Thành phố Key West, Florida.
Chiếc xe buýt tour du lịch tham quan thành phố bắt đầu lăn bánh. Tôi loay hoay định dùng điện thoại selfie một tấm hình cho vợ chồng mình. Thấy vậy, người đàn ông ngồi hàng ghế trước ra dấu tỏ ý muốn giúp. Nhận máy, ông ta nhanh nhẹn giơ lên, bấm liên tục vài bô, xong cẩn thận kiểm tra ảnh qua màn hình trước khi trả lại cho tôi.
Nhìn vào chiếc điện thoại tôi nói ngay.
-Ồ, mấy tấm hình thật đẹp, ông chụp khéo quá. Cám ơn thật nhiều.
Người đàn ông đáp lại:
-Rất hân hạnh được giúp. Chẳng hay ông bà từ đâu đến vậy?
Thông thường, một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ sẽ trả lời ngay là mình đến từ tiểu bang hay thành phố nào đó. Tôi từ California, Texas, Massachusetts…. Hay tôi đến từ San Francisco, Houston, Boston…. Nhưng với một kẻ di dân mới toanh như tôi thì sẽ ngần ngừ chọn lựa giữa hai cách trả lời, địa phương cư ngụ hay quốc gia gốc gác của mình. Trông giọng nói và nhân dạng ông ta chắc không phải là người bản địa nên tôi chọn cách trả lời thứ hai cho hợp tình.
-Tôi từ Việt nam đến. Còn ông?
-Tôi đến từ Cuba.
Ông ta tỏ ý thân mật nói thêm:
-Ông bà biết không? Lần đầu tôi đặt chân đến thành phố Key West, cũng như quốc gia này cũng đã hơn 30 năm. Sau đó mỗi khi có dịp tôi đều thu xếp quay lại đây vài ba hôm. Không hẳn là hoàn toàn với mục đích du lịch đâu. Thú thật là tôi muốn về đây chỉ để được đứng bên này nhìn sang thấy bờ bên kia Cuba. Và tôi có cảm tưởng mình đang ở rất gần quê nhà.
-Vậy ông là người tị nạn Cuba, một người tị nạn Cộng sản?
-Vâng đúng vậy. Tôi là một thuyền nhân (Boat people) Cuba.
-Ồ. Chúng tôi cũng là những thuyền nhân. Chúng tôi ra đi để trốn chạy chế độ Cộng sản Việt nam. Và đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Key West, Florida. Quả thật đây là một thành phố tuyệt vời. Rất vui khi gặp một người từng cùng cảnh ngộ nơi đây.
Thoáng chút gì đó cảm động trên gương mặt của người đàn ông Cuba. Ông giơ tay ra bắt và nắm thật chặt bàn tay tôi. Một cử chỉ biểu lộ sự thân tình giữa hai con người vừa gặp đã đồng cảm.
Key West là một thành phố du lịch tuyệt đẹp nằm trên giải đất dài nhô ra biển phía nam nước Mỹ. Khí hậu quanh năm nắng ấm nên thời điểm nào khách du lịch cũng tấp nập. Chiếc xe buýt chở chúng tôi chạy quanh quẩn qua những ngả đường. Xe thỉnh thoảng dừng lại trạm, vài người xuống, xe lại tiếp tục chạy đến trạm khác. Dùng xe tour du lịch loại này có điểm lợi là khách có thể xuống bất cứ trạm nào mình thích, sau đó lên một chuyến khác đi tiếp, miễn là trong cùng ngày.
Xe dừng lại trạm có tên Southernmost. Giữa một khoảng sân khá rộng tôi thấy có một khối hình trụ đề chữ: “90 miles to Cuba. Southernmost Point Continental USA. Key West, Florida”. “Nơi đây cách Cuba 90 dặm. Điểm cực nam lục địa Hoa kỳ. Thuộc thành phố Key West, Florida”. Vài người đang sắp hàng đợi đến phiên chụp hình với vật tượng trưng cho điểm địa lý cuối cùng của nước Mỹ. Người đàn ông Cuba đứng lên, bắt tay từ giã và không quên chúc chúng tôi có một kỳ nghỉ thật hoàn hão. Ông ta bước xuống xe. Trên sân, có vài cái ống nhòm dài được đặt hướng ra biển. Với khoảng cách chỉ 90 dặm, ghé mắt vào ống nhòm ta có thể nhìn rõ tận bờ bên kia ở những ngày thời tiết tốt. Tôi đã đoán được mục đích của người đàn ông Cuba vừa vội vã xuống xe.
Xe tiếp tục lăn bánh. Tôi ngồi nhìn cảnh vật hai bên đường. Tôi không dự định xuống trạm nào cả. Trạm nào cũng xa quá để tôi có thể nhìn thấy được quê nhà!
Chuyện một người tị nạn gặp một kẻ lưu vong, một tân di dân gặp một người vừa đặt chân đến là một điều rất đỗi bình thường trên đất nước này. Hợp Chủng Quốc hay Hợp Chúng Quốc Hoa kỳ? Nhiều chủng tộc hay đông người tụ lại? Tôi nghĩ cả hai đều mang nghĩa rộng là vùng đất mới, được dựng nên bởi những người từ khắp nơi trên trái đất tụ về làm lại cuộc đời. Lịch sử của nó chỉ hơn hai trăm năm, nếu tính từ ngày những người Pilgrims (Thanh giáo) bên Anh quốc đặt chân đến.
The 4th of July. Lễ Độc lập Hoa kỳ.
Trong lịch sử Hoa Kỳ có hai sự kiện đặc biệt quan trọng: hành trình tị nạn của người Pilgrims và thời điểm công bố tuyên ngôn Độc Lập. Mặc dù hai sự kiện này xảy ra ở hai thời điểm cách xa nhau, nhưng cả hai có cùng chung một điều xác tín đó là tinh thần yêu độc lập, tự do, dân chủ của người dân Hoa kỳ.
Nói về biểu tượng cho ngày lễ Độc lập Hoa kỳ, chúng ta thường nghĩ đến The Liberty Bell ở Philadelphia (chuông tự do), hay Statue of Liberty ở New york (tượng Nữ thần tự do). Bell of Liberty rung lên ngay thời điểm nước Mỹ đồng thuận ký bản tuyên ngôn độc lập, còn Statue of Liberty đặt xuống nhấn mạnh quyền tự do của con người.
Nhưng còn hai biểu tượng khác mà hằng năm có cả triệu du khách đến chiêm ngưỡng, đó là con tàu MayFlower và tảng đá hoa cương Plymouth Rock. MayFlower chở những người Pilgrims (Thanh giáo) bị bách hại vì bất đồng tôn giáo, họ chọn tự do tín ngưỡng bằng cách rời khỏi nước Anh. Họ vượt Đại tây Dương đến định cư ở vùng ngày nay gọi là Plymouth, Massachusetts. Hiện nay một bản sao của MayFlower vẫn được đặt tại bờ biển Plymouth cho du khách vào tham quan. Cách đây ba năm, MayFlower được di chuyển đến Connecticut để trùng tu, nay đã chuyển về vị trí cũ.
Còn Plymouth Rock là tảng đá hoa cương, nơi được cho rằng những người Pilgrims đặt bước chân đầu tiên của họ lên vùng đất hứa vào năm 1620. Theo dữ liệu lịch sử, tảng đá ban đầu lớn hơn nhiều, nhưng sau đó bị chia thành nhiều mảnh do hoàn cảnh phải di chuyển đến nhiều nơi khác nhau. Ngày nay, mảnh chính và lớn nhất của nó được đặt trong một ngôi đền bằng đá granit nằm trên bờ Plymouth. Nó được bảo vệ bởi một tán cây để che chắn khỏi nắng mưa.
Trên vùng đất định cư mới, những người Pilgrims đã thảo nên một văn bản gọi là tuyên ngôn Plymouth Compact. Đây có thể xem là bản hiến pháp sơ khai của Hoa kỳ. Tuy còn quá bất cập, nhưng nó cũng nêu lên được điều cơ bản, mục đích cao nhất của một nhà nước là bảo đảm quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Đó cũng là mục đích của hành trình những người Pilgrims khi họ bỏ nước ra đi.
Lễ Độc lập ngày 4 tháng bảy là một ngày trọng đại của nước Mỹ. Hằng năm, trong bữa tiệc chung mừng độc lập này có sự góp mặt của những di dân cũ lẫn mới. Cũ nhất là anh linh những người Pilgrims, và mới nhất là những người tị nạn trốn tránh sự độc tài toàn trị, trong đó có cộng đồng người Việt hình thành sau biến cố tháng 4, 1975. Bất cứ đi từ đâu, bất cứ thời điểm nào đến thì bước chân của những tân di dân cũng tương tự người Pilgrims năm xưa, đặt chân đến đây để tìm tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Theo dữ liệu lịch sử Hoa kỳ, sau môt năm những người Pilgrims đến được Plymouth chỉ còn chưa quá một nửa. Hơn một nửa đã mất đi vì bệnh tật, đói khát nơi vùng đất mới. Và cũng theo thống kê từ những trang sử cận đại, có ít nhất một nửa thuyền nhân Việt đã bỏ mình trên đường vượt thoát.
Câu chuyện gặp một người Cuba dù ngắn ngủi, chỉ trao đổi với nhau vài câu xã giao nhưng đã để lại trong tôi nhiều xúc động. Cũng phải thôi, cùng cảnh ngộ thì dễ cảm thông. Những thuyền nhân Cuba là hình ảnh của người Việt đi tị nạn và ngược lại.
Tháng ba vừa rồi, giới truyền thông đưa tin hai người Cuba trốn thoát bằng cách bay trên một chiếc tàu lượn treo có động cơ. Chuyến bay may mắn thành công, đáp xuống phi trường Key West. Cuộc vượt thoát như một kỳ tích có một không hai. Từ đầu thập niên 60 đến nay đã có biết bao chuyến đi “kỳ tích” như vậy của người dân Cuba. Họ vượt thoát trên những chiếc ghe với động cơ dùng chạy trên sông ngòi, họ dùng cả những cánh thuyền buồm chỉ biết nương theo gió, hay cả những chiếc dù lượn thể thao đơn sơ. Họ ra đi bằng tất cả những gì khả dĩ đến được bên kia bờ, dù với một xác xuất thành công đôi khi nhỏ nhoi.
Và có bao nhiêu câu chuyện hãi hùng của người Việt chúng ta sau tháng 4, 1975 trên đường vượt thoát. Đến tận bây giờ những câu chuyện ấy vẫn còn xảy ra, bằng cách này hay cách khác. Trước đây ta có thuyền nhân, bộ nhân, phi nhân. Bây giờ ta có cả “thùng nhân”. Danh từ chỉ những người chui vào thùng một chiếc xe tải đi lậu qua biên giới. Chúng ta làm sao quên được chỉ cách đây hơn hai năm, 39 người Việt đã chết ngạt trong một chiếc xe đông lạnh trên đường vượt biên trái phép vào Anh quốc. “Mẹ ơi con đang sắp chết”. Những tờ báo tiếng anh dịch là: “I’m dying”, “đi vào cõi chết”. Chưa bao giờ tôi hiểu từ “dying” một cách rõ ràng, đầy hình tượng và xót xa như vậy. Đó là tin nhắn cuối cùng mà cô Phạm Thị Trà My, một trong số 39 nạn nhân gởi về cho mẹ mình trong tích tắt cuối cùng trước khi rơi vào hôn mê. Đau xót biết chừng nào. Cái giá của tự do sao quá đắt!…
Boston, đầu tháng bảy năm 2023
Trương Hữu Hiền
Mạng người là vô giá! Tự do cũng thế! Đọc bài của Hiền để thấy mình còn đây là quá may mắn! Biết ơn đất nước này đã cưu mạng những người tỵ nạn như chúng ta 🙏
Cám ơn Như Hòe chia sẻ cảm nghĩ về bài viết. Cuộc đời làm người tỵ nạn là một ngã rẽ quá lớn trong đời, cám ơn đất nước đã cho ta nương náu.
Những câu chuyện nho nhỏ trong bài viết của anh thật xúc động.
Cái giá của tự do thật sự quá đắt anh ha.
Happy 4th of July.
Cám ơn Phương chia sẻ cảm nghĩ về bài viết. Người Mỹ có câu “Freedom is not free”. Đôi khi phải trả bằng một cái giá quá đắt nữa. Happy 4th of July to you as well!
Dạ, em cám ơn anh.
Bài viết rất thấm và ý nghĩa với Hân vì cũng là thuyền nhân vượt thoát được để đến bến bờ tự do. Cảm ơn Hiền đã chia sẻ. Happy 4th of July 🎇
Cám ơn Ngọc Hân chia sẻ cảm nghĩ về bài viết. Happy 4th of July to you as well.
Hay quá anh Hiền ơi !
Chính Anh và em + 23 người nữa cùng đi chung trên chiếc ghe tìm Tự do và may mắn … chúng ta vẫn còn sống … 🙏
Cám ơn Công đọc bài anh. Phải nói là Công với anh có một mối quan hệ đặc biệt, khi vừa từng học chung ở TTGD NH, vừa đi chung chuyến ghe 25 người đến được Okinawa năm xưa. Chừng đó đủ nói lên những thân tình gắn bó. Vừa rồi, có mấy anh em nhóm mình rủ nhau về Motobu để thăm và tri ân địa phương đã từng cưu mang mình những ngày mới đến được bến bờ tự do. Tiếc là xa xôi và bận bịu nên anh không đi được! Gởi Công tấm hình đại diện nhóm mình gặp gỡ những chức sắc thị xã Motobu, Okinawa.