Để Gió Cuốn Đi

        Cuối tuần rồi cô bạn cùng lớp có gởi cho trang nhà TTGD Nguyễn Hiền một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi rất thích. “Để gió cuốn đi”. Cô bạn tôi còn gởi kèm theo vài dòng ghi lại cảm xúc của mình khi hát bài này. Những lời mang rung cảm nhẹ nhàng, sâu lắng như tiếng thở đều trong thiền, trong an nhiên tự tại diễn tả nét rất riêng, rất là Trịnh xưa và nay.

“Ừ thì để rồi gió cũng cuốn đi mất tấm lòng đối đãi tử tế với nhau
Ừ thì nước rồi cũng cuốn trôi đi những tiếng cười ấm áp của một mái ấm trong tim
Ừ thì rồi cũng phải chỉ biết ngậm ngùi yên lặng chấp nhận một tình yêu huyền nhiệm, nhưng cũng đã chắp cánh bay xa
Nhưng dầu có mệt mỏi kiếp người vì gió đã cuốn đi một tấm lòng, một tiếng cười, một tình yêu, nhưng ngày tới vẫn đáng yêu, vì quanh đây vẫn còn có nhiều tấm lòng tử tế khác, nhiều tiếng cười rộn rã, và tình yêu thân thương của thiên nhiên, bạn bè, người thân và của cả những người không thân” (Nhuhoe).


Để Gió Cuốn Đi – NH

        Thứ năm tuần vừa qua (02/28/2019) là ngày sinh nhật lần thứ 80 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cái icon Doodle trên trang chính của Google đã gắn lên chân dung của ông đang say mê bên cây đàn guitar. Đây là lần đầu tiên Google Doodles tôn vinh một người Việt Nam. Điều đó đủ nói lên cho ta thấy được một vị trí trân trọng, một sức ảnh hưởng quá lớn của người nhạc sĩ tài hoa đối với người yêu âm nhạc trong cũng như ngoài nước.

        Viết về Trịnh Công Sơn thì xưa đến nay đã có biết bao nhiêu bài đề cập đến. Cuộc đời ông có người khen kẻ chê tùy theo quan điểm sống và vị thế đứng của họ ở phía bên này hay bên kia, hoặc chỉ đứng lưng chừng. Nhưng nếu từ góc nhìn thuần túy về âm nhạc mà thẩm định thì chẳng ai có thể phủ nhận được tài năng của người nhạc sĩ họ Trịnh. Âm nhạc của ông không những đẹp trong ngôn từ, trong giai điệu mà còn ẩn chứa những cảm nhận sâu sắc về thiền, về thân phận con người, về tình yêu và cái chết. Để phân tích dòng nhạc Trịnh theo cách rạch ròi từng câu từng chữ là một điều rất khó, nó đòi hỏi chúng ta không những có kiến thức về âm nhạc mà còn phải am hiểu về triết học, về thiền học. Tuy nhiên không phải vì vậy mà nhạc của Trịnh Công Sơn trở nên khó hiểu, khó cảm nhận được. Một người với kiến thức bình thường vẫn có được cảm xúc dào dạt khi nghe nhạc của ông. Điều đặc biệt của nhạc Trịnh là trong mỗi một lúc, mỗi một cá nhân, mỗi một hoàn cảnh nó sẽ dẫn người thưởng thức đến những cảm xúc bàng bạc khác nhau. Có lẻ đến với nhạc Trịnh ta chỉ cần cảm nhận chớ không cần phải giải thích. Những nốt nhạc trầm bổng, những giai điệu du dương sẽ dẫn dắt ta đến từng chặng đường trong hành trình mình muốn tìm đến.

        Nếu tưởng tượng cuộc đời như một dòng suối chảy từ cao xuống thấp, thì Trịnh công Sơn bằng âm nhạc sẽ dẫn dắt ta về những kỷ niệm đã có bằng cách đảo ngược dòng chảy suối cuộc đời đó. Hạ nguồn trở thành thượng nguồn. Chúng ta xuôi theo dòng suối đảo chiều của Trịnh, để lại đi qua những thác ghềnh năm tháng cũ, để gặp lại những kỷ niệm ngày xưa, những khuôn mặt một thời bỏ lại. Nhưng điều đáng buồn là ít nhiều rồi tất cả sẽ khác đi, thời gian đã ủ nhàu năm tháng để lại những nếp nhăn trên trán, những sợi tóc chẳng còn xanh. Nghe nhạc Trịnh là khơi lại những gì đáng nhớ rất riêng trong mỗi con người, trong mỗi chúng ta.

        Ở tuổi 13, 14 tôi đã bắt đầu biết nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đó là những “Ca khúc da vàng” được phát từ những cuộn băng lớn của dàn máy thường được gọi chung là dàn Akai. Với lứa tuổi tụi tôi thời đó thì chỉ nghe mà không cảm nhận gì cả, nghe một cách miễn cưỡng khi đâu đâu cũng vang ca khúc “phản chiến” của Trịnh, nhất là trong những quán cà phê mở ra rả suốt ngày. Chiến tranh ở đâu xa lắm và những đứa trẻ mới chập chửng lớn như tôi làm gì bận tâm đến khi mình chưa phải là một cá nhân đang chịu đựng trực tiếp những tàn khốc của nó. Chúng tôi, những đứa trẻ thành phố còn quá đổi vô tư trước thời cuộc.

        Nhưng bên cạnh những “Ca khúc da vàng” đó, nhạc Trịnh còn có những bài tình ca mang tên tuổi của ông đến với công chúng. Những Diễm xưa, Như cánh vạc bay, Hạ Trắng, Nắng thủy tinh… đã từng một thời và cho đến cả bây giờ vẫn còn là những tuyệt tác trong làng âm nhạc Việt.

        Tôi còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nhạc tình họ Trịnh mà mình cảm nhận được sự rung động của tâm hồn là những đêm trình diễn văn nghệ trong khuôn viên trường TTGD Nguyễn Hiền Đà nẵng. Lúc đó tôi học khoảng lớp 8, lớp 9. Những đêm ấy bây giờ dù chỉ còn lại lờ mờ, cái nhớ cái quên; nhưng hình ảnh của chị Hương (học trên tôi một năm) đứng hát nhạc của Trịnh công Sơn thì tôi không bao giờ quên. Hình ảnh một cô gái mặc áo dài trắng nữ sinh, vạt bay trong gió, tóc dài ngang vai, hát những ca từ, giai điệu trong Như cánh vạc bay, Hạ trắng… đẹp và lãng mạn để xao xuyến biết chừng nào. Có lẽ đó là kỷ niệm đầu tiên và cảm nhận thật sự ban đầu đã có của tôi với nhạc Trịnh. Sau này có dịp xem video clip của ca sĩ Khánh Ly trên mạng YouTube, hình ảnh cô đi chân trần, mặc áo dài hát nhạc Trịnh ở quán Văn thời Sài gòn “vẫn còn đó”, thì tôi mới nhận ra được tại sao người ta yêu mến cặp đôi Trịnh Công Sơn – Khánh ly đến như vậy.

        Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai của tôi với nhạc Trịnh là lúc vừa đặt chân đến trại tị nạn Okinawa Nhật bản. Vừa bỏ nước ra đi đến một nơi quá đổi xa lạ, một thân một mình, ngôn ngữ xứ người thì mới học được vài ba chữ. Buồn nhớ nhà chết được! Lúc đó có thời gian tôi làm công nhân cho một hảng xây cất. Một lần để hoàn thành cho đúng thời hạn công trình, tụi tôi phải làm việc trên một tòa nhà cao tầng ban đêm. Trời lạnh đổ mưa lâm râm, tôi cùng vài người khác phải vác những bó sắt đi qua lại trên ấy. Bó sắt nặng trĩu đến oằn cả vai, mưa ướt vuốt mặt. Đột nhiên tôi nghe tiếng nhạc vẳng lại từ chiếc radio, một giai điệu thật quen mà chắc hẵn mình đã nghe nhiều lần. Định thần lại tôi mới nhận ra là bản hòa tấu trên dàn giao hưởng của Diễm xưa. Trời ơi, cảm xúc của tôi lúc đó là gì? Là những nhớ nhung, cô đơn và buồn tủi của kẻ tha hương trộn lẫn với cái bồi hồi, ấm áp và hãnh diện mà Diễm xưa mang lại… Trong từng giọt nước mưa lăn trên má đêm đó, dường như có cả vị mặn của nước mắt chính mình…

        Từ sau lần bắt gặp bản hòa tấu Diễm xưa đêm đó tôi còn nhiều lần nghe lại nó trên đài FM, nhưng có lẽ lần đầu vẫn để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên nhất. Theo như tựa của bản Diễm xưa dịch sang tiếng Nhật, diễm là đẹp, Utsukushii mukashi (美しい昔) là nét đẹp của ngày xưa. Giữa một nơi xa lạ tôi bỗng tìm lại được những gì đẹp nhất của mình đã bỏ lại nơi quê nhà.

        Khá lâu sau khi định cư ở Nhật tôi mới biết Diễm xưa và Ca dao mẹ là hai ca khúc đã được dịch qua tiếng Nhật và được Khánh Ly trình bày tại Hội Chợ Quốc Tế ở Osaka năm 1970. Bài Diễm Xưa qua lời Nhật sau đó đã trở thành “top hit”, nằm trong top 10 ở Nhật năm 1970. Năm 2004 Diễm xưa là nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục trong môn Văn hoá và Âm nhạc.

        Nếu Khánh Ly có công giới thiệu Diễm xưa đến với khán giả Nhật Bản thì người góp phần phổ biến ca khúc này trong làng nhạc “xứ sở Phù Tang” chính là Tendo Yoshimi, nữ danh ca hàng đầu Nhật Bản ở thể loại enka (nhạc dân gian). Tôi nhớ có năm trong chương trình “Hồng, Trắng” (Kohaku) ca sĩ Tendo đã trình bày bài Diễm xưa. “Hồng, Trắng” là một chương trình mang tính quốc dân, nó diễn ra vài giờ trước giao thừa sang năm mới và chỉ có những ca khúc mang tính tiêu biểu, đặc trưng cho Nhật bản mới được trình bày dịp này. Có như vậy chúng ta mới thấy rằng Diễm xưa và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được yêu mến biết bao nơi xứ sở hoa anh đào. Có lẽ người Nhật đã tìm được trong Diễm xưa nói riêng và dòng nhạc Trịnh nói chung nét tương đồng với tính cách của họ, đó là hài hòa với những gì mong manh trinh khiết, là quí trọng cái nét đẹp như giọt sương mai trong vắt đọng trên lá. Những giọt sương chỉ hiện hữu trong giây lát rồi rơi xuống tan vỡ đi. Cô Diễm của ngày xưa hay vẻ đẹp của ngày xưa đâu khác gì nhau. Nó mong manh và thân phận.
Trương Hữu Hiền

Những ca khúc Trịnh Công Sơn của nhóm CCR.

5 thoughts on “Để Gió Cuốn Đi”

  1. Năm ngoái có người bạn đi VN về tặng cho H cuốn “Thư tình gửi một người” gồm hơn 300 bức thư tình của TCS gửi cho một người con gái tên là Ngô Vũ Dao Ánh. Bức thư đầu tiên đề ngày 2 tháng 9 năm 1964, và bức cuối cùng ngày 17 tháng giêng năm 2001. Tuy nhiên đại đa số được viết vào khoảng thời gian 1964 – 1967. Ngô Vũ Dao Ánh là em gái của Ngô Vũ Bích Diễm, cô gái trong bản nhạc Diễm xưa mà Hiền đã nhắc đến trong bài viết này. Hoá ra Diễm xưa là sáng tác duy nhất viết về cô Bích Diễm trong cái gia tài âm nhạc đồ sộ của TCS. Những bài tình ca khác như Nắng Thủy tinh, Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Tôi ru em ngủ, Như cánh vạc bay, Xin mặt trời ngủ yên, Tình nhớ, Tình sầu, Tình nhớ, Em đi bỏ lại con đường, Như một lời chia tay, Gọi tên bốn mùa… đều viết tặng cho cô Dao Ánh.

    TCS và DA chia tay nhau vào năm 1967. Sau này DA cũng đi Mỹ và hiện tại vẫn còn định cư ở Mỹ. Năm 1993, DA về VN thăm TCS và bản nhạc Xin trả nợ người được TCS sáng tác đánh dấu lần hội ngộ này.

    Hai mươi xin trả nợ người
    Trả nợ một thời em đã bỏ ai …
    Em phụ tôi một thời bé dại
    Bé dại ra đi không nhớ gì tôi
    Bé dại ra đi quên hết tình tôi (TCS lớn hơn DA 9 tuổi)…
    Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
    Trả nợ một lần quên hết tình đau
    Hai mươi năm vẫn là thuở nào
    Nợ lại lần này trong cõi đời nhau.

    H rất thích nhạc TCS tuy đôi khi cảm thấy hình như TCS có vẻ như “chơi chữ” vì ca từ độc đáo, đẹp mượt mà như thơ. Thơ trong nhạc, nhạc trong thơ, thơ nhạc quyện lẫn nhau như ánh trăng trong giòng suối, là hai cá thể nhưng không tách riêng ra được. Và nếu là “chơi chữ” thì chưa chắc đã thực sự có ý nghĩa sâu sắc. Tuy nhiên, sau khi đọc xong cuốn Thư tình gửi một người, thì H mới biết là mình đã đánh giá sai lầm. Có thể TCS là một thiên tài về âm nhạc, ca từ, nhưng ông đã viết bằng một trái tim thật thà, như những lá thư ông viết cho DA, rất hay, rất cảm tình, rất thơ và nhiều khi rất buồn. Buồn trong nỗi nhớ nhung người yêu (thời gian TCS dạy học ở Blao và DA ở Huế, cho đến 2001 vẫn viết thư nói nhớ DA), buồn cho đất nước thân phận con người trong thời chiến. Tình yêu và nỗi nhớ được viết thành những bản tình ca bất hủ. Vào tuổi trung niên, TCS như đã “ngộ” ra được tính cách vô thường của vạn vật. Mọi sự như là, vui hay buồn còn tuỳ vào thái độ sống của mỗi người nên ông không dại gì mà không “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” chứ. Gần cuối đời ông nghiệm ra rằng:

    Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
    Ngày xưa lận đận không biết về đâu…
    Ngày nay lận đận là giọt hư không

    Đây là một trong những sáng tác cuối cùng của ông, cũng viết tặng cho DA. Những lá thư tình gửi cho DA là chìa khoá giải mã cho phần đông nhạc tình TCS. Tuy vậy, H vẫn phải suy nghĩ rất lâu về bài Để gió cuốn đi vì ý tứ khá mâu thuẫn. Một trong những câu được trích ra từ nhạc TCS nổi tiếng nhất là “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Thị trường nhan nhản quà lưu niệm thư pháp câu này. Vậy thì để làm gì? Để gió cuốn đi! Chưa bao giờ H thấy thư pháp “để gió cuốn đi”, mặc dầu đây lại là tựa của bài hát. Có người giải thích để cho gió cuốn “tấm lòng” đi rải khắp nơi, qua những giòng sông. H lại nghĩ là để gió cuốn đi… mất, và hình như ít ai để ý đến hai câu quan trọng nhất là:

    Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
    Còn cuộc đời ta cứ vui dù vắng bóng ai

    Và TCS đã đặt cả thuyết vô thường vào bốn chữ giản dị “để gió cuốn đi”, bước qua bao gian nan để học được cách giữ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

    1. Cám ơn Như Hòe đã chia sẻ vài mẩu chuyện thú vị đằng sau những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Hóa ra bóng hồng trong những bài tình ca thời trẻ của nhạc sĩ là hai chị em Bích Diễm và Dao Ánh. Hiền còn được đọc đâu đó là bài Ướt Mi (sáng tác đầu tay của TCS) là dành tặng cho nữ ca sĩ Thanh Thúy. Và, bài Biển Nhớ ông viết cho mối tình với một cô tên Bích Khê (“Trời cao níu bước sơn-khê”) thời ở Qui Nhơn. Quả thật đằng sau một tài năng vốn có, người nghệ sĩ cần thêm những hoàn cảnh ngoại vi, những nhân vật chính có thật để làm nền cho sáng tác. Với TCS hoàn cảnh là một khung cảnh sống của miền nam đầy thi vị, nhân vật là những bóng hồng từng thoáng qua đời ông. Tất cả đã làm nên cảm hứng vô biên cho ông sáng tác nên những bài tình ca tuyệt vời. Chúng ta cảm ơn TCS thì cũng nên biết ơn đến một thời kỳ thật đẹp đã qua và cả những cô như Bích Diễm, Dao Ánh, Bích Khê, Thanh Thúy… phải không? Hình như sau 75, nhạc sĩ không còn sáng tác những bài tình ca đẹp như trước dù chung quanh ông vẫn còn có thêm những bóng hồng khác.

      1. Đúng rồi đó Hiền. Hình như bài Thương một người cũng viết cho ca sĩ Thanh Thúy. Những bài như Bống bồng ơi, Thuở Bống không là Bống, Em là hoa hồng nhỏ, Nhớ mùa thu Hà nội, Thuở Bống là người … đều viết cho ca sĩ Hồng Nhung …

        H cảm thấy TCS vẫn cho ra đời những ca khúc giá trị, giá trị không như nhau vì những ca khúc TCS đều phản ảnh tư duy của ông qua từng giai đoạn cuộc đời: tình yêu, đất nước và thân phận trước và sau 75 đều đẹp và sâu sắc nhưng lại khác nhau rất nhiều.

  2. Cảm ơn Hiền đã chia sẻ nhũng cảm nghĩ sâu sắc về âm nhạc của TCS. Hiền ví cuộc đời như dòng suối chảy hay quá nhưng chắc phải can đảm lắm mới đi ngược lên lại thượng nguồn để nhặt kỷ niệm xưa, gặp người yêu cũ 😊 Những kỷ niệm “Diễm Xưa” ở Nhật của Hiền cũng thật cảm động. Cảm ơn Hoè đã cho bạn bè thưởng thức “Để gió cuốn đi”. Nghe thật trầm lắng và truyền cảm!

    1. Bài viết diễn tả không rõ nên chắc Hân hiểu lầm chớ ai bắt Hân đi ngược lên trên thượng nguồn lại làm chi. Mình ở cuối ngọn thác, khi TCS bằng âm nhạc quay ngược ngọn thác tức là mình cũng ở trên cao nhất rồi. Khi đó mình chỉ việc tà tà thả trôi theo dòng xuống lại phía dưới . Chắc chắn mình sẽ được ghé lại những chổ cũ, về gặp lại cố nhân xưa. Khỏe re chớ ai không dám chi hè! 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *