Tơ Hồng

Đầu thu năm ngoái tôi lẩn thẩn mấy dòng tản mạn về sự thay đổi của cuộc sống khi phải đối đầu với đại dịch Covid. Những tưởng cùng thời điểm vừa vào thu năm nay thì mọi sự đã trở lại bình thường, nhưng hỡi ôi dịch bịnh vẫn còn đây, vẫn tiếp tục gieo bao khó khăn và đau khổ. Muốn sống trong lạc quan thì dù muốn hay không ai cũng phải uyển chuyển để thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Như bản năng sinh tồn, như tùy cơ ứng biến vậy. Hai con trai tôi đều đã cưới vợ trong mùa Covid, giữa toàn cảnh xã hội sinh hoạt đình trệ, điều mà tôi chẳng bao giờ nghĩ là sẽ xảy ra cho con mình. Lễ thành hôn của các con diễn ra không như mong ước trước đây của vợ chồng tôi, đơn giản trong cái nghĩa tối thiểu về nghi thức. Cặp con trai lớn chỉ đưa nhau ra tòa của thành phố để trao nhẫn. Cặp con trai út thì chỉ tổ chức thân mật giữa cha mẹ và anh chị em ruột của gia đình hai bên. Không ông mai bà mối, không trầu cau đón dâu, không heo quay, không bánh phu thê (su sê), không xe hoa, không pháo nổ … Thật là quá đơn giản nhưng vì đại dịch thì lại không thấy khác thường. Lại thấy hay hay, là lạ, thương thương và sẽ rất khó quên.

Chuyện cưới hỏi của các con làm tôi nhớ lại lần nói chuyện với cô Lập hai tháng trước. Tình cờ hai cô trò nhắc lại hoạt cảnh Tơ Hồng của trường Nguyễn Hiền ngày xưa. Đâu khoảng niên khóa 72-73 hay 73-74 thì phải. Tôi đang học lớp 7 (hoặc 8) và cô Lập là giáo sư đảm nhiệm cho hoạt cảnh Tơ Hồng đó. Về những nhân vật đóng trong hoạt cảnh thì ngoài chính mình tôi nhớ rõ nhất là chị Hương “Trường Sơn”, một người đẹp nhất nhì của lớp 11 (cùng lớp anh tôi) đóng vai cô dâu. Hai cô bạn cùng lớp 9 với tôi là Minh Thu và Lệ Cảnh thì đóng vai phụ dâu. Tôi cùng Hiền và Diệu của lớp 8 (cặp em sinh đôi của Lệ Cảnh) thì làm người đưa quả. Trí nhớ của tôi lạng quạng mù mờ bao nhiêu thì trí nhớ của cô Lập lại minh mẫn tuyệt vời bấy nhiêu. Cô nhớ từng chi tiết và vai của những học sinh trong hoạt cảnh. Cô kể vanh vách là chị Kim Phúc lớp 12 (em của cô) làm vai ông mai, chị Minh Châu lớp 10 là bà mai. Chú rể là chị Hồ thị Châu lớp 11. Một trong hai phụ rể là chị Kim Anh lớp 12. Bên cạnh hai người cầm lọng còn có bốn người khiêng heo quay và bốn người bưng quả. Một trong bốn người khiêng heo quay là Phương Linh của lớp 8. Chúng tôi nhịp nhàng từng cặp nối gót nhau bước theo điệu nhạc thân quen và vui nhộn “Đám cưới trên đường quê” và “Duyên Quê”của nhạc sĩ Hoàng thi Thơ.

“Ô ô sáng hôm nay trên quê hương tôi
Quê hương xinh xinh quê hương hữu tình
Quê hương xinh xinh quê hương hòa bình
Đường nở hoa trắng, xanh, vàng, tím
Đẹp làm sao bướm bay chập chờn
Đàn chim non véo von ngọn tre
Khăn màu son, áo màu vàng
Ơi bà con đến xem mùa cưới …”

“Em gái vườn quê
Cuộc đời trong trắng
Dầm mưa dãi nắng
Mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm
Anh biết mặt em
Một chiều bên thềm
Giọng hò êm đềm
Và đôi mắt em lóng lánh sau rèm…”

Cô dâu chú rể và phụ dâu phụ rể thì khỏi nói ai cũng biết là rất đẹp và đẹp đôi. Phần tôi và những em làm vai con nít bưng quả và khiêng heo thì tóc được bối thành hai quả tròn cao hai bên đầu như Na tra trong Tây du ký, hai má thì được đánh phấn thật hồng, cặp môi sơn đỏ thắm. Tôi vẫn còn nhớ là đã bị anh Triều (người anh họ tôi, học lớp 11) chọc phá đến muốn khóc. Anh nói tưởng được làm vai chi ngon lành, ai dè làm vai na tra. Đã tủi thân là cô Lập cho mình xuống lớp cùng hàng với mấy em thì làm sao tôi không buồn cho được khi bị anh trêu đùa. Năm 2012 gặp lại cô dịp họp mặt liên trường ở Newport Beach, tôi kể cô nghe “mối thương lòng” năm xửa năm xưa đó. Cô tôi thật dễ thương, cô đưa tay khẻ nhẹ lên má tôi và nói “Đừng giận cô nghe, tại lúc đó em hơi nhỏ con, ngang ngang chiều cao với mấy em lớp 8 nên cô sắp vai như vậy cho cân.” Bây giờ ôn lại chuyện xưa hai cô trò chỉ biết cười vui lẫn chút bùi ngùi. Mới loay hoay đó mà đã gần 50 năm rồi sao? Trò bây giờ đã lớn hơn gấp đôi tuổi của cô năm ấy, năm làm hoạt cảnh Tơ Hồng theo chủ đề Dân Tộc. Màn do cô Lập dàn dựng và được thầy Hạ quốc Huy chấm 20/20 điểm. Được giải nhất trường và sau đó hình như được dự thi liên trường trong thành phố Đà Nẵng nữa, phải không cô?

Tất cả 18 vai trong đoàn uyên ương tơ hồng dệt duyên ấy đều là con gái với vài chị khéo léo giả trai cho vai của mình.

Ông mai: chị Kim Phúc lớp 12
Bà mai: chị Minh Châu lớp 10
Chú rể: chị Hồ thị Châu lớp 11
Cô dâu: chị Hương “Trường Sơn” lớp 11
Phụ rể 1,2: chị Kim Anh lớp 12 và ??
Phụ dâu 1,2: Minh Thu và Lệ Cảnh lớp 9
Cầm lọng 1,2: ?? và ??
Khiêng heo quay 1,2: Phương Linh lớp 8 và ??
Khiêng heo quay 3,4: ?? và ??
Bưng quả 1,2: Ngọc Hân lớp 9 và ??
Bưng quả 3,4: Thanh Hiền và Thanh Diệu lớp 8

Ai còn nhớ những vai khác thì giơ tay điểm danh với cô Lập nghe. Hân có nhớ chi sai thì xin nhận lỗi trước và nhờ các bạn lên tiếng để sửa lại. Mong đại gia đình Nguyễn Hiền mọi nơi mọi nhà luôn sức khỏe bằng an. Mong các lớp sớm có dịp họp mặt để đếm nếp nhăn của nhau, để hát cho nhau nghe, để chọc phá cười lăn, để kể cho nhau lao xao những chuyện cổ tích thú vị của trường lớp những năm tháng thần tiên ở sân trường TTGD Nguyễn Hiền.

Ngọc Hân
Đầu thu 2021

**P.S. Trang nhà muốn tìm lại một tấm hình về hoạt cảnh Tơ Hồng của trường để đăng kèm theo bài viết mà không thể! Vậy anh chị hay bạn nào còn giữ được thì xin gởi cho.

**Vừa đọc lại comment của chị Hồng Huệ lớp 10 có nhắc về vở hoạt cảnh “Hòn Vọng Phu” do cô Yến phụ trách hướng dẫn. Xin chia sẻ hai tấm hình về hoạt cảnh đó.

11 thoughts on “Tơ Hồng”

  1. Trí nhớ Hân rất tốt. Có lẻ vì lần đầu tiên cô bé lên sân khấu nên tất cả các vai, cùng lớp hay khác lớp dù gần 50 năm mà còn nhớ rõ tên. Có chút sai là Minh Thu (không phải Thư) em Minh Châu học cùng lớp chị. Chị rất mê bà xui Châu ni, 15 tuổi mà vô vai 50 rất sành điệu, duyên dáng. Song song với vở Tơ hồng là hoạt cảnh Hòn vọng phu do cô Yến chỉ đạo. Chị cũng vào vai phụ như em, cô thôn nữ tiễn trai tráng tòng chính, nhưng chị rất thích, không áp lực, khoái chí nữa chứ! Chia vui cùng em những ngày tháng văn nghệ xa xưa của trường TTGD Nguyễn Hiền. Mến!

    1. Cảm ơn chị Hồng Huệ đã nhắc thêm hoạt cảnh Hòn Vọng Phu của trường! Nếu được chị viết thêm bài cho màn này nữa thì vui biết mấy. Cô Lập nhớ rõ tên các vai, em chỉ góp một phần nhỏ thôi. Nói “mối thương lòng” cho vui câu chuyện chứ thực ra lúc nhỏ em rất nhút nhát, gan thỏ đế. May là được làm vai phụ núp bóng phía sau đuôi chứ vai chính thì màn mất điểm 20/20 rồi 😀

  2. Cám ơn Hân bài viết Tơ Hồng quá sức dễ thương, và phục trí nhớ tuyệt vời của Cô (Lập) Trò (Hân) nhà mình. Phải chi mà lúc đó Tiên còn ở lại chắc được làm “con heo quay” trên mâm quá, hì hì.
    Nhắc lại vở kịch tơ hồng mà không nói tới chuyện tình của anh Bình và Minh Thu thì uổng quá luôn. Nhờ cái vai phụ dâu ni mà Minh Thu hớp hồn anh Bình bên Phan Chu Trinh đó. Và Xuân Phát là con chim xanh. Mai mốt Phát kể chuyện ni cho bạn bè nghe với hỉ.

    1. Hân có hỏi xin cô Lập hình của hoạt cảnh nhưng cô tìm không thấy. Cô nói nên hỏi anh Bình vì lúc đó ảnh mê Minh Thu chắc là có chụp hình … lén. Hì hì. Yêu cầu Xuân Phát viết bài làm chim xanh cho anh Bình-Minh Thu. Nghe hấp dẫn quá luôn.

  3. Cám ơn Ngọc Hân chia sẻ lại chuyện về hoạt cảnh Tơ Hồng của trường mình. Kỷ niệm thật đẹp của những nhân vật trong hoạt cảnh cũng như những người háo hức chờ (hay rình) xem như LP 🙂 . Hiền còn nhớ, thỉnh thoảng trong giờ học mấy cô có vai diễn văn nghệ năm đó được kêu đi tập dợt, vậy là khỏe khỏi phải học, lúc đó sao thấy họ oai ghê!

  4. Nhạc cảnh “Tơ Hồng” của trường mình rất hay và LP nhớ là được mời đi trình diễn ở trường khác hay thi văn nghệ liên trường như Hân nói. Hội trường của trường mình sát sân bóng rổ, tụi con trai LP cúp cua chơi bóng rổ xong chuồn vào hội trường xem lén cô Lập tập dượt cho mấy nàng nữ sinh nhạc cảnh Tơ Hồng, bị cô Lập bắt quả tang nhưng không mét thầy giám thị Cẩm B. Hên quá! Cám ơn Na Tra Hân đã chia sẻ kỷ niệm đẹp của trường TTGDNH.

  5. Tội và thương cho Na Tra Hân ghê hè, dù sao H cũng được chọn đóng phim từ nhỏ. Nhờ làm vai phụ rứa nên sau này lên vai chính do Q đạo diễn, ở liên hoan Phim tại Sacramento năm nào, mẹ Hân rất “sáng sân khấu” đó.
    Beautiful writing Hân!

  6. Kể hoài mà vẫn không hết những kỷ niệm TTGDNH. Cám ơn Hân đã chia xẻ với bạn bè. Hy vọng COVID chóng qua để còn có dịp gặp nhau phá phách vui đùa.

      1. Ánh nhớ đúng, niên khóa 73-74 thì trường mình chưa có lớp 12. Nhưng theo Hiền nghĩ: Ngọc Hân lấy mốc niên khóa cuối 74-75, năm trường NH bị giải thể, làm chuẩn để gọi tên các lớp cho dễ hình dung ra. Vì vậy, dù 73-74 mấy cô lớp mình đang học lớp 8, nhưng trong bài viết thì gán cho Lệ Cảnh, Minh Thu, Ngọc Hân thuộc khối lớp 9/75. Chị Kim Phúc trong vai ông mai hoạt cảnh Tơ Hồng thì thuộc lớp 12/75. Đúng ý vậy không Hân? 🙂

        1. Đúng y ý Hân, cảm ơn Hiền đã giải thích dùm! Tại lâu nay mình luôn dùng 1975 làm mốc thời gian để gọi các lớp cho dễ nhận ra. Cảm ơn Ánh đã nêu câu hỏi, biết đâu các anh chị, các bạn khác cũng thắc mắc, không rõ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *