Thư Cho Mạ

Mạ kính thương,

Chỉ còn một tuần nữa là ngày lễ Mẹ. Năm nay con muốn viết thư thăm hỏi mạ thay vì chỉ gọi điện thoại như thường lệ. Một phần vì tự nhiên con nghĩ tới mạ rất nhiều và lòng nghe thương mạ ngấp ngàn. Một phần vì mấy năm gần đây, ngày mạ càng lãng tai hơn. Vô lẻ chúc ngày lễ Mẹ mà con lại la hét thiệt to qua điện thoại để mạ nghe được con muốn nói chi, tội chết!

Nhiều cha mẹ của bạn cùng lớp của con đã lần lượt qua đời vài năm gần đây. Con cảm thấy mình may mắn vẫn còn cha còn mẹ đầy đủ, dù luôn mang nỗi khắc khoải không được ở cạnh mẹ cha cả mấy mươi năm dài, từ khi rời nhà vượt biển đầu năm 80. Sao nước Việt dân Việt mình phải chịu quá nhiều khổ ải chia ly như vậy!? Ngay cả hình cong chữ S bản đồ nước Việt Nam cũng thấy oằn oại như dáng người mẹ già vai gầy, gồng gánh hai đầu trĩu nặng tảo tần nuôi con. Đúng như lời ông bà thường nói “làm cha mẹ rồi mới biết thương quí cha mẹ”. Con nay đã gần 60 nên hay suy ngẫm ý nghĩa của đời người. Con muốn tâm sự với mạ nhiều suy nghĩ non nớt của con thời gia đình mình còn ở Đà Nẵng dấu yêu, thời con còn chập chững tuổi mười bốn mười lăm.

Mạ làm nghề cô mụ, có nhà hộ sinh mở ngay bên cạnh nhà. Không chỉ coi nghề là một cách mưu sinh lo cho chồng con, mạ rất yêu nghề và quí khách. Khách đây là những người mẹ đi sanh con. Mạ không quãng ngại thức khuya dậy sớm để giúp những người mẹ đưa con chào đời. Hàng ngày mạ luôn ân cần ghé từng phòng chăm lo thăm hỏi những người mẹ và em bé. Con vẫn còn nhớ những năm con còn nhỏ, say sưa chơi đùa với bạn quanh xóm xong thì luôn chạy qua nhà hộ sinh tìm mạ. Phần vì thèm được ngồi vô lòng mạ, được mạ hun nhẹ lên tóc khi mạ đang chuyện trò với những người mẹ mới sanh. Phần vì muốn được mấy cô y tá cho bồng “lén” các em bé. Con mê được hít hà da thịt mềm thơm tuyệt vời của em bé, thích được nắm mấy ngón tay ngón chân nhỏ chút kỳ diệu của trẻ sơ sinh.

Ba anh em con được ba mạ cho học TTGD Nguyễn Hiền, một trường công khá nổi tiếng ở ĐN. Đa số học sinh của trường là con cái của các gia đình khá giả. Những năm tuổi đã lớn hơn, khoảng lớp 6 lớp 7, con thường có chút mặc cảm gia đình nhà mình thanh cảnh so với các bạn cùng lớp của con. Ba cả đời chỉ ở trong quân đội. Gia đình mình không nghèo khổ nhưng không dư dả. Tuy vậy ba mạ luôn cố gắng dành dụm hết mình để ba anh em con không thiếu thốn. Sau khi vượt biển và định cư ở Mỹ, con phải tự bươn chải với đời và mới thật sự thấu hiểu lòng thương con và gương hi sinh của ba mạ. Thay vì lúc nhỏ mắc cỡ về nghề cô mụ của mạ, bây giờ con lại cảm thấy thật hãnh diện đã có được một người mẹ với một nghề nghiệp cao quý. Mạ yêu nghề, giúp người. Mạ được tận tay đưa trẻ thơ vào đời, tận mắt chứng kiến tình mẫu tử thiêng liêng khi người mẹ được ôm con vào lòng lần đầu tiên, tận tai nghe được tiếng khóc đầu đời của hàng trăm hàng ngàn đứa trẻ. Còn chi mầu nhiệm bằng, còn chi tôn vinh hơn phải không mạ? Mạ là “bác sĩ” riêng tại gia của ba anh em con. Không thể kể hết bao lần tụi con ấm đầu đau cổ, bao lần té bổ trầy vi tróc vẫy … mạ là người tận tay chích thuốc băng bó ráp gắn lại cho tụi con.

Con cũng không quên kể là ngay cả gọi mẹ bằng “mạ” cũng đã từng làm con ốt dột lúc nhỏ. Các bạn cùng lớp ai nấy gọi mẹ là mẹ, là má, là me … nghe tân thời và sang trọng làm sao. Sao con phải gọi mẹ là mạ chứ? Nghe Huế rặt, nghe có chút quê mùa nữa. Nhưng chừ con lại yêu từ “mạ” quá. Nghe đơn giản mà thắm thiết, nghe mộc mạc mà âu yếm, nghe mát dịu và gần gũi như mạ xanh mướt ngoài đồng ruộng. Mạ của quê hương tuổi thơ. Mạ của những sáng sớm băng qua đường mua ổ bánh mì nóng dòn chan nước thịt xa xíu. Mạ của những buổi trưa hè nóng bức nằm võng đọc truyện. Mạ của những đêm hôm kêu gánh cháo lòng ăn khuya. Con vẫn như còn ngửi được mùi đèn dầu của những gánh chè gánh cháo đó mạ ơi.

Ngày lễ Mẹ, con chỉ muốn được gọi một tiếng mạ thật giản dị, mạ nghe. Mạ cũng vậy, gọi bà ngoại một tiếng mạ cho thiệt êm. Bà ngoại ở trên nhìn xuống sẽ cười thương lại liền. Con còn muốn được ôm mạ thật chặt nữa nhưng chắc năm nay chưa thu xếp qua thăm ba mạ được. Con xin hẹn đầu năm tới. Nếu ba mạ cho, con sẽ ở lại lâu cho tới khi mạ chín được gặt về nấu thành cơm, thơm ngon no nê mới chịu về!

Thương kính,

Ngọc Hân

7 tháng 5 2017

One thought on “Thư Cho Mạ”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *