người bạn đã luôn sẵn lòng chung tay gắn kết.
Vốn chuyện và chữ của Hiền thật phong phú nên hát bài chi mới cũng có đề tài mới để viết hết. Năm 2015 lần đầu tiên gặp lại Bình ở Đà nẵng, Bình nói oang oang ngay là vẫn nhớ Hân. Nói mặt mày tui luôn nghiêm nghiêm. Nhớ cả áo dài trắng thời Nguyễn Hiền của tui, quở là không được trắng lắm, màu hơi lam lam ủ dột 😔😊
Bài Buổi Tôi Về lạ hay và đầy tâm trạng. Giọng Hiền ấm và thấm lắm, cảm ơn Hiền đã chia sẻ!
Cám ơn Ngọc Hân đọc và nghe bài viết lẫn bài hát. Hôm qua có nói chuyện và quở Vương Văn Bình. Ổng nói Hân nói oan cho ổng 🙂 . Bình chỉ muốn nói hồi đó Hân mặc áo lụa màu ngà đục, chớ không nói áo dài không được trắng lắm. Đính chính dùm 🙂
Cảm ơn Hiền đã “quở” Bình dùm! Nhưng sao câu đính chính làm Hân tủi thân hơn. Chẳng thà áo “không được trắng lắm” còn hơn “đục” 😳😊
Ý, Hiền cũng lộn khi lập lại lời Bình. Đúng lời ổng là màu trắng ngà, ý thơ trong “Áo lụa Hà đông” 🙂