Thuyền Viễn Xứ

Đã lâu lắm rồi tôi chưa nghe lại Thuyền Viễn Xứ, một ca khúc bất hủ nói lên nỗi lòng ly hương của những người dân Bắc di tản vào Nam khi đất nước chia đôi. Phạm Duy đã phổ nhạc cho bài hát này từ bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ Huyền Chi. Sáng nay rụt rè hát theo, tôi chợt chạnh lòng nhớ lại mười mấy ngày thấp thỏm chờ trên căn gác nhỏ thấp li ti ở một làng hẻo lánh của tỉnh Châu Đốc, giáp giới với Cambodia. Tôi và những người cùng chuyến đợi ngày lễ đến, khi Việt Nam và Cambodia mở rộng cửa biên giới để người dân hai bên được qua lại buôn bán, vui chơi vài ngày. Từ Cambodia giữa khuya 15.1.1980, một đêm không trăng sao tối như mực đó, chúng tôi đã lén lút hồi hộp run rẩy xuống thuyền ra khơi.

Gọi là thuyền thì thi vị hóa quá. Thực ra thuyền đây chỉ là một chiếc ghe chạy bằng máy đơn sơ, dài chưa tới 10m, chiều ngang 3-4m. Đủ để ai náy hoang mang sợ hãi cho tính mạng của mình, không hiểu làm sao chiếc ghe nhỏ bé mong manh này có thể đưa 56 người đến được bến bờ tự do? Anh tài công là người Campuchia, không hề biết một câu chữ tiếng Việt. Anh ta chỉ có vỏn vẹn một can xăng xơ cua, một cái la bàn cũ kỹ, một hộp đồ nghề thô thiển và một ánh mắt không kém phần lo lắng cho chính bản thân mình. Nhưng cái giá của hai chữ tự do lớn hơn mạng sống của con người quá nhiều trong giai đoạn nhiểu nhương, khốn khổ, đau thương đó của quê hương mình!

Biển của tháng một năm đó khá ấm và lặng nhưng chúng tôi đâu ngờ trước được những hãi hùng của ba ngày tới lênh đênh giữa biển trời. Phải chăng màn đêm “tối như mực” đó đã là một điềm báo cho những đói khát trắc trở tối tăm chờ đợi chúng tôi? Ba anh em tôi đã lần lượt ra khơi ba chuyến khác nhau trong năm 1980 định mệnh đó. Tôi tiên phong tháng một, anh Thắng tháng năm và út Sương tháng chín. Cái trải nghiệm đầu đời không có cha mẹ một bên ở tuổi non trẻ này đã trở thành ngã rẽ cuộc đời quan trọng nhất của anh em tôi. Nó đã nắn anh em tôi thành con người khác, có lẽ mềm tâm hồn nhưng mạnh và dẻo dai tinh thần.

Tháng tư hoài niệm 2023
Ngọc Hân

Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Ðà Giang thuyền qua xứ người

Thuyền ơi viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng chiều mưa ngàn về

Nhìn về đường cố lý
Cố lý xa xôi
Ðời nhịp sầu lỡ bước
Bước hoang mang rồi

Quay lại hướng làng
Ðà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc tuyết sương
Mong con bạc lòng

Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người

Mịt mờ sương khói lên hương
Nụ thùy dương rũ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường

 

8 thoughts on “Thuyền Viễn Xứ”

  1. Cám ơn Hân đã chia sẻ. Cuộc ra đi viễn xứ nào, trong bối cảnh nào, cũng mang khắc khoải đến cho người đi.
    🙏

    1. Đúng vậy Hoè. Viễn xứ là chia ly mà. Ra đi trong hoàn cảnh nào, phương cách nào cũng đem lại ưu tư trăn trở hết.

  2. Cám ơn Hân đã chia sẻ một bài thơ của nữ sĩ Huyền Chi đã được phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. Đây thật sự mãi mãi là tiếng lòng của những người ly hương. LP nhớ hoài những buổi sáng sớm ở trại tỵ nạn nghe loa phát thanh đọc danh sách của những người được lên đường đi định cư ở đệ tam quốc gia cùng với bản nhạc “Thuyền Viễn Xứ” để tiễn đưa người đi làm lòng mọi người rưng rưng bùi ngùi cho số kiếp tha hương.
    Âu cũng là số phận mà những người đã chấp nhận đổi mạng sống để tìm tự do và đã bước lên những con thuyền định mạng ra đi. Họ sẽ suốt đời lênh đênh trên mọi bờ bến của cuộc đời… và lòng thì luôn hoài nhớ và hướng về quê cha đất tổ… Mặc dầu là những người mang thân phận tỵ nạn, tha phương cầu thực nhưng họ luôn cầu mong quê hương được luôn bình yên… vì nơi đó là quê hương, là nơi đẹp nhất trong lòng của những người mang kiếp tha hương…

    1. Vậy mà lâu nay LP không hát Thuyền viễn xứ hè. LP làm Hân nhớ cái cảm giác bồn chồn lo lắng mỗi ngày bên trại tị nạn. Chờ thuyền mới nhập trại để tìm người thân, người quen. Chờ thư nhà, bạn bè. Chờ ngày được phỏng vấn để rời trại định cư … Một khoảng đầu đời không bao giờ quên được!

  3. Cám ơn Hân đã chia sẻ chuyện vượt biên ngày xưa của mấy anh em nhà Hân. Phải nói là thế hệ tụi mình chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi quá. Mới lớn đã phải xa gia đình, đó là không kể đến biết bao hiểm nguy chờ đón trên đường vượt thoát cái gọi là “thiên đường xhcn”. Nghĩ lại chặng đường ấy vẫn còn ám ảnh bởi nỗi lo sợ. Mấy chị em nhà Hiền cũng đi làm 3 đợt cách nhau vài tháng. May mà đến được bến bờ tự do hết.

    1. Đánh đổi mạng sống và tuổi trẻ cho tự do, tụi mình như là lớp gạch trải đường để hi vọng đời con cháu tránh khỏi những gập ghềnh phải không. Cảm ơn Hiền, bạn khác ghe nhưng viễn xứ cùng năm!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *