Vài suy nghĩ qua chuyến đi Nhật Bản

     Tháng 11, 2015; Uỷ Ban Liên Bộ (Interagencies and Intelligence Services: Ngoại Giao, Quốc Phòng, các cơ quan An Ninh) có quyết định về các ngôn ngữ chiến lược (Strategic Languages); được định nghĩa là cần cho an ninh quốc gia và kinh tế toàn cầu (national security and global economy), vẫn như mọi năm chỉ thêm vào vài thổ ngữ tại các vùng mà Hoa Kỳ đang tham chiến; ngôn ngữ chiến lược: Hoa, Hàn, Ba Tư, Nga, Ả Rập (Mandarin, Korean, Iranian, Russian, Arabic Language). Tuy rằng tình hình tại vùng Đông Nam Thái Bình Dương sôi động song hai ngôn ngữ Nhật và Việt vẫn chỉ được coi là có cấp độ ưu tiên ở hàng kế tiếp sau đó. Cần nói thêm là theo hiến pháp Hoa Kỳ, Ngoại Giao và Quốc Phòng là đặc quyền của chính phủ liên bang.

Sự tò mò thúc đẩy tôi nghiên cứu thêm về Nhật Bản một nước đã bại trân trong Thế Chiến Thứ Hai song đã vùng lên là một cường quốc kinh tế đi đôi với Đức Quốc (cũng đã bại trân). Trong Thế Chiến Thứ Hai trong khối Trục chống lại Đồng Mình có 3 nước: Đức và Ý (Âu Châu), Nhật (Á Châu); song Ý Quốc chỉ đóng vai trò hàng thứ yếu, trong khi Đức Quốc và Nhật Bản là chính yếu.

Rất nhiều đồng hương gốc Việt cư ngụ tại tiểu bang California, xin đưa ra một sự so sánh (những con số đã được thu gọn):

– California : 164,000 dặm vuông, dân số 40 triệu

– Nhật Bản: 146,000 dặm vuông, dân số 130 triệu

– Đức Quốc: 139,000 dặm vuông, dân số 90 triệu

Hai thuộc địa của Nhật Bản được biết đến là Triều Tiên (Korea) và Đài Loan (Taiwan):

– Đài Loan (đảo) trở thành thuộc địa năm 1895, sau khi Trung Hoa thua trận trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật (Sino – Japanese War) lần thứ nhất vào năm 1894. Khoảng cách giữa 2 thành phố Đài Bắc (Taipei) và Kagoshima là 1,100 dặm Anh.

– Triều Tiên (bán đảo) trở thành thuộc địa của Nhật Bản, kết quả của cuộc chiến tranh Nga – Nhật (Russo – Japanese War), Nhật Bản thắng trận. Thành phố Busan của Triều Tiên cách thành phố Fukuoka ( Nhật Bản) chỉ có 110 dặm Anh.

Đài Loan, Triều Tiên không còn là thuộc địa sau khi Nhật Bản thua trong Thế Chiến Thứ Hai vào năm 1945. Nói đến Nhật Bản thì chúng ta nhớ đến nạn đói năm Ất Dậu (1945) tại miền Bắc làm chết cả triệu người, thời điểm lúc Nhật đảo chánh Pháp năm 1945, đến chính phủ Trần Trọng Kim, trong dân gian hay nhắc đến sự trừng trị bạo tàn, nghiêm khắc của nhà đương cục Nhật đối với dân ta lúc phạm pháp.

Sau chiến tranh vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-1963) tổng thống Ngô Đình Diệm, thì Nhật Bản xây đập thuỷ điện Đa Nhim trên cao nguyên gần Đà Lạt trong thoả ước bồi thường chiến tranh, sau này là sự nhập cảng ồ ạt xe gắn máy Honda Dame dưới thời nội các chiến tranh (1965-1967) với chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương (thủ tướng) Nguyễn Cao Kỳ.

Và về phim ảnh thì các tên tuổi như tài tử Toshiro Mifune và đạo diễn Akira Kurosawa (1910-1998) với các tác phẩm bất hủ Rashomon (1950), Seven Samurai (1954). Rashomon đưa ra một triết lý về cái nhìn chủ quan của mỗi người trong cùng một câu chuyện (golden Lion, Venice Film Festival 1951), và Seven Samurai đưa ta tới gần hơn với văn hóa Võ Sĩ Đạo qua hình ảnh của 7 tay giang hồ hiệp sĩ diệt bạo trừ gian.

Gần đây hơn thì đạo diễn Yasujiro Ozu với Tokyo Story và sau đó Late Spring, Early Summer, Late Summer nói về Nhật Bản thời hậu chiến với những thay đổi, quan niệm khác biệt giữa các thế hệ và còn có những gia đình mong chờ con cái thất lac tại chiến trường trở về.

Nhật có 4 hòn đảo lớn: Hokkaido, Honshu, Shikoku, Kyushu. Chỉ có khoảng 50% diện tích có thể canh tác và cư ngụ được, phần còn lại là vùng rừng núi. Honshu được coi như hòn đảo chính và lớn nhất, trên đó có thủ đô Đông Kinh (Tokyo) với dân số trên 13 triệu (10% dân số Nhật là 130 triệu), Yokohama (ở gần Tokyo) và Osaka (ở phía Nam gần cố đô Kyoto) có số lượng dân là 9 triệu. Hiện tại Nhật Bản có sự khủng hoảng về sự tồn tại dân số, mất cân bằng giữa tử và sinh, mỗi năm có 1 triệu 300 ngàn người từ trần và chỉ có 1 triệu trẻ em được sinh ra, thành ra có sự thiếu hụt là 300 ngàn dân mỗi năm. Nhờ có sự phát triển giao thông nhất là về hỏa xa với tốc độ cao (và hệ thống rộng lớn nối kết mọi nơi) và khí hậu ôn hòa hơn nên phía bờ Thái Bình Dương (Tokyo, Yokohama) phát triển hơn phía bờ Biển Nhật Bản. Okinawa, một hòn đảo được nhiều người biết đến, là nơi đóng quân rất lớn của Hoa Kỳ và là trung tâm huấn luyện nhiều sĩ quan QLVNCH, nằm khoảng giữa từ đảo Kyushu tới đảo Đài Loan. Những biến có trong những ngày cuối cùng của Đệ Nhị Thế Chiến tại Thái Bình Dương:

Hiroshima (Tây Nam đảo Honshu, phía Biển Nhật Bản) bị dội bom nguyên tử vào ngày 6 tháng 8 năm 1945.

Nga Sô tuyên chiến với Nhật vào ngày 8 tháng 8 năm 1945, phản bội hòa ước trung lập ký kết với Nhật Bản trong chiến tranh

Nagasaki (Tây Bắc đảo Kyushu, phía Biển Nhật Bản) bị dội bom nguyên tử ngày 9 tháng 8 năm 1945

Sau nhiều cuộc hội họp thương thảo tiếp xúc qua đường lối ngoại giao, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945.

Đó những sự kiện này mà Nhật Bản có rất nhiều người chống đối khoa học nguyên tử, dù rằng Nhật Bản vì nhu cầu điện năng phải phát triển chương trình nhà máy nguyên tử và có kỹ thuật cao nhất trên thế giới, Nhật Bản là một mối lo sợ cho Trung Hoa khi có tranh chấp vì những kinh nghiệm thua kém của Trung Hoa trong các lần đụng độ trước đây, và người dân Nhật Bản không quên được sự phản bội của Nga Sô vào tuần cuối của cuộc chiến.

Trước khi quen biết với KimOanh thì tôi là chuyên viên trong chức vụ trung cấp về kỹ thuật và khoa học (technical management and scientific position) một công chức già nua, “sáng mang cặp đi, tối sách về”; cố gắng để buổi sáng chờ con đi học rồi (ra xe bus hay đi xe riêng) mới tới sở, may mắn từ nhà tại thành phố Silver Spring (Mùa Xuân Bàng Bạc) tới Goddrad Space Flight Center chỉ có 15 miles và có thể dùng xa lộ hay các con đường nhỏ qua cánh rừng thơ mộng, xử dụng tùy theo tình hình xe cộ và tình cảm tâm tình lúc đó. Trong nghề nghiệp cùng nếp sống thì lẫn lộn giữa phương tiện và cứu cánh (mixture of goal and means).

Tháng 2 năm 2006 tụi này gặp nhau lần thứ ba (lần đầu là Hội Tết Sinh Viên tại Little Saigon, lần thứ hai là lúc ra mắt cuốn phim “Vượt Sóng” (Journey from the Fall) tại Virginia), và là lần đầu tiên có cơ hội nói chuyện và tiếp xúc qua sự giới thiệu của một người bạn (mutual friend), sau đó tôi nhớ tới lời của Winston Churchill “tuổi trẻ có sự nhiệt thành, khi lớn hơn cần sự cân nhắc” và tự hỏi hay là suy nghĩ nhiều quá sẽ là như câu hỏi “to be or not to be, that is a question” trong Hamlet (Shakespeare) và cuộc đời của nhân vật này suốt đời là suy tư thay vì hành động. Như có một nguyên động lực mới, tôi xúc tiến mạnh mẽ việc hồi hưu (vận động với giới chức thẩm quyền quen biết để có thể được đặc miễn về thời gian phục vụ qua những bãi miễn nhờ các thành tích) và tụi này gặp nhau qua những nơi KimOanh phải đi hội họp công việc Florida, Portland …… cần có hành quân không vận (air operation). May mắn là tụi này có cả hai điều kiện ắt có và đủ: mong muốn và khả hữu (willing and able).

Hơi đi xa việc muốn diễn tả là tôi bắt đầu có ý thức “time is waiting for nobody” và ngẫm nghĩ triết lý “hiện tại đang đi vào quá khứ và tương lai chỉ là hiện tại kéo dài tức là rồi khi thời gian trôi đi nhìn lại thì cả thời gian chỉ là những đan kết của kỷ niệm, mà kỷ niệm chính là sự hành động ở hiện tại tạo ra”. Chúng tôi đính hôn năm 2007 tại Bodega Bay, nơi Alfred Hitchcock quay cuốn phim “the Birds”, vùng sản xuất rượu vang trong Sonoma County, phía bắc của San Francisco, chỗ KimOanh sửa soạn luận án tiến sĩ khoảng 10 năm trước đó. Sau nhiều thủ tục hành chánh và sự can thiệp của các giới chức thẩm quyền vì tôi chưa đủ tuổi hưu và chưa đủ thâm niên công vụ (song thấy mệt mỏi với công việc và không còn hứng thú sáng tạo, thực ra đã đi làm từ chức vụ thấp nhất ở đại học, cầm cặp cho giáo sư và chạy giấy văn phòng (1969) cho đến lúc là nhân viên giảng huấn (1984) trước khi qua NASA vào năm 1985) cuối năm đó thì hồ sơ hồi hưu mới được chấp nhận, qua năm 2009 thì thành hôn và tôi dọn về Fountain Valley. Với ý chí cầu tiến và mong muốn phục vụ trên bình diện quốc gia, KimOanh nhận lời về làm việc năm 2011 tại Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ và đi từ cấp tiểu bang lên tầm vóc liên bang với kích thước quốc tế, với nhiệm vụ trọng yếu và cao cấp trong nha “Ngôn Ngữ và Giáo Dục Quốc Tế” (International Foreign Language and Education). Những kinh nghiệm trong cơ chế vận hành quốc gia, làm việc trong hành pháp để thi hành các đạo luật, tiếp xúc với lập pháp trong phái đoàn điều trần về Giáo Dục tại Quốc Hội, những kinh nghiệm rất quý, nâng cao phẩm chất, trau dồi kiến thức, bồi dưỡng khả năng điều hành chính sách.

Đầu năm 2014, sau những dự án phức tạp, KimOanh bị bất tỉnh trong phiên họp, phải vào bệnh viện (by means of ambulance) trong 4 ngày, lúc này tôi thật rõ rệt là “chỉ có cái gì trong tay mới chính là cái gì mình có”. Vì không có kiến thức y khoa, tôi đã hỏi bạn bè để cho rõ chuyện, và để an tâm đã nhờ một người bạn trẻ trong ban giảng huấn Đại Học Quân Y đích thân vào bệnh viện xem xét hồ sơ và giải thích bệnh lý. Và tụi này nhận ra một nhân sinh quan thực tế, từ đó đơn giản hoá mọi việc, làm việc hữu hiệu, quyết định nhanh chóng, trong việc làm và ngay cả lúc hoạch định để nghỉ ngơi.

Trong cùng với sự suy nghĩ đó, chúng tôi hoạch định chương trình “viễn du Nhật Bản” (trong các lần viếng thăm sinh viên trong chương trình ngôn ngữ chiến lược: Hàn Ngữ tại Hán Thành (Seoul, Korea), Hoa Ngữ tại Đài Bắc (Taipei, Taiwan) cũng như tại Thuợng Hải, Bắc Kinh (Shanghai, Beijing), tụi này nghĩ rất gần Nhật Bản song lại chưa có dịp ghé qua):

– việc di chuyển thì may mắn có dự trữ được một số quyền lợi với hãng United Airlines gần đủ để có 2 vé khứ hồi (roundtrip) Washington DC (Dulles airport) – Tokyo (Narita airport), chỉ cần bỏ ra vài trăm thôi.

– trước đây vài tháng chúng tôi có viếng thăm Morocco và hài lòng với công ty GoWay trụ sở tại Toronto vì thế lần này lại liên lạc với họ. Qua những kinh nghiệm, chúng tôi dung hòa, viếng thăm thành phố lớn và du hành các nơi có thắng cảnh vùng hoang vu; vì thế cuộc du lịch được coi như có 2 phần:

1- thăm các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Osaka, với các thắng cảnh gần đó và các sinh hoạt náo nhiệt của đô thị, chỉ cần khách sạn và các tour có đông người

2- tham các danh lam thắng cảnh như Phú Sĩ Sơn, hồ Ashi, các nơi chốn đặc biệt trên cao nguyên, dự định này phải dùng các private tour với người hướng dẫn đi theo mình trong vài ngày

Trong vòng hai tuần là chúng tôi đồng ý về chương trình, có một vài bất ngờ:

– giá vé cao hơn vì đúng là international travel season, Nhật Bản ăn mừng Tết Dương Lịch chứ không phải Tết Nguyên Đán

– lưu lượng du khách dùng máy bay không nhiều vào khoảng thời gian trước Noel, do đó chúng tôi may mắn có chuyện đi là non-stop và chuyện về phải ngừng ở San Francisco

– vì bắt buộc phải đến và đi từ Narita airport gần Tokyo nên phải mua vé xe tốc hành từ Kyoto lên Tokyo

Sau những cuộc điện đàm thì hãng du lịch cho biết sẽ bớt cho 2% vì là khách cũ và chịu một phần phí tổn giá vé xe lửa Kyoto-Tokyo: giá hỏa xa (train) và giá đặt chỗ ngồi (reservation), tất cả làm giảm chi phí đi một phần và làm chúng tôi cảm thấy thoải mái, nhất là khi nghiên cứu khách sạn biết đây là những loại khá và ở gần trung tâm thành phố, tức là gần nhà ga chính Tokyo Station, Kyoto Station, Osaka Station và các trạm xe điện ngầm: Hotel Grand Palace (Tokyo), Hotel Karasuma (Kyoto).

Trong vòng gần 2 tuần trước ngày khởi hành, kể từ đầu tháng 12, chúng tôi thuê gần 10 phim về Nhật Bản để xem, đặc biệt là đạo diễn Yasujiro Ozu với các phim Early Spring, Late Spring, Early Summer, Late Summer; đạo diễn Kiyoshi Kurosawa Ozu với phim Tokyo Sonata và các phim khác nói về thời hậu chiến cho tới cận đại, thời hậu chiến từ cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 với hoàn cảnh của một nước thua trận và có gia đình vẫn mong con ở chiến trường trở về, có một phim Mỹ rất hay “Emperor” nói về quyết định không truy tố Nhật Hoàng của đại tướng Mac Arthur, một phim Đức “Cherry Blossom” nói về văn hóa Nhật qua cái nhìn Âu Châu với cảnh Phú Sĩ Sơn. Khi đi Skying thì “Apres Ski” là lúc vui nhất vì trong cảnh tuyết lạnh bên ngoài ngồi uống rượu tán gẫu thật lý thú, song trước một chuyện du lịch thì thời gian chuẩn bị cũng rất lý thú.      

      Rồi ngày khởi hành cũng đến, trang bị nhẹ nhàng chỉ có 2 suitcases, túi xách tay và cặp sách, chúng tôi ra phi trường 40 miles, để KimOanh ở departure, tôi ra hotel gần đó đậu xe (rẻ hơn đậu ở airport parking và thả hành lý ngay tại phi trường), nửa tiếng sau lấy shuttle quay lại và tụi này lấy vé, gửi hành lý (đã checked-in hôm trước qua computer, TSA pre, nên mọi chuyện khá mau), vào United Club ăn sáng, đọc báo nghỉ ngơi và đợi giờ khởi hành. Máy bay Boeing -777 cất cánh lúc 12 giờ trưa chủ nhật Dec 13, bay mất 14 tiếng, giờ giấc cách biệt 14 tiếng (Tokyo-Washington DC) nên chiều thứ hai Dec 14 khoảng 4 giờ chiều (giờ địa phương) mới tới phi trường Narita, phi trường gọn ghẽ, sạch sẽ, service mau lẹ và lịch sự, nhờ có premium status nên hành lý với giấy dán màu đỏ được nhân viên lấy ra và để riêng, chúng tôi cầm lấy và ra thuế quan, nhập cảnh. Công ty hàng không United Airlines phân chia chuyến bay làm 4 hạng: first class, business class (có ghế nằm), sau đó là Economy Plus và Economy, khác nhau là có khoảng cách nhiều hơn với hàng ghế trước, ẩm thực trung bình và thua các hãng mà chúng tôi đã xử dụng trước đây Asiana Airlines, Korean Air (đường bay Á Châu); Air France, Lufthansa (đường bay Âu Châu).

Riêng phần chúng tôi thì không có gì phàn nàn, chỉ là nhận xét về lề lối làm việc của một trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Hoa Kỳ: United Airlines (UA), Delta Airlines (DA), American Airlines (AA); chúng tôi đã chọn UA vì đường bay thuận tiện giữa quê nội (DC) và quê ngoại (OC), mỗi năm phải bay ít nhất là 6 lần khứ hồi (roundtrip) IAD-LAX nên chúng tôi có được premium status, thông thường là silver; 2,3 năm là gold và năm nay nhờ có cô bạn của KimOanh trong upper mangement lo cho nên lần đầu tiên được platinum, do đó đương nhiên được dùng United Club khi có international travel (gold, platinum, 1K thì được dùng). Có đóng tiền và qua thủ tục an ninh hành chánh nên tại các phi trường Hoa Kỳ lúc qua security được TSA Pre rất mau vì có khu riêng, không phải cởi giày, lấy computer ra, lần này lại phải trả UA có $500 thay vì $3,400 thì phải biết “an phận thủ thường” và vui với các đặc ân thay vì than phiền đòi hỏi.

Ra khỏi khu nhập cảnh, nhìn quanh quẩn đã có một nhân viên cầm bảng đề tên mình nên tôi an tâm và bắt đầu cảm nhận cách thức làm việc cần thận chu đáo của người Nhật. Lấy vé xe, đưa chúng tôi ra tận xe shuttle, lo liệu để hành lý được chuyển vào khoang xe, đứng cho đến khi xe chuyển bánh thì nhân viên nầy vẫy tay chào rồi mới đi.

Gần một tiếng sau thì xe đến khách sạn Hotel Grand Palace, Kudanshita, khu có đại học Nihon, đại học Senshu, Tokyo dental and medical college. Mệt nhoài nên tụi nầy lo tắm rửa, khách sạn có cho áo robe dùng sau khi tắm và kimono để mặc trong nhà. Nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng, hơn 7 giờ thì xuống phố, hôm nay thứ hai song phố xá tấp nập, tản bộ khoảng 4,5 blocks quanh đó, có cảm giác rất an ninh, sau đó lựa một quán ăn tại góc phố có cửa kính như “la pagode” tại Saigon, hai đứa ăn tối nhẹ nhàng và ngắm “trong phố dập dìu tài tử giai nhân, trên đường ngựa xe như nước” dù lúc đó đã 10 giờ đêm. Đi ngủ lúc gần nửa đêm thứ hai tức là 10 giờ sáng cùng ngày tại DC, sau một ngày bay bổng vượt đại dương và bát phố tại Đông Kinh (Tokyo). Xe cộ đi bên trái, song họ dùng đơn vị thập phân, ngược lại với Mỹ xe cộ đi bên phải song dùng đơn vị Anh Quốc.

Hôm sau dạy sớm như thường lệ khoảng 6 giờ sáng, sau khi sửa soạn qua loa thì xuống ăn sáng, thông thường các khách sạn có đãi ăn sáng trong giá cả, thức ăn gồm có thực đơn Nhật với cá, cơm, cháo… và theo Mỹ, có trái cây, nước trái cây, cà phê, trà …. Vì đói bụng và lạ miệng nên chúng tôi ăn uống rất ngon nhất là cơm Nhật, thêm với trái cây kiểu Mỹ, như thế là có thể đi chơi đến buổi chiều vì theo thói quen tại DC chúng tôi cũng chỉ ăn sáng và ăn tối. Sau đó tôi ra lobby xem hối xuất, hôm nay thì cứ $100 đổi 11,500 Yen.Trở lại phòng và sửa soạn thêm vì trước đó “đời chưa trang điểm”, xuống nhà thì vừa đúng giờ hẹn 8:00 và người Nhật rất đúng giờ, đã chờ mình trước giờ hẹn.

Với dân số 130 triệu, mỗi năm gần đây số du khách khoảng 10 triệu đến thăm, họ đang xây dựng thêm để chờ đón khoảng 20 triệu sẽ đến trong kỳ Thể Vận Hội Tokyo Mùa Hè năm 2020. Hình dung ra khách du lịch là 8% dân số và đa số đều muốn trở lại, mỗi du khách trung bình tiêu $5,000 tức là mỗi năm quốc gia này có $50,000,000,000 cho nguồn lợi du lịch (50 ngàn triệu Mỹ Kim).

Ngày đầu đến thủ đô Đông Kinh của Nhật Bản, rất bỡ ngỡ song nhận ra:

– phi trường sạch sẽ, dịch vụ lấy hành lý nhanh chóng

– thủ tục quan thuế và nhập cảnh chuyên nghiệp và mau lẹ

– nhân viên phụ trách du lịch chu đáo, tận tâm

– xe cộ đi bên trái, không thấy xe cảnh sát, cứu thương như ở Mỹ, dòng xe cộ luân lưu có lưu lượng lớn song trôi chảy với sự tôn trọng luật lệ giao thông

– thành phố tấp nập ngay cả khoảng 10 giờ tối ngày thứ hai

– khách bộ hành đông đúc, cư xử kín đáo không ồn ào, vội vã song không chen lấn

Sáng hôm sau, công ty du lịch đón khách hàng từ các khách sạn trong chu vi 2,3 cây số (kilometers) và tập trung về World Trade Center, Hamamatsucho Bus Terminal, từ đó chuyển qua một xe bus khác để bắt đầu chuyến du lịch nửa ngày thăm thành phố. Tại điểm tập trung đông đúc này và thông thường là một nơi rất hỗn tạp, song những đặc điểm sạch sẽ, trật tự, chu đáo, đúng giờ vẫn làm chúng tôi ngạc nhiên; khách du lịch không phải chỉ là người ngoại quốc mà một nửa là người địa phương (Nhật Bản). Chuyên viên hướng dẫn du lịch lịch thiệp hiểu biết với kiến thức Anh Ngữ dồi dào song phát âm hơi mau và không thật rõ ràng hơi khó nghe để lãnh hội trọn vẹn, có lẽ đó là khuyết điểm duy nhất.

Chương trình được khởi đầu bằng sự viếng thăm Tokyo Tower phỏng theo Tour Eiffel của Paris, cao 333 meters (cao hơn Eiffel 13 m), sơn màu đỏ da cam, nổi bật trên vòm trời Đông Kinh. Đây là một biểu hiệu sự phục sinh của Nhật Bản sau Thế Chiến Thứ Hai, và đánh dấu một kỷ nguyên mới. Tokyo Tower được xây đúng làm phương tiện truyền thông đặc biệt là phát sóng truyền hình chuẩn bị cho đám cưới của thái tử Akihito và hôn thê là Michiko (bây giờ là hoàng đế lên ngôi Nov 1990), hai người gặp gỡ tại một sân quần vợt vào năm 1957 và April 1959 làm đám cưới, đây là lần đầu tiên hoàng gia cho phép thái tử kết hôn với một người không trông hoàng phái và cũng là lần đầu tiên đám cưới được trực tiếp truyền hình, cả nước hân hoan đi mua TV. Cũng vào tháng May năm 1959, Nhật Bản được Ủy Hội Thế Vận Quốc Tế IOC loan báo sẽ cho phép được tổ chức Thể Vận Hội Mùa Hè vào năm 1964, lần đầu tiên tại Á Châu, và vào tháng 10 để tránh sự ẩm thấp, nóng bức vào tháng August và các cơn bão thường niên vào tháng September. Năm 2020 thành phố Đông Kinh sẽ được tổ chức lần thứ hai Thế Vận Hội Mùa Hè. Sự tiến triển về khoa học kỹ thuật rất mau lẹ nên Thể Vận Hội Mùa Hè 1964 đuoc trực tiếp truyền hình toàn cầu qua vệ tinh truyền thông, thay vì phải thu lại và chuyển các tapes đến các quốc gia liên hệ để sau đó phát sóng. Trong khi xây dựng và chỉnh trang thành phố để chuẩn bị cho biến cố trong đại là Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1964, hội đồng thành phố nhận ra sự cần thiết phải có một xa lộ cao tốc để ra vào thành phố không phải xuyên qua các phố xá đang có, sau nhiều suy nghĩ họ đã quyết định vào năm 1960, thay vì giải tỏa một số khu dân cư để xây dựng xa lộ xuyên thành phố thì sẽ xây xa lộ ở phía trên của con sông chảy xuyên qua đô thị, việc nầy tạo thêm tốn kém song tránh được việc dân chúng phải dời cư , ta có thể nhìn thấy xa lộ trên cao phía trên còn sông và sát hai bên bờ là nhà của dân chúng khi dùng xa lộ vào và ra thành phố Đông Kinh.

Sau đó xe bus đi tới Imperial Palace Plaza, thả 20 người xuống đi bộ ngoan cảnh chung quanh National Garden mà trước đây là ngôi vườn riêng của hoàng gia, hướng dẫn viên cho biết vì thì giờ giới hạn nên chỉ đi xem thoáng qua và đề nghị vào buổi chiều nếu du khách có thì giờ nhàn rỗi thì nên vào phía trong để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Sinh nhật của đương kim hoàng đế vào Dec 23 nên đang có những chuẩn bị để sửa soạn cho gia đình hoàng đế gặp dân chúng vào ngày sinh nhật Dec 23 và sau đó một lần nữa Newyear Greeting vào Jan 2, 2016.

Sau gần 1 tiếng tản bộ thì lên xe bus và chạy qua khu Ginza kinh doanh với các cửa hàng lịch thiệp sang trọng (upsacle shopping district); xe bus tiếp tục chạy ra ngoại ô, vào khu đền Asakusa Kannon, với đường dẫn vào Nakamise-dori buôn bán nhộn nhịp, khi đi lễ xong thì nhiều khách du lịch ăn uống vui chơi nên có nhiều nhà hàng ăn và cả khu Geisha ca hát truyền thống vào buổi tối song phải đặt trước (reservation), cạnh khu đến thờ Goddess Kannon nầy.

Gần trưa thì mọi người đuoc lựa chọn, lên xe về lại trung tâm Tokyo, hay ở lại và dùng xe điện ngầm rất tiện và mau chóng trở về sau, trên đường về xe đi qua khu Akihabara còn được gọi là Electronics Town, lại có một sự chọn lựa là xuống đây rồi sau khi thăm viếng dùng phương tiện chuyên chở công cộng hay taxi trở về khách sạn, hay tiếp tục cuộc thăm viếng thành phố và sẽ chấm dứt tại nhà ga Tokyo Station tọa lạc ngay giữa thủ đô Đông Kinh. Tokyo bị động đất rất nặng vào Sept 1, 1923 (năm 1960 chính phủ Nhật đặt ngày này thường niên là ngày phòng ngừa Disaster Prevention Day để tưởng niệm, nhắc nhở sự phòng ngừa chuẩn bị cho tai biến), với Richter Scale là 7.4 (trên 7 là động đất nặng), trên 100,000 bị tử vong, trên 40,000 mất tích và bị coi như chết. Yokohama và các vùng quanh đó cũng có mức độ tàn phá rất cao gây ra bởi trận động đất này.

Đông Kinh được coi là thủ đô của Nhật bản từ thời Minh Trí Thiên Hoàng (Meiji) vào năm 1868, trước đó là Kyoto, nay trở thành cố đô. Dòng vua này kéo dài cho đến hôm nay. Hoàng để đương kim Akihito là vị vua thứ 125 của Nhật Bản và là vua thứ 4 trong dòng Minh Trị Thiên Hoàng: Mutsuhito (1867-1912), Yoshihito (1912-1926), Hirohito (1926- 1989), Akihito (1989-today). Mỉa mai thay cùng khoảng thời gian đó, hòa ước Giáp Thân (Patenotre) ký ngày 6 tháng 6 năm 1884 giữa nhà Nguyễn và Pháp tại Huế là văn kiện chấm dứt chủ quyền và Pháp Quốc bắt đầu chế độ thuộc địa bảo hộ. Chế đó thuộc địa chỉ bị tạm ngưng khi Nhật đảo chính Pháp và trao trả độc lập cho Việt Nam qua chính phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945, chưa tới một năm sau Pháp theo chân quân đội Anh giải giới quân đội Nhật và toàn quốc kháng chiến bắt đầu Dec 19, 1946; kéo dài tới sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ (Mar 13 – May 7, 1954), hiệp định Geneve July 20, 1954 chia cắt đất nước, Pháp rút vào Nam và chế độ thuộc địa chị thực sự chấm dứt khi có Đệ Nhất Cộng Hoà (Oct 26, 1956 – Nov 1, 1963) do tổng thống Ngô Đình Diệm lập ra tại miền Nam Việt Nam.

Trưa chủ nhật rời DC thì thời tiết ấm áp và mấy hôm ở Tokyo cũng được hưởng nắng hanh vàng trải dài trên lối đi, buổi sáng khoảng 40 F rồi lên đến 60 F trước khi trở về 40 F vào buổi tối. Rời Tokyo Station, chúng tôi đi thăm một vài khu shopping sát cạnh, thật là tấp nập, được trang hoàng rất đẹp với màu trắng như tuyết và khung cảnh gợi ra ước muốn mua quà tặng cho các người thân yêu. Theo thói quen tản bộ mỗi ngày, cùng tôi đi giữa những con phố thật đẹp về phía Imperial Palace Garden để vào trong thưởng thức cảnh trí của vườn hoa sắc thái Nhật (hài hòa cảnh sắc thiên nhiên nước, đảo, cây, cầu), dọc đường ghé một khu có vài gian hàng bán thức uống nóng vang lên nhạc Giáng Sinh. Quanh quẩn trọng vườn hoa rộng lớn hơn một tiếng rồi chúng tôi tản bộ về khách sạn cách đó khoảng 3 miles. Nghỉ ngơi một chút thì ngoài trời đã hỏi choạng vạng buổi hoàng hôn.

Sau khi nghiên cứu bản đồ thì chúng tôi quyết định đi thăm 3 chỗ:

– Tokyo Venice: khu cạnh sông nước hữu tình với quán ăn, các boutiques và có cầu đi dạo bên dòng nước

– electronics town

– khu cạnh Tokyo University

Thử đi taxi cho điểm đến đầu tiên, không xa lắm và rất thuận tiện, chỉ tiếc là hôm đó trời hơi lạnh, vào buổi tối lúc trời đã tắt nắng thì không còn sinh hoạt bên ngoài, thành ra chỉ thăm viếng độ hơn nữa giờ rồi chúng tôi đi xe subway ra khu buôn bản điện tử, media entertainment, khu phố dài cả chục blocks đường sáng rực như ban ngày với dân chúng đi lại tấp nập, đi từ đầu đến cuối mất gần 1 tiếng, lấy xe điện ngầm đi qua khu Đaị Học Đông Kinh. Cần nói thêm là hệ thống xe điện ngầm rất tiện lợi, dễ xử dụng tuy hơi có trở ngại là phần Anh Ngữ chỉ dẫn tối thiểu, song có ở các trạm đều có tên trạm bảng Anh Ngữ.

Khu đại học này gồm nhiều đường phố nhỏ, có chợ trời, các quán bán thức ăn ngay ngoài đường với giá hạ, các quán ăn truyền thống Nhật thông thường có diện tích giới hạn, có các quán ăn rộng lớn hơn và có cả thức ăn Nhật. ngoại quốc như Ý trong các siêu thị quanh đó. Mặc dù đã gần 10 giờ song quán ăn nào cũng đông, sau này tôi được biết là người Nhật làm việc tới khuya rồi đi ăn chung với nhau trước khi về nhà, vì thế khách hàng đại đa số là phái nam.

Vào một siêu thị và chọn một quán ăn hạng trung có bán thức ăn Nhật, chúng tôi ăn cơm tối, đặc biệt bàn nào cũng có giỏ để khách hàng để cặp sách, ra về thì khoảng gần 11 giờ, các chợ trời đang dọn dẹp đóng cửa, chúng tôi nghĩ là nếu ít tiền thì có thể ghé một quán ăn ven đường ở đây ăn một bát mì (500 yen , $4.5) cũng được rồi. Lấy xe subway về lại khách sạn, tuy mệt song phải xếp đặt lại valises vì mai rời Tokyo lên vùng cao nguyên, du lịch đi cruise thì khách sạn chạy theo mình và đêm nào cũng về một chỗ, đi land tour, di chuyển đường bộ (ô tô hay hoả xa) hay hàng không (máy bay) thì phải di chuyển và ở các khách sạn khác nhau, chúng tôi sửa soạn túi sách vì vào chiều mai hãng du lịch sẽ chuyển hành lý xuống thẳng khách sạn ở Kyoto và trong 3 ngày với private tours chúng tôi được dặn dò là trang bị nhẹ vì phải xách hành lý theo người khi di chuyến.

Hình như mọi thứ trên đời nếu chưa trọn vẹn “inachevee” (unaccomplished) và còn chút tiếc nuối hay thèm muốn thì làm người ta lưu luyến nhiều hơn, khi ngồi trên xe bus đi một vòng qua các khách sạn ở trung tâm Đông Kinh để đón khách rổi tập trung ở bến đỗ trung ương, ý nghĩ nầy chợt đến với tôi vì nếu ở thêm một ngày nữa thì có thể vẫn chưa đủ song cái gì bịn rịn sẽ bớt đi.

Cần nói thêm là công ty du lịch tổ chức rất chu đáo và sửa soạn công phu:

– mỗi sáng có một dịch vụ đi đón khách tại các khách sạn, khoảng 5,6 hotels trong vòng bán kính 2 miles từ trung tâm thủ đô (Tokyo Station), thường được định nghĩa là nhà ga trung ương.

– tại bến đỗ trung ương sẽ tập trung các khách hàng cho các dịch vụ tiếp theo.

– nếu là các chuyến du lịch nửa ngày như quan sát thành phố và vùng phụ cận, thăm các thắng cảnh; thì khoảng xế trưa, thông thường tour này từ 9 giờ đến 1 giờ, sẽ thả khách xuống tại trung tâm thủ đô (Tokyo Station).

– nếu là các chuyến đi nguyên ngày, được coi là ra xa thành phố và chỉ trở về vào buổi chiều lúc 5,6 giờ thì sẽ có bữa ăn trưa đơn giản theo thực đơn Nhật Bản tại một nhà hàng, đã đặt trước để sửa soạn, trên đường đi.

– họ tổ chức theo nguyên tắc “hội tụ và lan tỏa”, thí dụ như chuyến đi nguyên ngày hôm nay sẽ như sau: 40 người thăm 2 biểu hiệu điển hình (icons) cho Nhật Bản thường thấy trên hình ảnh: Phú Sĩ Sơn và cổng vào (màu đỏ) đền Thần Đạo (Shinto) trên hồ Ashi (Lake Ashi), thêm vào đó sẽ ngoạn cảnh trên núi rồi đi xuống bằng Mt Komagatake Ropeway, du thuyền trên hồ Ashi.

Hết chuyến đi thì 2 cặp sẽ đi 2 taxi, do công ty du lịch trả tiền, về khách sạn tại thành phố gần đó trong khu nghỉ mát Hakone (Yumoto Fujiya Hotel), sáng hôm sau một cặp sẽ đi thẳng xuống Kyoto, tụi này sẽ sẽ cùng với một nữ du khách từ Tân Tây Lan (New Zealand) tới và sau đó từ Tokyo xuống thẳng đầy tham dự private tour trong 3 ngày, hết tour này thì tụi này sẽ đi Kyoto và vị nữ du khách nầy quay về Tokyo.

Trước khi rời DC thì trong thùng thư có tuần báo Time với Kanzlerin Merkel là Person of the Year, hôm nay mới có thì giờ đọc và thấy rất là lý thú.

Đọc hết những trang viết về vị nữ thủ tướng đầu tiên của Đức Quốc từ năm 2005 cho tới nay và ở trên quê hương của vị thủ tướng có chiều cao ((5’9”) hơn bình thường của người Nhật, là thủ tướng từ năm 2006 với sự cách quãng từ năm 2007 đến 2012 vì lý do sức khỏe, tôi thấy có điểm tương đồng:

– sinh sau Thế Chiến Thứ Hai, vào năm 1954

– đang lèo lái 2 cường quốc kinh tế trong tình trạng bấp bênh của kinh tế toàn cầu

– rất được lòng dân chúng và có thể được thêm một nhiệm kỳ: bà Merkel với bầu cử năm 2017, mỗi nhiệm kỳ là 4 năm, ông Abe với bầu cử năm 2016, nhiệm kỳ 4 năm song thông thường ngắn hơn khi không có đa số vững chắc ở Quốc Hội và phải giải tán để bầu lại. và những dị biệt:

– ông Abe theo chính sách lý thuyết quốc gia (tăng cường quân đội, cứng rắn với Nga Sô và nhất là Trung Hoa) , bà Merkel mong muốn hình ảnh của Đức Quốc nhân bản hơn.

– ông Abel sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thế lực, “thế gia vọng tộc” trong chính trị, bà Merkel sống dưới chế độ cộng sản, là một khoa học gia và chỉ mới đi vào chính trị sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989 và Đức Quốc thống nhất năm 1990.

Có những cố gắng để thích hợp với việc mất cân bằng dân số vì số trẻ sơ sinh hàng năm dưới số tử vong, tạo sự thiếu hụt nhân sự:

– Ông Abe cố gắng cái tổ hệ thống xã hội (như chính sách ưu đãi về thuế khoá, sở phí nhẹ cho nhà giữ trẻ, công việc bán thời gian) để phụ nữ Nhật dễ tham gia vào việc sản xuất, hành chánh (cho tới bây giờ khi có con thì phụ nữ Nhật ở nhà nuôi con, chăm sóc gia đình, không thể trở lại hệ thống làm việc khắt khe như thời chưa có gia đình). Chính phủ Hán Thành (Triều Tiên) đã thành công trong việc này sau khi cái tổ từ 20 năm trước đây và có đường kim nữ tổng thống là con gái của tướng Phác Chánh Hy (cầm quyền 1961-79). So sánh Triều Tiên (South Korea): 85,000 dặm Ánh , 85 triệu dân và Nhật Bản (Japan) : 146,000 dặm Anh, 130 triệu dân thì Triều Tiên chỉ có diện tích và dân số khoảng 70% so với Nhật Bản song hiện nay về kỹ nghệ điện tử: Memory , Display Triều Tiên hơn Nhật Bản và xe Huyndai, Kia rất được ưa chuộng, có sự quân bằng về nhân công, do đó ta thấy quốc gia nào biết nâng cao nữ quyền thì có hy vọng tiến xa hơn.

– Bà Merkel chấp nhận trước hết là người Nam Âu, rồi Đông Âu, bây giờ là tỵ nạn để quân bình dân số, đủ nhân sự cho nền kinh tế, tiếp tục chính sách để nhân công gốc Thổ Nhĩ Kỳ sau một đời ở Đức từ thập niên 60, đến thế hệ sau (cuối thập niên 80) mới được có quốc tịch Đức, song với làn sóng ty nạn ồ ạt bây giờ thì có lẽ khó khăn hơn với đối với người Thổ Nhĩ Kỳ đã ở đó làm việc nhiều năm.

Khi viết những dòng chữ này tôi nhớ tới lời bản nhạc “Hải Ngoại Thương Ca” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông : mong cho nước Việt đời đời, oai dũng vươn cùng lên trên thế giới.

Nguyễn Viết Kim

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *