Ngày Xưa Xê Thị

   Đà nẵng buổi chiều nhìn từ trên cao khách sạn Minh Toàn Galaxy thép vàng nắng. Thứ nắng không gay gắt chói lòa, nắng dìu dịu trộn lẫn giữa ánh đèn đường vừa bật sáng và ánh mặt trời từ chân mây sót lại chiếu về. Tôi nhìn xuống, thú vị ngắm con đường Bạch Đằng đang lượn lờ uốn cong theo bờ sông Hàn phía bên này thành phố, bên kia xa xa là bờ đông quận Ba sáng lấp lánh. Thành phố chiều cuối năm chen chúc người xe qua lại đầy tiếng động, nhưng là một thứ tiếng động từng gần gũi. Nó chẳng hề làm ta khó chịu. Trái lại sao nghe quanh đây những bồi hồi thân quen của thuở mình còn rong chơi lề đường góc phố. Đà nẵng hôm nay có tôi về ngồi đây, về ngồi lọt thỏm giữa lòng thành phố mà tận hưởng lại cái mùi đơn sơ cỏ lá, mùi của gió mát biển sông ráng nắng chiều bao năm ngỡ chừng đã quên!…

Chuyến bay từ Tân sơn Nhất đáp xuống phi trường Đà nẵng trể hơn cả tiếng so với lịch trình. Taxi đón tôi từ phi trường về đến khách sạn thì trời đã tối hẳn. Check in rồi loay hoay sắp xếp chổ ở xong tôi vội gọi điện cho vài người bạn hẹn gặp. Khá trể nên ít người bắt máy. Vương Bình nói đã dọn về Hội an quê vợ, biết tin tôi về quá bất ngờ nên không đến ngay được. Đình Minh thì đang cảm mạo nằm trùm mền cần cạo gió giác hơi. Vài người khác hẹn hôm sau lên quán nhậu gặp luôn. Đêm nay chỉ có Trương Ngọc Minh đến gặp tôi. Thật mừng, chớ đêm mà nằm một mình chênh vênh ở khách sạn thì chán biết chừng nào. Minh học cùng lớp với tôi từ hồi vừa chập chửng vào mẫu giáo Blaise Pascal cho đến những năm đầu trung học thời Nguyễn Hiền. Tụi tôi mất liên lạc tính ra cũng đã hơn 30 năm kể từ biến động tháng 4, 75. Sau này khi bạn bè trong lớp cũ liên lạc được thường xuyên hơn thì tôi mới lại được tin Minh.

Đêm khuya ngại ra đường nên tôi rủ Minh ở lại phòng kiếm gì nhậu đở tán chuyện đêm. Bao nhiêu bia, mồi trong tủ lạnh hai thằng cặm cụi thanh toán hết. Bia vào chuyện đời dể trải bày. Mừng cho Minh có đời sống khá giả, không phải lo toan nhiều như ngày tụi mình còn xất bất xang bang khi mới đổi đời. Minh hỏi tôi về đời sống bên xứ người. Tôi kể về những khoảng đời đã trải qua, vài thành phố tôi đã đến và đã đi, những công việc có lúc bằng lòng và có lúc phiền lòng. Tôi nói với Minh, ở đâu khi sống một thời gian rồi mình cũng quen để cảm thấy nơi đó là nhà, nhưng quê huơng thì chỉ có một. Đi xa trở về nhà mừng mười thì khi có được cơ hội thăm quê nhà nổi vui phải gấp bao lần. Mỗi dự tính về Việt nam bao giờ tôi cũng mang tâm trạng như lần đầu, lòng xôn xao chờ đợi khó tả.

Lan man tâm tình đủ chuyện, từ cuộc sống riêng bắt qua chuyện những người bạn cũ thời đi học. Chợt Minh hỏi tôi về H, về đời sống của cô bạn cùng lớp hồi còn học chung Nguyễn Hiền. Tôi kể với bạn là có gặp H vài lần trong dịp hội ngộ Liên trường Quảng đà. H vẫn vậy, vẫn trông hiền lành nhỏ nhắn. Nghe đâu thành phố gia đình H định cư cũng thuộc vùng bắc Mỹ như chổ tôi ở, lạnh và tuyết phủ suốt mấy tháng mùa đông.

Rồi Minh kể với tôi về khoảng thời gian năm cuối cùng thời Nguyễn Hiền, Minh hay đi học về cùng đường với H. Minh nhắc về người anh của H học trên tụi tôi 2 năm, ngày nào bạn cũng đi học về chung với anh ấy. Tôi cười hỏi lại, “Vậy cũng được đi chung về với cả H nữa hả, thích quá ông?”. Minh cười cười chống chế, “Đâu được như vậy. Lén ngó nghiêng nghiêng phía sau thì có”. Thoáng đâu đó là chút bồi hồi trong mắt bạn tôi, ai mà không nhớ mãi những thương thương ngây thơ ở tuổi học trò đã có. Để nay tuổi 60 rồi mà nhắc lại vẫn còn đó niềm hạnh phúc reo vui.

Sau này có dịp gặp lại H, tôi thắc mắc là mình nhớ nhà của cô nàng đâu có gần nhà Minh để có dịp đi về chung đường. H thuật lại là chỉ có năm cuối trước khi rời Nguyễn Hiền thì H ở gần nhà Minh. Năm đó mấy anh em H phải đến ở tạm nhà người dì dưới chân Cầu Vồng đường Thống Nhất, khi mà ba mẹ nàng đã vô Sài gòn trước thu xếp cho gia đình dọn vô sau. Vậy là ông Minh “hên” tình cờ được cả một niên học ở gần nhà người mình để ý. Tôi thử tưởng tượng lại đoạn đường từ trường chúng tôi đến nhà người dì của H, nếu đi bộ thì mất hơn cả tiếng. Từ Quang Trung, rẽ sang Lê Lợi, ngược lên Thống Nhất rồi băng qua con dốc Cầu Vồng huyền thoại, xa lắm chớ ít gì! Và không biết trong khoảng thời gian khá dài ấy có bao nhiêu lần Minh đã len lén nhìn theo H, len lén thôi vì nàng có cả ông anh đi kèm bên cạnh.

Nghe anh bạn Minh tâm sự, tôi với tay lấy chiếc cellphone vào trang web nhà Nguyễn Hiền mở ngay bài “Ngày xưa Hoàng thị”. Giọng ca réo rắc tình cảm của cô bạn cũng là một H trong lớp. Minh nói bên này bạn bè vẫn hay nghe những bài hát của đám văn nghệ, văn gừng lớp mình. Bạn tôi trầm ngâm, “Nghe để mà nhớ bạn, nhớ về một thời quá đẹp đã qua”. “Ê Minh! Lời bài thơ của Phạm Thiên Thư đã thấm thía, cộng thêm âm nhạc từ phù thủy Phạm Duy thì còn gì bằng”. Tôi đùa thêm với ông bạn mình, “Nghe để mà nhớ đến cố nhân nhé! Tôi sẽ nhắn lời thăm H cho ông khi về lại bên ấy”.

“Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng ráng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu?
Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng” (PTT)

Sáng sớm tôi theo tiển Minh ra về. Trời chưa sáng hẳn, phía cuối con đường bờ sông vài ánh đèn xe thoáng qua rồi mất hút chỉ còn tiếng động cơ nhỏ dần vọng lại. Tôi nhớ những ngày còn đi học ở thành phố này, nhớ những buổi sáng cố dậy thật sớm để tận hưởng cái cảm giác lang thang đường phố trước giờ đến lớp. Đà nẵng của những năm 60, 70 thế kỷ trước… Bao lâu rồi tôi chưa gặp lại hết những người bạn học thời đó. Bao năm rồi mà Minh vẫn còn nhớ đến H và con đường tan trường năm cuối trước khi cô nàng mất hút. Còn tôi, bao lâu rồi vẫn không quên được cái cô bé cùng lớp, dáng áo dài mong manh sương mai để tôi từng trải những mộng mơ tháng ngày trên ấy.

Mặt trời vừa lên soi rõ chiếc cầu Rồng bắt ngang qua sông Hàn. Gió ban mai rười rượi thắm mát. Hôm qua khi tôi vừa đến đây thời tiết cũng mát dịu, chút nắng chiều che nghiêng nữa góc những mái nhà. Đà nẵng mai hay chiều gì cũng cho ta cảm giác bình yên, cũng mang theo bên mỗi lúc một vẻ đẹp rất riêng. Và ở nơi đó cho dù còn tuổi 14-15, hay đã là 50-60 chúng tôi vẫn có những bâng khuâng bồi hồi riêng tây khi nhớ đến một bóng dáng.

Boston, cuối tháng ba 2021
Trương Hữu Hiền

P.S. *Đoản văn này tôi đã viết thảo sau một chuyến về thăm lại Đà nẵng và lấy tựa là Ngày xưa Hoàng thị. Gửi cho bạn bè đọc xong thì có cô bạn đề nghị đổi tựa bài lại là Ngày xưa Xê thị cho chính xác hơn. Thấy cũng hay hay ngộ nghĩnh nên lần chỉnh sửa và đăng lại này tôi quyết định thay đổi chử Hoàng bằng chử Xê vậy! 🙂

****

3 thoughts on “Ngày Xưa Xê Thị”

  1. Cảm ơn Hiền luôn chịu thương chịu khó lưu lại những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò thời Nguyễn Hiền.

  2. Phải chăng những gì khi đã mất đi mới thấy quý,
    trong cuộc đời chúng ta đã có bao nhiêu điều tiếc nuối….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *