Xuân Xưa

Chỉ còn vài ngày nữa là 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo về Trời để trình sớ với Ngọc Hoàng và cũng là ngày sinh nhật của ba tôi. Nhớ cha, tôi loay hoay đọc lại tập hồi ký Người đã viết cho anh em tôi mấy năm trước. Bài Thưởng Xuân ở Quảng Ngãi làm tôi se lòng, thương chặng đường lao đao thời trai trẻ của ba tôi. Một trong những kỷ niệm khắc sâu trong tâm khảm nên Người vẫn còn nhớ rõ chi tiết để ôn lại, dù đã hơn 70 năm dài thâm thẩm trong quá khứ.

Những ngày cận Tết Nguyên Đán còn làm tôi nhớ anh Thắng của tôi thật nhiều vì anh đã ra đời trước Tết của một năm nhuận nên anh bị cộng thêm một năm tuổi đời ngoài ý muốn. Anh chỉ nhấp một chút đuôi của năm Đinh Dậu trước khi lịch được giở sang trang mới của năm Mậu Tuất nhưng tính theo tuổi ta thì anh phải chịu làm thân con gà.

Ba năm trước khi chị em tôi sang Úc thăm gia đình, tôi lục tìm được vài tấm hình cũ thời anh em tôi còn học ở TTGD Nguyễn Hiền, Đà Nẵng. Cầm tấm hình anh chụp bên cổng trại, anh chùng giọng ôn lại kỷ niệm trại Xuân của trường năm 1974 đó, năm cuối cùng anh em tôi còn được học ở đây trước khi gia đình dọn vào Saigon.

Như thường lệ hàng năm trước khi nghỉ lễ ăn Tết, ngày 13-14 tháng Giêng năm 74 trường lại tổ chức một chuyến cắm trại qua đêm cho các cấp lớp lớn (tấm hình có ghi chú ngày tháng rõ ràng chứ không phải trí nhớ của anh em tôi tuyệt vời như vậy đâu). Trại được đặt tên là Xuân Kiến Tạo, tổ chức tại Hòa Cầm, dưới chân núi Phước Tường. Cái tên Kiến Tạo đầy ý nghĩa là do Liên đoàn 8 Tiểu đoàn Công binh Kiến Tạo ở Hòa Cầm đã hợp tác với trường, đưa đón thầy cô và học sinh đến tận khu cắm trại bằng những chiếc xe công binh thật chiến thật oai.

Nếu anh em tôi nhớ không lầm thì chỉ có bốn lớp lớn thuộc cấp trung học của trường là được tham dự hai đêm trại Tết đó. Tính theo mốc năm 74, tất cả gồm lớp 11 của chị Thanh Tuyền chị Kim Anh v.v. (lớp lớn nhất của trường được cô Lập làm giáo sư chủ nhiệm), lớp 10 của anh Thắng anh Triều chị Kim Chi v.v., lớp 9 của chị Hồng Huệ chị Tường Vi anh Nam anh Hoàng v.v, và lớp 8 thân thương của tôi.

Anh Thắng đã khéo léo vẽ kiểu và cùng vài bạn trong lớp dựng cổng cho các căn lều của lớp 10A1. Hai cây tre dài được cột bằng dây thừng giáp mí trên đầu với nhau để tạo thành chữ A. Nằm gọn lỏn giữa lòng chữ A là một vòng tre tròn trịa để tạo chữ O. Sát cánh hai bên chữ A chữ O là hai cây tre dài thẳng tắp hiên ngang lãnh vai số 1. Riêng lớp 8 thì tôi chỉ còn nhớ là tôi và Thanh Thủy được đại diện lớp lo màn thi thổi lửa nấu cơm. Chắc chắn tôi đã bị Thanh Thủy chọn để làm lon ton viên cho bạn chứ tôi thì chỉ có thể làm sống hoặc làm khê nồi cơm mà thôi!

Cuối năm giữa tháng Chạp tôi lan man chạnh lòng với cái Tết xa nhà thời chinh chiến của ba tôi và một kỷ niệm đẹp trong vắt thời bình yên của anh em tôi nơi sân trường TTGD Nguyễn Hiền xa xưa. Thương chúc các Thầy Cô, các anh chị và các bạn một năm mới Nhâm Dần dồi dào sức khỏe, lành mạnh tâm hồn và không ngừng hi vọng cho ngày dịch bịnh được chóng qua đi.

20 tháng Giêng 2022
Ngọc Hân

Thưởng Xuân ở Quảng Ngãi
Cuối năm 1947 chúng tôi được lịnh hộ tống đoàn xe Công Binh Chiến Đấu đi Quảng Ngãi. Mấy người vợ lính ra tỉnh mua sắm thực phẩm về bán trong cái cantine. Vì là công tác mở đường chiến lược Kon-Tum dài lâu nên cần có cantine để lính ăn uống. Đường mòn đá núi lởm chởm, ngồi xe cứ tưởng như ngồi trên lưng bò tót. Xe dằn xóc, nhảy lên sụp xuống làm ê ẩm tứ chi. Một anh lính Công binh ngồi ở mép trên cái xe benne chẳng may bị hụt tay té xuống đường, cấn đá gãy xương cột sống. Dọc đường anh đã trút hơi thở cuối cùng. Thi hài anh được đưa đến nhờ Tiểu khu Quảng Ngãi lo chôn cất. Vì vậy mà đoàn xe không thể trở về Giá Vụt trước Tết. Đại đội Công Binh Chiến Đấu đóng đồn ở Giá Vụt ngay dưới chân Núi Thần, cách đồn Sông Re khoảng 3km, ngược hướng tây, đường lên Kon-Tum. Lòng tôi băn khoăn bồn chồn mấy ngày chầu chực ở Tiểu khu Quảng Ngãi đó. Thật ra Quảng Ngãi-Đà Nẵng không cách xa nhau lắm mà 3 ngày Tết không được về thăm nhà, tôi buồn thúi ruột! Để đỡ quẩn trí tôi ra bên ngoài ăn ở tạm một phòng ngủ cho thuê của cặp vợ chồng người Hoa. Họ tốt bụng cho tôi dùng cơm chung với họ. Bà chủ nhà làm cái bánh tổ thật lớn. Bánh tổ họ làm không giống kiểu Việt Nam mình làm. Họ đổ bột bánh vào cái khay cao tròn bằng nhôm, hấp trong xửng. Bánh chín để nguội vài ngày cho cứng lại, khi ăn thì cắt ra từng miếng nhỏ. Vậy là Xuân này tôi cũng tạm vui, an ủi đời lính xa nhà được vài ngày.

Tình nồng ấm,
Cao Ngọc Huỳnh

5 thoughts on “Xuân Xưa”

  1. Chị Hân có một tình yêu tuổi thơ trong vắt như tâm hồn chị . Chị viết về kỷ niệm đọc nghe thật gần chị ơi!

  2. Đọc bài của Hân viết làm LP nhớ lại những lần trường mình tổ chức trại xuân quá chừng. Kỷ niệm đáng nhớ đời của tuổi thiếu niên chúng mình. Có những lần bạn bè tâm sự, Hân và LP nói chuyện về tiếc nuối tuổi thanh xuân đã mất từ lúc biển cố mất nước, nhưng dù sao đi nữa thì tụi mình cũng rất may mắn đã có nhiều kỷ niệm tươi đẹp thời niên thiếu. Cảm ơn Hân đã chia sẻ.

  3. Sáng sớm thức dậy được đọc bài viết của Hân mà phục cái trí nhớ của Hân chi lạ. Tuổi học trò vô tư và cuộc đời chinh chiến vất vả, hai cuộc đời đều đẹp và đáng trân quý vô cùng. Nhìn Hân ngồi chồm hổm thấy dễ thương ghê nơi.

    Và cũng xin cám ơn sự hy sinh của những người đã bảo vệ quê hương cho mình có một tuổi thơ yên vui.
    Cám ơn Bác Huỳnh.

    XOXO

  4. Phải nói là những lần được cắm trại xuân ở TTGD Nguyễn Hiền là những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời trung học. Chuyện cắm trại xuân có tên Kiến Tạo thì Hiền vẫn nhớ, nhưng những chi tiết Ngọc Hân vừa kể thì đã quên, mù mờ lắm. Cám ơn Ngọc Hân đã ghi lại những điều đó cho anh chị em trường mình có dịp ôn lại.
    Ba Ngọc Hân viết những mẫu truyện ngắn tự sự về đời mình qua những giai đoạn thật hay. Hiền rất thích đọc. Mong hai bác và gia đình anh Thắng bên Úc được bình an, vui khỏe, hạnh phúc trong mùa Xuân mới.

Leave a Reply to Le Phat Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *