Chiếc Bóng Cuối Đời

      Tôi bước vào căn phòng khách nhà của ba má tôi đang ở. Tivi đang chiếu một chương trình nhạc Việt Nam ồn ào và ba thì đang nằm trên chiếc giường đã được kê ở đó để ba không cần phải lên lầu. Má tôi đang đứng trong bếp sửa soan bửa cơm chiều.

-Ba ơi, ba biết ai đây không? Tôi chỉ vào tôi và hỏi ba tôi một cách dịu dàng.

-Biết, Thủy Tiên mà. Thủy Tiên đó hả? Khuôn mặt ba tôi rạng rở lên và mĩm cười trả lời.

-Chà ba giỏi quá. Ba đói bụng chưa? Muốn ăn cơm chưa?

-Chưa. Tiên mới đi làm về hả? Ngày mai Tiên đi làm về mấy giờ? Để ba mua cơm với đồ ăn ở Sea Food Cove rồi Tiên với An ghé qua đây ăn nghe.

-Dạ. Ngày mai 7 giờ con qua.

-Ngày mai ba nói má đi Sea Food Cove mua vài món về ăn cơm. Tiên đi làm về mấy giờ?

      Cứ chừng đó câu nói mà ba tôi lập đi lập lại đến bao nhiêu lần. Tôi đở ba tôi dậy rồi dìu ông vào bàn ăn nơi mẹ tôi đã dọn sẵn chén cơm và mấy dĩa thức ăn. Nhìn ba tôi cầm chiếc muỗng nhựa múc từng muỗng cơm rồi từ từ đưa lên miệng, đôi khi làm rớt những hạt cơm xuống bàn, lòng tôi muôn vàn thương xót. Mới ngày nào đây ba tôi là một năng động đầy quyền uy, bây giờ ông chỉ còn là một cụ già lụ khụ, đi đứng phải nhờ vào vợ, vào con và người anh họ của tôi đến ngủ lại hằng đêm để đở đần cho mẹ tôi.

      Những chuổi ngày quá khứ oanh liệt của ba tôi như trở về hiển hiện trước mắt tôi. Ngày xưa ba tôi tuy không được học cao như các bác hoặc chú tôi, nhưng khi ra đời ba tôi gặp rất nhiều may mắn. Có lẻ nhờ phước đức ông đã tạo ra từ kiếp trước và vì ba là người phụng dưỡng bà nội mấy chục năm trời. Trong giòng họ, ai cũng nể cũng phục ‘chú Tùng’ mặc dù các bác đều là những người có chức vị trong xã hội. Trong gia đình, ba tôi có nhiều quyền uy với con cái. Má tôi là một người quán xuyến, nhưng việc tề gia nằm trong tay ba tôi. Những quyết định về việc học hành, dạy dỗ các con đều là do ba tôi chủ động. Bảy anh chị em chúng tôi lớn lên trong sự dạy dỗ và bảo bọc của cha mẹ. Dĩ nhiên tuổi thơ chúng tôi cũng trải qua nhiều lằn roi vọt, nhưng những kỷ niệm ấy chỉ đem đến những trận cười ra nước mắt mỗi lần nhắc đến. Người chị lớn của tôi rất hiền và ngây thơ, còn tôi và người anh kế thì rất là láu lỉnh. Những lần chúng tôi phá phách hoặc gây gổ nhau, ba bắt 3 đứa lớn nhất nhà nằm dài ra để đánh. Tôi và anh tôi nháy mắt nhau chen vào nằm sát phía ba tôi, trong khi người chị lớn thì nằm ra xa nhất. Chị có biết đâu là ngọn roi sẽ phát trúng vào mông chị ấy và chỉ chạm nhẹ vào hai đứa nằm sát bên trong. Mỗi lần như vậy là chị tôi khóc rấm rứt; còn tôi và anh tôi thì vờ khóc cho có lệ. Ba tôi có lẽ biết điều đó nhưng hình như ông hơi có chút lòng thiên vị nên cũng làm lơ.

      Suốt một quãng đời thơ ấu, tôi ít khi nào thấy ba má tôi cãi nhau. Nói đúng hơn tôi chỉ thấy ba tôi la lối mỗi khi ông đi làm về trễ, trong khi má tôi thì chỉ làm thinh xua tụi tôi đi vào phòng. Đến khi ra khỏi Việt Nam, tôi được lên chức làm chị cả (anh tôi thì đã được ba tôi cho đi theo gia đình một người bạn sang Mỹ trước ngày 30-4, còn chị lớn tôi thì đã được làm giấy tờ để đi một nước khác). Lúc ấy tôi mới chỉ 16 tuổi nhưng hoàn cảnh bắt tôi phải làm người lớn. Sang đến Ấn Độ làm người tỵ nạn, tôi phải tập tành học tiếng Anh để tiếp xúc nơi công sở làm giấy tờ, thủ tục. Có những lúc rảnh rỗi, má tôi tâm sự với tôi về cuộc đời hơn hai mươi năm làm vợ của bà. Lúc đó tôi mới ý thức rằng ba tôi rất là đào hoa. Vợ con đùm đề rồi mà ông vẫn luôn luôn có những người tình bên cạnh để đi dạo phố hay đi nhảy đầm. Ông làm má tôi khổ nhưng bà chỉ âm thầm chịu đựng. Thế hệ của má tôi, với cái hiểu biết đơn sơ về luật nhân quả, bà cho đó là cái nghiệp mà bà phải trả cho xong trong kiếp này. Nếu không, thì kiếp sau nghiệp ấy sẽ chồng chất. Có một điều đặc biệt là chúng tôi chưa bao giờ thấy ba tôi có người con rơi rớt nào (hay có mà họ ở rải rác phương nào chúng tôi chưa hề được gặp). Má tôi kể mỗi lần ba tôi đi chơi về trễ, ông vờ la lối như có chuyện bực mình trong công sở để đàn áp tinh thần đối phương (má tôi) khiến bà sợ mà không dám hỏi tội ông đi chơi về khuya nữa. Ngay cả khi trở thành người tỵ nạn ở xứ âu mỹ, ba tôi vẫn không bỏ được những thói quen đào hoa ong bướm ngày xưa. Nhưng bây giờ lũ con đã khôn lớn nên chúng tôi hiểu và luôn luôn đứng sau lưng má tôi để nâng đở tinh thần của bà đồng thời tỏ thái độ chống đối ba tôi.

      Ba tôi là một người rất tốt với bà con, bạn bè; nhưng có lẽ cái nghiệp làm người đàn ông đào hoa ba tôi gieo giắt mấy mươi năm trời đã đuổi theo kịp ông trong kiếp này. Vào một ngày mùa xuân ba năm trước, em tôi nhận được một cú phone khoảng 9g tối. Giọng bên kia là một người đàn ông Mỹ tự xưng ông là cảnh sát. Ông ấy hỏi “Mr Ton That là gì của anh?”. Em tôi trả lời “ba của tôi” mà run cả người, chờ đợi đầu giây bên kia báo tin không lành. May sao ông cảnh sát chỉ báo cho biết là ba tôi hiện đang ở một thành phố gần biên giới Oregon, cách xa nhà ba tôi đang ở khoảng 1300 miles (lái xe phải hơn 10 tiếng đồng hồ). Vì trời đã tối, họ cho biết là sẽ giữ ba tôi lại trong khách sạn và ngày mai chúng tôi phải lên đón thì họ mới trả xe và cho ba tôi về. Thì ra nguyên cả ngày hôm ấy ba tôi đã lái xe đi từ quận Cam mà vẫn không biết là mình đi lạc đường. Thời gian và không gian lúc ấy hình như dừng lại ở ông cụ 83 tuổi.

      Kể từ ngày hôm đó, chúng tôi không để cho ba tôi lái xe nữa. Má tôi nay lại được thêm công việc làm tài xế cho ông, ngoài cái công việc nấu nướng và lo toan việc nhà của một người vợ từ hơn 50 năm qua. Các con vì bận bịu với công việc, gia đình riêng nên đến cuối tuần mới sang thăm và chia sẻ bớt chút ít chuyện nhà cho má tôi. Sự lệ thuộc vào vợ con làm cho ba tôi cảm thấy tù túng và trở nên gay gắt. Ông bộc lộ bằng những lời nói hằn học, chê bai những người ông vẫn không thích từ xưa nay. Điều đó lại càng làm cho con cái chỉ muốn xa lánh ông hơn. Mỗi buổi họp mặt gia đình, ba tôi như một chiếc bóng. Gắp cho ông một đĩa thức ăn đầy rồi chúng tôi lảng ra nơi khác, không muốn nghe ông nói những lời không dễ thương. Đôi khi chúng tôi còn nạt ba:”Ba đừng nói nữa, tụi con không muốn nghe đâu. Tại sao ba lại cứ ưng gieo thêm cái khẩu nghiệp nữa làm gì?”, rồi chúng tôi bỏ đi. Nhìn ba cụt hứng, lặng thinh cúi đầu ăn, tôi lại thấy lòng ăn năn hối hận. Ba như một chiếc bóng bên đường, đổ dài hiu hắt trong ánh đèn lúc tuổi hoàng hôn. Tôi hứa với lòng là sẽ dịu dàng hơn với ba, nhưng mỗi lần ba tôi cất tiếng chê bai người khác một cách khắt khe, cơn thịnh nộ lại nổi lên trong lòng và chúng tôi lại la ba tôi xối xả. Ngay cả những bạn bè nối khố của ba tôi xưa nay cũng xa lánh ông. Chẳng ai muốn gần gũi một ông già bệnh tật, khó chịu.

      Hai năm trôi qua, ba tôi dần dần thay đổi, từ thể xác đến tinh thần. Trước đây ông vẫn chơi tennis hằng tuần, bây giờ ông chỉ biết lủi thủi đi vô đi ra trong căn nhà nhỏ bé. Những viên thuốc màu trắng nho nhỏ có một công lực khá mạnh. Nó giúp ba tôi trở nên hiền thục hơn nhưng cũng làm cho ý chí của ba lần lần nhu nhược đi. Chúng tôi không có một giải pháp nào hơn cả. Sự nhu mì của ba được đánh đổi bằng cái vỏ ốc mà ba phải chui vào. Bàn tay trái của ba tôi không hoạt đông nữa nên ba cần sự giúp đở mỗi khi thay quần áo. Ông bắt đầu ngủ nhiều hơn, và các bữa ăn kéo dài lâu hơn. Ông như một người đã mất đi ngày tháng; thời gian đối với ông bây giờ như ngừng lại. Tôi đau đớn nhìn ba tôi đi dần dần vào bóng đêm của cuộc đời.

      Đi Việt Nam đôi lần về tôi có đến ngồi thủ thỉ bên ba: “Mai mốt trăm tuổi ba có muốn về ở bên cạnh ông bà nội không?”. “Muốn chớ. Ba muốn về ở Ngự Bình với ôn mệ”. Tôi nhắc ba tôi là mộ ông bà nội đã được dời ra núi Hòa Sơn ở Đà Nẵng, nhưng hình như trí nhớ của ba vẫn đi ngược giòng thời gian về tới cái ngày mà ba chôn bà nội trên đỉnh núi Ngự Bình. Biết như vậy nên tôi tự nhủ với lòng dù xa xôi hay khó khăn cách mấy tôi cũng sẽ làm theo ước nguyện của ba, như lời hứa ba đã hoàn thành với bà nội cách đây gần 40 mươi năm. May mắn tôi gặp được một người làm phó quảng trang của nghĩa địa Hòa Sơn. Anh ấy nghe chuyện tôi ước mong một ngày nào đó sẽ đem ba tôi về gần với ông bà nên có hứa sẽ thu xếp đất đai bên cạnh mộ ông bà nội. Tôi mong ngày ấy càng xa càng tốt.

      Tết sắp đến. Mấy tuần nay bác sĩ có gởi người y tá đặc biệt tới nhà để theo dõi về tinh thần của ba tôi cũng như chỉ cách cho người nhà cách tập vật lý trị liệu cho ba. Đôi khi ba tôi nằm đó đưa đôi mắt dõi lên trần nhà, một lớp màn màu xám mỏng che kín đôi con ngươi. Tôi đến bên giường ba tôi hỏi nhè nhẹ:

-Tết sắp tới rồi, ba biết không?

-Rứa hả, ba không biết.

-Năm nay là tết Nhâm Thìn, ba biết Thìn là con gì không? Là tết con rồng đó. Để con bày ba hát nghe. Ba thích hát không? Tôi chỉ dẫn ba tôi dùng bàn tay phải để nâng bàn tay trái lên mỗi lần ba lập lại câu hát, từng vài chữ một.

-Ngày xuân, ba lấy tay phải nâng tay trái lên nghe. Tay trái là ly rượu đó

-Ngày xuân…, ba tôi lập lại một cách khó khăn

-Nâng chén—-Nâng chén…

-Ta chúc—–Ta chúc…

      Với những khó khăn mỗi lần đưa bàn tay trái lên, vậy mà tôi và ba cũng hát xong được đoạn đầu. Ba tôi cười híp mắt, khi hát tới câu “mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương”. Hình như cái giòng máu yêu đương lãng đãng vẫn còn chảy trong một ông già hơn tám mươi tuổi.

      Vài hôm sau tôi tập cho ba bài “Mùa Hợp Tấu”. Tôi bảo ba bàn tay phải sẽ là người bạn của bàn tay trái nên ba phải giúp cho bạn. Khi tôi bắt đầu câu “Bạn đường ơi”, ba nói “ba là ba của Thủy Tiên mà, đâu phải là bạn”. Tôi phì cười, đáp “con biết rồi. đây là tay phải nói với tay trái thôi”. Rồi “nắng lên rồi”, “gieo sáng ngời”, “nhạc ngày xanh”, “như chim lành”, “tung đôi cánh”. Ba tôi thích thú hát theo.

      Khi hát đến đoạn cuối, tim tôi chợt đau nhói khi ba lập lại câu “rồi ngày mai, sống đôi nơi, bạn cùng tôi, sát đôi vai, nhìn ngày trôi, nghe sức thiêng, ta chưa hề phai”. Một ngày mai đây, không biết gần hay xa, ba và tôi cũng sẽ mỗi người mỗi nơi. Không ai tránh được, tôi vẫn biết vậy. Tôi là con nhà Phật nên tôi đã đọc, đã nghe và đã hiểu nhiều về hai chữ sinh tử. Tôi không muốn nghĩ đến cái ngày ấy. Tôi thầm cầu xin cho ba tôi được bình an, từ thể xác cho đến tinh thần…

.. ………………………………….

      Bài này tôi bắt đầu viết từ mùa thu năm 2011. Sau cái tết năm con rồng thì tôi ngừng viết. Ba tôi càng ngày càng yếu, ngay cả những lời ba nói cũng không còn nghe rõ nữa. Mắt của ba thì cứ như đang nhìn vào một khoảng không nào đó. Tôi sợ nhất là những cú phone đến vào lúc tối khuya. Tháng 10 tôi đi Pháp về có thỉnh được một cuốn CD niệm Phật với giọng Huế của Thích Tịnh Quang, trong đó có kinh Liên Hoa, kinh Di Đà, Phổ Môn, Thủy Sám… Chờ mua cái máy MP3 về thì tôi đem xuống mở ra cho ba tôi nghe. Lần này hình như ông có vẻ chịu khó nghe kinh, chắc vì nghe được giọng tụng kinh quen thuộc của quê mình.

      Hơn hai tuần sau, vào sáng thứ hai trước ngày Lễ Tạ Ơn năm 2012, tôi đến nhà thăm thì nghe sáng nay ông vừa đạp xe đạp tại chổ xong thì qụy xuống sàn nhà. Cả buổi mọi người cố đỡ ba ngồi dậy ăn cơm nhưng ông không ngồi lên được nên phải đút cơm ông ăn ngay trên giường. Ngay cả công việc vệ sinh cũng vậy. Ba tôi yếu dần đi, đến ngày thứ năm thì ba chỉ còn ăn được chất lỏng. Tôi gọi anh tôi đang đi nghỉ phép ở Việt Nam, bảo anh nếu thu xếp được thì về sớm. Ngồi bên cạnh tôi nói thật to “ba cố ăn cho mau khỏe con đưa ba đi Seafood Cove”. Nhưng trong lòng tôi khấn nếu có gì xin ba hãy đi nhẹ nhàng; tôi bóp nhè nhẹ bàn tay gầy guộc cứng ngắt của ba và hứa thầm sẽ đem ba về ở gần ông bà nội. Qua ngày thứ sáu ba thở thật khó khăn nên tôi gọi xin bác sĩ cho ba ống thở và chuyền nước biển. Bây giờ đến cả muỗng nước ba tôi cũng chẳng nuốt được. Tôi và ông anh họ thay nhau lau mặt và thấm nước vào cho miệng ba đỡ khô. Tôi nói chuyện tầm phào cho ba nghe nhưng chẳng biết ba có nghe được gì hay không. Tôi nói nhỏ nhỏ ba ráng chờ chủ nhật má và các anh em sẽ về tới. Anh chị tôi ghé qua và cũng ngồi nói chuyện cho ba nghe.

      Thứ bảy tôi gọi cho các bác tôi ở gần đó báo tin không vui. Các bác, các anh chị bà con và hai người bạn rất thân ghé qua thăm người phi hành gia đang nằm trên giường chờ đáp thuyền bát nhã. Tối hôm đó hai người em gái vừa về ghé qua thăm và dẫn thêm bầy cháu ngoại. Hình như ba nhận ra giọng nói của thằng cháu ngoại 5 soái (thằng bé này có 5 cái soái trên tóc) mà ông từng rất cưng chiều, nên hơi thở của ông dồn dập như tỏ ra là ông rất vui mừng. Đêm đó tôi chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ. Sáng chủ nhật hơi thở của ba yếu hẳn. Tôi cầm tay ba nhắc má sắp về rồi, các con trai của ba cũng sắp về rồi, ba ráng chờ nghe ba. Mấy đứa cháu nội ngoại đến tôi đưa giấy và bút màu ra biểu “Tụi con vẽ một tấm hình gì đẹp đẹp tặng cho ông”. Vẽ xong chúng đem dán đầy lên bức tường gần chiếc giường ông nằm rồi đứng bu quanh cầm tay ông nói “I love you, ông ngoại”, “I love you, ông nội”. Ngoài mặt cứng rắn nhưng lòng tôi đau nhói, nói thầm với ba “con thương ba lắm ba, chắc ba nghe được mà”.

      Khi kim đồng hồ chỉ 12:15 trưa, má tôi từ phi trường về mở cửa bước vào,. Đến cạnh ba, má tôi ngồi xuống cầm tay mà ngỡ ngàng. Chưa bao giờ má thấy cảnh ba tôi nằm mắt nhắm nghiền với cái máy thở làm giúp ông cái công việc cần thíết ấy. Má nói với ba là má tha thứ hết những điều ba từng làm má buồn mấy chục năm nay, ba cứ thanh thản mà đi. Tôi thầm cám ơn tấm lòng vị tha của má tôi. Hình như ba có nghe rõ những lời má nói nên bỗng dưng mấy đứa em tôi la lên “Chị Bé ơi ba ngưng thở rồi”. Tôi chạy u ra thì, đúng vậy, chiếc ống thở đầy giọt nước bám vào. Tôi để tay lên mũi xem thì hơi thở ba đã tắt. Má cầm tay nói với ba là em trai tôi đang trên đường ở phi trường sắp về đến. Tự nhiên thấy ba bắt đầu thở lại nên tôi lại để ống vào cho ba tôi thở tiếp. Hai phút sau hai vợ chồng em trai tôi bước vào nhà, chỉ vừa kịp đến bên ba nói lời tạm biệt thì ba trút hơi thở cuối cùng. Đã được dặn trước nên chúng tôi cố bình thản đứng chung quanh giường chắp tay niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” và những đôi con mắt thì khô quánh. Mấy tiếng đồng hồ sau anh tôi từ Việt Nam về đến, vừa kịp lúc để cùng quý Hoà Thượng, quý Thầy, quý Sư Cô ở chùa Quan Âm, tu viện Lộc Uyển đọc kinh cầu nguyện cho hồn phách ba sớm được an tịnh. Tối hôm đó nhà quàng đến đem ba đi ngủ ở một nơi thật xa lạ và cô đơn.

      Hai ngày đám tang của ba, các bà con bạn bè gần xa đến chia buồn và đưa tiễn. Có những người tỏ lòng thương tiếc ba tôi rất chân tình, làm chúng tôi vô cùng cảm xúc. Có những người đến nói lời không mấy thành kính, chúng tôi cũng chẳng bận tâm. Bài thơ tôi viết cho ba đêm hôm trước, anh rễ tôi ngâm lên cho ba nghe trước giờ di quan:

Ba Là Mây Trắng

Sáng nay mây trắng đầy trời

Nhấp nhô ẩn hiện bóng người năm xưa

Ba chừ là nắng buổi trưa

Là suơng hôm sớm, là mưa đêm hè

Tử sinh một cõi đi về

Nhục thân chừ có khác gì sắc không

Ba chừ mây trắng thong dong

Con chừ tang trắng, hương lòng dâng ba

      Ngày 3 tháng 12, năm 2012

      Buổi tối sau lễ Hỏa Táng, hình như ba về nhà thăm tôi qua làn hương khói tỏa trên bàn thờ. Tôi đưa tay ra nắm lấy tay ba qua làn hương khói, cảm thấy hụt hẫng lần đầu làm đứa trẻ mồ côi cha.

      Những người bạn từ thuở ấu thơ vẫn sát cánh bên tôi lúc vui buồn, đã giúp tôi nguôi ngoai đi phần nào cái mất mát lớn lao trong cuộc đời. Tôi ghi lại bằng thơ bức tranh một người bạn quý vẽ tặng và những tình cảm của các bạn tôi:

Sóng bên ghềnh

Sóng dâng dào dạt sau ghềnh

Thuyền từ (1) thấp thoáng lênh đênh cuối trời

Nhớ cha nước mắt đầy vơi

Cha về bên nớ, mù khơi dặm trường

Hoàng hôn phủ kín núi non

Nắng vàng sưởi ấm tâm hồn thương đau

Mắt tôi nay hết giăng sầu

Tóc xanh tuy đã bạc màu thời gian

Chiều nay mây tím lang thang

Ngồi nghe sóng vỗ, tưởng ngàn năm xưa

Bạn về, có nhớ tôi chưa?

Tôi về, tôi nhớ, người xưa, bạn Hiền (2)

      Tháng 12, 2013

Chú thích:

(1) Thuyền từ là Thuyền bát nhã đưa người qua bến mê về cõi giác ngộ

(2) bạn Hiền là bạn Nguyễn Hiền

      Lúc còn sinh thời trước khi ba bị cơn bịnh Alzheimer’s cướp đi cái sự độc lập, ba có cái thú vui hàng tuần lái xe lên tu viện Lộc Uyển để nghe kinh kệ hay ngồi tán dóc với mấy người bạn đạo. Cho nên khi quý Thầy quý Sư Cô nghe gia đình ngỏ ý thì bằng lòng cho phép gia đình đem tro của ba lên rải ở núi đồi Lộc Uyển. Trước khi đi hành hương ở Ấn Độ, gia đình tôi đưa ba lên gởi gấm nắm tro tàn. Ngày hôm ấy mùa đông nhưng nắng vàng thật nhẹ nhàng và gió thổi vi vu. Mấy hôm sau khi ngồi trên chuyến bay trên đường qua xứ Phật, tôi dấu vài hủ tro của ba ở trong mấy hộp trà nho nhỏ (tôi vẫn còn giữ lại một ít để sau này có dịp sẽ đem ba về với ông bà nội), nhớ đến ba tôi lại viết bài thơ:

Trở về đất mẹ

Đường lên Lộc Uyển hôm nay

Gợi bao nỗi nhớ những ngày xa xưa.

Ngày cha chẳng quản nắng mưa,

Thênh thang rong ruổi sớm trưa dặm trường.

Niềm vui chen lẫn niềm thương,

Cha tìm ở chốn quê hương, nơi này.

Quý sư cô với quý thầy,

Lời kinh tiếng kệ đong đầy yêu thương.

Giờ đây còn lại nắm xương,

Hồn cha lưu luyến, vấn vương gót giày.

Đưa cha về lại chốn này

Núi đồi Lộc Uyển vẫy tay chào người.

Bước chân con chẳng nỡ rời

Nhớ cha lòng thấy bùi ngùi, nao nao.

Đêm nay con hỏi trăng sao

Cha bây chừ ở nơi nào? Cõi không!

      Hôm 20 tháng 12 năm 2012, lúc đem tro của ba lên làm phân bón cho núi rừng Lộc Uyển,

      Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi đoán chắc ba biết má và chị em chúng tôi sắp đi Ấn Độ và ba biết là ba không thể đi theo được. Chỉ còn có cách từ biệt cõi trần trở thành nắm tro tàn ba mới có thể theo chúng tôi đi về thăm lại đất nước mà đã một lần cưu mang gia đình tôi mấy mươi năm về trước. Hồi đó ba má tôi cũng đã được đến viếng thăm bốn chỗ Động Tâm của Phật Giáo. Nên không nói mà tôi và má tôi có cùng một ý nghĩ là đem tro của ba đi theo. Bây giờ xác thân tạm bợ của ba cũng đã được làm phân bón cho các cội cây bồ đề ở Sarnath và Kushinagar và làm cát bồi đắp sông Hằng. Trên chuyến bay về lại nhà, nỗi đau buồn mất cha đã vơi đi thật nhiều. Nhưng cũng có lúc tôi ước mơ được một lần nghe lại giọng nói của ba, dù cho thật khó thương, một lần thôi ba hỉ!

      Khi hồi tưởng lại quãng đời từ lúc thơ ấu, niên thiếu, tuổi học trò trong sáng, cả chặng đường làm người tỵ nạn, rồi ra đời trưởng thành, tôi chợt ý thức ra rằng ba tôi không là chiếc bóng cuối đời mà là bóng mát suốt đời tôi.

      Từ đây con sẽ thôi không làm thơ cho ba nữa.

tntbp

One thought on “Chiếc Bóng Cuối Đời”

  1. Cảm ơn chị Tiên kể chuyện cảm động của ba chị. Phút cuối có vợ các con các cháu bên cạnh, tha thứ hết lỗi lầm thì bác trai quá hạnh phúc rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *