Yuki Ga Furu

Mùa đông dài hay ngắn? Mùa đông dài vì nó quá vắng lặng, ngày hiếm hoi nghe được một thứ tiếng động nào khác ngoài âm thanh thở dài của gió. Mùa đông còn dài như con đường xuống phố nay sương giăng, mặt trời không đủ soi lối. Nhưng mùa đông lại quá ngắn, nếu nó được đo bằng khoảng thời gian mặt trời mọc lên buổi sáng và lặn mất khi chiều xuống. Mùa đông chưa kịp nhìn nhau đã tối!

Thứ sáu giữa khuya bão tuyết ập đến. Trận bão tuyết đầu mùa năm nay. Hôm qua thành phố ra thông báo tình trạng khẩn cấp, khuyến cáo mọi người hạn chế ra khỏi nhà. Vậy là có một ngày cuối tuần thong thả chỉ việc ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng, lướt web, nghe nhạc và đợi giờ cơm. Quên nữa, còn đợi thêm chuyện sau khi bão tan thì chịu khó mang ủng ra ngoài dọn dẹp những mảng tuyết giờ đây ẩm ướt nặng nề phát ngán. Ngẫm lại, cái gì cũng có hai mặt của nó. Ngắn-dài, đẹp-xấu, vui-buồn, hạnh phúc-khổ đau…

Tombe la neige. Một sáng tác nỗi tiếng của nhạc sĩ Salvatore Adamo. Nó có thêm hai phiên bản tiếng Việt “Tuyết rơi” (Phạm Duy), và tiếng Nhật “Yuki ga furu” (Kazumi Yasui). Ba phiên bản phần lời đều hay cả nhưng nếu được chọn thì tôi nghiêng về “Yuki ga furu”. Lẽ ra tôi phải chọn bản Pháp ngữ, phiên bản đầu tiên tôi được nghe khi còn rất trẻ, hay bản Việt, tiếng mẹ đẻ chứ! Nhưng không, Yuki ga furu dễ làm tôi rung động nhất. Phải chăng vì xứ sở Phù Tang là nơi lần đầu tôi thấy cảnh tuyết rơi. Và hình ảnh những con đường, góc phố, mái chùa phủ tuyết trắng xóa; hình ảnh những cô gái Nhật vận Kimono đẹp mong manh trong tuyết lất phất bay đã ở lại mãi trong tâm hồn mình. Nghe “Yuki ga furu” như nghe một thứ âm nhạc của tĩnh lặng thiền định dễ làm ta đắm chìm trong cõi riêng. Tuyết lại rơi hôm nay, và tôi lại chọn “Yuki ga furu” như một mặc định.

Buổi chiều tuyết ngưng rơi. Nhớ đến lá thư có tấm thiệp chúc mừng kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng người bạn cần gởi đi cho kịp, giờ nó vẫn còn nằm im đấy trên bàn. Chẳng đặng đừng phải khoát áo, mang khăn đội mũ ra ngoài dù thời tiết lạnh buốt. Tôi đi bộ đến thùng thư bưu điện đặt ở cuối con đường nhà mình. Phía có ngôi trường tiểu học Beebe tường gạch ngói đỏ. Con đường thường ngày chỉ mất độ 15 phút nhưng nay phải cần gấp đôi khoảng thời gian ấy.

Đến ngã tư giữa đoạn đường tôi dừng lại chờ đèn giao thông báo dành cho bộ hành băng ngang. Theo thói quen tôi ngoái đầu nhìn lại về hướng nhà mình. Và tôi thấy những dấu chân mình in hằn trên tuyết. Những dấu chân đều đặn, đi ngược lại nhỏ dần, nhỏ dần… Những dấu chân của chính mình mới đây thôi nhưng ngay thời khắc này đã thuộc về quá khứ, một thứ quá khứ quá mới mẻ. Rồi như trong cõi cảm thức của flashback, tôi sực nhớ đến những dấu chân từ lâu lắm, từ cái đêm dồn dập bàn chân mình in trên cát…

Đêm đầu tháng ba năm 1980. Đêm tôi và những người bạn băng mình chạy bán sống bán chết trên bờ biển Mỹ khê, đêm khuya chúng tôi lao nhanh đến chiếc ghe đợi đưa mình ra khơi vượt biển. Trong cái yên lặng rợn người chờ một tiếng la quát tháo, trong nỗi lo sợ chờ một tiếng súng nổ vang đe dọa, chúng tôi chuyền tay chuyển những can dầu, thùng đựng thức ăn lên ghe, rồi cùng nhau đẩy xuống biển. Tiếng máy nổ vang, chiếc ghe mong manh dài chừng 10 mét, ngang 2 mét lao đi. Ghe ra khỏi bải chưa xa lắm thì dừng lại, trong thứ ánh sáng lờ mờ của biển, ghe đón thêm hai mẹ con một chị còn rất trẻ và một anh thương phế binh mất cả hai chân. Họ được chuyển ra bằng thúng “chai”.

Sửa soạn rời đi, bỗng nghe tiếng anh chủ ghe thốt lên lo lắng, “ Chết choa! Quên can dầu nhớt trong nhà rồi”. Mọi người nhốn nháo lo sợ. Anh chủ ghe vẫn bình tỉnh nói “Năm ơi, mi theo thúng chai vô lấy can nhớt ra dùm nghe”. Anh tên Năm không ngần ngừ, nhảy xuống thúng để vào lại bờ. Khoảng thời gian chờ đợi lặng đi tưởng chừng kéo dài vô tận, chúng tôi nghe được cả tiếng thở của nhau. Lâu thật lâu mới thấy cái thúng chai trở lại, anh Năm nhanh nhẹn trèo lên ghe trên tay cầm theo can dầu máy. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Nhắm hướng đông ra khơi, ghe xa dần bờ, tiếng máy nổ ầm ì đưa chúng tôi xa dần Đà nẵng. Tôi nhìn vào bờ, ánh đèn thành phố nhỏ dần rồi mất hút. Một nỗi buồn, hơn cả một nỗi buồn vây kín, tôi biết lần đi xa này khó có ngày trở lại. Một là làm mồi cho cá biển, hai là đến một nơi chốn thật xa. Xa gia đình, bạn bè, xa quê hương. Tôi nhìn vào bờ ngóng tìm một bám víu nào đó còn lại, và trong hình dung tôi thấy mờ mờ những dấu chân của mình vừa in trên biển cát, những dấu vết cuối cùng ở lại…

Hơn 40 năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in cái đêm nhóm tôi ra khơi ấy. 25 người trên một chiếc ghe tí hon chạy máy Yanmar F8, mà định mệnh may mắn cũng đưa được tới bến bờ tự do. Hơn 40 năm thì dấu chân trên biển cát nào còn, nhưng sao tôi vẫn đinh ninh chúng vẫn chút ít gì sót lại đâu đấy, để một mai lỡ mình về có cớ mà tìm kiếm…

Boston, một ngày bão tuyết 2022
Trương Hữu Hiền

25 thoughts on “Yuki Ga Furu”

    1. Không có chi Đôn. Đợi bài viết của lớp 6 nữa là anh xin phép trình làng NH bài hát mới của Đôn ngay nghe 🙂 Cám ơn Đôn và lớp 6 luôn sát cánh góp công sức làm phong phú thêm cho trang nhà trường mình.

  1. Câu chuyện mà hầu hết tuổi trẻ của chúng ta đều trải qua,cho dù mùa đông ngắn hay dài,mình vẫn yêu vẫn thích,thích cái lạnh cô đơn,thích dấu chân vội vàng và thích cái nơi chốn ấm áp mình sẽ trở về!
    Cám ơn Hiền đã chia sẻ,đang mơ tưởng đến bầu trời màu xám Boston,nơi có Hiền sống!

    1. Boston mùa này hết tuyết lại mưa lạnh, mưa nhỏ thôi, nhưng hạt rơi xuống gặp nhiệt độ lạnh quá thì đông ngay thành đá. Đường xá trơn trợt như có mở, bất cẩn khi đi bộ là ngã ngửa ngay :). Có lẽ Boston đẹp nhất vào mùa thu, mùa lá đã vàng nhưng chưa lạnh lắm. Có dịp mời chị và anh Khánh sang Boston chơi nhé!

  2. Cám ơn Hiền đã chia sẻ. Đọc tới chỗ anh Năm phải quay về lấy can dầu, mọi người im lặng chờ đợi, nghe cả hơi thở của nhau, làm H căng thẳng quá nín thở luôn cho đến khi anh Năm mang can dầu về tàu mới thở phào nhẹ nhõm. 😶

    1. Cám ơn Hòe đồng cảm câu chuyện vượt biển của nhóm Hiền. Kể thêm chút: khi anh Năm trở lại ghe với can dầu máy trên tay thì có dẫn theo một người, anh này ngủ quên ở bãi đáp (căn nhà người chuẩn bị vượt biên núp) khi mọi người lặng lẽ rời đi. Anh này tên Cần, có lẽ là người quan trọng nhất trong chuyến ra khơi may mắn năm đó. Anh ấy là ân nhân cứu mang cho một nửa nhóm vượt biển, trong đó có Hiền, và hình như cả Tôn Thất Công của NH lớp 6 mình nữa. Câu chuyện dài dòng lắm, khi có hứng sẽ kể nốt vì phải là một truyện dài mới đủ hết chi tiết.

  3. Thời tiết Houston mấy hôm nay mưa và lạnh. Được đọc những giòng văn Hiền viết , nghe nhạc Hiền hát, chạnh lòng nhớ thật rỏ biến cố 1975. Cảm ơn Hiền đã chia xẽ với bạn bè.

    1. Cám ơn Tường Vi đọc bài viết của Hiền. Có những chuyện, có những giai đoạn quan trong trong đời mình, nghĩ đến mà cứ khắc khoải hoài thì chia sẻ đến bạn bè cũng là một cách để khỏe khoắn tâm hồn hơn. Chúc Vi, anh Đạt và các cháu luôn vui khỏe!

  4. Mot tieng tho dai that nang ne. Xot xa va van so hai khi nghi den ngay “vuot bien”. Chung ta van la nhung nguoi rat may man. Cam on anh Hien nhe.

    1. Cám ơn Bích Liên đọc bài kể chuyện tuyết rơi, chuyện vượt biển của anh. Đúng như BL nói, nhìn lại chúng ta vẫn là những người may mắn trong cơn bi ai của dân tộc mình!

  5. Cũng là dân xứ lạnh nên đọc những dòng mô tả về bão tuyết của Hiền là biết rõ ngay cái cảm giác cắt da xé thịt của mùa đông. Cũng là dân vượt biển đầu năm 80 nên rất chạnh lòng khi nhớ lại chuyến ra đi thay đổi vận mệnh cuộc đời của chính mình. Ba Hân từng tâm sự là rất sợ cảnh chia tay, đã giao việc đưa Hân lên xe đò đi tới điểm hẹn để chờ ngày ra khơi cho anh Thắng làm. Vẫn còn nhớ như in hình ảnh anh Thắng chạy chiếc xe Honda một đoạn khá dài sau chiếc xe đò. Nước mắt của cả anh và em chảy dài không ngăn được vì biết đây có thể là lần cuối anh em còn được nhìn thấy nhau. Cảm ơn Hiền đã chia sẻ một bài viết và bài hát rất thấm!

    1. Cám ơn Hân chia sẻ câu chuyện gia đình khi sắp rời Việt nam. Đọc cảm động lắm!
      Ba Hiền thì có vẽ can đảm hơn ba của Hân. Mỗi lần nghe có chuyến vượt biên, ngày đi ba đều lấy xe máy chở Hiền đến điểm hẹn. Đến nơi dặn dó ba điều rồi ba vội quay xe đi ngay, mắt cứ như chực rơi nước mắt. Nhưng cứ đi tới đi lui, chuyến nào cũng tối đi rồi sáng sớm thấy xách túi về lại,vì vậy mấy lần sau tự túc tự cường, cứ nghe ai kêu là nhảy xe thồ cho tiện 🙂 . Lần cuối cùng, chiều gần tối vai mang túi xách lầm lũi xuống bến phà sông Hàn một mình! Chẳng có ai “Tôi đưa anh sang sông” hết Vậy đó mà đi lọt 🙂

    1. Cám ơn Hoàng chịu đọc bài và nghe tui hát 🙂 . Hàng độc lạ bây giờ thì chỉ là hàng của mấy ông Trung Của đó nghe, đụng chạm. Hihi. Chúc Hoàng vui khỏe, hạnh phúc!

  6. Sáng chủ nhật ngồi trong nhà nhìn nắng lên, nghe chim hót, đọc bài Hiền viết, nghe Hiền hát mà mới biết mình may mắn chi lạ. Những chuyến vượt biên nhớ lại thật hãi hùng (mặc dù T không phải qua cái cảnh đoạn trường này)

    Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
    Cám ơn Hiền lời tâm sự chuyện xưa.

    1. Đúng vậy Tiên, cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy mình vẫn còn đây, còn bạn bè chung quanh mà kể chuyện và nghe kể chuyện cho nhau nghe. Sáng nắng ấm mà yêu đời khi nghe tiếng chim hót thì chắc là Tiểu Hoàng về lại rồi phải không. Mừng cho Tiên và cho chim!
      Chuyện vượt biên còn dài lắm, rảnh rỗi và có hứng sẽ kể tiếp. Nhưng chuyện rời Việt nam của gia đình Tiên cũng ly kỳ lắm vậy, tiện thì kể ra đây 🙂

  7. Sáng hôm nay, trời còn rơi tuyết nhẹ. Ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghe bạn tôi hát bản nhạc “Tombe la neige” bằng tiếng Nhật mà phê quá đi! Đọc những dòng ký của H mà cảm thấy chạnh lòng cho kiếp tha hương. Hồi tưởng lại biến cố của đất nước đã cướp mất tuổi thanh xuân, và chúng tôi đã phải đổi mạng rời bỏ quê hương… Chẳng ai muốn ôm ấp hận sầu nhưng cũng khó quên những vết thương lòng đã in hằn sâu trong cuộc đời… Cám ơn H đã chia sẻ…

    1. Nhớ những ngày Đà nẵng xúm nhau ngồi cà phê mà bàn chuyện ra khơi, chuyện ai tù tội, ai làm mồi cho cá. Một giai đoạn bi thảm của lứa tuổi tụi mình. Thanh xuân mất, tự dưng ra bôn ba khổ cực xứ người, làm những việc mà hồi còn vô tư lự mình chưa bao giờ nghĩ tới phải không Phát! Nghĩ tới buồn hận. Hy vọng gặp lại sớm nghe, lần này có bận bịu chi cũng bỏ hết để đàn đúm bạn bè, chớ ai cũng khá già rồi đó 🙂

    1. Cám ơn Tuấn, câu chuyện vượt biển của mình còn nhiều chuyện để kể lắm. Gặp lại ông sẽ kể nguyên đêm khỏi ngủ luôn 🙂

  8. HH hát hay, viết giỏi.
    Đọc bài viết của Hiền làm nhớ lại lúc nhỏ coi phim “chúng tôi muốn sống”. Kỷ niệm đi vượt biên, đúng là đi vào chỗ chết để tìm lối sống. Nhưng cũng nhờ đả sống qua những hoàn cảnh đó mới biết những cái gì là quí báu trong đời, không phải là tiền tài, không phải là mạng sống, lúc chơi vơi trên tàu, chỉ nghỉ đến gia đình, chỉ gửi vững niềm tin về tương lai, tiếng Tây có câu « l’espoir fait vivre ». Có lẽ vì vậy nên người VN tị nạn ít bị dépressif 😁

    1. Đúng như Thành nói “l’espoir fait vivre”. Hy vọng là một phần của đời sống, thiếu đi hy vọng, dù là hy vọng rất mong manh thì đời sống cũng chẳng còn có ý nghĩa. Hy vọng là một thứ quyền, giàu sang, thấp hèn, kẻ đẹp người không, trẻ hay già…ai cấm ta hy vọng về điều tốt đẹp hơn cho mình. Đã quyết ra đi thì đã có hy vọng về tương lai tươi sáng hơn. Dĩ nhiên chúng ta phải đánh đổi đi nhiều thứ, có thể là cả tánh mạng của chính mình và phải xa lìa người thân.
      Thành cũng là thuyền nhân phải không? Lúc nào có hứng viết kể lại cho bạn bè nghe đi!

  9. Anh Hiền chơi sốc hàng ghê , hát nhạc Pháp lời Nhật . Nghe rất lạ và hay . Beat ton này anh lấy ở đâu vậy , giong này vừa cho ton nam . Hát ton gốc cao quá . Nếu được anh cho em beat này nghe .

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *