Trên Đường Về Nhớ Đầy

Giờ nghỉ trưa Hoàng gọi tôi qua mạng Viber. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại giọng nói của người bạn học cũ. Từ hồi có đại dịch Covid-19 đến nay chúng tôi ít gọi nhau thường như lúc trước, thỉnh thoảng chỉ gởi qua lại vài tin nhắn thăm hỏi. Phần cả hai đều bận bịu, cộng thêm phần con siêu vi trùng Vũ hán lúc này cứ lẩn quẩn chung quanh làm con người ngao ngán, ít ai còn có hứng thú dành thời giờ tán bàn chuyện phiếm. Số người nhiễm bệnh, số người chết cứ tăng dần mỗi ngày đến chóng mặt, không còn ai muốn nghe thêm nữa. Trước đây, bạn bè gọi nhau tán chuyện thì có biết bao nhiêu điều vui, điều buồn muốn nói, muốn tâm sự. Nói cả vài giờ vẫn chưa muốn gát máy. Riêng đối với tôi thì được nói chuyện với ông bạn Hoàng, một người mê đi du lịch đây đó lại kèm theo niềm đam mê nhiếp ảnh là điều thú vị nhất. Cứ mỗi khi đi đâu xa về là Hoàng không quên gởi cho tôi vài tấm hình cảnh vật nghệ thuật, hay hình bạn bè vừa được gặp. Và thường kèm theo đó là những mẫu chuyện bên lề hấp dẫn, nghe hoài không muốn dứt.
Vậy mà hôm nay ngày giữa tuần Hoàng lại gọi tôi. Lan man kể chuyện thời sự bên trời Âu một lát, quay qua chuyện xứ Cờ hoa, Hoàng hỏi về tình hình bầu cử đang nóng bỏng và quan điểm của tôi. Thật tình tôi nói với Hoàng, vì mình chưa phải là công dân Mỹ nên chuyện thích bên này hay bên kia chỉ mang tính cách bên lề cho vui. Nói về khuynh hướng chọn vị tổng thống mới của người bản xứ thì có lẽ rộng quá với kiến thức của mình. Nhưng theo tôi nghĩ, sự chọn lựa của một người Mỹ gốc Việt có lẽ chịu ảnh hưởng bởi vài yếu tố như thời gian cư ngụ, kiến thức về nền chính trị Hoa kỳ, kinh nghiệm từ quá khứ trải qua, vân vân và vân vân… Có người chọn lựa trên lập luận qua kiến thức chính trị, và có một số chọn theo cảm tính hay cảm xúc. Có thể theo quan niệm chung ta cho rằng chọn lựa dựa theo hiểu biết và lập luận là đúng. Nhưng cảm xúc không phải lúc nào cũng là sai, khi cảm xúc đó lấy từ một kinh nghiệm hằn sâu trong quá khứ. Có một điều đúng và đẹp nhất mà không bàn cải là khi chúng ta được chọn lựa bằng lý trí lẫn trái tim.

Khi tôi gõ những dòng này thì câu chuyện bầu cử xứ Cờ hoa diễn ra đã hơn 3 tuần mà kết quả vẫn chưa ngã ngũ. Và chuyện thời sự này vẫn đang làm cho cộng đồng Việt tranh luận nảy lửa, vài nơi sự việc còn đi quá xa khi xảy ra xung đột tay chân hay mạ lị chửi bới nhau. Mong cho bầu cử chóng có kết quả, và dù cho ứng cử viên nào được chọn thì mâu thuẩn trong xã hội Hoa kỳ, hay nói riêng trong cộng đồng Việt mình được hòa giải và hàn gắn tốt đẹp.

Xoay qua chuyện gia đình, Hoàng hỏi thăm về công việc làm, rồi qua chuyện chứng bịnh nan y của tôi. Căn bịnh Gout quái ác vài ba tháng lại bất ngờ trồi lên để mình chỉ còn di chuyển tới lui bằng “một chưn rưỡi”, như lời bông đùa của hai đứa. Tôi than đang bị Gout hành hạ mấy hôm nay chán quá. Rồi chợt nhớ bịnh của Hoàng, tôi hỏi lâu nay đỡ hơn không! Hoàng trả lời là chẳng thấy bớt chi cả, thấy áp lực căn bệnh cứ đè nặng mình thêm mỗi ngày. Đúng là tuổi này là tuổi bắt đầu của “bệnh” trong 4 chữ sinh, lão, bệnh, tử một đời người. Thương bạn, thương cả chính mình khi nghĩ tới chặng đường tháng ngày trước mặt.
Câu chuyện tới đây thì tôi đoán biết Hoàng thế nào như mọi lần sẽ trách tôi:
-Lúc trước tau đã nói mi thu xếp qua tau chơi vài bữa mà mi chần chừ miết. Bây giờ dịch Covid đã khó đi lại, cộng thêm bịnh 2 thằng ngày càng nặng nữa. Gặp nhau đứa run, đứa cò thì làm sao lái xe đi chơi xa được!
Mỗi lần nghe bạn trách vậy tôi áy náy lắm. Bao lần hứa hẹn đi rồi không làm được. Năm nay nhất định sang Bỉ thăm Hoàng, sẵn dịp chu du trời Âu một chuyến, vậy mà mình tính không bằng trời tính. Tôi lại lỡ hẹn như mọi lần:
-Hết dịch tau bay sang mi ngay không chần chừ. Nhớ giữ gìn sức khỏe mà làm tài xế tốt cho tau nghe! Haha…
Tôi cười giả lả như mọi khi nghe Hoàng trách.
-Mi cứ hẹn hoài. Lần ni nhắm mắt hai vợ chồng đi liều đi, khi tau còn lái xe đường xa được.
Cảm động cho chân tình của bạn, tôi hứa với chính mình sẽ thu xếp thăm bạn ngay khi có cơ hội.

Cuối câu chuyện, Hoàng chợt hỏi tôi cách thức để làm ra một bản cáo phó cho tang lễ. Bạn hỏi tôi dùng phần mềm gì đơn giản nhất. Tôi nói với Hoàng mình hay dùng Power Point của Office mỗi lần làm phân ưu hay cáo phó.
Sáng hôm sau Hoàng gởi lại cho tôi một bản cáo phó rất hoàn chỉnh. Thấy tên người vừa mất, cũng họ Nguyễn Văn, tôi nghĩ là người trong gia đình bạn nên hỏi:
-Ai mất vậy Hoàng?
Ngần ngừ một lát, Hoàng trả lời:
-Người anh.
Sinh nghi tôi hỏi thêm:
-Anh họ hay anh ruột?
Tới đây bạn mới thú thật:
-Anh tau vừa bị bể mạch máu tim qua đời. Ảnh đang khỏe rân vậy mà đùng một cái đi liền đó mi.
Bàng hoàng quá, tôi trách Hoàng:
-Vậy mà hôm qua giờ mi giấu. Xin chia buồn với mi và gia đình nghe. Cố gắng lo cho chuyện tang lễ anh ấy được chu đáo.
Theo như Hoàng cho biết, anh của bạn là cựu học sinh Blaise Pascal Đà nẵng, tốt nghiệp tú tài năm 71. Sau đó đi du học Bỉ ngay, từ đó đến bây giờ là 49 năm chưa một lần về lại quê nhà. Có chút gì buồn buồn trong giọng kể của Hoàng khiến lòng tôi chợt chùng theo.
Chiều thứ 6 giữa mùa lễ Tạ ơn. Những cành cây phong nơi đây vừa trụi hết lá. Cơn gió lạnh sang mùa thổi về. Cảnh cuối thu buồn miên man. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ về cái chết người anh của bạn mình. 49 năm trước, anh là một cậu học sinh tuổi 18,19 vừa qua khỏi ngưỡng cửa trung học, rồi rời quê hương đi đến một nơi xa lạ, lạ từ tiếng nói, từ con người, tập quán, văn hóa. Ngày rời xa quê nhà anh đâu nghĩ rằng mình sẽ đi lâu đến thế. Tuổi trẻ tràn mơ mộng về tương lai, về một ngày quay lại. Nay 49 năm, thời gian đã là sương là khói, để ngậm ngùi cho những ước mơ năm nào dường như chưa hề tồn tại. Cuối cùng anh nằm lại nơi này, nơi quê hương thứ hai mà định mệnh đã chọn cho anh ấy! Chẳng lẽ chúng ta rồi cũng vậy sao!…
Tự dưng tôi thèm một điếu thuốc, rít một hơi dài cho ấm. Có bao nhiêu lần trong khoảng đời tha hương, những thanh niên ra đi du học như người anh cả của Hoàng dừng chân ở một nơi chốn nào đó, châm một điếu thuốc, thả làn khói mà nhớ tiếc về một miên viễn bỏ lại. “Nhớ nhà châm điếu thuốc khói huyền bay lên mây”. Ôi! những ngọn khói còn ươm vàng ký ức một quê nhà xa ngái. Nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ cả một mối tình tuổi học trò ấp ủ từ năm tháng ấy…

Giữa tháng 11, 2020
Trương Hữu Hiền

10 thoughts on “Trên Đường Về Nhớ Đầy”

  1. Hiền có một tâm hồn đa sầu đa cảm nên bài nào Hiền viết cũng ướt át và ấm áp. Cho nên gái và trai ưa gọi Hiền tâm sự thở than.
    Ngồi nhà đây còn nhớ bạn bè và những ngày xưa thân ái, chớ không phải chờ trên đường về mới nhớ.

  2. Sáng chủ nhật được đọc bài viết hay của Hiền. Bổng dưng thấy buồn khi khg biết mình còn trên cỏi tạm này bao lâu nữa. Sẽ còn gặp lại các bạn đc mấy lần ? Tương lai đất nước sẽ như thế nào đây ? Buồn …….

    1. Thế nào cũng bay sang thăm vợ chồng Hoàng sau dịch.
      Năm ngoái lỡ dịp được đưa 2 bà chị TV, PL lòng vòng viếng Boston 🙂 Hẹn lại nhé!

  3. Bài viết hay quá! Cảm ơn Hiền đã chia sẻ tình thân giữa Hiền và anh Hoàng. Mong dịch covid sớm qua khỏi để Hiền được chu du trời Âu một chuyến như ao ước. Sau cơn mưa trời lại sáng, mình cứ nghĩ vậy để giữ được chút lạc quan trong những thử thách trước mặt.

  4. Bai viet cua anh Hien luc nao cung rat tinh cam va BL rat thich. Lau lam moi nghe chi MT hat. Hay va ngot ngao de so. Nho cac ace cua TTGDNH. Khi nao moi duoc gap nhau nua he? Buon de so.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *