Thảm họa Tōhoku, Nhật Bản 2011

*Lời nhắn:

“Thời gian gần đây con virus Vũ Hán hoành hành mang theo dịch bệnh và chết chóc khắp mọi nơi. Nó không từ người giàu hay kẻ nghèo, đất nước hùng mạnh hay yếu kém. Dịch bệnh làm chúng ta hoang mang sợ hãi đến không dám ra ngoài, ta e ngại mỗi khi phải gần gũi giao tiếp một ai. Thế giới mỗi khi có những đại họa ảnh hưởng chết chóc quá lớn như vậy thì ta mới chợt cảm nhận rằng sự sống của con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Bình thường nó hiền hòa xinh đẹp vậy, nhưng khi nổi cơn cuồng nộ thì con người ngoài đem hết khả năng chống đỡ chỉ còn biết dâng lời cầu nguyện cho thiên tai chóng qua. Tin tức hôm nay, số người nhiễm bệnh ngày càng tăng đến cấp số hàng trăm ngàn, số người chết cũng đã vượt qua con số chục ngàn. Nhiều thành phố đang bị phong tỏa, và nhiều quốc gia ban bố trình trạng khẩn cấp. Quả địa cầu nơi chúng ta ở đang sốt lên từng ngày từng giờ vì con virus quái ác này. Mong sao giới y học khắp nơi sẽ sớm tìm ra thuốc chữa trị dịch bịnh, hay tìm ra thuốc chủng ngừa để nó không còn là nỗi ám ảnh khủng khiếp của loài người hôm nay và mai sau.
Dịch bệnh một phần là do con người bất cẩn nhiễm phải và sau đó lây lan nhau. Nhưng nhìn chính xác vẫn là thiên tai trong đất trời vũ trụ mang đến cho nhân loại. Lâu lâu trời đất nổi cơn giận dữ để lại bao hãi hùng cho chúng ta. Mùa xuân tháng ba tưởng đâu sẽ là mùa thật đẹp với bao hoa lá đua nhau nở rộ như mọi năm. Nhưng thiên tai đã biến tháng ba năm nay thành khoảng thời gian đầy sợ hãi mang trầm uất buồn chán trong chúng ta. Thiên tai và tháng ba mùa xuân còn làm tôi nhớ lại Thảm họa kép Tohoku năm 2011 ở vùng đông bắc nước Nhật. Trận động đất mang theo sóng thần đã cướp đi 15.893 sinh mạng, cạnh đó là hằng ngàn thương tật và nhà cửa chôn vúi đổ nát . Cho đến bây giờ ám ảnh của nó vẫn như một vết thương chưa bao giờ lành hẵn trong tâm hồn người dân xứ Phù tang. Lâu lâu tháng ba gió máy trở trời nó lại trở về mang theo nhức nhối. Nhân thiên tai dịch bệnh mang tên con vi trung nhỏ xíu Vũ hán đang hoành hành gieo hãi hùng khắp thế giới, admin xin đăng lại một bài viết cách đây 9 năm mang tên thảm họa Tohoku 03/11/2011 như một tưởng nhớ.”

***

   Tháng ba giả biệt mùa đông. Từng dải nắng đã về cho tan đi những mảng tuyết còn lại trên mặt đường, giữa mái ngói. Tiếng con chim khuyên tưng bừng hót reo trong vườn, những chồi hoa Tulip nảy mầm đợi thời khắc nở rộ. Tất cả vạn vật đang vươn vai tiếp nhận niềm hy vọng tràn đầy trong nắng mới Phục sinh. Và mùa xuân như một lời hò hẹn tự bao giờ, từ tốn đến một cách bình thản, đến thuận theo lẽ tự nhiên của chu kỳ đất trời có đi sẽ có về.

Nhưng, sự dịch chuyển của tuần hoàn đất trời đâu có nghĩa là tất cả điều xảy ra trên trái đất sẽ lặp đi lặp lại giống hệt nhau theo chu kỳ thời gian. Trải dài trong muôn ngàn thời khắc nối tiếp nhau, ngoài điều hợp lý còn có những điều phi lý mà ta chẳng bao giờ ngờ và mong đợi chúng đến. Đón chào sự trở về của mùa xuân năm này, ngoài nắng ấm cỏ cây reo vui, chúng ta làm sao biết được vẫn có bao tai ương đang rình rập con người ở một nơi nào đó trên trái đất này. Một buổi sáng tháng ba thức dậy chợt tôi bàng hoàng trước tin động đất-sóng thần ở Nhật bản. Tôi thản thốt trước cảnh nhà cửa sụp đổ theo mặt đất rung chuyển, cảnh con người tan biến trong lớp sóng biển khổng lồ. Tai ương ập đến quá khủng khiếp để muốn bày tỏ sự cảm thông bằng lời trong hoàn cảnh này cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Chúng ta cũng chỉ còn biết ngơ ngác như những người dân bên ấy đang ngơ ngác. Đông cứng cảm xúc là bản năng tự vệ cuối cùng để chịu đựng tang thương mà con người có được khi bất lực trước thiên nhiên cuồng nộ.

Ta thấy em giữa Đông Kinh gục đầu trên vai bạn
Lặng lẽ khóc thầm cho thảm họa quê hương
Ôi mắt em,
đôi mắt màu hoa Anh đào sủng ướt
Mang nỗi buồn tích lũy tự ngàn xưa

Suốt tuần qua, trong giấc ngủ cứ chập chờn hình ảnh của những cơn sóng vỗ ngập đầu, những tòa nhà sụp đổ, những vòng tay ôm chầm nhau trong giờ phút tử sinh. Tôi đã từng chứng kiến bao cảnh chết chóc trong chiến tranh. Chứng kiến nỗi khổ hạnh trên hành trình tìm tự do của dân tộc mình. Chứng kiến biến cố 09/11 tang thương của những người dân Hoa kỳ vô tội. Nhưng tất cả mất mát khổ đau trên, nhìn từ khía cạnh nào đi nữa vẫn mang màu sắc thù hận giữa con người và con người. Chúng bắt nguồn từ sự mù quáng trong niềm tin chủ nghĩa, từ sự quá khích vì dị biệt dân tộc hoặc tôn giáo. Nhưng những đau thương trong ngày thứ Sáu 11/03/2011 của người dân vùng Tohoku thì ta biết trách cứ vào ai? Làm sao ta thấy trước được khung cảnh bình yên ở đây với núi non, biển trời đã mang mầm mống của tai ương. Làm sao ngàn năm trước dân tộc xứ Phù tang Tam đảo biết được nơi dân tộc mình chọn làm chốn an cư ở trong vành đai động đất oan khiên. Định mệnh có lẽ là lời giải thích duy lý nhất cho những tang thương mà dân tộc này phải gánh chịu. Định mệnh như một lời nguyền tiềm ẩn phảng phất trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông Nhật, trong đôi mắt sũng buồn của người đàn bà xứ Phù tang.

Sớm mai thức dậy trong buổi sáng mùa xuân bình yên như mọi ngày, tôi hoảng hốt chừng như nghe đâu đây tiếng kêu tuyệt vọng của con người giữa cơn sóng dữ ập vào cuốn phăng đi. Buồn não khi chứng kiến những bàn tay ôm mặt bàng hoàng lo lắng trên đường phố Tokyo, Osaka…. hướng về quê nhà. Tôi đã rùng mình khi nhìn thấy khuôn mặt ngơ ngác của người đàn ông già nua trở về bên đống hoang tàn nhà củ chỉ để tìm chứng tích nào sót lại của con gái mình vừa tan biến trong một sát na cuồng nộ của đất trời. Nhưng tất cả không một dấu vết, chỉ còn là những giọt nước mắt …

Dân tộc Nhật bản có lẽ là những người chịu khổ đau nhiều nhất so với phần khác trên quả đất này. Từ tang thương trong chiến tranh, điển hình là Thế chiến thứ hai mà chúng ta thường nhớ đến với hai quả bom nguyên từ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Còn nói đến thảm họa thiên nhiên, nước Nhật qua hằng ngàn năm đã hứng chịu biết bao nhiêu trận động đất và sóng thần. Lịch sử cận đại cho ta biết đến Đại thảm họa động đất Kantō 1923 và lần gần đây nhất là Thảm họa kép Tōhoku 2011 đã làm hằng trăm ngàn người chết. Nói đến Nhật bản, ngoài cảnh vật thiên nhiên đẹp tuyệt vời, thế giới còn biết đến nó như là một vùng đất của thiên tai. Từ ngàn xưa, những cơn giận dữ của Bà mẹ thiên nhiên dường như luôn chực chờ sẵn để ập xuống dân tộc này. Và, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã thuờng tạo nên đức tính con người. Để từ đó họ luôn mang tâm thế chuẩn bị và chờ đợi bất trắc ở mọi lúc mọi nơi. Điều này đã hình thành nên những đức tính đặc biệt của dân tộc Nhật mà thế giới phải cúi đầu ngưỡng phục. Văn hóa của họ luôn coi trọng tính kỷ luật-trách nhiệm, cẩn thận-chu đáo, hy sinh-vị tha và nhất là tinh thần khiêm cung-tự trọng.

Tháng ba mùa hoa Anh đào đang chớm về trên đất nước Phù tang. Những cánh hoa mong manh trắng hồng lần lượt rộ nỡ từ phương nam rồi lên hướng bắc. Hoa Anh đào nở báo hiệu cho mùa lễ hội Hanami truyền thống, người Nhật cùng bạn bè, người thân quay quần thưởng thức rượu sake và những bài ca điệu múa dân gian. Nắng xuân chiếu ánh long lanh lên từng giọt mưa đầu mùa đọng trên hoa, trên lá. Khung cảnh thơ mộng, huyền ảo lam khói để ta tưởng chừng đất nước Phù tang này mãi là chốn thần tiên như trong cổ tích. Nhưng đâu ngờ nơi đây lại là chốn đã từng hứng chịu bao đổ nát tàn phá kể từ thời này qua thời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác…

Thượng đế ngự trị nơi cao vẫn có luật bù trừ khi ban phát đời sống cho muôn loài. Dân tộc Do thái chịu lưu đày ngàn năm khắp chốn thì bù lại họ có niềm hãnh tiến và óc khôn ngoan để có ngày cùng nhau trở về đất hứa. Dân tộc Việt Nam chịu bao cảnh chiến tranh vì vị trí địa lý quốc gia nằm kề một Trung Hoa nhiều tham vọng, thì bù lại họ có tinh thần can trường, sự kiên trì, óc thông minh quyền biến để tồn tại đến ngày hôm nay. Dân tộc Nhật bản cũng vậy, dù đất nước họ nằm trong vành đai lửa tâm địa chấn, nhưng bù lại bằng những đức tính tuyệt vời vốn có họ đã xây dựng lại đất nước tốt đẹp hơn sau mỗi lần gánh chịu thiên tai ách trời. Hôm nay đây sau thảm họa kép Tōhoku 2011, tôi tin rằng rồi họ sẽ vượt qua tâm lý sang chấn để đứng dậy mạnh mẽ như từng bao lần khác. Họ sẽ xây dựng lại những thành phố từ đổ nát hoang tàn trở nên đẹp đẻ và chắc chắn hơn. Họ sẽ xây dựng lại tất cả bằng một niềm tin không lay chuyển dù trong đẫm đầy nước mắt…

Elegy for the Victims of the Tsunami of March 11, 2011
Nobuyuki Tsujii

   Những giọt nước mắt của người dân Nhật nhỏ xuống trong thảm họa mùa xuân 2011 làm tôi liên tưởng đến nước mắt của nghệ sĩ khiếm thị Nobuyuki Tsujii nhỏ xuống khi đàn bản “Elegy for the Victims of the Tsunami of March 11, 2011” do ông sáng tác. Bi khúc dương cầm tưởng niệm cho nạn nhân của thảm họa kép động đất-sóng thần và rò rỉ phóng xạ. Từ trong đôi mắt mù lòa của người nhạc sĩ khuyết tật tài hoa bất ngờ ứa ra những giọt nước mắt xót xa cho đau thương của dân tộc mình. Những giọt nước mắt trầm uất nhưng còn ẩn chứa trong đó là đức tin phải vực dậy lại tất cả bằng niềm kiêu hãnh vốn có của dân tộc. Xin gởi lời cầu nguyện đến những nạn nhân bên ấy, mong ảnh hưởng phóng xạ từ sự cố nhà máy điện Fukushima sẽ được xóa sạch để đời sống của người dân Nhật trở lại bình yên.

Boston tháng 3, 2011 & 2020
Trương Hữu Hiền

2 thoughts on “Thảm họa Tōhoku, Nhật Bản 2011”

  1. Phải nói sức chịu đựng của người Á Đông luôn rộng sâu như trời bể. Đọc lại biến cố cũ vẫn thấy thật là thương cảm cho số phận nghiệt ngã của người dân Nhật. Cảm ơn Hiền đã chia sẻ những cảm nhận thật sâu sắc và đầy nhân tính.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *