Vài cảm nghĩ trong ngày Lễ Tạ ơn

     Ngày mai là Thanksgiving, ngày mở đầu cho mùa lễ hội cuối năm trên đất nước cờ hoa này. Lúc này đây, thời tiết đã bắt đầu lạnh để ta cảm nhận rằng đã cuối Thu và rét Đông cận kề. Sáng nay dậy sớm, tự dưng có hứng muốn gõ vài dòng để gởi chút tâm trạng cho bạn bè. Nhưng loay hoay hòai mà ý tưởng cứ như mắc nghẹn đâu đó, chẳng chịu tuôn trào. Cả một năm nay tôi gõ cũng khá nhiều, giao lưu với bạn bè từ chuyện thơ, văn, truyện ngắn truyện dài, rồi nhạc này nọ nữa, đã cạn vốn rồi nên biết viết gì đây nhỉ? À! Nhớ ra rồi. Dạo gần đây, tôi và vài người bạn tự dưng đâm ra mê nhạc của Phú Quang, tính ra cũng đã đăng lên web trường gần cả chục bài rồi. Xem ra cũng như một phong trào giống như lúc trước có lần sưu tầm mấy bài hát được nhại ra giọng Quảng, nghe vừa buồn cười vừa thấm thía tình quê hương. Chắc mùa Thu làm con người mình dể mơ mộng hay sao ấy. Ta dể buồn, dể vui, dể cảm thấy mang tâm trạng tiếc nuối . Tiếc tuổi trẻ, tiếc đời, tiếc thời gian sao chóng qua. Mà ông Phú Quang thì chuyên nghề sáng tác nhạc cho mùa Thu, cho tiếc nuối ngậm ngùi, cho chia tay trắc trở thì hợp với lòng mình quá. Trời đã lạnh, lá rơi rụng ngập đường, tuổi đã sang ngã bên kia đồi thì hợp với nhạc của ông ta là đúng rồi. Mấy hôm trước, có người bạn nhờ tôi đăng lên diễn đàn trường bài hát của Phú Quang có tựa là “Mùa Thu giấu em”, trong đó có hai câu đầu nghe thật hay và lạ lắm :”Có phải mùa Thu giấu em lâu đến thế? Để cuối con đường anh kịp nhận ra em”. Nghe thấm thía phải không? Nhưng nghĩ cho cùng, ông Phú Quang này chơi hơi thâm, hơi ác với cánh đàn ông tụi tôi đây. Cuối Thu, đầu Đông rồi và thêm ở tuổi này, đấm đá còn hăng say được bao nhiêu mà ông cố tình giấu kỷ nàng bao năm nay mới cho gặp lại. Có gặp lại cũng chỉ ngậm ngùi, cố gắng lắm chỉ nhìn mắt nhau, bạo hơn nữa thì nắm được bàn tay đã hơi nhăn nheo và cười trừ. Chút ngượng ngùng tiếc nuối chớ làm ăn gì. “Rồi tình yêu lại rưng rưng bên khung cửa nhỏ, Và cuối con đường lại xao xác gió heo may”. Vậy là thôi, gặp được chút xíu, hết mùa Thu, Đông lại tới để tan hàng nhà ai về nhà náy. Thấm thía, buồn cười nhưng cũng bùi ngùi lắm.

     Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế? Để cuối con đường anh kịp nhận ra em Em ào tới chợt xôn xao lá đổ Xoá nỗi đơn cô lạnh giá bên thềm.. Rồi tình yêu lại rưng rưng bên khung cửa nhỏ Và cuối con đường lại xao xác gió heo may Em hôn anh đắm say như gió Và ngã vào anh dịu dàng như mùa thu..

     Thanksgiving năm nào khi sắp đến cũng làm người dân vùng Bắc Mỹ này chợt rộn ràng lên dù giá rét, bão tuyết đã lai rai ghé đến. Năm nay cũng vậy, đầu tuần có khi nhiệt độ xuống đến 20F, gió thổi rét buốt mà mấy shopping mall, mấy cửa hàng bán thức ăn lúc nào người đi mua sắm cũng đầy ắp. Mọi người lo sợ sẽ không có đủ thời giờ để mua sắm đầy đủ hay những thức ăn ngon, giá rẻ sẽ hết ngay. Vậy là ai cũng tìm cách, tìm thời giờ rảnh rổi dù nhỏ nhoi để tranh thủ ra ngoài, đường phố trở nên chật chội nhưng đông vui. Thanksgiving là lễ truyền thống quan trọng bao năm nay ở Hoa Kỳ. Ngoài ý nghĩa tạ ơn Trời đã đem lại cho họ những gì tốt đẹp trong năm qua, như những người Pilgrims đã làm trong ngày kỷ niệm một năm đến vùng đất mới. Dần theo thời gian, Thanksgiving trở thành ngày gia đình đoàn tụ để cùng nhau cầu nguyện và dùng một bữa ăn tối truyền thống. Theo tôi, Thanksgiving tựa như ngày Tết Nguyên đán ở xứ mình, ngày gia đình sum họp sau một năm xa cách. Thanksgiving khác với những ngày lễ lớn cuối năm như Giáng sinh mang tính chất tôn giáo, New year thì mang tính thời điểm sang trang sau một năm. Lễ Tạ ơn vừa mang ý nghĩa hàm ơn đất trời, người thân, bạn bè vừa là ngày dành riêng cho họp mặt gia đình. Ngày này, dù ở xa hay thời gian hạn hẹp nhưng mọi người cũng cố gắng hết sức để về sum họp với cha mẹ, anh chị em mình. Ngoài ra, Thanksgiving còn là ngày lễ để biểu hiện tinh thần đoàn kết của Hoa kỳ, đất nước mà dân tộc được tạo thành bởi những người di dân khác biệt về màu da, văn hóa, tôn giáo…Sự đa sắc tộc này dể sinh ra xung đột giữa các sắc dân, làm mất đi tiềm năng quốc gia. Vì vậy, Thanksgiving là dịp để làm tăng thêm tinh thần đoàn kết của Hoa kỳ. Thanksgiving, lễ tạ ơn. Ngược dòng lịch sử một chút thì ngoài ý nghĩa tạ ơn đất trời đã đem may mắn về mùa màng trong năm đầu tiên, người Pilgrims chắc chắn cũng muốn tỏ lòng biết ơn đến những người thổ dân da đỏ thời đó. Những ân nhân tình cờ đã không nở bỏ mặc mình chết đói, chết khát khi mới đến vùng đất chưa khai phá này. Họ đã cứu mạng người Pilgrims bằng chút khoai sắn, hoa quả để cầm cự cái đói khát ngày mới đến. Dù sao, tạ ơn đất trời phù hộ để được sống sót thì chỉ mang tính tinh thần thôi, còn thực tế trước mắt là chút lương thực hay có thể gọi là chút quà của người da đỏ đã cứu mạng người Pilgrims. Nghĩ cho thực tế thì trong đời sống những hàm ơn lớn lao chắc gì là thật lòng nhau. Có trao đổi nào lớn lao mà không mang tính vụ lợi cho cả đôi bên. Giữa hai quốc gia ký một hiệp ước thì đã hàm ý hai bên cùng có lợi rồi. Giữa hai người hàm ơn nhau quá lớn thì chắc gì không tính đến khoảng lợi sau này. Nhưng, những món quà nho nhỏ, bất chợt ta nhận được từ ân nhân vô danh nào đó chắc hẳn là người cho chẳng được lợi lộc gì ngoài hai tiếng cám ơn thoáng qua. Những củ khoai hay chút hoa màu ít ỏi của người thổ dân da đỏ năm nào trao cho người mới đến vùng đất Plymouth là biểu hiện cho tình người, tình đồng loại. Nó mang ý nghĩa đẹp cho chữ ân tình làm sao.

     Ngẩm nghĩ lại đời mình, cũng như những người Pilgrims mang ơn từ người da đỏ dạo đó, tôi đã mang biết bao nhiên ân tình cần phải ghi nhớ và biết ơn. Dù có khi chỉ là ân tình quá nhỏ nhoi như chút sắn khoai trao tay tình cờ thoáng qua. Tính tôi thì hay nhớ loanh quanh mấy chuyện nhỏ nhặt hồi xưa lắm. Nhớ mấy món đồ chơi mà ba mẹ tôi mua cho hồi còn nhỏ xíu, nhớ bài hát trẻ con được thầy giáo tập cho ngày vào tiểu học. Nhớ cả bà bán xôi, bán chè ngồi trước nhà mình hay cho thêm một miếng extra bỏ vào chén, huống gì ai giúp đỡ mình thì làm sao quên được. Nhớ vặt vảnh như vậy nên bà nhà tôi hay quở là toàn nhớ nhung chuyện gì lẩn thẩn xưa cũ, chuyện lớn lao hằng ngày cho gia đình thì lại hay quên. Nhưng bịnh thì chữa được chớ tính tình thì làm sao chữa đây. Tôi vẫn còn nhớ như in hai năm cuối cùng trước khi rời Việt nam, ở Sài gòn một mình, gia đình ngoài Đà nẵng thì hầu như mất hết của cải trong đợt đánh tư sản năm 1978. Nguồn viện trợ từ gia đình không còn nên khoảng thời gian đó tôi đói triền miên. Mỗi tháng được trường phát cho đâu 9 kg (?) lương thực, trong đó chỉ có hai ba lon gạo mục củ xì còn toàn là bo bo, bột mì. Thèm ngọt, thèm thịt thà rau cá ghê lắm. Chuyện ăn uống đã vậy thì chuyện áo quần lo nghĩ đến làm gì, vá chằn vá đụp là chuyện thường, chẳng ai mắc cở hay quan tâm đến. Bởi vậy, ngoài lương thực thì khi nhà trường cung cấp thêm thứ gì là đem ra bán ngay cho mấy bà buôn đang chờ chực sẳn bên ngoài. Rồi khi có được đồng nào, việc đầu tiên là ra hàng bún bò hay phở làm một tô cho đã bụng trước, sau đó mới tính đến chuyện cà phê, thuốc lá. Nói chung, lúc đó đâu có học hành gì, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn uống chi phối hết giờ rồi. Lâu lâu, tới nhà ai quen mà được mời mọc một bữa ăn thì cảm động vô cùng, tôi ăn uống thật tình, không bao giờ có chuyện khách sáo từ chối cả. Xã hội ai cũng vậy nên ngượng ngùng dường như là điều xa xỉ lắm. Ngoài chuyện cảm động vì lâu lâu, tình cờ được ai đó mời ăn uống, còn có câu chuyện nho nhỏ, không liên quan đến miếng ăn mà tôi nhớ mãi đến bây giờ. Dạo đó, ngoài lương thực được nhà nước phân phối hằng tháng, mỗi đầu người trong năm lâu lâu lại được cho mua thêm chút “nhu yếu phẩm” hay xấp vải để may áo quần. Có một lần, trường tôi phát cho mỗi sinh viên một tấm phiếu để đổi được xấp vải may quần ở cửa hàng phân phối. Ai cũng mừng hết lớn vì giá trị một cái quần lúc đó tương đương hơn một tháng lương của thầy giáo lận. Lật đật bỏ học ngày đó, đạp xe vô tận Chợ lớn để chực chờ mong được cầm đến xấp vải mơ ước. Đến nơi, tôi đã thấy người ta sắp một hàng thật dài không thua gì khi mua vé xe đò mỗi lần về quê ăn Tết. Nhiều người đâu chịu xếp hàng chen lấn lên phía trước. Càng về lâu ai cũng cố chen lấn khỏi cần theo thứ tự trước sau nữa. Tính tôi thì hơi rụt rè, nhát cáy nên khả năng chen lấn, giành giựt này chẳng có. Đợi một ngày trời đến phiên mình thi chỉ còn vải quần màu nâu, chớ màu đen thì hết cả rồi. Lúc đó giá trị giữa xấp vải hai màu cách nhau cả 5 đồng, tương đương một tô bún hạng sang giò thịt đầy đủ nên quí lắm. Ai cũng đòi, năn nỉ cho được nhận vải màu đen. Thôi thì tính mình chậm lụt nên vậy chớ biết sao. Vậy mà khi đưa phiếu ra để nhận vải thì tự nhiên cô phân phối hàng, trông lớn hơn tôi vài tuổi lại bảo đứng đợi một lát rồi vào phía trong, mang ra cho tôi xấp vải màu đen mới tinh. Cầm xấp vải trong tay, cảm động tôi chẳng biết nói gì chỉ lí nhí cám ơn. Dường như tôi có nghe cô ấy nói “không có chi” khi vội vả chùn thẳng ra ngoài. Thật mừng khi bà mua hàng trao cho tôi 50 đồng thay vì 45 đồng theo giá trị của màu sắc xấp vải. Tôi có ý nhìn vào trong xem còn thấy cô ân nhân của tôi không nhưng đông quá chẳng thấy được gì. Tôi vẫn muốn nói thêm một lời gì để tỏ lòng biết ơn với cô ấy, người chẳng biết tên. Đạp xe thẳng về đường Trương Minh Giảng, tấp vào tiệm bún bò huế, tôi làm một tô, xem như thưởng thức đầy đủ cái thèm thuồng ăn uống lâu ngày và cả cái ân tình của cô gái ân nhân qua xấp vải màu đen. Từ năm 78 đến nay đã ngót nghét 35 năm. Cuộc đời tôi đã ăn bao nhiêu tô bún bò huế, tôi đã mua sắm bao nhiêu chiếc quần để mặc, chúng đẹp đẻ hơn nhiều so xấp vải đen mà tôi bán đi chớ không dám dành cho mình như ngày ấy. Nhưng cô gái ở cửa hàng phân phối ấy, xấp vải đen rồi tô bún bò huế ấy vẫn theo tôi hoài, vẫn làm tôi ấm lòng khi nhớ đến. Cái ân tình nhỏ bé ấy, được nhận không cần nghĩ đến lời cám ơn, không cần người mang ơn biết đến tên mình sao quí hóa quá. Hôm nay đây nghĩ lại rồi cứ tự hỏi, tại sao cô gái ấy cố đem cho mình xấp vải màu đen nhỉ. Chắc bộ dạng tôi lúc đó thảm lắm vì ốm, ăn mặc rách rưới hay cô gái thấy tôi tội nghiệp vì không làm sao dám chen lấn. Làm sao biết được. Thôi thì tự an ủi rằng chắc là “hiền nhân đải ngộ kẻ khù khờ” vậy.

     Qua Mỹ sống năm này nữa là 12 năm, 12 lần tôi được biết và dự tiệc lễ Tạ ơn với gia đình mình. Đất nước này dù sinh sau đẻ muộn, nhưng đã tạo dựng được sự giàu sang như ngày hôm nay một phần vì họ luôn coi trọng lòng biết ơn đến tiền nhân. Biết và tạ ơn như một phần văn hóa quan trọng ở xứ sở này. Không phải chỉ những hàm ơn lớn lao mới được coi trọng, những câu chuyện vặt vảnh trong đời sống thường ngày vẫn mang tinh thần ơn nghĩa. Ở đây những lời cám ơn vẫn luôn được nhắc đến dù chỉ là sự giúp đỡ qua lại nhỏ nhoi. Lâu rồi tôi có đọc một câu chuyện trên báo, chuyện vặt thôi mà tôi vẫn còn nhớ đến. Chuyện của một ông nọ chạy xe trên xa lộ, khi ngang qua trạm trả tiền lệ phí đường thì người thu tiền nói rằng chiếc xe trước đã trả cho phần của ông ấy rồi. Ông ta ngạc nhiên rồi chợt vui lây vì biết rằng người vừa trả tiền cho ông chắc đang có điều gì vui lắm nên muốn chia sẻ cùng ông, một người xa lạ. Hôm sau, ông nhắn tin trên báo để tỏ lời cám ơn chút ân tình dù nhỏ nhoi nhưng bất ngờ thú vị đó. Đây là nét văn hóa của một xứ sở mang đậm tinh thần Tạ ơn. Riêng tôi, mỗi lần đến ngày Thanksgiving, nghe đến ý nghĩa của lễ Tạ ơn thì tôi hay ngẫm nghĩ về những ân tình mình đã được đem lại trong đời. Ngoài tấm lòng mang ơn đến gia đình, ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô giáo tôi lại hay nghĩ đến những ân tình lặt vặt. Trong đó câu chuyên cô gái ở cửa hàng cung cấp “nhu yếu phẩm” ngày xưa và xấp vải đen được phân phối vẫn nằm hoài trong ký ức. Biết đâu, những ngày đầu tiên người Pilgrims lò mò, đói rách khi rời thuyền con thuyền Mayflower (Hoa Tháng Năm) đi lên vùng đất hứa Plymouth cũng có một cậu con trai nhỏ được cô bé mọi da đỏ lén trao cho củ khoai, cái bánh để suốt đời mang niềm cảm xúc canh cánh bên lòng. Ân tình dù nhỏ bé nhưng cho và nhận bằng cả tấm lòng tử tế vẫn mang đầy đủ ý nghĩa đẹp của nó.

     HienTruong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *