Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà nguyên thủ tướng Nhật bản, ông Abe Shinzo đã qua đời được một năm (07/08/2022 – 07/08/2023). Thật tình thì tôi cũng không nhớ đến ngày giỗ đầu của ông nếu trang mạng Facebook không nhắc đến bài viết của mình đăng lên năm ngoái. Bận bịu vì công việc làm mình quên, cũng một phần những tin tức chính trường quốc tế nóng bóng khác lấn áp bớt sự quan tâm.
Đọc lại bài mình viết, cứ muốn sửa hay viết thêm vài đoạn cho rõ nghĩa và chính xác hơn. Nhưng rốt cuộc lại quyết định giữa nguyên. Một bài viết không toàn mỹ, nhưng được viết ở ngay thời điểm mang cảm xúc thật nhất đôi khi giữ nguyên lại hóa hay. Một bài viết ở dạng thô (raw), và những suy nghĩ nhất thời chưa bị chi phối bởi thời gian làm biến dạng.
…………….
“Mỗi cuối tuần, gia đình bà nhà tôi thường hay tụ họp trên mạng nói chuyện. Thời buổi tân tiến có khác, người ở Mỹ, kẻ ở Nhật, người còn tận bên Việt nam vẫn gần gũi thấy mặt trong từng câu chuyện hằng ngày.
Cuối tuần rồi ngoài những mẩu chuyện phiếm gia đình, thì xen vào đó đặc biệt có thêm những câu được mở đầu với chữ “nếu”. Những chữ “nếu” buồn bã than vãn từ một sự kiện thương cảm. Câu chuyện về sự ra đi của cựu thủ tướng Nhật, Shinzo Abe. Người bị bắn chết khi đang diễn thuyết cho một kỳ tranh cử của đảng ông.
-Nếu ông không đổi lịch làm việc bất ngờ hôm trước…
-Nếu ông phản ứng thật nhanh, nằm xuống ngay…
-Nếu những người cận vệ bảo vệ ông phản ứng nhanh hơn …
-Nếu ông không quay người lại khi nghe tiếng súng đầu tiên…
Và còn nhiều chữ “nếu” tiếc nuối tương tự như thế nữa. Không phải chỉ giữa lần bàn luận trong vòng gia đình, mà chắc chắn còn có biết bao chữ “nếu” từ những con tim khắp nơi đang nhỏ lệ đau buồn.
Tôi chợt nghiệm ra một điều rằng, sự ra đi đột ngột của một con người, chữ “nếu” trong phiếm bàn càng nhiều chừng nào thì nhân vật đó càng được thương mến, kính trọng chừng đó. Có bao nhiêu chữ “nếu” đã và vẫn còn lan truyền trong câu chuyện về cái chết của tổng thống John F. Kennedy, của tổng thống Ngô Đình Diệm năm xưa…Nhiều lắm đó chứ! Và thử hỏi, khi lãnh đạo của một quốc gia độc tài nào đó ra đi thì có bao nhiêu chữ “nếu” được đề cập đến. Hỏi tức là trả lời! Chữ “nếu” như thước đo giá trị của người quá cố. Và, có bao nhiêu chữ “nếu” tiếc thương dành cho ngài Shinzo Abe trong hôm nay, hôm sau và trong dòng lịch sử ngày mai?
Khuya hôm trước giật mình đọc bản tin ngắn trên màn hình máy tính, cựu thủ tướng Abe Shinzo bị bắn, tình trạng nguy kịch và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Vẫn hy vọng ông vượt qua được. Sáng mở mắt, bật điện thoại, ông đã qua đời. Buồn, sao có một cái chết tức tưởi cho một con người như vậy! Ngài Shinzo Abe, một lãnh đạo có trái tim nhân hậu, một con người yêu nước, thương dân, một người bạn lớn của thế giới.
Vào Twitter đọc mấy dòng của ông con trai đang ở Nhật viết trên tường, “Một ngày buồn, cựu thủ tướng Abe có cùng ngày sinh nhật với tôi. Một cảm giác buồn bã quá lớn… Nhưng thôi cũng phải cố quên, dù gì cũng có một ngày làm việc căng thẳng vẫn chờ mình. Trái đất vẫn cứ quay đều…”
Nói chuyện với cô con gái đang ở bên bờ Tây. Ngoài những chữ “nếu” tiếc nuối. Con gái thổn thức thêm:
– Ba có biết ông Abe là vị thủ tướng thương dân lắm không! So với những vị thủ tướng khác, ông là người đã đem nhiều công sức nhất để điều đình với Bắc Triều Tiên hầu đem những người Nhật bị bắt cóc năm xưa về nước. Tội ông quá!
Shinzo Abe ngoài được biết đến như một nhà lãnh đạo tài ba, ông còn là một người có trái tim nhân hậu. Khi ông từ chức vì lý do sức khỏe, ông nói rằng, có ba điều tiếc nuối ông đã không thực hiện được trọn vẹn trong những nhiệm kỳ của mình. Điều đầu tiên là sửa đổi hiến pháp của Nhật cho phù hợp tình thế hiện tại. Điều thứ hai thu hồi lãnh thổ phía bắc bị Nga chiếm đóng sau thế chiến thứ hai. Điều thứ ba là hồi hương những công dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Hai điều trước thuộc về chính trị và lãnh thổ. Còn điều thứ ba đã chứng tỏ cái nhân hậu của một nhà lãnh đạo có tâm. Ông thấu hiểu và đồng cảm nỗi đau thương của những nạn nhân và gia đình họ phải chịu đựng bao năm qua.
Thứ ba, 07/12/2022 linh cữu của ngài cựu thủ tướng đã được đặt tại đền Zojoji. Trên đường đến nơi hỏa táng, xe tang đã đưa ông ngang qua những nơi ông đã từng làm việc. Trước tòa quốc hội Nhật, nội các xếp hàng cúi đầu tiễn đưa, hai bên vệ đường người dân Nhật vẩy tay vĩnh biệt với ràn rụa những giọt nước mắt. Xúc động vô vàn là hình ảnh của phu nhân cựu thủ tướng, bà Akie Abe, tay nâng bài vị của ông, ánh mắt buồn bi thương sau chiếc khẩu trang che mặt.
Biết được cách gọi thân thương của bà dành cho ông qua những bài viết trên Facebook. Tôi tưởng chừng như mình đang nghe văng vẳng tiếng bà Akie gọi người chồng quá cố, “Shin chan, Shin chan”, xúc động đến không cầm được nước mắt. Ai từng ở Nhật một thời gian đủ dài thì thấm hiểu hai từ “Shin chan” mà bà Akie gọi ông ấy. Shin là ngắn gọn cho Shinzo. “Chan” là một từ đi sau tên gọi một người theo cách thân mật. Có thể là gọi một người bạn thân, gọi một cháu bé nhỏ tuổi. Nhưng vợ chồng gọi tên nhau mà kèm theo từ “chan” có ý nghĩa vượt trên cả sự thân mật thông thường. Đó là ngoài tình yêu, lòng kính trọng, còn có nghĩa “ta với mình là một”, hai thực thể chẳng rời. Đó là nghĩa vợ chồng bao năm bên nhau. Bây giờ ông đi rồi, bà ở lại chỉ còn biết thầm thì gọi ông, Shin chan trong tưởng nhớ ký ức.
Hình ảnh bà Akie Abe với bài vị của người chồng quá cố đã làm rơi biết bao giọt nước mắt trên đường phố Tokyo, trên đất nước Nhật và có lẽ cả trong lòng những người quý trọng ông khắp năm châu. Vĩnh biệt cựu thủ tướng Shinzo Abe, một vị lãnh đạo Nhật bản đầy tài trí và nhân hậu. Cầu cho linh hồn ông sớm được yên nghỉ nơi Vĩnh hằng.”
Tháng bảy, 2022
………………
Lời viết thêm:
Đọc lại bài viết về cái chết của một chính trị gia Nhật bản hết lòng yêu nước thương dân thì tự nhiên tôi liên tưởng về một cái chết khác. Cũng của một người làm chính trị. Câu chuyện cách đây hơn một trăm năm và tôi chỉ mới được biết đến qua mạng internet. Cả hai cái chết đều xảy ra trên đất Nhật, nhưng cái chết mà tôi muốn đề cập thêm không phải là người Nhật, mà là một người Việt. Đó là chí sĩ Trần Đông Phong, một người tham gia phong trào Đông Du (1905 – 1909) chủ trương bởi cụ Phan Bội Châu.
Phong trào Đông Du thì chắc hẳn chúng ta vẫn thường được nghe đến, ngay cả trong những giờ học lịch sử thuở còn bé. Phong trào chủ trương tuyển và gửi những thanh niên ưu tú Việt nam sang học hỏi những gì hay đẹp của Nhật bản, ngõ hầu đem kiến thức tiến bộ của họ về giúp nước nhà. Đó là con đường mà cụ Phan Bội Châu và Đông Du nghĩ rằng sẽ giúp nước ta thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
“Trần Đông Phong là một trong chín học sinh Việt Nam đầu tiên đi du học trong Phong trào Đông Du theo Phan Bội Châu sang Nhật Bản. Là con của một gia đình giàu có ở Nghệ An, Trần Đông Phong đã đóng góp nhiều tiền của cho Phong trào Đông Du. Tuy nhiên khi đến Nhật Bản, trái với kỳ vọng ban đầu, chính phủ Nhật không muốn giúp gì cho các thanh niên Đông Du vì sự can thiệp của Pháp đe dọa ảnh hưởng đến quan hệ bang giao giữa hai nước.
Cuộc sống quá khó khăn, ông Trần Đông Phong viết thơ về nhà để xin gởi tiền sang giúp cho phong trào. Nhưng người Pháp đã biết nên chặn tất cả thư từ ấy. Đợi chờ hồi âm mãi mà không thấy, Trần Đông Phong ngỡ gia đình mình làm ngơ nên rất buồn và xấu hổ. Áp lực khi thấy những bạn bè cùng chí hướng sống quá khổ cực mà mình không làm gì được, Trần Đông Phong đã tự vẫn tại chùa Toho-ji vào ngày 2 tháng 5 năm 1908.
Trước tinh thần quyết tâm và sự hy sinh của Trần Đông Phong, Kỳ ngoại hầu Cường Để đã tự mình xây dựng mộ phần cho ông tại Tokyo. Sau này, cũng trong mộ phần này, một phần hài cốt của Kỳ ngoại hầu cũng được chôn cất sau khi qua đời.
Mộ phần của Trần Đông Phong nằm tại Nghĩa trang Zoshigaya ở Tokyo, và vẫn được thăm viếng và tưởng niệm đến ngày nay. Trên bia mộ của anh có ghi dòng chữ “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”. (Nguồn YouTube, tóm tắt lời kể của ông Đỗ Thông Minh từ Tokyo).
Câu chuyện về hai nhân vật lịch sử dù cách nhau hơn thế kỷ, dù mang hai tầm vóc quốc gia khác nhau nhưng đều làm chúng ta cảm động đến rớm nước mắt khi nhắc đến. Họ là những người thực sự yêu nước. Cả hai đã hy sinh cho con đường mình theo đuổi, họ chết đi nhưng vẫn để lại gương sáng cho hậu thế. Tinh thần của hai vị theo tôi nghĩ chỉ được hình thành trong một nền giáo dục, một môi trường hướng đến tự do, dân chủ và nhân bản. Câu chuyện của hai vị làm tôi nhớ đến thời bé, những năm đầu bậc tiểu học mình đã được học môn Công dân giáo dục, với những bài học về lòng yêu nước, thương dân, biết kính trọng người già kẻ yếu. Tôi còn nhớ đến câu chuyện lòng yêu nước của cậu bé nghèo người Ý trong tác phẩm Tâm hồn cao thượng của Edmond De Amicis, được dịch bởi Hà Mai Anh. Cậu bé thành Pađôva thà chịu đói chớ không nhận những đồng tiền của những kẻ xúc phạm đến tổ quốc, dân tộc mình.
Hôm nay một năm tưởng nhớ đến ngài thủ tướng Abe Shinzo, ta cũng không quên nhớ đến những vị anh hùng dân tộc mình như ông Trần Đông Phong cùng những thanh niên trong phong trào Đông Du. Và còn nhiều nữa, những vị anh hùng vị quốc vong thân trong chiều dài lịch sử hơn 4000 ngàn năm đất Việt…
Boston, tháng bảy, 2023
Trương Hữu Hiền
Cám ơn Hân đã chịu đọc một bài hơi khô khan, và “thô” nữa 😊
Hôm trước lên youtube nghe anh Đỗ thông Minh nói về chí sĩ Trần Đông Phong của phong trào Đông Du. Thấy cả người điều khiển kênh và diễn giả khóc làm mình cũng nghẹn ngào khóc theo. Đúng là cười hay khóc chi cũng là bệnh hay lây cả 🤣
https://youtu.be/KXqdxXEcfbI
Những chính trị gia thật lòng yêu nước thương dân khá hiếm nên những cái chết oan uổng của họ luôn được tiếc thương. Hiền thật khéo léo lồng câu chuyện của chí sĩ Trần Đông Phong vào giỗ đầu của ngài Abe Shinzo! Hiền gọi bài viết này thuộc dạng “thô” nhưng thô mới thật và thấm đó.