Cuối năm, về thăm Việt Nam


“Tuyết rơi Phú Sĩ tự ngàn năm

Ta về từ chốn ngàn dâu ấy

Tử sinh đến lúc cũng bạc đầu”

      Ba câu thơ trên tôi được nghe từ một người bạn đã khá lâu. Đâu tận hồi mới đặt chân lên xứ Phù tang Tam đảo làm dân tị nạn. Lúc đó nhớ nhà, cô đơn đến tuyệt vọng. Tâm trạng của kẻ tha hương, không biết đến bao giờ mới được về thăm lại quê hương, gia đình mà. Những lần thấy tuyết lất phất bay giữa mùa Đông xứ người, ngẫm ý thơ, rồi nghĩ đến thân phận mình làm lòng buồn xót xa ghê lắm. Cảnh vật cứ như xát muối vào lòng mình đau quay quắt. Hôm nay thì hoàn cảnh đã đổi khác, cơ hội về thăm lại Việt nam không còn là điều quá khó nữa. Nhưng sao mỗi lần nhìn thấy tuyết rơi giữa mùa Đông thì lòng không khỏi bâng khuâng nhớ lại cảm xúc một thời đã có.

      Hôm nay thành phố tôi đang ở tuyết lại rơi dày đặc. Boston im ắng như trong một đọan phim câm, những cánh bông trắng lóng lánh bay đầy trời. Nhìn cảnh tuyết rơi tôi chợt có ý nghĩ, sao cũng là hơi nước từ trên cao rơi xuống nhưng tuyết đang rơi thì buồn hơn mưa rơi nhiều. Mưa rơi còn có tiếng động, tiếng lộp độp trên mái nhà, trên mặt đường để ta còn cảm nhận được là mình đang hiện hữu. Tuyết thì không. Tuyết rơi cho dù rợp trời cũng không vang âm động, chúng như nhẹ nhàng lôi ta vào hư vô, thinh lặng.

      Mấy tuần nay chổ tôi ở sao lạnh ghê gớm. Vài hôm thì lại đón bão tuyết, rồi tiếp theo là vài hôm lạnh buốt khi nhiệt độ bên ngoài xuống xấp xỉ con số 0 của F. Đứng trong nhà nhìn ra ngoài, trông thành phố như bao phủ bởi một lớp keo rỉ chảy trắng đục. Từng lớp tuyết chồng chất lên nhau, ngày qua ngày, rồi cứng trơ lại thành những tảng băng dày cộm. Không gian vắng lặng. Thành phố như đã bị bỏ hoang lâu ngày nếu thỉnh thoảng không nghe âm thanh của chiếc xe dọn tuyết rì rầm chạy qua lại. Cảnh mùa đông xứ lạnh, phố đóng băng thì buồn bả quá đi rồi. Thắc mắc mà làm chi cho thêm phiền đời. Thời tiết mùa đông năm nay ở Mỹ khắc nghiệt một cách bất thường, những đợt lạnh gây chết người ở vùng Trung Tây, những cơn bão đá hiếm thấy ở miền Nam, và những trận tuyết lớn nhất trong vòng nhiều năm ở miền Đông. Trời lạnh hơn mọi năm nên ai cũng cảm thấy mệt mỏi, chỉ mong sao cho mùa Đông chóng qua. Đã vậy, cuối năm gia đình tôi vừa mới đi thăm Việt nam về. Thử tượng tượng, vừa mới lang thang đây đó, phởn phơ với cái nắng ấm mùa Xuân bên nhà thì đùng một cái đụng với cái lạnh khủng khiếp nơi đây, chao ôi còn chán ngán nào bằng. Bình thường, vừa từ Việt nam trở lại đây đã nhớ bên nhà da diết huống gì tình cảnh này, chỉ ước ao được bay về lại ngay bên ấy. Sao mà nhớ cái không khí gần Tết rộn ràng nơi quê nhà quá. Nhớ cái nắng ấm thơm mùi những ngày cuối năm. Nhớ bạn bè, tách cà phê thơm ngát buổi sáng, buổi chiều tà tà lang thang ghé vào quán bên đường uống với nhau vài lon bia mát lạnh. “Mộng bình thường” sao mà nay thấy xa vời vợi.

      Hơn 30 năm xa Việt nam, lần này tôi trở về là lần thứ ba. Lần đầu thì không kể gì vì đã dành hầu hết thời gian cho đám tang mẹ tôi. Lần thứ hai, cách đây 5 năm thì có phần thong thả hơn, Saigon, Đà nẵng, Nha Trang mỗi nơi ghé được vài ngày. Nhưng rồi, ở mỗi thành phố cũng chẳng biết làm gì, chỉ đi loanh quanh, ngắm nghía nhìn lại nơi một thời mình đã từng sống, đã đến đã đi. Cuối năm vừa qua tôi lại đưa gia đình về thăm Việt nam. So với hai lần trước thì tâm trạng lần này có khác hơn. Mang chút đau buồn vì cứ nghĩ lẩn quẩn rằng, chắc đây là lần cuối tôi gặp được Ba tôi, mấy tháng nay Người đã yếu lắm rồi. Buồn như vậy nhưng cạnh đó tôi cũng mang tâm trạng háo hức khi nghĩ đến lần này tôi sẽ gặp được nhiều bạn bè cũ, nhất là đám bạn học từ hồi còn Trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền Đà nẵng. Dạo gần đây, bạn bè lớp tôi ngày càng gắn bó, thân thiết hơn khi thuờng xuyên liên lạc với nhau qua email hay qua mục tin tức sinh hoạt trong trang web của trường. Mới nghĩ đến được gặp bạn cũ ngày xưa thôi đã làm tôi nôn nao, cứ trông cho mau đến ngày lên đường.

      Gần đến ngày về Việt nam, nhìn dự báo thời tiết làm tôi lo lắng quá. Dự đoán sẽ có trận bão tuyết rất lớn kéo qua và chắc chắn phải hủy rất nhiều chuyến bay ở vùng Đông bắc Hoa kỳ. Thật may mắn làm sao, lịch bay của gia đình tôi đến sớm hơn hai ngày thì bão tuyết đến. Chuyến bay dài lê thê, tổng cọng giờ ngồi máy bay từ Boston về đến Việt nam phải mất hơn 20 tiếng. Máy bay đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất vào buổi tối. Thời tiết Sài gòn về đêm ở những ngày cuối năm mát dịu. Tôi cảm thấy thoải mái hơn so với những lần về Việt nam trước trong mùa hè nóng bức. Mặc dù đã khá khuya nhưng đường phố vẫn còn đông xe cộ qua lại, hàng quán vẫn còn mở cửa buôn bán tấp nập. Có lẻ Tết gần đến nên sinh hoạt rộn ràng hơn chăng? Thành phố về đêm sáng rực, lấp lánh ánh đèn. Tôi chợt có ý nghĩ so sánh Sài gòn với những ngày tôi sắp đi xa. Sài gòn khoảng thời gian ban đêm thì thuờng cúp điện tối om, phố xá leo lắt ánh đèn dầu. Ngoài đường thì tòan xe đạp, chỉ thỉnh thoảng mới có chiếc xe gắn máy chạy ngang qua. Sài gòn vẫn còn ám ảnh trong tôi là một Sài gòn vật vả, mệt mỏi tan hoang, ai cũng muốn bỏ nó mà đi. Hôm nay vừa trở lại, Sài gòn làm tôi thoáng ngạc nhiên khi có vẻ như đang trở mình thức giấc. Nó như giàu có, đở rách rưới hơn xưa nhiều dù vẫn còn mang trên mình vết tích cua nền móng chính trị cũ. Bỏ qua định kiến chính trị, quên đi mặt trái của xã hội thì bộ mặt Sài gòn hôm nay đáng yêu hơn ngày tôi đi quá xa.

      Đêm hôm đầu tiên ở Việt nam, phần háo hức phần trái giờ giấc nên tôi không tài nào ngủ được. Loay hoay gởi email cho vài người bạn để biết tin tôi đã về đến Sài gòn. Bạn học cũ thì tôi đã cũng gặp nhiều, nhất là vài năm gần đây khi có dịp đi dự hội ngộ liên trường Quảng Đà. Nhưng lần này thì đặc biệt hơn, tôi được gặp lại những người bạn thời thơ ấu ngay trên chính quê hương mình. Chiều hôm sau giờ tan sở, bạn bè thời Đà nẵng đang sống tại thành phố này hẹn nhau tại quán “Không gian xưa”. Mấy ông bạn tôi cũng khéo chọn tên quán thật. Trong lúc này thì mới thoáng nghe cái tên đầy hình tượng “Không gian xưa” thôi cũng đã có cảm tình rồi. Quán tương đối yên tịnh, khá rộng với những chiếc bàn được kê ra cả lề đường. Bên ngòai xe cộ qua lại tấp nập, nhả khói mù trời. Bạn bè gần bốn mươi năm không gặp nên cũng thoáng có chút bỡ ngỡ khi vừa gặp lai. Nhưng rồi chỉ cần mấy câu thăm hỏi, vài ba câu chuyện chia sẻ, ôn lại chuyện thời còn học chung thì không khí trở nên thân tình ngay. Đêm nay, dù gặp nhau giữa một thành phố rất xa Đà nẵng, sao chúng tôi vẫn cảm nhận được cái tình bằng hữu nồng nàn như xưa. Đêm hội ngộ đầy tiếng cười nói. Men từ ly bia cụng xoay vòng với bạn làm chập chờn ký ức thuở học trò. Tối Sài gòn cuối năm, thời tiết mát dịu, ngồi ở quán tên “Không gian xưa”, giữa những người bạn cũ, nhắc lại những câu chuyện ngày còn ngồi chung ở TTGD Nguyễn Hiền thì còn tuyệt vời nào bằng. Những câu chuyện về giờ chơi, giờ học, về văn nghệ, thể thao cuối năm đều đều quay lại như cuốn phim chậm. Giọng của Phát, Hùng, Thạch, của Đức, của tôi có lúc reo vui sôi nổi, có lúc trầm buồn xa vắng. Càng về đêm, giọng chùng xuống như đang nói với chính mình, như kể lể từ sâu thẳm cõi lòng. Sài gòn mùa này chỉ có gió thoảng mát về đêm, hiếm khi có mưa. Nhưng, đêm nay dường như có cơn mưa nào đó chợt đi qua làm sũng ướt những câu chuyện đời mà lâu nay bạn mình buồn quá chẳng bao giờ muốn nhắc đến. Đêm nay, chúng tôi có dịp kể cho nhau nghe những lần mưa ướt sũng đời mình. Những cơn mưa đã làm chúng tôi một thời vật vả đến phải bỏ quê nhà đi tìm đất lạ mà kiếm sống. Bao nhiêu thành phố chúng ta đã nhắc đến đêm nay. Sài gòn, Tokyo, Sydney, Paris, Boston, Chicago, Los Angeles, Santa Ana, Toronto… thành phố nào mà không có bóng dáng bạn bè mình. Nơi nào mà không ấp ủ những câu chuyện đời đầy gian nan trong hành trình dài từ Đà nẵng đến nơi ấy. Đêm giữa Sài gòn, những người bạn đang nhớ đến và nói về những người bạn ở nơi thật xa. Đêm trong cơn ngà say, tôi còn vật vờ kể với bạn minh về một mối tình đã bỏ lại nơi đây. Thuơng yêu đầu đời. Sài gòn có căn nhà nhỏ, nơi cổng vào đơm hồng nhạt giàn hoa giấy, có chiếc xích đu cứ đong đưa hoài bằng ký ức. Tuổi hai mươi mới đây mà nay đã xa thẳm.

      Bạn bè xa nhau nay gần 40 năm chớ ít ỏi gì. Tuổi đời chồng chất thì thỉnh thoảng lẫn quên những gì xảy ra lặt vặt quanh mình, nhưng ký ức của thời đi học thì chẳng bao giờ xóa nhòa hết dấu vết. Sài gòn thời đã có chút lớn khôn thì đã đành, nhưng Đà nẵng của những năm tiểu học rồi trung học cũng nằm hoài rành rành trong trí nhớ. Tuổi niên thiếu, những con đường đầy bóng cây sao, dòng sông Hàn hiền lành lặng lẻ trôi. Buổi sáng tinh mơ, ngồi trên chiếc phi cơ bay từ Sài gòn về Đà nẵng mà lòng cứ nôn nao lạ. Sao cứ lâng lâng cái cảm giác như ngày nào khấp khởi chờ đến ngày tựu trường, chờ đến đêm văn nghệ, đến ngày cắm trại cuối năm. Hôm nay lại một lần nữa tôi được quay về với thành phố tuổi thơ của mình.

      Đà nẵng ngày nay khác lạ hơn ngày tôi còn nhỏ lắm. Thành phố quê tôi nay đã trở thành một trong những thành phố được xem như biểu tượng phát triển về kinh tế của Việt nam. Thành phố được nới rộng ra vùng ngoại ô khi xưa rất xa. Tôi còn nhớ rõ, lúc xua phố xá Đà nẵng chỉ nằm gọn trong chu vi quận Nhất. Bên kia sông Hàn thì nhà cửa vẫn còn đơn sơ, ít òi lắm. Hai bên bờ sông được nối qua lại bằng những chuyến phà máy kêu lịch xịch, chạy mỗi giờ một chuyến. Khi đó, ra khỏi bến xe chợ Cồn, đi theo đường Hùng Vương, dọc theo Lý thái Tổ đến ngả Ba Cai Lang là hầu như đã ra vùng ngoại ô, đường phố không có tên rồi. Bây giờ thì Đà nẵng phát triển ra thật xa, thành phố còn bao gồm cả khu Hòa khánh, Cẩm lệ thuộc Quảng nam cũ. Bên kia sông Hàn, nhà hàng, khách sạn mọc lên khắp nơi không thua gì bờ bên này. Những con đường dọc theo biển mới được xây dựng cũng làm cho việc đi lại giữa trung tâm thành phố và ngoại ô ngày càng dễ dàng hơn. Đó là nói về chiều rộng, còn nói về chiều cao của thành phố thì những tòa nhà cao tầng, những hotel, văn phòng thì nay mọc lên khắp nơi. Ngày xưa, chỉ có khách sạn Thái bình Dương ở Ngã Năm với 9 tầng là cao nhất. Nay nó cũng còn đó nhưng trông nhỏ bé lắm nếu so sánh với những tòa nhà mới xây cất khác.

      Khách sạn Iris nơi tôi ở tương đối khá mới, nằm ngay góc đường Thống Nhất và Khải Định cũ. Địa điểm này chắc là dưới chân Cầu Vồng hồi trước đây. Tuổi cùng lứa với tôi hay những người lớn hơn ở Đà nẵng chắc ai cũng có ít nhiều kỷ niệm gắn liền với chiếc cầu được trải nhựa, cao như ngọn đồi này. Nơi đây, nhiều hôm tôi đã từng cùng bạn bè bông nhông xe đạp từ trên đỉnh cầu xuống để thử thứ cảm giác vừa hội hộp, sợ sệt vừa khoan khoái khi gió mát lồng lộng luồn vào tóc, mơn man da thịt. Từ chân Cầu Vồng cũ này nếu đi thẳng về phía chợ Cồn, rồi đi xa hơn về hướng chùa Tĩnh Hội là nhà tôi, là xóm tôi.

      Từ khách sạn Iris đi bộ chừng 10 phút là đến nhà của Trương ngọc Minh, người bạn cùng lớp thời TTGD Nguyễn Hiền. Nhà Minh vừa bán tạp hóa, vừa mở thêm quán cà phê nhỏ trước nhà. Nơi đây là chổ tụ tập của mấy ông bạn cũ, hằng ngày hay la cà đến nói chuyện trên trời dưới biển. Nơi đây cũng được xem như trạm thông tin liên lạc với bạn bè ở nước ngoài. Ai nơi xa về Đà nẵng chỉ cần tạt vào thăm anh bạn Minh, kêu ly cà phê, nhâm nhi chỉ vài hớp thôi thì đùng đùng bạn bè đã đến tay bắt mặt mừng. Buổi sáng đầu tiên nơi đây, tôi đã gặp được khá đông đủ bạn bè cùng lớp. Ngồi vừa uống cà phê, vừa tán chuyện, chúng tôi đã có một buổi sáng thật vui, thân tình. Thời gian dài không gặp tựa như mới hôm qua, chẳng xa lắm đâu, thoáng chút như vừa trải qua một mùa hè tan trường nay gặp lại.

      Tối Đà nẵng, hẹn với bạn bè cùng vui bữa tiệc hội ngộ ở nhà hàng trên đường Hoàng Diệu. Đêm mùa Xuân thật trong. Nhìn từ khoảng sân rộng của nhà hàng, trên cao đầy ánh sao lấp lánh. Trời se lạnh, nhưng chỉ cần khoát thêm lên người chiếc áo jacket mỏng là đã đủ ấm. Thời tiết cuối năm thật đẹp như chìu lòng người phương xa về đây gặp bạn. Lòng vui quá nên tôi uống bia khá nhiều. Đã lâu rồi tôi mới có lại cái cảm giác say chếch choáng như hôm nay. Suốt buổi tiệc, bạn bè ai cũng muốn mời tôi một ly mừng hạnh ngộ. Chìu bạn nên tôi đâu thể từ chối, nhất là trong dịp đặc biệt này. Chỉ qua vài vòng nâng ly với bạn, đầu óc tôi đã lâng lâng bay bổng. Tôi cố nhìn, mập mờ mường tượng lại từng khuông mặt ngày xưa của bạn minh. Của Ngọc Minh, Đình Minh, Văn Cư, Ngọc Ánh, Vương Bình, Bách Thắng, Anh Đại, Tự Thành, Minh Chánh, Hữu Bửu, Bảo Thắng, Đức “mập”, Khắc Thọ. Men say ngấm ngầm làm khuông mặt bạn tôi như trẻ hơn, chập chờn ngây thơ như ngày vẫn còn đang ngồi đâu đó, trên những chiếc ghế thời cùng lớp học. Dưới ánh đèn vàng vàng không đủ sáng, tôi nhìn sâu trong ánh mắt của bạn mình để cố soi thấy những vui buồn, sướng khổ, những suông sẻ gian nan của cuộc đời trải qua. Trông ánh mắt của bạn chứa đầy niềm vui thì chợt mừng theo mà nói lời chia sẻ. Nhìn ánh mắt của bạn, dường như mang điều u uẩn muộn phiền thì chợt chạnh lòng mà ngó lơ không dám chạm đến. Hôm nay, dù bạn tôi mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một hoàn cảnh sống khác nhau nhưng sao tình cảm của tôi đối với tất cả đều muốn đong đầy. Sao tôi thương quí cái tình quá thơ ngây, trong sáng giữa bạn bè thuở còn đi học. Chỉ có tình bạn đầu đời khi tâm hồn ai cũng như tờ giấy trắng mới cho tôi niềm xúc cảm như đêm nay.

      Tiệc hội ngộ càng về khuya càng vui nhộn. Thỉnh thoảng cả đám bạn nổi lên cười rung rinh, hồn nhiên theo câu chuyện tếu của một người vừa kể. Có lúc hai người bạn ôm choàng nhau như để san sẻ một kỷ niệm thân thuơng vừa được nhắc lại. Lúc này thì không ai còn e dè nữa để dể dàng thố lộ những tâm sự sâu kín, dù là vụn vặt của thời đi học cho nhau nghe. Ngọc Ánh, bạn tôi cứ nhắc hoài về những lần cùng tôi phá phách trong trường đến nổi bị đuổi học cả đám. Vương Bình thì cũng như ngày nào, cứ cười nói oang oang, kể lại những cuộc tình một thời cà chớn của mình. Lê tự Thành, người bạn thân ngày trước của tôi vẫn ăn nói từ tốn, điềm đạm trong câu chuyện tựa như bao năm nay đời bạn vẫn chưa có chút gì đổi thay. Hoàng anh Đại bất ngờ nổi máu nghệ sĩ, đứng lên ca nhạc Pháp tưng bừng. Bạn tôi ca hay va đầy cảm xúc đến nổi mấy cô tiếp viên nhà hàng phải xầm xì nhau thán phục. Còn hai anh bạn họ Trương tên M, ten C, có lẽ men bia thúc giục làm can đảm hơn nên cứ nhằn nhì kể lể bên tai tôi về một mối tình câm hồi còn đi học Nguyễn Hiền. Mối tình chỉ đáng gọi là “thích thích” thôi mà cả hai ông bạn tôi cùng gởi cho cô bạn H ngày đó. Nghe mà cảm động chưa? Mối tình thời mới lớn sơ sơ như vậy mà gần 40 năm chẳng hề gặp lại, nó cứ nằm hoài đâu đó chẳng làm sao tẩy xóa cho mờ đi nổi. Tôi trộm nghĩ vui mà chẳng dám nói ra với hai bạn mình, quả đúng là mấy ông Quảng nam đa tình, si tình và chung tình dể sợ. Thật chẳng sai đâu khi người vùng khác mỗi khi nói về đặc tính tình cảm của dân xứ Quảng thuờng trích dẫn câu ca dao quen thuộc:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

Rượu hồng đào chưa nhấm đã say

Bạn về nằm nghĩ gác tay

Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta

      Nếp sống của người Quảng nam nhìn bề ngoài thì có vẻ bình dị, đơn giản. Có thể nói là cách sống theo lối “ăn chắc mặc bền”. Họ nói chuyện, diễn tả tình cảm cũng không được khéo léo, trau chuốc như người Bắc, Huế hay cả người vùng Nam bộ nữa. Nhưng thực chất trong tâm hồn họ thì sao? Ngó vậy mà không phải vậy đâu! Ai sống gần họ lâu mới thấy người Quảng không khô khan trong tình cảm, trái lại họ rất dể xúc cảm dù chỉ gặp một điều gì xảy đến làm lay động nhẹ tâm hồn.

      Càng về khuya không khí trong nhà hàng trở nên yên tịnh hơn. Tiếng nhac dập dìu từ phía trong vọng ra. Tôi thoáng nghe giọng ca sĩ Quang Tuấn trong ca khúc “Thu, hát cho người”, bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

…………………………….

Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ rơi.

………………………………..


Thu Hát Cho Người – Quang Tuấn

      Có rất nhiều ca sĩ hát bài này nhưng tôi thích giọng trầm trầm, sâu lắng của Quang Tuấn nhất. Nghe “Thu, hát cho người” làm liên tưởng đến một bản tình ca khác cũng vang tiếng cùng thời với nó, cũng do một nhạc sĩ Quảng nam viết nên. “Ru con tình cũ” của Mạc Phụ Đynh Trầm Ca.

      Tôi nghe kể rằng hai nhạc sĩ này đều sống cùng thời ở Quảng nam. Trong thời gian đi học cả hai đều đem lòng thuơng mến cô Thu, hoa khôi trung học Tiểu La ở quận Thăng Bình. Rời quận lỵ đi xa một thời gian thì được tin Thu lấy chồng. Thất tình, hai nhạc sĩ đem cái tâm hồn đau buồn đó mà sáng tác nên “Thu, hát cho người” và “Ru con tình củ”. Thật tình cờ cả hai nhạc phẩm đều nổi tiếng, đều một thời là những ca khúc gởi lòng cho những chàng trai đang yêu và đang buồn khổ vì yêu.

      Nghe đã nhiều lần cả hai bài hát này, nhưng sao cứ mỗi lần nghe tôi lại thấy chúng như day dứt hơn, như bồng bềnh lãng mạn hơn. Cách bộc lộ nổi lòng bằng âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển, của Đynh Trầm Ca như toát lên một cái gì đó rất đặc biệt Quảng nam. Ngôn từ dùng bình dị, chân chất nhưng khi cấu thành lời, thành nhạc thì mang đến cảm giác day dứt bàng bạc đến say đắm lòng người nghe. Có một giai thoại về bài nhạc của Đynh Trầm Ca mà tôi đọc được trên báo. Lần đầu khi Lệ Thu được trao cho “Ru con tình cũ”, nữ ca sĩ nay đã bật khóc ngay khi cất tiếng hát hai câu đầu của bản nhạc.

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng

………………………………..


Ru Con Tình Cũ – Lệ Thu

      Đã một thời hai ông nhạc sĩ cùng yêu một cô gái tên Thu và đã sáng tác nên hai bản nhạc tình tuyệt vời. Đêm nay hai ông bạn M, C của tôi, trong cơn say cùng thố lộ về một mối tình không dám nói ngày xưa dành cho cô bạn H. Bạn tôi không phải là nhạc sĩ để cố mày mò sáng tác nên nhạc phẩm nào cho cố nhân cả. Nhưng niềm thuơng mến chắc cũng đâu thua gì Đynh Trầm Ca hay Vũ Đức Sao Biển, cũng sâu thẳm chung tình như những chàng trai xứ Quảng.

      Lần này về Đà nẵng có dịp cà phê, có dịp nhậu chung tôi mới biết được những mối tình học trò trong lớp. Những thuơng cảm đầu đời thì chắc chắn nhớ lâu lắm, nhớ đến cả giọng nói, dáng đi, tiếng cười. Ở nơi xa, đọc được những dòng viết này, không ít thì nhiều có người sẽ xúc động. Không xúc động sao được khi gần 40 năm mà anh bạn tôi vẫn nhớ như in tên đường, nhớ cả số nhà của P. Mỗi lần về Việt nam, PD không bao giờ quên đi thăm mộ P. Hằng năm, bạn tôi vẫn nhắc cho bạn bè nhớ khi đến ngày giỗ nàng. Không chung tình sao được khi chừng ấy năm chưa bao giờ gặp lại mà XP vẫn giũ tấm hình cũ của H, vẫn không quên gởi chút quà cho nàng mỗi khi có bạn bè về thăm quê huơng. Không làm H bồi hồi sao được khi nghe kể anh bạn C, bạn M cứ một hai nhắn gởi lời thăm đến mình.

      Nữa đêm tàn tiệc, Ngọc Minh chở tôi về lại khách sạn. Đường Hòang Diệu, đường Phan chu Trinh, ngang qua Ngã Năm vẫn còn tiếng xe cộ ầm ỉ, người người vẫn dập dìu đi lại. Gió ban đêm thật mát. Cám ơn các bạn ở Đà nẵng đã cho tôi một đêm họp mặt thật vui và cảm động. Đặc biệt, cám ơn thầy Nhân đã đến gặp gỡ đám học trò cũ thân thương TTGD Nguyễn Hiền. Tuy thầy bận việc nên chỉ ngồi với chúng em trong chốc lát, nhưng tình cảm thầy trò thể hiện trong đêm nay thì chúng em sẽ nhớ mãi.

      Ngày cuối của chuyến về thăm Đà nẵng. Đi bộ lang thang quanh thành phố, ghé lại con đường có ngôi trường cũ. Nay vài tòa nhà cao tầng bề thế tọa lạc nơi đây. Không còn là khu rừng rợp bóng cây. Không còn những ngôi nhà mái ngói cũ kỷ được xây lên từ thời Tây năm nào. Qua đường Bạch Đằng, nhìn dòng sông Hàn lặng lờ chảy mà nghĩ đến điều thật lạ. Sao ta vẫn còn về nơi đây được nhỉ? Điều tưởng chừng như chẳng thế nào có được khi xa Đà nẵng. Tưởng chừng như tất cả đã dứt khoát bỏ lại sau lưng lúc rời bến phà ngày năm ấy. Thời gian vẫn là điều kỳ diệu nhất trong dòng chảy của sự sống. Có những điều xảy ra mà trước đó ta không dám nghĩ đến. Dường như thời gian trôi đi hay trở lại đều có tính toán chọn lọc, sao cho ta có thể sống một cách dể chịu hơn.

      Chỉ bốn ngày ngắn ngủi ghé thăm Đà nẵng mà những chuyện nhớ đến, tôi đem theo làm hành trang trở về như dài bằng cả hằng năm. Tính ra mỗi người bạn tôi gặp được chỉ vài tiếng, mỗi con đường tôi đi qua chỉ dăm phút, nhưng thân thương thì làm sao đếm đong bằng phút giây được. Chắc chắn nó sẽ còn ở mãi cho đến cuối đời mình. Chiều cuối, Chánh bạn tôi ghé đến đón đi uống cà phê cùng. Chánh đưa tôi đến cái quán nhỏ được bài trí khá trang nhã, nên thơ. Dường như nó nằm ở gần Thương cảng Đà nẵng? Ngồi trên lầu hai, kế cửa sổ nhìn ra ngoài, hai người bạn vừa nghe nhạc vừa nói chuyện thật thú vị. Chổ này cách TTGD Nguyễn Hiền chỉ vài mươi bước chân. Khu vực nguyên là trường cũ của tôi nay bị che khuất cả, chỉ còn nhìn rỏ được một khoảng đường, góc Quang Trung và Độc lập cũ. Tôi nhìn ra khoảng trống ấy, tuy chỉ còn được một chút không gian be bé thôi mà cũng làm xúc động ngập cả lòng. Cảnh vật như đang trong giấc mơ. Tôi thoáng thấy chiếc xe thùng màu xám hằng ngày đưa đón học sinh, xe của anh Tài vừa băng qua khoảng trống ấy. Xe vừa đậu lại cho tôi bước xuống, tung tăng cùng vài đứa bạn ngày còn tiểu học. Chổ này là cái ngả tư, hằng ngày tôi rẻ xe đạp để đến cổng trường thời lên trung học. Nơi đây tôi và bạn bè còn hay tụ tập chơi đùa sau giờ tan học. Tôi bồi hồi rung động nhìn theo bóng nắng buổi chiều còn sót lại phía bên kia, cái bóng nắng chỉ còn là những vệt sáng mỏng manh, khúc gãy không toàn vẹn. Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ cho tôi dõi mắt soi lại biết bao kỷ niệm tuổi học trò. Cũng đủ cho tôi soi lại cái bóng dáng nhỏ nhoi của cô bé, với áo dài trắng tinh khôi, chân bước ngập ngừng như chưa sẵn sàng để rẻ ngã xuống đời. “Bây giờ bóng nắng che hành lang cũ, Úp mặt bàn tay mà nhớ quá bàn tay”. Con trai xứ Quảng hay đa tình và chung tình. Thì cũng vậy, tôi làm sao quên được cái rung động một thời đã có. Dù đã trải qua bao năm tháng, dù tưởng chừng như mình quên hẳn rồi. Nhưng không đâu, nó vẫn còn nằm sâu đâu đó và có lúc bất chợt hiện về như ở buổi chiều ngồi quán cà phê với bạn hôm nay. Cám ơn Chánh đã cho tôi những giây phút tuyệt vời.

HH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *