Hồi Cư 1

Đầu năm 1952, chiến tranh đã quá dai dẳng, dân tình đã quá điêu đứng nên Cán nới tay cấp thông hành cho đồng bào ta hồi cư. Nhưng phép hồi cư ấy chỉ dành cho đàn bà, con nít, người già thôi. Dịp đó tôi có giúp đưa dì tôi và con gái của dì hồi cư. Dì tôi đang mang bầu và gần ngày sanh nở. Trong chuyến đó còn có chị L, vợ của anh N bạn tôi. Chị cũng đang vác bầu, bụng to như cái trống chầu. Còn có cả cô D, người con gái tôi yêu, ngoại già của cô và dì N, dì ruột của cô. Dì N cũng đang bụng mang dạ chửa. Chúng tôi khởi hành từ Bồng Sơn, Bình Định. Trong ba sản phụ, hai người sẽ về Đà Nẵng, còn dì của tôi thì về Hội An. Mọi người xắn ống quần lội nước lên ghe. Tôi phải cõng dì tôi vì dì quá nặng nề mệt mỏi. Ghe nhổ sào khi trời bắt đầu chạng vạng. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì mờ sáng hôm sau sẽ tới bến Hội An.

Cuối năm đó, tôi về lại Hội An thăm mẹ già và người em trai út. Sau đó tôi ra Đà Nẵng ghé thăm bà ngoại D mới biết D đã dọn vô Sài Gòn ở với cha và cô em út. Sau đó D có gửi cho tôi hai xấp vải may áo quần. Tôi lưu lại ở Đà Nẵng một năm rồi cùng mẹ theo tàu thủy Pháp bước lên bến Nha Trang đúng vào dịp Tết 1954.

Ba của D rất là nghiêm khắc mặc dầu tôi chưa bao giờ diện kiến ông ta. Ông goá vợ đã lâu nhưng chỉ ở vậy nuôi hai cô con gái. Gà trống nuôi con nên ông đã gởi D ra Đà Nẵng nhờ bà ngoại chăm sóc. Bà con bạn bè thương và muốn tạo nhịp cầu duyên cho tôi và D. Ở Sài Gòn cậu T, em kế của mẹ tôi và anh L bạn thân của tôi có đến gặp ba của D mấy lần. Nhưng lần nào cũng chỉ nghe một câu từ ông “Muốn gỡ múi dây phải tìm cái mối.” Ý ông muốn gặp mặt tôi và mẹ tôi. Tôi không buồn trách ai hết, nghĩ thân phận mình và gia đình tan nát phân ly vì chiến tranh. Tôi mới hồi cư nên hoàn toàn trắng tay, lại thêm cái bịnh sốt rét khốn khổ. Đang nhờ thầy L (bạn của ba mẹ tôi) là người y tá trưởng ở bịnh viện Hội An cấp thuốc tiêm Quinimax tốt nhất để trị bịnh cho tôi. Tôi đâu dám nghĩ đến chuyện lấy vợ, dù cô D thương nhớ cứ đòi trốn nhà về với tôi. Có lần anh L viết thư kể về khả năng tài chánh của ba D. Anh nói ông có thể nuôi em suốt đời H ơi. Ba D làm ở hãng máy bay COSARA. Rồi ngày qua tháng lại, mối tình vô vọng dần nguội lạnh, tình cảm của chúng tôi cũng dần phai nhạt đi.

Tôi vẫn còn nhớ một chuyến hai đứa ngồi xe lửa từ An Tân về Bồng Sơn. Tôi để ý thấy D có vẻ mập ra. Tối đến hai đứa ôm nhau, tôi thắc mắc sao thân D cứng ngắc y như lính mặc áo giáp? Thì ra D vấn đến 4,5m vải fil đen hàng Pháp rất tốt. Thời đó dân có tiền hay Cán lớn mới mặc được bộ bà ba đen láng như vậy. D muốn kiếm ít tiền lộ phí để đưa ngoại ra Tiên Đoá nhập với đám bà bầu hồi cư thôi. Sống dưới cái chế độ đó, ai cũng phải khôn lanh tính toán, không thì đói nhăn răng củ kiệu. Ông bà ta thường nói: no thành Phật thành tiên, đói ra ma ra quỷ.

Năm 1956 có dịp đi công tác Đà Lạt-Sài Gòn, tôi nhắn tin cho D. Ngay hôm sau D đến gặp tôi tại nhà bác T gần chợ Tân Định. Thấy D có vẻ buồn buồn, nói chuyện qua loa rồi trao trả lại hết hình bóng thư từ cũ cho tôi. Chia tay bước ra ngõ, D nói với lại một câu chua xót “Em sẽ đi tu!” Sau đó tôi không bao giờ được gặp lại D. Không biết ai còn ai mất hay D đã con lũ cháu bầy?

Có duyên không nợ,

Cao Ngọc Huỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *