Ca Khúc Ngô Thụy Miên

     “Mưa có rơi và nắng có phai trên cuộc tình ngây thơ ngày nào…”. Bản tình cuối, nhạc và lời của Ngô Thụy Miên là một trong những bản nhạc tôi hay chọn nghe trên đường lái xe về buổi tối sau giờ tan sở. Bài song ca do hai người bạn tôi hát trên diễn đàn Nguyễn Hiền nghe thật sâu lắng đầy cảm tính. Dường như ở một độ tuổi nào đó, chất giọng của chúng ta sẽ thích hợp hơn với những ca khúc mang giai điệu trầm buồn của Ngô Thụy Miên, để khi hát lên như ta đang bày tỏ nỗi niềm luyến tiếc về những gì đã trải qua và sẽ không bao giờ trở lại…. Ban đêm một mình ngồi trong cái góc nhỏ riêng tư tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bóng tối, được nghe Bản tình cuối thì biết còn cảm giác bâng khuâng gợi nhớ nào bằng. Tình nào không là tình cuối ở một thời điểm gọi là hạnh ngộ, phải không? Cám ơn Ngọc Hân, Lê Phát và những người bạn đã hát cho nhau nghe.


Bản Tình Cuối – NHan-LP

     Dạo sau này tôi rất ít khi nghe nhạc Việt bằng các giọng ca nhà nghề nổi tiếng. Thay vì vậy, cũng những bản nhạc đó tôi lại thích thú hơn khi nghe bạn bè mình hát, dù dĩ nhiên chẳng thể nào so sánh hay dở giữa hai vế với nhau được. Họ là những người bạn cùng lớp thời TTGD Nguyễn Hiền mà chúng tôi hay gọi đùa nhau bằng danh xưng nhóm Cái Chuông Rè. Có lúc là một CCR đơn ca, có lúc 2,3,4 CCR nhóm ca và có lúc cả các CCR hợp ca. Thời gian từ khi Cái Chuông Rè NHLop9 được thành lập cho đến nay cũng bằng khoảng thời gian trang nhà ttgdnguyenhien.com hình thành. Thấm thoát đã 7 năm trôi qua với gần 400 bài hát đã được chúng tôi thu và giữ gìn lại qua mục Hát cho nhau nghe. Nay nhìn cái playlist với chừng đó bài thì quả thật là dài đăng đẳng. Đôi lúc muốn tìm kiếm một bài hát nào đó để nghe lại cũng tốn thời gian. Vì vậy để cho gọn gàng riêng biệt hơn, chúng tôi có ý định sẽ phân những bài hát đó theo chủ đề của mỗi tác giả, và sẽ lần lượt phổ biến trên trang nhà. Rất mong nhận được những bài hát và ý kiến đóng góp quí giá khác của các bạn.

     Chủ đề đầu tiên trên trang nhà TTGD Nguyễn Hiền là Tình ca Ngô Thụy Miên.

     “Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh ngày 26 tháng 9 năm 1948 tại Hải Phòng, và là con thứ nhì trong một gia đình bảy người con. Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở thành phố Hải Phòng, và sau này ở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi vào định cư ở Sài Gòn. Tại đây, ông học trường Trung học Nguyễn Trãi, và sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn” (Wikipedia).

     Ngô Thụy Miên đã có những sáng tác được mến mộ trong khoảng đầu thập niên 60. Tuy nhiên ông thật sự nổi tiếng hơn từ khi băng nhạc đầu tay Tình ca Ngộ Thụy Miên phát hành năm 1974. Tuy chỉ xuất hiện chưa tròn 1 năm, thật ngắn ngủi tính đến ngày 30/4/75 nhưng nó đã làm say mê bao thính giả trong nước, nhất là giới trẻ. Tình Ca Ngô Thụy Miên gồm 17 tình khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. Với sự góp mặt của các ca sĩ và nhạc sĩ như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang,…

     Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ngô Thụy Miên bị kẹt lại Việt nam. Năm 1978, ông vượt biên thành công và sau đó lần lượt định cư tại Canada rồi Hoa Kỳ. Sau một thời gian vắng bóng trong giới nghệ sĩ, đến khoảng năm 1990 ông mới sáng tác trở lại. Những sáng tác tiêu biểu ở nước ngoài của ông như Em còn nhớ mùa xuân, Cần thiết, Em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng, Dốc mơ, Mưa trên cuộc tình tôi, Riêng một góc trời …

     Ngô Thụy Miên có lẽ là người nhạc sĩ gần gũi nhất với chúng ta, gần gũi vì thời gian những tình khúc của ông nổi tiếng cũng là lúc chúng ta vừa chớm trưởng thành. Và, những nhạc phẩm của ông đã nhẹ nhàng trải ngay từng mảng mơ mộng lên tâm hồn ta bằng giai điệu, bằng thứ ngôn ngữ trong sáng đầy chất lãng mạn. Ca từ trong tình ca Ngô Thụy Miên một thời từng được vay mượn như những lời tỏ tình lãng mạn dễ thương nhất dành cho hai kẻ yêu nhau. Trước 75 và kể cả sau biến cố 30 tháng 04 thì ai trong chúng ta mà không thuộc nằm lòng vài đoạn nhạc trích từ ca khúc của ông. Chúng ta đã ươm mơ bao ước vọng tình yêu đôi lứa trên đó. Ngô Thụy Miên cho đến nay vẫn mãi mãi là một người nghệ sĩ viết nhạc tình như ông từng khẳng định.

     Có một giai thoại thú vị về cuốn băng Tình ca Ngô Thụy Miên đã được nhắc tới trong nhiều bài viết trên báo. Trong cơn hỗn loạn ngày 30/04/75, thì trong hành trang bỏ nước ra đi của một người nào đó có mang theo cả Tình ca Ngô Thụy Miên. Vào thời điểm 30 tháng tư, nhiều người đã nhắm mắt chấp nhận bỏ lại tất cả của cải tài sản, ra đi với hai bàn tay trắng. Vậy mà Tình ca Ngô Thụy Miên vẫn được ai đó cố nhét vội vàng vào chiếc xách tay nhỏ, cùng với vài bộ quần áo là tài sản vỏn vẹn được mang theo. Kể lại như vậy để biết cuốn băng TCNTM quí giá biết chừng nào cho người sở hữu nó, và có lẽ cho cả những người Việt nam đã chọn con đường ra đi. Vậy là từ đó băng nhạc đầu tay của NTM đã được sang ra thành nhiều bản copy, không những chỉ lưu hành ở Mỹ mà còn chạy loanh quanh khắp thế giới. Paris, London, New york, Los Angeles, Tokyo… Ở đâu có người Việt tỵ nạn là ở đó ta có nghe Tuổi 13, có nghe Paris có gì lạ không em, Mắt biếc, Áo lụa Hà đông, Niệm khúc cuối, Tình khúc tháng 6… Họ nghe đến mòn đến nhão những cuốn băng cũng mang phận đời lưu vong tủi buồn như chính họ.

     Một thời ta từng nghe những bài tình ca thật dễ thương của người nhạc sĩ lãng mạn Ngô Thụy Miên mà ngỡ như thấy lại tuổi trẻ của chính mình. “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường”. Ngôn ngữ thi ca của Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên phổ thành lời nhạc mới tuyệt vời làm sao! Cám ơn nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, thi sĩ Nguyên Sa đã cho ta những ca khúc để đời. Tình ca Ngô Thụy Miên đã là một trong những ngọn hải đăng lấp lánh từng góp mặt thắp sáng cho nền văn hóa nhân bản, cho nếp sống thương yêu đạo đức của miền nam quá khứ. Âm nhạc được tạo nên bằng cách góp nhặt những rung cảm thương yêu trong tâm hồn và sẽ quay lại làm tâm hồn con người hướng thượng đến cái đẹp hơn. Âm nhạc chắc chắn bằng cách này hay cách khác ảnh hưởng lên hành vi của con người trong một xã hội. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, một người Việt nam đã từng được nuôi dưỡng bằng thứ âm nhạc của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy, của Ngô Thụy Miên… thì lớn lên sẽ trở thành một con người lành tính, họ sẽ biết thương con người, biết yêu quê hương. Hôm nay nhìn về một xã hội Việt nam dường như mất mát đi nhiều những đức tính đó, ta mới thấy tiếc nuối một nền văn hóa nói chung, một không khí văn nghệ nói riêng của miền nam đã không còn. Biết bao giờ ta mới lại có thêm những tình khúc như của Ngô Thụy Miên. Biết bao giờ chúng ta mới tìm lại được khung trời cũ của lãng mạn đầy yêu thương. Cám ơn người viết nhạc tình Ngô Thụy Miên và những nghệ sĩ của một thời miền nam tự do. Và một cách riêng, cám ơn nhóm CCR đã cho bạn bè nghe những bài hát quá đẹp đầy gợi nhớ.

     HH

Playlist “Ca Khúc Ngô Thụy Miên”

     Trang danh sách nhạc Ngô Thụy Miên luôn mong muốn đón nhận thêm những bài hát mới từ các bạn NH, sẽ bổ túc vào playlist khi nhận được.

3 thoughts on “Ca Khúc Ngô Thụy Miên”

  1. Thời gian không lâu sau khi rời VN, trong nhà H cũng xuất hiện một cuốn cassette “Tình ca Ngô Thụy Miên”. Lúc đó đâu có nhiều nhạc VN để nghe, cho nên nghe đi nghe lại cuốn cassette đó đến thuộc lòng. Tuy nhiên, H lại không biết nhiều bài mà NTM đã sáng tác sau năm 75. Tiêu biểu là bài Dốc Mơ, bài favorite của Hiền mà cho đến khi nghe Hiền hát H mới để ý. Một số bài NTM mà XP đã hát cũng rất mới lạ với H. Dầu là sáng tác trước hay sau ’75, nhạc của NTM bao giờ cũng sang trọng, lời ca đã mượt mà và nhạc lại rất tuyệt vời, nhưng không có quá nhiều tham vọng, mà khiêm tốn như chính con người của ông. Qua vài bài viết về NTM mà H đã đọc được, ông tâm sự là ông sinh ra để viết nhạc tình mà thôi. Quả đúng như vậy, bài nào cũng lãng mạn, có vài bài vui, nhưng phần đông là nhạc buồn,buồn nhè nhẹ, buồn mà không sến và quá bi lụy. Duy chỉ có một bài có chút “chính trị” trong đó là bài “Em còn nhớ mùa xuân” với câu “trời Sài gòn hôm nay còn nhiều mây bay, nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy”. Cám ơn Hiền đã tạo chương trình chủ đề nhạc NTM, H mới có dịp tìm nghe thêm rất nhiều bài của NTM viết sau ’75.

  2. Lúc ở trại tị nạn 1982, T Sơn nghe lui nghe tới cuốn cassette Tình Ca Ngô Thụy Miên 1. Bây giờ HH viết về NTM làm T Sơn nhớ lại Galang.

    1. Hi Sơn. Tình ca NTM 1 thì anh đã nghe tới nghe lui đến cả hai năm, bằng khoảng thời gian nằm mòn mỏi chờ ở trại tị nạn Okinawa Nhật bản. Hai năm thì quá đủ để thấm và yêu nhạc NTM rồi hỉ 🙂 . Thỉnh thoảng nhớ làm thêm thơ gởi cho trang nhà!

Leave a Reply to Nguyễn Sơn Tam Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *