Còn Tuổi Nào Cho Em

“Xin cho tay em còn muốt dài

Xin cho cô đơn vào tuổi này

Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài” (TCS)


Còn Tuổi Cho Nhau – Huyền Trân

      Diễn tả nổi cái cảm giác khi nghe một tình khúc của Trịnh Công Sơn là một điều thật khó vì nó không chứa đựng điều gì cho rõ nét cả. Nó mông lung, mơ hồ lắm. Người nghe thấy buồn nhưng là buồn cở nào? Buồn não lòng hay chỉ buồn sơ sơ chút ít ngoài thịt da. Buồn như đang khổ vì tình yêu trai gái hay là cái buồn khơi khơi vô cớ khi thấy mưa rơi, chiều xuống. Nếu cứ gán đại là cảm giác buồn buồn, man mác cho xong việc thì dể rồi vì nhạc tình nào mà không có nét buồn lãng mạn để có chuyện mà viết nên. Nhưng cảm giác rung động khi nghe Trịnh Công Sơn trải nét buồn trên nhạc của ông thì lại khác lắm. Cái buồn đo nổi chiều sâu thăm thẳm của thân phận con người, nhưng không ray rức chán chường, trái lại là xúc động, rờn rợn đến nổi da gà. Nổi buồn xen lẫn cả ấm áp mênh mông. Buồn mà hạnh phúc, tình xa mà gần, thực tại xen lẫn thiền tại là những nét ta mơ hồ cảm nhận trong những bản tình ca họ Trịnh. Mỗi lần nghe nhạc của ông, tùy theo nơi chốn, tùy theo người hát, tùy theo hoàn cảnh tâm trạng, tùy theo mức độ trải nghiệm đời sống ta lại khám phá được cảm xúc mới. Những lúc rảnh rỗi để thả hồn nghe nhạc Trịnh đã đành là tuyệt vời rồi. Nhưng, thỉnh thoảng ở đâu đâu xa vọng lại cũng làm bồi hồi xúc động. Nghe mềm lòng, lay động đến cả mọi ngóc ngách của tâm hồn.
      Đã bao lần say mê nghe nhạc Trịnh. Từ giọng ca của Khánh Ly, Hồng Nhung đến Tuấn Ngọc, Ngọc Lan…, nhưng sao tâm trạng thì chưa bao giờ như sáng chủ nhật hôm nay. Nghe với cả những giọt nước mắt lăn dài không sao cưỡng nổi. “Còn tuổi nào cho Em”. Tuổi nào cho vừa với em, Lê Thanh Huyền Trân? Nổi buồn nào cho vừa với em, 12 tuổi mồ côi cha mẹ từ tấm bé, sống đời nữ tu? Nổi buồn sâu thẳm trong giọng hát, trong nét mặt, trong đôi mắt của cô bé hát nhạc tình của Trịnh. Có gì đó như nghịch lý khi cô bé mới 12 tuổi đã hát thật tuyệt vời nhạc tình Trịnh công Sơn. Trái nghịch với nét mặt còn ngây thơ là đôi mắt buồn sâu thẳm. Trái nghịch với không khí rực rỡ của sân khấu là hình ảnh em cô đơn, co ro, bé nhỏ. Còn gì ngược ngạo hơn khi em mặc chiếc áo dài trắng nữ sinh nhưng lại đội chiếc mũ len nâu sòng. Nhưng sao những điều tưởng chừng như kết hợp gượng ép ấy lại thấy vừa vẹn, hài hòa khi em cất tiếng hát “Còn tuổi nào cho em”. Em đã thành công khi làm nhiều người nghe như tôi đánh mất cảm giác về tuổi tác để cảm xúc mà rơi nước mắt. Hình như nhạc Trịnh không hoàn toàn dành cho tình yêu theo nghĩa thông thường, nhạc của họ Trịnh dành cho mọi cảm xúc thân phận. Nhạc Trịnh mơ hồ như nằm giữa thực và thiền, giữa buồn trần tục và buồn thánh thiện. Có lẽ điều đó như chất men tuyệt vời lôi cuốn người nghe say mê âm nhạc của ông. Cảm xúc khi nghe nhạc Trịnh của đứa bé sắp lớn, của cô cậu mới lớn, của những người đã lớn nhiều trải nghiệm với đời vẫn không có gì khác nhau mấy. Tôi nghe đến rực lòng thổn thức từ khi vừa mới lớn qua tiếng hát Khánh Ly thì nay giữa tuổi đời quá 5 bó này, vẫn nao lòng rơi nước mắt khi nghe “Còn tuổi nào cho em” qua giọng của cô bé mồ côi Huyền Trân. Nhạc tình của Trịnh Công Sơn không hẳn là nhạc thời thượng đời thuờng, cũng không hẳn là đạo ca, chúng đứng giữa đạo và đời, chúng diễn đạt một cách thoát tục nổi buồn của con người trên thập tự giá. Tuổi nào mà khong rung động khi nhìn chiếc lá vàng úa chực rơi rụng trong chiều mùa Thu.

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay

Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời

Tay măng trôi trên vùng tóc dài

Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này

Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may

      Trước khi có nhạc Trịnh Công Sơn, trước khi ta được thưởng thức nhạc của ông thì tiếng Việt chắc chưa phổ cập những ý từ bàng bạc, những hình tượng thanh thoát như “phôi pha, hạ trắng, tay em muốt dài, vai em gấy guộc nhỏ…” và nhiều nữa. Từ ngữ đầy diễm ảo trong tình ca nhạc Trịnh đến và ở lại thường trực trong đời sống chúng ta. Mặc nhiên người chịu ảnh huởng nhạc Trịnh dùng nó một cách tình cờ hay vô thức. Thỉnh thoảng ta vẫn hay dùng “xưa rồi diễm”, “đôi vai gầy guộc nhỏ” hay “ngón tay muốt dài”,”áo xưa dù nhàu”, những câu chỉ vài chữ ngắn ngủi thôi mà diễn tả được cả nội dung phức tạp cần bày tỏ. Chúng ta nợ Trịnh công Sơn một gia tài âm nhạc tuyệt vời đầy màu sắc lạ và một gia tài ngôn từ đầy sáng tạo sâu sa.
      Mỗi bản nhạc tình của Trịnh Công Sơn thường gắn bó ta với một hình ảnh gợi nhớ nào đó. Nhất là nhớ kỷ niệm của lần đầu tiên được nghe chúng. Tôi đến với Như Cánh vạc bay, Hạ trắng, Ướt mi… từ rất sớm. Và dĩ nhiên ký ức của khung cảnh lần đầu được làm quen với chúng thì không sao quên được. Thời chập choạng lớn, khoảng đâu lớp 7, lớp 8 thì trường tôi hay tổ chức văn nghệ dịp trước nghĩ hè hay tất niên cuối năm. Tôi nhớ mãi có chị tên Hương, học trên tôi một lớp, hay hát những bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Lúc đó chắc là giọng chị hát hay lắm, cộng thêm với tuyệt vời của nhạc Trịnh nên mới 13, 14 tuổi mà tôi đã rung động say mê quá. Những tối văn nghệ ấy đã cho tôi làm quen với nhạc Trịnh và hình ảnh của chị Hương, với mái tóc dài, tà áo trắng, với dòng suối thuơng yêu ngọt ngào chảy từ lời tình ca Trịnh Công Sơn đã ở hoài trong ký ức mình.
      Kỷ niệm tuổi học trò làm phong phú tâm hồn chúng ta khi lớn lên. Kỷ niệm thời ấy của lứa tuổi tôi ngoài lớp học, bạn bè, ngoài rong chơi mùa hè, ngoài cine phim ảnh còn có đó một nền âm nhạc lãng mạn đầy màu sắc. Ở trong đó, nhạc tình của Trịnh Công Sơn thật đặc biệt, nó làm đậm nét cho tình yêu thương tha nhân, làm nhân bản thêm trái tim nồng nàn ta đến tận bây giờ. Bốn mươi năm rồi thì phải khi lần đầu tiên tôi đến với nhạc Trịnh, biết đến giọng ca hiền dịu, ngọt ngào của chị Hương qua Như cánh vạc bay, Hạ Trắng. Tôi yêu nhạc tình họ Trịnh từ thời đó. Và tôi mang tình yêu đó đến tận bây giờ để có buổi sáng chủ nhật hôm nay, tan theo từng lời nhạc của “Còn Tuổi nào cho em”, tan theo đôi mắt của cô bé Lê Thanh Huyền Trân. Tôi đã cố tìm từ ngữ nào đó để diễn tả nổi buồn trong đôi mắt em, nhưng không sao hoàn toàn tìm nổi. Nó thoát tục quá để không thể diễn tả bằng ngôn từ bình thường. Họa may chăng, nếu Trịnh Công Sơn vẫn còn ở lại cõi đời này, tôi tin chắc ông sẽ tìm ra được một ngôn từ nào đó để diễn tả đủ cho nét thanh thoát của nổi buồn trên đôi mắt em. Cô bé 12 tuổi, mồ côi từ bé hát “Còn Tuổi nào cho em”.
HienTruong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *