Tuổi Biết Buồn

Đằng sau một bài hát thường là một câu chuyện mà ít nhiều người nhạc sĩ đã gởi gắm. Và đằng sau một người hát bài nhạc đó, đôi khi còn chứa đựng cả câu chuyện riêng không dính dáng gì đến câu chuyện của tác giả cả. Cám ơn người hát và người kể.

*********************

15 tuổi. Con bé vẫn còn ham theo mấy cô bạn cùng lớp nghịch ngợm những trò chơi con gái. Sau giờ học cả đám hay rủ nhau đạp xe ghé nhà đứa này, đứa kia “tám” dăm ba câu chuyện tếu vui rồi cùng ôm bụng cười ngặt nghẽo. Con gái mà tụ tập lại đôi khi còn phá hơn cả đám con trai cùng lứa nữa. Nàng nghĩ vậy. Có hàng quán vặt ngon tiếng tăm nào ở cái thành phố nhỏ này mà nhóm bạn con bé chịu bỏ qua. Chè, bánh nậm, bánh bèo, bánh ướt, bún, gỏi khô bò, cốc, xoài, ổi… Ôi đủ cả. Chỉ mới nghĩ đến chúng thôi mà vị giác, khứu giác con bé đã muốn bừng dậy.

15 tuổi cô bé vẫn còn đang vui với chúng bạn quanh mình. Vậy đó mà không hiểu sao có những lúc chỉ một mình, tâm hồn cô man man một nỗi buồn tiếc nuối. Cô bé thẫn thờ, ngẩn ngơ nhận ra tuổi thơ mình đang lặng lẽ trôi qua cho dù hàng phượng trong sân trường mỗi mùa hạ đến vẫn tươi màu đỏ ối. Cả nhà, ba me, anh chị hay chọc nàng đang tuổi dậy thì. Me còn nói, hồi xưa thời ba me, 15 tuổi con gái đã có người mang trầu cau đến dạm hỏi. Cô bé mắc cỡ giãy nảy giận bỏ cả cơm chiều. Mình qua cái tuổi bé con rồi sao. Cô bé tự hỏi…

Có những buổi chiều cô bé đứng trước hiên nhà nhìn ra ngoài. Cô trông ngóng. Cô chờ tiếng máy xe quen thuộc của anh ấy. Tiếng chiếc honda nổ vang dồn giã như niềm vui reo trong lòng cô bé. Anh là bạn thân học cùng lớp với anh hai nàng. Anh hay đến chơi với anh hai từ thời vừa vào lớp 6 Phan Chu Trinh, tính ra cả 5 năm nay rồi. Cả nhà cô bé mặc nhiên xem anh như người thân gia đình. Thỉnh thoảng anh còn ở lại dùng cơm sau khi cùng làm bài, ôn tập với anh hai khá trễ. Vài năm trước, cô bé còn xem anh như anh trai nàng, vẫn hay theo hỏi những điều vớ vẩn trẻ con mà mình thắc mắc. Những lúc hai anh cùng tập đánh đàn, tập hát thì cô bé cũng chẳng thích thú tham gia. Cô có biết chi mô những bài hát mà hai người bạn say mê ngân nga tới lui cả buổi.

Vậy đó mà qua tuổi 15, cái dáng cao gầy, giọng nói mang âm hưởng quảng nam thân thân của anh dần trú lại trong cô bé với một vị thế khác, quan trọng hơn, gần gũi hơn. Bây giờ cô không còn muốn mình là “bé con” như cách anh hay gọi đùa nữa, cô bé lớn rồi. Cái tiếng “bé con” đó làm cô bé bực bội với anh ra mặt. Cô bé muốn anh đối xử với mình “công bằng” như những cô bạn cùng trang lứa mà anh và anh trai nàng hay đề cập đến.

Nhớ một lần đến chơi lúc anh hai không có nhà. Anh hỏi có muốn tập hát không anh đàn cho. Chao ôi cô bé mắc cỡ quá. Thuở giờ cô thi thoàng hát thầm thì vài câu cho chính mình nghe chớ đâu dám nghêu ngao vang cho thiên hạ. Anh bảo vẫn hay để ý khi cô bé hát nho nhỏ.

-Anh thấy “bé con” có chất giọng hay mà. “Bé con” thử đi, không khó lắm đâu.
Cô bé nghĩ ngợi một hồi rồi bạo dạn nói:
-Anh hứa đừng gọi em là “bé con, bé con” nữa thì em mới hát.
Anh phá ra cười:
-Trời, tưởng chuyện gì! Làm chuyện nhỏ nhít như vậy để nghe giọng cô bé hát mà anh không nghe lời sao được.
Anh cười cười nói tiếp:
-“Bé con”. Ý quên. Xin lỗi. Hi hi. Ngọc hát cho anh nghe nha!

Vậy là thu hết can đảm cô bé cất giọng theo tiếng đệm đàn thanh thoát của anh. Khúc nào, chữ nào không đúng anh kiên nhẫn sửa cho. Cuối cùng cô bé cũng tàm tạm hát được cả một bài nhạc tương đối dễ theo của Trịnh Công Sơn.

“Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng”

Vâng. Em đang nghe mùa thu trôi qua và để lại chút sầu trong nắng. Như anh đang để lại trong em một nỗi buồn xôn xao khi vừa tuổi 15. Anh nào biết. Cô bé muốn nói với anh.

Năm cô bé 16 tuổi, học lớp 10. Anh lớp 12 và đang chuẩn bị thi tú tài. Năm thi nên anh lui tới ôn bài thường xuyên hơn. Cô bé vui khi được nhiều dịp gần gũi với anh. Những cử chỉ ân cần thân mật từ anh khiến cô biết anh cũng mến mình. Lòng cô vui rộn ràng. Một lần nhà vắng, anh bất ngờ đến bên cô bé thầm thì nói, “anh thích bé lắm”. Cô hoảng quá, giả lả làm ngơ như không nghe, không thấy gì hết. Anh có vẻ buồn. Những lần gặp sau anh ít nói hơn mọi khi.

Gần đến cuối năm. Một lần anh hai vắng nhà, có anh đến nên me nhờ chở cô bé đi chợ mua hoa quả về cúng tất niên. Lần đầu tiên được ngồi sau lưng anh trên chiếc xe honda, cô bé lóng ngóng không biết vịn tay vô đâu cho khỏi té. Anh cười nói:

-Ôm cứng ngang bụng anh đi. Ngọc mà té rơi giữa đường thì cả nhà bắt đền anh đấy.

Cô bé ngượng nghịu vòng tay ôm hờ. Nhưng những lúc ngang qua chỗ đông đúc xe cộ, cô bé sợ quá đành phải ôm chặt hơn.

Cô vô chợ mua hoa quả, anh ngồi ngoài đợi. Trên đường về có vẻ anh cho xe chạy chầm chậm hơn. Thật bất ngờ khi gần đến nhà anh nhè nhẹ nắm lấy bàn tay cô bé. Hoảng hồn, cô muốn rụt tay về nhưng rồi nghĩ sao lại chần chừ. Cô phân vân. Vậy là bàn tay vẫn để yên đấy. Một cảm giác xôn xao reo vui nhè nhẹ dâng lên tâm hồn. Cô bé không cưỡng lại được, ngả đầu tựa nhẹ vào vai anh. Bên tai cô nghe tiếng thì thầm anh nói thương mình nhiều. Con đường về nhà nay sao ngắn quá đỗi…

Cô bé còn nhớ thời gian đó phong trào nhạc trẻ của miền nam nở rộ. Những ca khúc mới không còn đậm nét tiền chiến nữa mà ảnh hưởng âm nhạc âu mỹ nhiều hơn. Lứa tuổi nàng lớn lên bên cạnh những bài hát ngợi ca tình thương, tin yêu tuổi trẻ đầy tươi vui và lãng mạn. Cô bé thấy dường như bao quanh mình những rộn ràng hạnh phúc bởi mối tình đầu đang ươm tơ lớn dần.

Buồn đã tới rồi, một buổi sáng mưa rơi
Mưa đã cuốn mây về dĩ vãng xa vời
Ôi những bước chân chim có nhớ vườn hồng
Nhớ khung cửa song, và còn nhớ tới em không?

Một lần được nghe bài Tuổi biết buồn do cô ca sĩ Thanh Lan hát làm cô bé thích quá. Ca khúc này được Thanh Lan mang sang dự thi ở đại hội nhạc POP quốc tế Tokyo Nhật bản năm 1973. Cô bé tự nhủ sẽ nói anh ấy tập cho mình hát bài này khi anh có thời gian hơn. Cô bé biết anh và anh hai đang bù đầu ôn thi. Lỡ thi rớt tú tài phải đi lính thì khốn. Vậy mà cô chẳng có dịp nào hát Tuổi biết buồn cho người mình thương nghe cả. Vậy mà đã 50 năm Tuổi biết buồn mãi trôi theo dòng đời.

Tết năm 1975 là cái tết cuối cùng của một Đà nẵng quen thuộc mà trí nhớ cô bé còn giữ lại. Biến động chiến tranh, đất nước đổi thay. Sau tết, cuối tháng ba cô theo gia đình lên tàu biển di tản vào nam. Những ngày cuối cùng của Đà nẵng cảnh tượng thành phố hỗn loạn. Những người lính Cộng hòa từ Quảng trị, Huế phía bắc, Quảng Ngãi, Quảng Nam phía nam tràn vô. Tiếng súng vang rền sợ hãi. Bên bờ biển Tiên Sa nơi gia đình cô bé đợi lên tàu cảnh tượng còn khủng khiếp hơn nữa. Tiếng đạn pháo đến từng hồi, những thân người chết, bị thương nằm la liệt. May mắn, cuối cùng gia đình cô bé cũng đến được Sài gòn bình yên.

Hôm trước khi gia đình cô bé rời Đà nẵng, mặc dù thành phố đang trong cơn hỗn loạn anh vẫn đến nhà hỏi thăm. Anh nói gia đình anh cũng dự định di tản vào nam. Anh hẹn sẽ tìm gặp cô bé khi đến nơi.

Vậy mà vào đến Sài gòn cô bé vẫn chẳng thấy bóng dáng anh. Ngày nào cô bé cũng lang thang xuống bến tàu, rồi đi hỏi những người quen từ Đà nẵng vào. Tất cả đều vô vọng. Chắc có lẽ gia đình anh không kịp chuyến tàu cuối rời bến. Cô bé tha thẩn một mình, buồn muốn khóc.

Nhưng cô có biết đâu, những ngày đó anh vẫn còn kẹt lại ở Đà nẵng. Khi nghe tin có rất nhiều người chết bên bờ biển Tiên Sa, xác người chở về chất đầy bệnh viện Giải Phẫu. Anh và dì cô bé đã vào bệnh viện lấy hết can đảm lật từng cái xác để xem có người trong gia đình cô bé không. Không nhận diện được ai, anh yên tâm hơn và thầm mong gia đình cô bé đến nơi bình yên.

Rồi Sài gòn cũng thất thủ. Nán lại một thời gian, gia đình cô bé về lại Đà nẵng.
Việc đầu tiên khi về đến nơi là cô bé đến nhà tìm anh ấy. Mừng mừng tủi tủi khi gia đình anh vẫn còn ở đó. Anh cũng ôm lấy cô bé cảm động ứa nước mắt. Thôi thì hoàn cảnh có thay đổi gì đi nữa mà có nhau cũng là hạnh phúc. Anh nói với cô bé vậy. Những đổi thay rồi cũng qua đi, miễn chúng ta sống tốt thì ở chế độ nào mình cũng được thanh thản.

Vài hôm sau cô bé nghe anh báo tin, vì ba của anh là sĩ quan trong chính phủ miền Nam nên theo quy định phải đi học tập cải tạo. Mùa hè đó, anh cùng anh hai cô bé dự kỳ thi gọi là thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau 75 chính quyền mới không còn gọi là thi tú tài nữa. Kỳ thi năm đó của tụi anh có lẽ là kỳ thi tú tài đặc biệt nhất của nền giáo dục miền Nam còn sót lại. Vì nó diễn ra quá âm thầm lặng lẽ. Chẳng ai màng để ý đến. Có kết quả đậu xong, hai người bạn chẳng nghĩ đến chuyện thi vô đại học nữa. Mỗi người xin làm công nhân ở một cơ sở tư nhân mà cô bé không tài nào nhớ tên nổi. Một năm sau, phần vì ở thành phố cuộc sống ngày càng quá khó khăn, cộng thêm muốn ba anh sớm được về đoàn tụ nên gia đình quyết định đi “kinh tế mới”.

Hôm trước khi rời khỏi Đà nẵng anh rủ cô bé đi lòng vòng thành phố. Ghé vào quán nước. Hai đứa nói chuyện nhiều. Cô bé vừa khóc vừa nói không biết bao giờ được gặp lại nhau. Anh an ủi và tặng cho cô bé chiếc vòng ngọc đeo tay màu nâu hổ phách, cùng lời hứa. Anh hứa thỉnh thoảng sẽ trở về thăm. Vậy mà cả mấy năm sau anh mới trở lại. Nhìn dáng anh gầy guộc, xanh xao không còn như ngày xưa, cô bé xót muốn khóc.

Thời bấy giờ cuộc sống ngày càng khó khăn, nhất là những gia đình bên thua cuộc như nhà cô bé. Vật chất thiếu thốn đã đành còn thêm chuyện phân chia thành phần lý lịch khiến bao gia đình khốn đốn. Ước mơ cơm đủ no, áo lành để mặc đã là chuyện khó, huống gì mơ nghĩ chuyện tương lai xa vời. Ai cũng chỉ biết sống cho hiện tại.

Ngày anh trở về Đà nẵng, tình dành cho nhau vẫn đầy. Nhưng chuyện đến với nhau lúc bấy giờ đâu phải chỉ quyết định ở hai đứa. Xã hội rối rắm thì những suy nghĩ hơn thiệt là điều đương nhiên trong suy nghĩ mỗi người. Anh hai cô bé biết được chuyện hai đứa thì không bằng lòng. Anh sợ em gái mình khổ. Anh hai nói nhà mình mang cái lý lịch “ngụy” rách bươm mà còn cộng thêm lý lịch của gia đình anh nữa thì hết đường sống. Với vai anh cả trong gia đình anh hai cản trở hai đứa đến với nhau. Vậy là đành chia tay.

Vài năm sau cô bé nghe gia đình anh không còn ở vùng kinh tế mới nữa. Ba anh được thả về, cả nhà dọn đi lập nghiệp ở một thành phố vùng cao nguyên. Rồi thời gian sau cô bé lấy chồng, cuộc sống bận rộn để lo cho gia đình con cái khiến cô ít còn dịp thảnh thơi nghĩ đến anh.

Một ngày tháng 9 cô bé nhận được tin qua anh hai cho biết anh không còn nữa. Một cơn bạo bệnh đã cướp lấy anh. Cô bé nghe buồn rủ cả người. Cô tìm chỗ vắng ngồi khóc tấm tức. Những yêu thương của mối tình đầu, những kỷ niệm bao năm chôn giấu hiện về.

Buổi chiều hôm đó cô bé lấy xe đi qua con đường có căn nhà cũ của gia đình anh. Cô dừng lại trước nhà, thầm thì cầu nguyện cho linh hồn anh ra đi thanh thản. Nơi anh đến sẽ là chốn bình yên không còn những khổ đau nuối tiếc.

Buồn đã tới rồi, một buổi sáng mưa rơi
Mưa đã cuốn mây về dĩ vãng xa vời
Ôi những bước chân chim có nhớ vườn hồng
Nhớ khung cửa song, và còn nhớ tới em không?
Buồn đã tới rồi, cả một trắng đêm khơi
Tình đã hoen màu vàng cả tóc mây ngời
Ôi những mối dây tơ đã rối mù rồi
Oan tình đầy vơi mở rộng lưới giam bao người

Cô bé thầm thì hát vài đoạn trong bài Tuổi biết buồn. Bài hát một dạo đã làm xôn xao những con tim mới lớn. Bài hát mà cô bé định hát tặng anh năm xưa, nhưng rồi hoàn cảnh thay đổi để chẳng bao giờ thực hiện được. 50 năm, giờ đây những lời thầm thì của cô, bóng dáng của cô nơi căn nhà cũ biết đâu lại chẳng được anh nghe và nhìn thấy!…

Buồn đã biết rồi từ thuở biết thương yêu
Tình sẽ lớn dần và buồn sẽ thêm nhiều
Mang những vết thương đi trong cõi tình dài
Ôi tuổi buồn ơi! Tuổi còn mãi theo ta hoài
Ôi tuổi buồn ơi! Tuổi còn mãi theo ta hoài

Tháng 9 mùa thu lá chớm vàng trước ngõ. Em đang “mang những vết thương đi trong cõi tình dài”. Tháng 9 năm này em đã không còn anh trên cõi đời này nữa. Em không biết nơi anh đang đến hình dung ra như thế nào? Và con đường để anh đến nơi đó có bình yên phẳng lặng hay không? Em hay nghĩ, phải chăng về cõi chết cũng giống như mình đang chơi vơi bay trong một giấc mơ. Một giấc mơ không bao giờ tỉnh lại. Có giấc mơ nhẹ nhàng đẹp đẽ thì cũng có những giấc mơ buồn khổ đau đớn, tùy theo căn cơ thiện ác khi một con người sống trên thế gian. Giấc mơ dài anh đang có là một giấc mơ thanh thản bình yên, vì có bao giờ em thấy anh nở làm cho ai buồn, ai đau đâu! Anh sống quá hiền lành kiểu một con chiên thuần ngoan đạo. Chỉ có người khác làm anh lụy khổ mà thôi. Và em còn tin thêm giấc mơ của anh đang có là một giấc mơ hạnh phúc, vì có em đang hát Tuổi biết buồn ru anh ngủ giấc ngàn thu. Em giữ lời hứa của mình, biết bao giờ em quên anh!

Ngọc

3 thoughts on “Tuổi Biết Buồn”

  1. Hai chị hát hay quá! Giọng trầm buồn, hợp với bài hát và rất nhịp nhàng! Mối tình thuở học trò có vẻ như nhẹ nhàng nhưng qua giọng văn của chị, em cảm nhận được những rung động sâu sắc mang theo trong tim suốt cuộc đời. Cám ơn chị đã chia sẻ.

  2. Hãy cho là mình may mắn có được những tình cảm đẹp để lưu giữ. Có những người không có được những cái may mắn đó. Vào những năm tháng đó thì hầu như gia đình nào cũng tan nát.
    Nhà thơ NCT có viết:

    “Nếu nhân loại mọi người đều biết
    Cọng Sản là gì, tự nó sẽ tan đi
    Thứ sinh thành từ ấu trĩ ngu si
    Sư hiểu biết sẽ là mồ hủy diệt”

  3. Cám ơn chị đã chia sẻ. Biến cố 1975 đem lại cho miền nam buồn nhiều hơn vui nhất là trong những thập niên 80’s và 90’s. Nhắc lại là buồn!

    Chuyện tình “cô bé” xót xa.
    Thuyền không bến đổ lời ca thêm sầu.
    Làm sao quên được tình đầu.
    Mong anh chị nối nhịp cầu kiếp sau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *