Diễm Xưa

“Une fois,
Sur ce chemin du passé on reviendra
On sera en retard pour la saison de magnolia
Et bien sur le soleil de nos jours ne sera plus là
J’en rêve encore … une seule fois …
Puis, plus jamais on se dira … au revoir” (DPL)

Một lần,
Chúng ta trở lại con đường của ngày xưa
Dù không còn kịp để thấy mùa hoa trắng nở
Dù mặt trời ngày ấy cũng không còn ở đó
Nhưng anh vẫn mơ một lần nữa,
Ta lại gặp nhau, và sẽ không còn nói lời chia tay

Tháng 11 giữa mùa thu. Lá trên cây Chesnut trước sân nhà tôi lắm chiếc đã ngả vàng sau một đêm trời trở lạnh. Thời tiết giao mùa cộng thêm nỗi lo về con siêu vi trùng Corona quái ác làm cho cảnh vật như buồn hơn gấp bội. Chim muông dường như cũng câm nín thu mình trong tổ, và con người thì lẳng lặng nhìn bao đổi thay quanh mình. Chẳng biết rồi chúng ta sẽ đi về đâu!
Chiều cuối tuần, một mình vừa nhâm nhi ly cà phê nóng vừa thả hồn thưởng thức vài bản nhạc trên kênh YouTube. Tình cờ tôi được nghe môt ca khúc thật hay và lạ của Dương Phương Linh, một nhà thơ, cũng là một nữ nhạc sĩ trẻ đang sống ở Pháp. Bài nhạc có tựa đề tiếng Tây là Une fois, dịch ra tiếng Việt là Một Lần. Lời dẫn của ca khúc là một bài thơ Pháp ngữ của Phương Linh, và lời nhạc thì lại được viết bằng Việt ngữ cùng tác giả. Bài nhạc diễn tả tâm sự của chàng trai nào đó đang lan man nhớ lại mối tình hồi trẻ với một cô gái. Nhớ về những kỷ niệm đẹp, anh ta ước ao có một lần trở lại chốn cũ, được nắm tay cô gái rong chơi trên những con đường họ từng dẫm chân…

Nghe những lời thơ lẫn ý nhạc thắm thiết của “Một Lần” trong khung cảnh mùa thu buồn lãng mạn như bây giờ bất chợt làm tôi nhớ đến Diễm, cô bé Diễm một thời làm mình xôn xao thương mến. Những ngày tháng tạm ngụ ở Okinawa, khu trại trên đồi Toyohara-Motobu với đầy cỏ hoa thơ mộng năm nào cứ hiện rõ về trong trí tưởng mình. Đã hơn 30 năm rồi còn gì. Chuyện tình của tôi với Diễm thuở đó có lẽ là một trong những câu chuyện tình vừa ngây ngô vừa buồn cười nhất, lại còn lạ lùng như có định mệnh nào cố tình sắp đặt. Chúng tôi biết nhau vỏn vẹn chỉ 10 ngày, gặp nhau duy nhất được một lần ngắn ngũi, và trong nỗi sợ hãi lần lén lút gặp gỡ ấy có cả cái nắm tay run run cảm xúc ban đầu. Tất cả chỉ có vậy nhưng không hiểu sao bao năm qua nó vẫn làm tôi tiếc nhớ mãi!

Dạo ấy tôi 18 tuổi và đang sống trong trại tạm cư Motobu-Okinawa, khu trại dành cho những người Việt tị nạn trên đất Nhật. Gia đình tôi ở nơi đây đã hơn 2 năm và đang chờ Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc sắp xếp chuyến bay để sang Mỹ định cư. Đời sống hằng ngày trong trại khá buồn tẻ, nếu không được ra ngoài đi làm thêm thì đều đều mỗi ngày chỉ biết quanh quẩn trong phòng nghe nhạc, đọc sách hay tán dóc, và sau đó là đợi đến giờ cơm sáng, trưa, chiều. Thỉnh thoảng vài ba tháng sinh hoạt nơi đây mới có dịp sôi nỗi rộn ràng hơn khi có một nhóm thuyền nhân mới được nhập trại. Nói chung trại Okinawa chúng tôi cũng tương tự như bao trại tị nạn người Việt mình khắp nơi, sinh hoạt hằng ngày tạm bợ qua quýt, mọi người chỉ trông sao mau đến ngày đi định cư nước thứ ba.

Một ngày đầu tháng 8 tôi nghe ban điều hành trại thông báo là có nhóm thuyền nhân đi trên chuyến ghe từ Nha trang sẽ chuyển đến đây. Chiều hôm đó mọi người xôn xao ùa ra đón khi vừa thấy chiếc xe buýt của hội Hồng thập tự vào sân trại. Nhóm mới nhập trại có tất cả 30 người, vài người độc thân còn đa số là đi theo gia đình. Như mọi lần, khi họ xuống xe thì có ngay những màn chào hỏi thân tình giữa người cũ và người mới. Những lời hỏi han mang cảm thông sẻ chia đến những đồng hương vừa xa quê nhà, và cũng là dịp để người cũ hỏi thăm tin tức về bên ấy. Không khí dần trở nên thân tình. Giờ đây giữa họ, kẻ cũ và người mới có lẽ chẳng còn mảy may cách biệt xa lạ nào, vì tất cả đang có chung một sợi giây gắn kết vô hình là cùng hướng tâm tư về nơi mảnh đất hình cong chử S xa ngút ngàn.
Nhóm người tị nạn mới đến sau khi làm thủ tục nhập trại được phân chia đến những căn phòng còn trống. Hình như phía dãy nhà bên kia, đối diện phòng tôi có một gia đình được sắp xếp vào ở. Trong khuôn viên trại, khoảng cách giữa hai dãy nhà chỉ là một lối đi nhỏ với hàng cây thưa. Đứng nơi lan can phòng tôi có thể thấy được dãy nhà kế bên, tôi loáng thoáng thấy gia đình vừa mới đến đang bận rộn sắp xếp chổ ở. Với chút tò mò, lát sau tôi ra ngoài lân la hỏi mấy đứa bé bên kia dãy thì được biết gia đình ở phòng ấy là cặp vợ chồng khá lớn tuổi, họ có hai cô con gái. Cô lớn tên Diễm, cô em tên Thanh.
Buổi chiều đến giờ lảnh cơm tình cờ tôi thấy hai chị em cũng đang trên đường đi đến nhà ăn. Cô chị trạc nhỏ hơn tôi vài tuổi, cô em thì trông còn bé lắm. Hai chị em lần đầu đi lảnh cơm nhà bàn nên có vẻ rụt rè ngại ngùng. Nhìn dáng dấp bở ngỡ của hai chị em lòng tôi không khỏi dâng lên niềm thương cảm, nhưng cũng không giấu được là trong tôi bỗng có chút gì đó rộn ràng ấm áp. Thỉnh thoảng tôi cứ đưa mắt xem chừng hai chị em. Trở về phòng, tôi ăn cơm mà hồn để tận đâu đâu. Lan man tôi nghĩ đến cô bé nhà bên kia.

Buổi sáng hôm sau, như thường lệ trước khi đi lảnh phần ăn cho gia đình tôi ra sân tập bóng chuyền. Vì chỉ có một mình nên tôi có thói quen cứ đánh thật mạnh trái banh vô tường, banh nảy ra thì đón lấy đánh tiếp. Một lần lỡ tay, trái banh không trở lại đúng hướng và lăn ra khá xa. Tôi vội chạy theo nhặt lại, và như có linh tính tôi ngước nhìn lên dãy phòng đối diện thì thoáng thấy có một cặp mắt đang nhìn mình sau tấm màn cửa sổ. Ánh nắng buổi sáng chói lòa nên tôi không trông thấy rõ lắm. Nhưng thoáng qua tôi cũng đoán được người nhìn mình phải là cô chị nhà bên kia, Diễm với cặp mắt đen và mái tóc thả dài. Một cảm giác nao nao bồi hồi trong tôi, xen lẫn là bối rối để tôi không còn tự nhiên khi tập banh nữa. Tiếng trái banh va vô tường bây giờ như lẫn cả tiếng nhịp đập của tim tôi thình thịch dội lại. Lát sau thu hết can đảm lại nhìn lên, lần này tôi không còn thấy cặp mắt sau cửa nữa. Cũng vừa đến giờ lấy đồ ăn sáng, tôi về phòng thay quần áo định đi ngay, nhưng nghĩ sao lại chần chừ nhìn ra ngoài ngóng đợi. Khi thấy bóng hai chị em Diễm thì tôi vội vã bước theo. Tôi cố bước nhanh vượt qua hai cô bé, rồi vờ quay lại chạm mặt, tôi gật đầu chào Diễm, cô bé cười, nụ cười thật hiền pha lẫn chút bẻn lẽn. Chắc cô bé thẹn vì bị bắt gặp nhìn trộm tôi lúc nãy đây. Tôi cười vu vơ, lòng sao bâng khuâng! Sáng hôm nay mặt trời vừa lên như rực sáng hơn mọi khi. Ánh mặt trời dường như muốn đậu mãi mà soi sáng cho từng cành cây, ngọn cỏ. Những giọt sương mai đọng trên lá long lanh vui mừng đón nhận bình minh. Tất cả vạn vật dường như hòa cùng để chào đón cái tâm hồn đang tươi vui rộn rã của tôi!…
Từ hôm đó mỗi sáng sớm tôi đều siêng ra sân sau trại tập banh hơn. Mỗi lúc đó nhìn lên thỉnh thoảng tôi lại thấy ánh mắt Diễm dõi theo mình. Chiều chiều cùng với các bạn chơi bóng chuyền, tôi lại thấy nàng đứng trên ban công hướng về sân bóng. Cô bé có vẽ không còn e thẹn lẫn tránh như trước nữa. Lòng tôi chợt vui quá đổi, tháng ngày nơi trại tị nạn Motobu-Okinawa này bây giờ không còn là chuỗi thời gian tẻ nhạt nữa. Mười tám tuổi lần đầu tôi mới biết thế nào là nỗi xôn xao trước một ánh nhìn, một mái tóc, một dáng dấp. Rồi tôi vu vơ tưởng tượng được gặp Diễm, tôi nghĩ đến những câu cần nói sao cho Diễm biết tôi thương nàng ngay từ bắt gặp ánh nhìn bên cửa sổ. Và dường như Diễm cũng có cảm tình với tôi. Một lần gặp bé Thanh tôi bạo dạn nhắn lời muốn làm quen nàng, Diễm trả lời lại là cũng mến tôi lắm. Tôi bồi hồi sung sướng!

Nhưng thật trớ trêu thay, trong lúc tôi vừa mới làm quen được Diễm thì bất ngờ trại thông báo gia đình tôi có tên đi Mỹ trong chuyến tới. Lẽ ra tôi phải mừng lắm sau mấy năm chờ đợi mòn mõi. Nhưng tôi lại cảm thấy hụt hẫn vô cùng. Tôi choáng váng khi nghĩ mình sắp phải xa Diễm. Tình cảm tôi đã say nàng lắm. Tôi cứ trông sao cho chuyến đi bất ngờ dời lại vài tuần hay cả vài tháng cho tụi tôi có thời gian gần nhau thêm. Nhưng dù không mong thì ngày rời trại cũng đến. Tôi buồn ngơ ngác!

Buổi tối cuối cùng trước khi rời Okinawa tôi đánh bạo nhắn muốn gặp Diễm qua bé Thanh, tôi mong được gặp nàng nói lời tạm biệt. Tôi hẹn sau giờ cơm sẽ đợi Diễm phía cầu thang nơi dãy nhà cuối trại. Chiều phập phồng hồi hộp tôi đứng đợi. Mãi đến hơn 7 giờ tối mới thấy Diễm cùng Thanh đến.
Thấy tôi, nàng nói ngay:
-Anh Văn đợi Diễm lâu lắm không?
Tôi làm bộ nhăn nhó trả lời Diễm:
-Định đem mềm ra đây ngủ luôn đây nếu Diễm không đến.
Nàng phì cười cho câu bông đùa của tôi.
-Tại phải rửa chén bát, rồi canh ba mẹ nghỉ mới dám rủ Thanh ra được chứ!
Nàng ngần ngừ rồi lí nhí nói thêm:
-Chớ Diễm cũng trông lắm.
Nghe Diễm nói tự dưng tôi thấy thương nàng và thêm mũi lòng thương cả chính mình.
-Cám ơn Diễm. Thật tình mới gặp bao ngày mà sao mến Diễm lắm. Tiếc là chẳng gần nhau lâu.
Trông Diễm buồn buồn. Tôi trêu nàng:
-Nhưng anh đi rồi thì có khối ông ở đây vui. Diễm sẽ quên anh ngay. Con gái là chúa hay mau quên mà .
-Diễm sẽ chẳng bao giờ quên anh đâu. Chỉ sợ anh thôi…
Diễm bỏ lững câu nói, mắt như sắp khóc. Tôi vội chống chế:
-Anh xin lỗi. Nghĩ buồn quá nên nói lung tung.

Lần đầu tiên tôi được nói chuyện với Diễm, đối đáp giữa hai đứa thật bâng quơ, vụng về không đầu đuôi. Chúng tôi nói về những dự tính tương lai khi đến nước thứ ba. Và tôi hứa sẽ viết thư cho nàng thật đều khi đến Mỹ. Diễm cũng nói sẽ cố gắng trả lời thư tôi khi có thể.
Chỉ mấy câu nói vu vơ, xen lẫn là những lần cùng im lặng nhìn bóng tối. Thỉnh thoảng Diễm cứ nhìn về hướng phòng nàng, tôi đoán nàng sợ ba mẹ bắt gặp đang nói chuyện với tôi. Lát sau Diễm nói nàng muốn gặp và từ giả tôi đêm nay vì sáng mai sợ không có cơ hội, rồi nàng định kêu Thanh ra về. Tôi thu hết can đảm bất ngờ nắm lấy tay Diễm. Nàng cuống quít cố thu lại, nhưng rồi cũng chịu để yên tay trong tay tôi. Diễm run lên, tôi đâu hơn gì nàng khi cũng là lần đầu tôi nắm lấy bàn tay một người con gái. Một vài giây ngắn ngủi thôi cũng đủ cho tôi biết cảm giác thế nào là tình yêu. Những bồi hồi xao xuyến. Tôi thả tay Diễm ra, hai đứa ngại ngùng tránh ánh mắt nhau.
Để đánh tan bớt không khí ngượng ngùng giữa hai đứa, tôi nói với Diễm:
– Biết anh đang nghĩ điều gì không?
Nàng lắc đầu. Tôi cười bảo:
– Anh đang nhớ đến một mẫu đối thoại vui nhưng thật ý nghĩa của nhà văn Duyên Anh trong cuốn Thằng Vũ (?). Tâp truyện dài lấy bối cảnh tỉnh Thái Bình ngoài Bắc trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Trong truyện có đoạn nói về mối tình thơ ngây của Vũ và cô bé tên Thúy. Cuối truyện kể khi chiến tranh sắp bùng nổ nơi tỉnh lỵ, mọi người phải đi sơ tán về vùng quê. Trước khi theo gia đình rời khỏi Thái Bình, Vũ hẹn gặp Thúy để nói lời từ biệt, và lần đó Vũ đã bạo dạn nắm lấy tay cô bạn mình. Nhà văn Duyên Anh đã diễn tả về cảm giác của Vũ lúc đó trong một đoạn văn thật dễ thương: “Khi thằng Vũ lần đầu được nắm tay con Thúy, nó có cảm giác sung sướng gấp ngàn lần hơn khi được nắm tay bác Hồ kính yêu của đám nhi đồng cứu quốc thời đó”.
Diễm bật cười vì câu chuyện kể, nàng bảo tôi cũng hay mơ mộng như trong tiểu thuyết ấy.
Cuối cùng rồi Diễm và Thanh cũng phải ra về. Tôi đứng đó ngóng theo. Một nỗi buồn vây quanh, tôi đoán biết rằng dể gì mà tôi và Diễm lại gặp nhau lần nữa.
Sáng hôm sau, lòng nặng trĩu tôi mang hành lý đi Mỹ. Tôi ngơ ngáo như mất hồn khi đáp lại những lời chúc tiển đưa của bạn bè cùng trại. Mắt tôi cứ ngóng về dãy phòng xa kia, phía trên lầu. Tôi mong gặp Diễm để nói vài lời. Nhưng chẳng thấy nàng đâu. Tôi thầm hy vọng là sau tấm màn cửa sổ nơi ấy vẫn có cặp mặt đang dõi nhìn theo mình. Xe đưa người đi định cư lăn bánh, xe qua khỏi cánh cổng trại. Một khoảng đời khó quên tôi để lại bên kia. Và mối tình đầu tôi để lại nơi ấy…

Sang đến Mỹ, điều đầu tiên và đều đặn nhất là tôi viết thư cho Diễm. Hầu như mỗi tuần những cánh thư của tôi đều được trao tay cho người bưu chính ngang qua, tôi gởi đến Diễm những dòng chử thương nhớ. Nhưng hiếm hoi tôi mới nhận được hồi đáp. Tôi hiểu chứ, nàng còn quá nhỏ và ba mẹ nàng rất nghiêm khắc trong giáo dục con cái, nhất là trong quan hệ nam nữ. Tôi bằng lòng với những gì mình nhận được. Năm sau, tôi được tin gia đình nàng được một quốc gia Bắc Âu nhận vào định cư. Tôi buồn tiếc vì Diễm không sang Mỹ như tôi hằng ước, nhưng rồi lại mừng cho gia đình nàng được mau chóng có nơi để ổn định cuộc sống.
Thời gian đầu sang Bắc Âu, tôi và nàng vẫn giữ liên lạc nhau. Dĩ nhiên thư tôi thì đầy ắp mỗi tuần, thư nàng thì vẫn hiếm hoi. Thỉnh thoảng nhận được thư Diễm có kèm theo vài tấm hình nàng chụp nơi ở. Nàng sang đó vào đúng giữa mùa đông nên nhìn đâu cũng thấy tuyết phủ trắng xóa. Diễm của tôi ngày nào ốm o mà nay trông như người khổng lồ với áo mũ khăn quàng quấn cả lên người. Nàng than, bây giờ Diễm không còn là chim hải âu bay giữa biển nữa, mà là loài chim cánh cụt mất hút giữa bão tuyết, chẳng cất cánh nổi cho đến khi mùa xuân về. Tôi hứa để ổn định cuộc sống, vài năm nữa sẽ cố gắng sang thăm xứ lạnh của nàng.
Nhưng thời gian sau đột nhiên tôi không còn nhận được thư của Diễm nữa. Mặc cho bao lá thư tôi gởi đi rồi trông ngóng, vài tháng sau thư tôi lại trở lại với dấu không có người nhận. Tôi đoán gia đình nàng đã dọn đi nơi khác và hy vọng sẽ chóng được tin nàng. Vậy đó mà tôi mất hút Diễm. Tôi buồn đến tuyệt vọng, đến biếng ăn mất ngủ. Phải vài năm sau, bận viêc học hành, chuyện cơm áo gạo tiền mới nguôi ngoai. Nhưng quên hẳn nàng thì thật khó, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại Diễm trong những giấc mơ, những giấc mơ thời ở trại có Diễm lẫn quẩn đâu đó.

…Rồi thời gian dài cũng đã hơn 30 năm, tưởng tình tôi và Diễm đã nhạt nhòa theo năm tháng. Vậy mà không ngờ có một ngày tôi lại được tin Diễm. Một ngày tháng 9 năm ngoái, sắp đến giờ tan sở khi tôi soát lại vài cái emails mình chưa có giờ đọc qua trong giờ làm việc. Quá bất ngờ tôi nhận được cái email ngắn từ Diễm. Cái email có mấy dòng mà làm đầu óc tôi nhẹ bẫng, tôi ngớ ra cứ như là vừa tỉnh một giấc mơ với nhiều mảnh chắp vá khó hiểu. Tôi đọc đi đọc lại đến cả chục lần mới tin là của nàng. Diễm của một thời ngắn ngủi Okinawa, Diễm của những cánh thư đầy ắp thương yêu, và một Diễm đột nhiên biến mất không để lại dấu tích. Diễm cho biết vừa xin được email của tôi qua một người từng ở trại Okinawa nên vội vàng viết cho tôi ngay.

Anh Văn,
34 năm rồi Diễm mới có dịp viết lại những dòng chữ này cho anh. Bất ngờ quá phải không anh! Tình cờ gặp trên Facebook vài người quen thời ở trại Okinawa với chúng mình nên em lần mò hỏi được email của anh. Em vội vã viết vài dòng thăm hỏi.
Chắc đọc được email này sẽ làm anh ngạc nhiên lắm. Và, không biết anh còn nhớ đến cô bé Diễm của ngày ấy không nữa! Riêng Diễm vẫn luôn nhớ và nhớ rất rõ anh Văn của em.
Anh thương,
Thời gian hơn 30 năm làm nét chữ già cỗi, không còn tròn trịa nắn nót như thuở 17, 18. Nhưng những tình cảm Diễm dành cho anh chưa bao giờ cằn cỗi mà vẫn âm thầm lớn theo tuổi thời gian.
Hôm nay bên Diễm đã bắt đầu vào Thu, lốm đốm những ngọn cây điểm vàng, cam lơ lững giữa bầu trời xanh. Năm nay có vẻ như Thu đến muộn. Giờ này hai hàng lá vẫn chưa trãi thảm đường đi. Có lẽ vẫn muốn kéo dài thời gian chờ đợi cho những đôi tình nhân về sánh bước bên nhau. Nơi ấy, lá đã vàng trước ngõ anh chưa? Bên hồ đàn thiên nga có còn hong cánh? Hay là Thu đã về ngợp lá dưới chân anh?
Diễm vẫn đợi lời hứa năm xưa sẽ hoá thành đôi cánh, để Diễm & anh một lần trên con đường lá đỏ, trở về với giấc mơ ngày nào…
Trong giấc mơ ấy, là tuổi nhỏ thánh thiện, trong veo. Là tuổi học trò bâng khuâng với những nỗi thương & nhớ chưa bao giờ yên nghĩ.
Phải chăng…
Thời gian không xoá được ký ức của anh trong em?? …
Em của anh,
Diễm

Tôi ngồi lại nơi chiếc bàn làm việc một lát lâu cho cảm xúc của mình lắng đọng xuống. Tôi ngần ngừ rồi gõ lại vài dòng thăm hỏi nàng. Thoáng chốc những giận hờn buồn tủi tự dưng tan biến mất khi tôi biết Diễm vẫn còn nhớ đến mình.
Từ hôm đó cứ đôi ngày chúng tôi lại gửi emails cho nhau. Đa phần là nhắc lại những kỷ niệm hồi còn ở Okinawa. Tôi cố dằn lòng không thắc mắc gì về nguyên nhân Diễm biến mất không trả lời thư tôi dạo đó. Chừng tuổi này tôi hiểu cái gì cũng có nguyên do của nó. Cuộc sống có những góc khuất khó giải thích được thì chúng ta nên buông bỏ không nên nhắc tới. Nhưng trong một email gần đây Diễm chợt hỏi tôi, “Anh còn giận em không”. Tôi đùa khỏa lấp trả lời nàng, “Diễm bao giờ cũng thoát ẩn thoát hiện như cặp mắt sau tấm màn cửa sổ để tôi tương tư mãi thì làm chi giận được. Có giận là giận ánh mặt trời làm chói mắt mình”. Diễm nhắn lại, “Anh vẫn còn tính hay bông đùa trêu em như ngày đó”. Liên lạc nhau thường xuyên vậy nhưng tuyệt nhiên chúng tôi chưa bao giờ nhắc đến chuyện gia đình riêng. Nhân vật thứ ba của cả hai chúng tôi cùng hiểu ngầm là nên đặt vào một vế khác trong mối liên quan hiện tại. Diễm mời tôi khi nào có dịp sang thăm gia đình nàng. Diễm nhắc thêm có đi thì nhớ chọn dịp mùa xuân hay hè, chớ mùa đông sang đây lạnh cóng tôi không quen thì chết cóng mất. Tôi hứa hè sang năm sẽ sang thăm nàng, tiện dịp tham quan xứ Bắc Âu mà tôi chưa có dịp đến.
Vậy đó mà dự định của tôi chưa thực hiện được, dù vé máy bay tôi đã đặt mua từ rất sớm. Đầu năm dịch bệnh tràn lan khắp nơi từ Á, sang Âu châu rồi sang Mỹ. Mọi đi đứng trong nước còn hủy bỏ hết huống gì bay từ nước này sang nước khác. Tôi than vói Diễm, số tôi cứ mỗi lần gặp Diễm là cứ có trục trặc ngay. Hồi trại tị nạn Okinawa mới thấy nàng có 10 ngày đã bị chính phủ Mỹ bắt phải đi, bây giờ cơ hội gặp gỡ thấy trước mắt lại bị con virus Corona chận lại. Đúng là dự tính tại nhân, còn thành hay không thì tại số. Tôi mong dịch bệnh qua mau để sang thăm Diễm và gia đình nàng…

Kể từ ngày tháng 9 năm ngoái được tin về Diễm đến nay đã hơn một năm. Thời gian lại cứ trôi nhanh như thoáng chốc hơn 30 năm tôi rời khỏi Okinawa. Khung cảnh trại tị nạn bây giờ nghe Diễm nói đã đổi khác nhiều lắm. Khuôn viên đồi Toyohara-Motobu của chúng tôi bây giờ chỉ còn là một mảnh đất đầy cỏ dại. Những dãy nhà chung cư nay đã bị san bằng cả thì cái cầu thang nhỏ bé cuối dãy, nơi một lần tôi nắm tay nàng hẳn đã tan biến không còn để lại dấu vết. Thời gian bao giờ cũng vừa là chứng nhân vừa là nguyên nhân của gặp gỡ, chia xa… Tôi loay hoay với tay lấy trong ngăn kéo bàn viết mấy lá thư nàng gửi cho tôi từ dạo mới sang trời Âu. Bao năm qua tôi vẫn còn đó thói quen thỉnh thoảng đọc lại những bức thư của Diễm. Những tờ thư với nét chử mềm mại con gái hiền lành chứa đựng những lời thương yêu vẫn còn nằm nguyên đấy. Chúng vẫn còn đem đến cho tôi nỗi xôn xao hạnh phúc.

Ngày … tháng … 198
Anh Văn mến,
Chẳng biết giờ này bên đó anh đang làm gì nhỉ, có nhớ gì đến D không? Còn D thì đang nhớ đến anh nhiều ghê lắm, nhưng mà anh ở xa quá đi, nên D đành phải chịu buồn tí xíu vậy.
Chưa bao giờ D nhận được thư anh mà đọc chỉ vỏn vẹn có 1 lần trong lúc đó. D cũng đọc đi đọc lại hoài cho đến khi D gần như thuộc lòng luôn thì mới chịu thôi! Những lúc đó D thấy thời gian như đọng lại, xung quanh D thật êm đềm. Từng kỷ niệm như những đám mây trôi bồng bềnh, nhẹ nhàng chợt đến, chợt qua … rồi chợt ngưng tụ về một chỗ, để D ngồi mơ mộng vu vơ. Thấy ngày mai thật gần, thật đẹp như những đoá hoa xuân. Thấy trời thật xanh, thật gần mà tưởng chừng như chỉ cần vươn tay nhẹ là D có thể với tới, là có thể thấy 1 màu xanh ngát dịu dàng bao la, mênh mông… trong một cử động nhẹ… Tự nhiên rồi D thấy đời sống như vừa nhuộm sang một màu sắc khác, vui tươi hơn và nhiều hy vọng hơn. Mọi vật dưới mắt D đều đẹp, đều dễ thương và nên thơ cả. Bao nhiêu ưu phiền, buồn bực chợt đến rồi chợt qua nhanh, không còn bám víu theo từng ngày tháng nữa… Có ai ngờ rằng chỉ trong một chốc lát mà mọi vật đều đổi thay! Đổi thay luôn cả 1 con bé lúc nào cũng … “bướng bỉnh” và dễ dàng “nhăn nhó”,”cau mày” khi 1 chuyện gì đó không vừa lòng!
Thời gian qua, D đã nhìn đời sống & kỷ niệm thật lạc quan. Những lần nghĩ về anh, D thường hay ôn lại những kỷ niệm của thuở đầu D mới quen anh. Có những buổi chiều tan học D đếm bước đều dưới cơn mưa lất phất mà thả hồn về những ngày tháng biết vui, biết buồn để rồi chợt bâng khuâng… Ước mình là lá mùa thu đỏ trên lối về, nằm im ngoan ngoãn để chờ cơn gió đến, thổi bay về kỷ niệm, về ngày tháng cũ xa xưa… Một khi đi qua 1 khung cảnh quen thuộc gợi nhớ về khung trời kỷ niệm, D thấy mình nhỏ bé lại, và chợt chìm đắm trong những ý nghĩ miên man mà quên mất hiện tại. Thời gian thì cứ lần lượt trôi qua, mà D thì cứ đi ngược lại. Phải chăng D đang hoang phí tuổi trẻ của mình?
D không biết anh có bao giờ đi trong 1 buổi sáng mùa thu còn sương mù giăng kín thành phố? Ở đây vào mùa thu D thường hay đi học thật sớm. Những lúc đó ông mặt trời vừa mới thức dậy, sương còn trắng xoá trong không gian, D ngồi trên chiếc xe bus nhìn ra phong cảnh bên ngoài mà ước gì ông mặt trời đừng bao giờ lên cao hơn. Đôi lần trên con đường nhỏ dẫn vào trường, D thường ước chi một ngày nào đó, cũng vào những buổi sáng như hôm nay D sẽ rủ người mà D thương nhất đi dạo với D và D sẽ kể cho người đó nghe 1 câu chuyện tình thật đẹp của thuở D vừa quen với người đó. Mỗi lần hạ đến, D chợt tần ngần, bâng khuâng. Hàng trăm kỷ niệm chợt về, thấy trước mắt mờ đi. Đâu đó như vừa thấp thoáng hình bóng anh, hình bóng những người thân yêu nhất… Biết bao lần D nằm mơ thấy nhận được thư anh, đến khi tỉnh dậy ngồi ấm ức mà tức mình ngu ngơ, sao chẳng chịu mở thư anh ra đọc liền lúc đó, dù biết rằng đó chỉ là 1 giấc mơ!! …
Diễm của anh.

Diễm có lối viết thư với những ý nghĩ so sánh thật ngộ nghĩnh dễ thương, cách hành văn của nàng thì tuyệt vời, lời đọc lên vần điệu nghe như một bài thơ. Riêng tôi thì văn chương chử nghĩa làng nhàng lắm, lại thêm tính chây lười nên mỗi khi nhận thư nàng tôi phải cố gắng lắm mới trả lời sao cho suôn sẻ. Đã vậy tôi viết hay sai chính tả tùm lùm khiến cho Diễm luôn cười chế nhạo. Hôm nay tự nhủ lòng mình, tôi sẽ cố gắng viết một email dài hơn mọi khi cho nàng, như bù thay cho một dự định hẹn gặp không thành.

Diễm thương,
Giữa tháng mười một rồi, bên em lá thu chắc đã rụng nhiều và chỉ thời gian ngắn nữa là cây trơ trụi hết theo mùa đông. Riêng bên anh vẫn còn ấm lắm, lá cây vừa độ óng ánh vàng, mươi chiếc theo gió lác đác rơi trải mỏng thảm lối đi. Em vừa nhắn tin muốn anh gởi một ít nắng để chia bớt ấm áp bên này cho nơi em. Dĩ nhiên anh sẽ không chối từ mà còn háo hức làm những gì theo ý Diễm. Anh còn muốn nói thêm một lời cám ơn em, người vẫn luôn đem đến cho anh những rung động ngọt ngào, dù là lần ở tuổi đời còn ngô nghê hay khi đã chớm già ngả buông về phía bên kia triền dốc…
Bầu trời chiều mùa thu hôm nay thật thấp, dường như gần chạm đến cả tâm hồn con người để anh xao xuyến bồi hồi về những kỷ niệm. Diễm có biết. Hôm cuối tuần anh dậy thật sớm dù là ngày nghỉ. Anh lấy xe xuống phố và ghé vào khuôn viên trường đại học cũ để mua vài món quà gởi tặng em. Tần ngần một lát suy nghĩ anh chọn cả tấm áo len có màu tím nhạt, màu tượng trưng cho nỗi nhớ, màu anh yêu thích nhất và cũng là màu mực em đã từng viết những cánh thư cho anh. Không biết cở size em bây giờ ra sao, anh tưởng tượng trừ hao đi một chút theo thời gian, hy vọng em mặc sẽ vừa vặn. Anh còn lãng mạn dự tính sẽ hái những quả hồng sau vườn, ép khô làm món quà ăn vặt mà nghĩ rằng em sẽ thích lắm trong những ngày trốn lạnh nơi xứ tuyết.
Trên đường lái xe về nhà anh miên man nghĩ về khoảng đời bao năm qua của mình! Mấy tháng nay được liên lạc lại với em, được nhìn thấy hình ảnh em hiện tại. Dĩ nhiên tất cả không còn là “trẻ con” như ngày đầu anh gặp nữa. Nhưng lao xao vẫn còn đầy trong anh, có phần đậm đà hơn như màu vàng của những chiếc lá cuối mùa thu sẩm chín. Gió bên ngoài lay nhẹ những cành cây bên vệ đường. Có chiếc lá tình cờ bay đậu trên mặt kính xe anh, rồi cứ bám lấy chẳng chịu rời suốt chặng đường. Xe đến nhà nó vẫn còn nằm yên đấy. Chiếc lá lì lợm này phải chăng là tình chúng ta. Tình cờ nhưng chung thủy, mãi chờ nhau đến úa mất. Mĩm cười vu vơ anh nhớ lại những ngày chúng mình gặp nhau nơi trại tị nạn Okinawa, mới đó mà hơn 30 năm rồi! Anh ước sao có “một lần” chúng mình sẽ trở lại nơi ấy em nhé!…

Chúc em và người thân luôn bình an.
Anh Văn.

“On revivra l’histoire toi et moi
Main dans la main on comptera nos pas
Bien que. Au bout de notre ardent amour restera
Mes larmes d’adieu … de la dernière fois” (DPL)

Chúng ta kể lại cho nhau chuyện của mình
Cùng nắm tay đếm những bước chân
Mặc cho tình yêu dù có nồng nàn
Sẽ kết thúc bằng những giọt nước mắt chia tay

Trương Hữu Hiền

7 thoughts on “Diễm Xưa”

  1. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
    Đời mất vui khi vẹn câu thề
    Người viết hay, người đọc có giọng ấm áp, truyền cảm, vạn vật vô thường,kỷ niệm khó phai mờ
    Cám ơn Như Hòe,Hiền
    https://youtu.be/VPBqHm4rJ8k

  2. Hiền kể chuyện hấp dẫn quá! Viết dùm mà đọc như chính chuyện của Hiền vậy! Chắc là Hiền quen cả hai người này. Nếu kết cuộc không vui, cũng như Hiền đã hint ngay ở trong bài viết rồi, mà kêu Hiền viết part two, thì vừa tội cho Hiền và cũng tội cho Diễm và Văn nữa. Thôi cứ để “chuyện tình không đoạn kết” như vậy, để còn giữ mãi “chút gì để nhớ để thương” thì đẹp hơn.

  3. Văn của Hiền khi nào đọc cũng lôi cuốn. Càng đọc lại càng mong đừng hết bài. Đang chờ part 2 đây Hiền ơi.

  4. Câu chuyện và lối văn cuốn hút. Bây giờ lại nghe cuối câu chuyện hơi buồn, lại thắc mắc dài cổ chờ tập 2 đây!

  5. Cảm ơn Hiền chia sẻ một chuyện tình “tuổi hoa tím” thật ngây ngô và cảm động. Giọng văn mượt mà, lãng mạn làm lôi cuốn người đọc lắm! Càng lớn tuổi mình càng muốn nhớ lại và nâng niu những kỷ niệm xưa cũ, đẹp như hai chữ “miên viễn” tuyệt vời trong bài hát Một Lần. Chắc sẽ có part 2 cho bài viết phải không hè?

    1. Cảm ơn Ngọc Hân đã chịu khó đọc câu chuyện “tuổi hoa tím” có bối cảnh ở đâu đâu 🙂 . Những câu chuyện tình hồi còn bé ngây thơ đẹp thì khi nhân vật chính lớn lên hiếm hoi có được kết cuộc mỹ mãn. Chuyện DX cũng vậy, cuối câu chuyện hơi buồn nên người viết đang lưỡng lự có nên viết tiếp part 2 hay không đây 🙂

      1. Theo chuyện kể thì vì đại dịch nên cặp Diễm Văn chưa được gặp lại, làm người đọc thắc mắc thôi. Nếu không được kết thúc mỹ mãn thì Hiền không phải viết tiếp đâu 😊 Tình lỡ luôn là tình đẹp mà!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *