THIỀU QUANG

” Mathieu! Mathieu!”.

Tiếng gọi tuy khẽ khàng của một du khách pháp cũng đủ khuấy động không gian yên tịnh cổ kính của đại nội Huế. Một ông tây, máy hình đeo lủng lẳng ở cổ, vừa gọi vừa bước vội về phía một đoàn du khách. Chỉ một người phản ứng quay đầu lại khi nghe tiếng gọi ấy. Đó lại là anh tôi, da vàng, tóc đen, việt nam trân . Nói như người Pháp: ” il n’a pas la tête à s’appeler Mathieu”. Anh cũng chẳng làm nghề thâu thuế như Mathieu trong Kinh Thánh. Và anh lại càng không phải là trụ cột của Giáo hội như môn đồ Chúa Jésus, tuy cả thời học sinh anh đã ngồi mòn ghế trường trung học tư thục công giáo Lasan Taberd Saïgon. Anh tôi tên Quang Thiều. Người Pháp ko phát âm chuẩn tên này nên anh tôi đề nghị họ gọi trại thành Mathieu. Như vậy ít ra họ viết được một phần tên anh và họ tránh cho anh không phải nghe tên mình bị bóp méo ( écorché). “Quang Thiều” là tên bà nội của chúng tôi đặt cho anh. Ngày tôi bé , mẹ tôi diễn nghĩa cho tôi là ” ánh sáng đẹp” , từ mà Nguyễn Du dùng để miêu tả ánh sáng chan hòa mùa xuân.

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều Quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

Số phận trớ trêu, do thời cuộc chiến tranh ở Việt Nam, anh tôi không luôn luôn được hưởng cảnh trời quang mây đẹp. Bất đắc dĩ, anh tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch. Và bất đắc dĩ Thiều trở thành Mathieu! Trong một giai đoạn sau 1975 , cuộc đời anh tôi là một chuỗi những ” bất đắc dĩ”. Có lần anh vượt qua một vùng nhiễu động rất xấu (zone de turbulences), một thời kỳ tối tăm. Thế nhưng anh đã giữ cho riêng anh trong gần suốt nửa thế kỷ những ác mộng của đoạn đời đó. Dịp gần đây , trong lúc anh em trò chuyện, vô tình anh tường thuật lại chuyến vượt biển không thành của anh. Tôi sững sờ vì không hề biết những biến cố đó của đời anh. Câu chuyện cuốn hút tôi. Vừa chăm chú lắng nghe , tôi vừa tự hỏi tại sao bây giờ , qua tuổi thất thập rồi anh mới vén bức màn che những kỷ niệm đó .

Anh tôi lên đường với nhiều tâm trạng, lo lắng xen lẫn hào hứng, tình cảm bịn rịn quấn chặt nhu cầu chắp cánh bay xa. Vượt biên là chuyện may rủi. Vô số đồng bào mình, vì khao khát tự do, đã chọn con đường này dẫu biết rằng rủi ro rình rập từng giây phút và đôi khi hậu quả bi thảm. Họ đã hành động như Valentin Auwcrex nói (trong “Agonie”)” La liberté, c’est prendre le risque de voler hors de sa cage sans connaître le sens de la migration “. Đi mà không biết điểm đến. Chuyến đi hứa hẹn nhiều gian truân( péripéties) bất ngờ. Tính cách phiêu lưu đó hẳn chắc có khơi dậy một sự hào hứng nào đó trong lòng anh, khi đang ở độ tuổi trai tráng, không con cái, không vướng bận.

Vào một ngày tháng 12, anh tôi khởi hành từ cầu Chà Và, quận 8. Cây cầu này bắc qua kinh Tàu Hủ, từ quận 5 sang quận 8. Trước kia , nơi đây đông đúc những người ấn độ định cư, buôn bán. Ban đầu là người ấn gốc Tamil, sau này có người ấn đến từ Pondicherry, vùng thuộc địa của Pháp ở đông nam Ấn độ. Tuy vậy tên ” Chà Và” là do người Việt hiểu nhầm người ấn là những người đến từ Java (Nam dương) và phát âm sai là ” Chà Và”. Trở lại với anh tôi và những người đồng hành. Họ chia làm nhiều nhóm đến khu vực cầu Chà Và. Dù có muốn kín đáo thì cũng không thể giữ được tính cách incognito. Bởi dân xóm đò bình dân nhìn thấy là biết tỏng ” dân đi vượt biên”. Họ chỉ tay về phía những người sắp ra ghe và nói bô bô lớn tiếng là “đi vượt biên”. Thật bối rối! Cúi gầm mặt xuống thì lộ vẻ gian, trơ trơ đi hiên ngang thì sợ người dân khu đó nhìn ra mặt người lạ. Vụng về với bước đi thiếu tự tin nhưng chăm chỉ, những cặp người cũng tiến tới được trước mũi ghe, đứng vịn thành ghe. Họ lấy lại bình tĩnh vì phần nào yên tâm hơn do công an, bảo vệ xung quanh đầy ra mà không hề phản ứng gì. Bãi ghe đã được mua. Mọi người lên ghe. Những ghe nhỏ chuyển người ra tàu lớn gọi là ” cá mập”. Những chiếc ghe mong manh luồn qua những đoạn sông rạch nhỏ xíu để đưa người ra biển dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức. Dân chèo địa phương phải thán phục sự rành rọt về ngõ ngách sông rạch, ngã rẻ của những người tổ chức đưa đường. Bước sóng ở cửa biển ngắn nên ghe xuồng nhảy tưng tưng như miếng ván do ai đó cầm đập xuống mặt nước. Tàu lớn, ở cửa biển, được thắp đèn sáng đón hành khách lên. Tưởng chừng moi việc dễ dàng êm xuôi. Ngờ đâu, tài công chánh và công an trên tàu lại rời tàu, trở vào đất liền với ý định đưa thêm người ra hôm sau. Không hiểu họ có đoán khí tượng theo kiểu dân gian hay thời đó không có dự báo thời tiết chính xác? Đêm đó, bão ập đến. Trên tàu chỉ còn một phó lái tàu, tay nghề yếu. Mà chữ ” tàu lớn” mang nghĩa tương đối: lớn so với cái ghe từ sông rạch ra. Đối đầu với sức mạnh của thiên nhiên thì ” cá mập” của đoàn anh tôi chỉ là” cá lia thia”. Sóng đánh mạnh làm vỡ hầm tàu, nước tràn vào tàu. Tài phó một mình tả xông hữu đột : hì hục lấy máy bơm nước ra, loay hoay hoay dùng dầu chai dán đắp lại những chỗ vỡ của tàu . Rồi tài phó không đủ thiện nghệ để lèo lái con tàu nữa. Tàu trôi giạt theo những cơn sóng và đến sáng thì tấp vào một cù lao. Sau này anh tôi biết đó lá cù lao xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Mọi người trên tàu nhảy xuống biển bơi vào bờ. Một số người không biết bơi thì ôm thùng nhựa thay cho cái phao. Mạnh ai nấy bơi, mạnh ai nấy chạy ” TỰ DO” theo một hướng vô định. Khi đặt chân lên bờ, các thuyền nhân không biết họ đang ở đâu, chỉ biết là có ” ủy ban đón tiếp” (comité d’accueil) gồm những lính canh phòng với khẩu súng lăm lăm đang chờ đón. Bản năng sinh tồn khiến anh tôi bỏ chạy thật nhanh, theo sau là một thiếu nữ cùng đoàn tên Yến. Vì mỗi người mỗi hướng chạy nên công an không bắt kịp một lượt được. Anh tôi và chị Yến chạy về hướng đồng lau sậy. Cọng lau cao che cho hai người. Chạy đến một đoạn, anh tôi chạm phải ánh mắt của một nông dân ngồi gần đó. Anh này đưa tay lên miệng ra dấu cho anh tôi giữ im lặng. Anh và chị Yến ngồi sụp xuống, bất động. Các công an lúc này vẫn tiếp tục lùng sục. Họ tiến đến đồng lau sậy , vừa hưa hưa khẩu súng, vừa là lớn ” Tao thấy tụi bây rồi đó. Chui ra mau, không là tao bắn liền nghe!”. Hoảng hốt, chị Yến tính chồm dậy ra nộp mạng. Anh tôi nhanh tay nhấn đầu chị xuống và giải thích ” Tụi nó bịp đó” (bluffer). Quả vậy , sau một lúc rảo rảo quanh đó, hai nhân viên canh phòng bỏ đi. Hai kẻ đào tẩu nằm yên thở phào trong đồng lau sậy cứu tinh. Đến trưa thì anh nông dân nọ đi ngang qua cạnh hai người đang trốn và nói nhỏ” Anh chị ở đó đi , khi đêm xuống, tui sẽ ra đón anh chị”. Y lời hẹn, anh ấy trở ra bằng ghe. Hai người thiếu may mắn nắm mỗi người một bên thành ghe, thân mình trầm trong nước. Ghe kéo họ về bến tàu khách của cù lao Tân lập. Để cảm tạ ân nhân hai anh em biếu anh kia một chiếc nhẫn vàng. Người đàn ông từ chối. Thi ơn bất cầu báo, anh ấy chỉ xin đừng khai báo với chính quyền là đã được anh ấy giúp đỡ, sẽ là thảm họa cho anh. Lòng nhân đạo, sự tử tế của một người dưng cho phép anh tôi giữ được niềm tin ở cuộc đời .

Sau vụ ski nautique sans skis đó thì anh tôi và chị Yến phải tụt quần áo ra vắt cho khô. Anh tôi phải quay mặt về hướng khác để chị Yến thoát y! Rồi cả hai chui vào ổ rơm nằm. Hai anh em run cầm cập vì “đói rét”, dans le plein sens du terme ! Ở bến tàu khách đó, cách một ngày có một chuyến chở dân xã Tân Lập vào đất liền. Đêm đó là đêm có chuyến tàu chạy. Lên tàu, chị Yến ngồi trên mui, anh tôi nằm ở đuôi tàu. Đói mệt, anh tôi ngủ thiếp đi. Bỗng cảm nhận có cái gì đó đâm vào be sườn, anh tôi mở mắt ra, hướng mắt xuống hông nơi có một họng súng chỉa vào. Anh tôi chầm chậm đẩy cái nhìn từ họng súng lên đến mặt người cầm súng. Phản ứng tự nhiên, anh tôi liếc nhẹ lên phía mui tàu. Như đoán được sự bận tâm của anh tôi, công an nói ” Tui bắt bả rồi!”. Vẻ mặt, giọng nói của Thiều, Yến đã tố giác họ bởi khác biệt với người dân địa phương. Một giờ sáng 12/12/1980 , anh tôi và chị Yến bị bắt. Công an dẫn bộ họ về nhà của xã đội trưởng. Trời tối đen như mực, đường sình lầy trơn trợt, hai tù nhân đi chân không, thế nhưng công an ” cẩn trọng ” cứ dí mũi súng vào lưng anh tôi đẩy tới. Lẽ nào, mới có vài năm dưới chế độ mới mà nhân viên canh phòng này đã thấm nhuần lời của Mao Tse Toung ” Chaque communiste doit assimiler cette vérité : le pouvoir est au bout du fusil”. Đến nhà xã đội trưởng, ông này mở cửa bước ra với nón cối trên đầu vào giờ đêm khuya khoắt. Một chi tiết lạ lùng không kém phần khôi hài mà anh tôi nhớ mãi! Phải chăng cái ” mũ bộ đội” ấy là biểu tượng của chức vụ ông trưởng đội của xã như cái lon của quân hàm trên vai quân phục tuy không oai phong bằng? Hay đó là nón connecté ( nối kết thông minh) cho phép ông trưởng suy nghĩ đúng đường lối cộng sản? Có nghĩa là áp dụng chính sách và không suy nghĩ gì như Frédéric Joliot -Curie nói ” Je suis communiste parce que cela me dispense de réfléchir”. Xã đội trưởng lên lớp giáo dục một lúc. Anh tôi quá mệt, mắt sụp xuống, đầu cứ gục lên gục xuống. Thất vọng vì anh tôi ko đủ sức nghe bài thuyết giảng của ông nên xã đội trưởng gọi vợ đem hai ” tấm đắp” ra (từ nguyên văn của ông ta) và chỉ tấm ván tre cho hai kẻ phạm pháp ngủ đêm. Khi mở mắt ra, anh tôi thấy cánh cửa nhà mở rộng và ánh sáng rọi vào nhà. Anh tôi, phản xạ tự nhiên , quay sang nhìn chị Yến. Chị không ngủ được, đã thức và ngồi dậy từ lâu bên cạnh anh tôi. Chị hiểu cái nhìn của anh tôi và cho thông tin” ngắn gọn ,thỏa đáng”: ” Nó ngồi trước cửa đó”. Tuy vậy, phải trả lại cho César cái gì của César : xã đội trưởng còn chút nhân đạo, sai vợ nấu cơm cho hai tù nhân ăn. Anh tôi ăn một lúc sáu chén cơm với cá kèo. Chị Yến ngạc nhiên là trong tình huống căng thẳng ấy mà anh tôi vẫn nuốt được. Anh tôi nói ” Không biết ngày mai dành gì cho mình.Cứ sống hôm nay đi”. Quả vậy, đó là bữa ăn “thịnh soạn” nhất trong vòng một năm rưỡi sau đó.

Sau bữa ăn, xã đội trưởng giải anh tôi và chị Yến lên công an xã. Đến nơi , anh tôi gặp một anh bạn trong ban tổ chức của đoàn. Anh này bị bắt trước anh tôi vài tiếng. Họ cho những người bị bắt ngồi trong một cái sân. Đàn ông bị trói tay bằng dây chuối ngâm nước. Không may anh tôi và bạn anh ngồi cạnh một phụ nữ có con nhỏ. Không biết mụ ấy bị bắt vì tội gì.

Đứa nhỏ trên tay khóc um sùm đòi sữa mà cơ quan hành chánh không biết tìm đâu ra thứ chất lỏng dinh dưỡng phổ biến đó! Thế là mụ ấy chửi toáng lên không kiêng nể ai. Không đập được con đàn bà to mồm, những tên canh gác bèn tóm lấy anh tôi và bạn anh, đẩy vào phòng, đóng cửa chốt lại mặc cho bên ngoài chị bạn đồng hành đập cửa kêu gào vì nghi hai anh sẽ bị hành hung.Những thằng canh gác chỉ độ 16 hay 17 tuổi, vì bực tức mụ kia hay muốn thị uy mà chúng đánh anh tôi và bạn anh cách vô cớ. Đánh như thể trút thù hằn gì lên hai người. Chúng dùng báng súng đập vào người anh. Có lần anh tôi cố giữ thăng bằng và đưa chân lên đỡ. Nghi là hai anh biết võ, chúng điên tiết đánh sung hơn. Những trận mưa đòn xối xả bổ xuống hai anh. Sau đó, đổi thể loại đánh, chúng chọc mũi súng vào người cho đau điếng.” La cruauté est un geste de servitude car elle atteste que la barbarie du régime oppresseur est encore présente en nous”, Jean Jaurès.Sau trận mưa đòn, họ giải lên trại tạm giam Cần Giuộc. Phương tiện di chuyển là đôi chân trần, ko giầy dép và động cơ là mũi súng của gả thanh niên đại diện chính quyền! Đàn ông vẫn bị trói tay bằng dây chuối ngâm nước. Đến đoạn cầu khỉ dài chừng mười mấy thước. Phía dưới là dòng nước cạn khô trơ đá. Không được cởi trói, hai người đàn ông , nghệ nhân hát xiệc bất đắc dĩ, cố giữ thăng bằng qua cầu. Sợ hãi đến toát mồ hôi và đến khô rát cả cuống họng. Đi ngang quán nước mía, tù nhân xin được uống nước và hút thuốc. Chắc công an giải tù cũng khát và cần nghỉ ngơi nên chấp thuận. Em trai bán quán hỏi công an về tội phạm của ba người bị bắt và nhận được câu trả lời gọn lỏn” Trốn ra nước ngoài”. Em bán nước mía không biết có lập trường chính trị gì không, chỉ biết em bàng quang trước đau khổ của người khác và vô tư nghêu ngao ” Saigon ơi, ta đã mất người trong cuộc đời!”.

Sau cùng , trong điều kiện khó khăn và thô sơ đó, cuộc áp giải tù lên trại tạm giam Cần Giuộc vẫn ” thành công tốt đẹp” ( lối nói mãn nguyện của người cộng sản trong các buổi họp).

Lúc này họ mở trói cho tù. Nhưng dây chuối, nở do ngâm nước rồi khô teo lại do nắng nóng, cắn vào thịt ở cổ tay các người tù. Cấp trên hò hét cấp dưới ,phán lệnh mở trói, các em thừa lệnh bai bải cộc cằn bắt tù đứng im không nhúc nhích để thử cắt dây chuối. Tất cả đều là improviser, không biết luật pháp thì có khác gì hơn chăng?! Họ loay hoay, vừa dùng dụng cụ để cắt dây chuối, vừa là lối ỏm tỏi. Kết quả là khi hai tay của tù nhân được ” tự do” thả lỏng thì đã bị thương đổ máu bầm dập.

Khi vào trại, tù cũ tung hê tù mới. Đa số là tù vượt biên nhưng cũng nhiều loại tội phạm khác. Mọi người ngồi trong nhà có mắc cáo như bầy khỉ bị nhốt trong chuồng. Họ bị đối xử chẳng khác gì súc vật.Đến giờ cơm, các tù nhân ngồi bệt trên nền đất xung quanh một tấm bạt nhựa với độ sạch sẽ đáng nghi ngờ được trải thẳng xuống nền đất. Nhà bếp đem nồi cơm đến và đổ thẳng cơm lên tấm bạt nhựa đó và đổ muối xả bên cạnh. Quên đi mọi thủ tục vệ sinh thường thức, vất bỏ đi mọi codes de bonnes manières, mọi người chồm bò người ra, vươn thẳng cánh tay , thò những đầu ngón tay dơ bẩn bốc một nắm cơm, chấm muối xả, đút vào họng. Cứ thế họ ăn trong im lặng. Họ cũng không dám nhìn nhau , có lẽ vì họ sợ phải nhìn thấy mình qua hình ảnh của người đối diện. Bữa cơm thiếu chất nhân bản ấy là prélude của một giai đoàn lao tù với cấp độ đày đọa tăng crescendo. Trại giam này có phòng giam cho nam riêng, nữ riêng . Diện tích phòng giam chừng 9m2 cho mấy chục người. Mỗi người ngồi bó gối trên một chiếu cói. Trong phòng có một thùng đựng phân thay cho nhà vệ sinh. Đêm đầu anh tôi khát quá, men ra nhìn sang phòng giam phụ nữ. Anh tôi gõ vào mắc cáo, xin nước. Chị tù nhân lén lấy chai nước đến cạnh mắc cáo nơi anh tôi đứng nhưng không đưa chai sang được. Anh tôi bèn quỳ mọp xuống, ngửa đầu lên, chị kia đưa cổ chai qua lỗ mắc cáo, rót nước vào miệng anh tôi. Anh tôi uống hết cả chai nước. Trong phòng giam thì họ thay phiên nhau, cứ mỗi giờ có hai người đứng cầm nệm cói phe phẩy cho khỏi muỗi để những người kia được chợp mắt. Hệ thống nước để làm vệ sinh ở phòng giam anh tôi chỉ dành cho người khỏe mạnh. Ai cần nước thì đến đó hút nước bằng miệng, từng ngụm. Nếu cần một ca hay một chậu nhỏ thì cứ hút từng ngụm vào miệng rồi phun vào ca hay chậu. Hút đến nổi hết hạch cổ lên thì đủ nước rửa cái mặt! Họ cũng làm cách đó để lấy nước nấu cháo cho những người bị đánh gãy hết răng, không ăn nổi cơm. Không lạ gì khi mọi người trong đó đều ghẻ lở.

Nhưng cái khổ chưa đến đỉnh điểm. Sau đó, anh tôi và các bạn tù được giải lên nhà tù trung tâm tỉnh Long An, ty chấp pháp. Rồi sau cùng họ vào trại cải tạo lao động. Tù nhân được đưa ra gầm cầu Long An, lên tác rán (ghe). Họ đưa tù về huyện Mộc Hóa (Kiến Bình), ở chấp Bồn bồn, cách chừng 7 km. Đó là một vùng ngập nước hoang sơ gần biên giới Campuchia, chỉ cách Saigon chừng 100km. Ghe gỗ chở tù đóng kín mít. Công an ngồi trên mui ghe. Đến nơi, “nhận phòng”: mỗi người một giường tre nhỏ, không phẳng, cây tre đâm vào người. Rệp là thú cưng (animal de compagnie). Vệ sinh là zéro! Công việc của tù nhân là đào đất để đưa nước vô rừng tràm. Đất đào lên thì kéo về làm vườn trồng khoai mì. Mỗi sáng họ mặc bộ quần áo bằng vải bố bao gạo. Vùng đó có mùa nước nổi. Trong ba tháng đó, cứ ra khỏi trại là tù nhân trầm mình trong nước, lội chung với vô vàn rắn nước để đến điểm làm việc. Có chỗ nước cao , cán bộ quản công trẻ không biết bơi , cần ôm thùng nhựa để nổi . Trường hợp đó, cán bộ giao súng cho anh tôi, anh giơ tay để súng qua đầu lội qua. Cán bộ lớn thì được chống xuồng đi canh gác. Phương tiện lao động cũng thô sơ không kém gì phương tiện di chuyển. Chỉ giản dị với cây cuốc , họ phải đào những hố dài 6m, ngang 2m sâu 1m. Cán bộ dùng từ ” mở hộc”. Có khi họ được lệnh đào sâu xuống 1,7m. Khi đào xuống sâu, nước tràn ra, phải xắn đất cách dò dẫm (à l’aveugle). Có người, vì thế,tự giáng cái cuốc vào chân. Một tuần đào đất sáu ngày. Chủ nhật thì nhổ cỏ. Tù nhân lấy hết sức bình sinh làm việc. Cán bộ canh quản thì luôn miệng chửi bới . Chuyện người tù bị cán bộ đánh bể đầu, dập lá lách, xùi bọt mép là chuyện hằng ngày. Ấy là không kể đến những tại nạn lao động. Tôi chợt nghĩ đến những người xây kim tự tháp thời xưa hẳn là vất vả. Nhưng các nhà nghiên cứu nghiệm thấy những kiến trúc ấy đều có tính toán khoa học. Nhiều thế kỷ sau , những kỳ quan ấy vẫn là niềm tự hào của dân tộc Ai cập, vẫn thu hút các nhà khảo cổ và du khách thế giới. Ở cuối thế kỷ 20, những người tù ở Mộc Hóa cũng bị cưỡng bức lao động vất vả y như thời các Pharaons, và dụng cụ vẫn thô sơ. Dường như chẳng có bài tính nào cho công trình nên kỳ quan để lại vẫn là. . . rừng tràm!

Tuy bị đối xử tàn nhẫn, nhưng không phải ai cũng đánh mất nhân tính. Anh tôi rất cảm kích bởi sự tử tế của một số bạn tù. Họ yêu thương, đùm bọc, quan tâm tới nhau. Chữ ” đùm bọc” ở đây bao hàm nghĩa tinh thần nhiều hơn vật chất. Bởi mọi người đều thiếu đói. Họ chia xẻ với nhau những lương thực do gia đình thỉnh thoảng được gửi vào. Có anh bác sĩ nọ không hề ăn ngọt mà dặn vợ nấu chè trôi nước gửi vào tù vì biết anh tôi thích. Anh tôi ăn một lúc 16 viên trôi nước do hiền thê của anh bạn mang vào! Anh cũng dặn vợ mua thuốc chữa bệnh cho anh tôi. Trong trại tù không có cả những thuốc để trị các bệnh thông thường.

Trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt đó mà anh tôi và các bạn đồng tù cũng vượt qua được. Hết hạn tù, anh tôi và những người cùng sắp được rời trại bị triệu tập nghe cán bộ dặn dò. Câu nhắc nhở quan trọng nhất được lập đi lập lại là khi ra trại, phải nói với mọi người là mình đã được đối xử tử tế ở trong trại cải tạo lao động.

Từ Mộc Hóa về Saigon chỉ độ trăm cây số. Thế mà mọi người phải lênh đênh hai ngày mới về tới Saigon. Thời đó ít chuyến xe đò và buổi tối xe khách không được vào thành phố. Giờ giấc xe đò rất vô chừng (aléatoire), biết giờ đi chứ ko biết giờ đến! Do đó xe chạy về tới thành phố trễ, Saigon bị đóng cửa thì khách xuống xe , ngồi bờ đường tại chỗ chờ sáng.

Anh tôi tường thuật lại kinh nghiệm thương đau với đầy đủ chi tiết về ngày giờ, nơi chốn và tên người. . .Tuy anh đã khép trang kỷ niệm đầy ác mộng đó lại để tiến bước về phía trước nhưng trí anh vẫn bảo tồn cuộn phim đó ( có lẽ ngoài chủ định của anh tôi ). Chỉ có điều giọng kể của anh có phần neutre , anh chỉ trình bày diễn biến chứ không biểu lộ hỷ , nộ, ái, ố. Tuổi đời đem lại cho anh triết lý sống bình tâm hơn. Anh hài lòng giữ sự tự do trong suy nghĩ ( faute de liberté d’expression!). Anh tôi , sau này đã có dịp tham quan nhiều bến cảng ở các nước và không phải thoi thóp sống lại kỷ niệm của bến đò quận 8. Anh không phải cúi gầm mặt đi lủi tới trước như “ngày đó” . Trái lại anh đã có dịp thư thả tản bộ và ngước mắt ngắm ” l’or du soir qui tombe” và ” les voiles au loin descendant vers Harfleur” của Victor Hugo khi đi Normandie. Anh và tôi đi bộ , TỰ DO, hàng giờ ở các port de plaisance. Đôi khi những chiếc ferry đi ngang baie de Saint Malo cũng không làm anh tôi chạnh lòng nhớ tới ” tàu cá mập ” ở Cần giuộc nữa. Những chuyến bateau mouche và những kiến trúc tuyệt đẹp hai bên bờ sông Seine đã chiếm chỗ lớn hơn trong ký ức anh. Hình ảnh anh cùng con gái anh vui bước chân sáo tiến ra biển viếng thăm kỳ quan mont Saint Michel như một sự trả thù cho lần anh chạy xấc bấc trên bãi biển Cần giuộc. Những lần thư thả bước lên tàu du thuyền ở vùng vịnh Morbihan đã đem lại cho anh sự bình tâm vui vẻ. Vào một buổi chiều, khi thủy triều xuống anh tôi cùng con và cháu cao hứng, rời intra-muros của Saint Malo để tung tăng chạy bộ băng ra cù lao nhỏ, nơi có ngôi mộ của văn hào Chateaubriand. Anh được sống tự do nhưng hài hòa với thiên nhiên, khí tượng thời tiết, không bị cảnh bão ” bất ngờ” ập xuống hay nước ” bất ngờ ” dâng lên . Rồi những chuyến du thuyền ở các bến bờ tự do khác đã giúp anh có cách nhìn về quá khứ cách dể dãi hơn. Sau cùng thì anh cũng hưởng được thiều quang của tình yêu, của gia đình và của cuộc đời . Giờ đây với tâm hồn thanh tịnh hơn, anh đã trình bày vùng nhiễu động của giai đoạn đó như một áng mây đen thoáng qua trong cuộc đời.

Thu Châu

9 thoughts on “THIỀU QUANG”

  1. Đọc câu chuyện vượt biên bị bắt đi tù khổ sai của anh Thiều Quang, mình cảm thấy quá hãi hùng. Cám ơn bạn Thu Châu đã chia sẻ. Cầu chúc cho anh và gia đình luôn được an vui và sức khỏe 🙏

    1. Cám ơn chị Như Hòe đã đọc bài viết dài thượt của em về kỷ niệm một chặng đường đời. Có lẽ đó là giai đoạn mà vô vàn biến cố hãi hùng vẫn in đậm dấu ấn trong tâm trí người Việt cho đến bây giờ.

  2. Bài viết thật hay, thật cảm động. Cám ơn Thu Châu đã thay lời anh trai mình kể lại những gian nan của chuyến vượt biên năm nọ. Gởi lời chúc anh ấy luôn an yên, và nhất là mãi giữ được tính cách của riêng mình, an nhiên tự tại dù bao biến cố khó khăn xảy ra trong đời.
    Sắp đến 30 tháng 4, anh cũng sẽ cố gắng viết một bài để kể lại chuyến vượt biên từ Đà nẵng đến Nhật bản của mình.

    1. Cám ơn anh Hiền. Em đón đọc bài anh Hiền sắp viết. Rất cần thiết ghi lại những biến cố ấy vì em nghĩ đó là những mảng dấu tích nhỏ của lịch sử chính trị xã hội và gia đình. Riêng em rất thích đọc biographie.
      Anh Hiền viết nhiều bài rất hay với chủ đề variés intéressants lắm.

  3. Hôm nay mới đọc hết bài. Cảm ơn Thu Châu chia xẻ câu chuyện rất hay. Đọc và xúc động vì nhớ chuyến đi của mình bị bão lớn nên mới được tàu Na Uy vớt. Đến bây giờ cũng chưa hết sợ biển cả.

    1. Cám ơn Sương. Đi chơi về mệt và bận mà vẫn đọc bài. Vô tình C nhắc lại kỷ niệm vượt biển đầy sợ hãi của Sương. Sorry! May mà các anh chị ca sĩ Nguyễn Hiền gửi những bài hát du dương thơ mộng để bù lại những sự tường thuật hãi hùng của C.

  4. Những nỗi khốn khổ của vượt biển thì làm sao mà quên cho được nhưng không vì vậy mà anh của Châu đã mất đi “ánh sáng đẹp” trong cuộc đời. Tên và tính người vẫn hài hòa. Cảm ơn Châu đã chia sẻ một câu chuyện thật đầy tình tiết và cảm xúc, hay lắm Châu ơi!

    1. Em cám ơn chị Hân đã để nhiều thì giờ đọc bài em viết và valider. Em không từng sống kinh nghiệm vượt biển , chỉ nghe anh Thiều kể mà em bức xúc quá nên thấy cần ghi lại.

  5. Cảm ơn Thu Châu, con nuôi Nguyễn Hiền viết bài hay lắm. Mới đi chơi xa về bận rộn chưa đọc hết. Nhưng bạn của mình viết đương nhiên là hay rồi 😄

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *