Đà Nẵng nơi phố Bellaire

Ngôi nhà trên đường Greenleaf Lane.

Cách xa trung tâm thành phố Houston 30 phút lái xe về phía nam, hướng ra biển. Trong ngôi nhà trên đường Greenleaf Lane, một bữa tiệc hội ngộ ấm áp. Nói là tiệc hội ngộ cho xôm tụ chớ ngoài vợ chồng chủ nhân ngôi nhà, còn lại là một cô giáo trường cũ chúng tôi và vỏn vẹn sáu vị khách học trò tóc cũng đã hóa râm. Có lẽ đúng hơn đây là một gặp gỡ để toàn nhắc lại những kỷ niệm thời Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền, Đà nẵng. Một thời xa tít.

Ngôi nhà của Tường Vi và phu quân (anh Đạt) trông thật khang trang. Đường vào nhà hai bên sắp hai hàng cổ thụ xanh thắm. Đằng sau có khu vườn xinh xắn với những cụm hoa đầy màu sắc. Ngôi nhà mang dáng dấp một chút gì đó vừa cổ kính vừa nên thơ lãng mạn. Nhìn những gốc cổ thụ quanh nhà, tôi đoán chừng chúng phải đến cả vài chục năm tuổi. Quả thật vậy, nữ chủ nhân ngôi nhà cho biết gia đình dọn đến đây đã hơn 30 năm, khi khu phố này vừa mới cất xong. Từ đây đến NASA (cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ), nơi cô bạn làm việc chỉ mất 10 phút lái xe. Tôi nói với Tường Vi, “Đây là con đường đưa Vi đi lại mỗi ngày để gắn kết những vì sao cô đơn trên bầu trời”. Cô bạn cười khúc khích, vui theo câu tôi ví von đùa. Hơn 40 năm với một công việc ổn định, nhưng đã có hơn 30 năm gia đình bạn ngụ trong căn nhà này. Những lập lại đi-về mỗi ngày trên một đoạn đường quen thuộc. Tôi chắc rằng cô bạn chúng tôi phải yêu nơi này lắm để gắn bó đến chừng ấy quỷ thời gian.

Đang giữa mùa đông, nhiệt độ Houston vẫn luôn trên con số 60F. Nếu so với thời tiết miền đông bắc nơi tôi ở bây giờ thì quá ấm áp. Đi thăm bạn mùa này, ngoài cái cớ tìm lại thân tình, cũng là dịp để vợ chồng tôi trốn cái lạnh, trốn giá tuyết mùa đông trên ấy.

Thưởng thức tô bún thịt nướng tuyệt ngon với mùi rau thơm, rau quế lẫn vị ớt cay nồng. Nhìn quanh những người bạn đang cười nói, những người của một thời Đà nẵng. Tôi tưởng chừng mình đang ngồi giữa một bàn tiệc nơi quê nhà, vẫn vậy, một Đà nẵng bao năm chưa hề thay đổi. Bằng ký ức, chúng tôi cùng nhau rảo bước trên những con đường thân thuộc, đi qua những dãy phố thân quen, tìm về những căn nhà bè bạn. Trên đường Phan Chu Trinh, gần chùa Nguyên Thủy nơi có phòng mạch bác sĩ Trương Đình Trí (*) thân sinh của Tường Vi. Cách đó không xa, khu vực Ngã Năm, có nhà thuốc ‘gác” Ngã Năm nơi mẹ bạn là dược sĩ. Ai đã từng gắn bó với Đà nẵng mà không biết đến khu vực buôn bán sầm uất này. Riêng tôi nhớ Ngã Năm với những cửa hàng bánh tiêu, giò cháo quẩy, mì tàu, chè sâm bổ lượng của mấy “chú ba” một thời ì xèo mình thèm thuồng khi ngang qua.

Trên con đường Hùng Vương nối dài, đoạn gần rạp cine Trưng Vương có tiệm chụp hình Photo Uyên nổi tiếng của cô bạn Quỳnh Anh ngồi trước mặt tôi trong bàn tiệc. Quỳnh Anh cho biết, đó là nơi làm ăn của gia đình, riêng nhà thì nằm trên đường Thống Nhất. Đà nẵng mình hồi đó có khá nhiều tiệm chụp hình, dường như tất cả tên hiệu đều bắt đầu bằng chữ Photo. Ngoài Photo Uyên còn có Photo Lê Hậu, Photo Huỳnh Sau, Photo Tân Mỹ…

Nhắc đến cửa hiệu chụp hình hồi đó là tôi nhớ ngay đến những tấm hình chân dung thiếu nữ làm mẫu đặt ngay trước cửa tiệm. Dĩ nhiên toàn là những nàng xinh đẹp. Tôi thắc mắc hỏi Quỳnh Anh:

-Có phải hình chân dung người mẫu trước tiệm ảnh nhà là của Quỳnh Anh hay ai đó trong gia đình?

Cô nàng cười xòa trả lời:

-Không phải đâu. Hồi đó em cũng không để ý là hình của ai cả. Chắc là của một cô nào đó một lần ghé chụp hình, thợ trong nhà thấy đẹp nên treo vậy thôi.

Tôi thắc mắc hỏi:

-Vậy nhà có trả tiền bản quyền cho cô người mẫu không?

-Em không nghe nói gì cả. Chắc là không.

Có người bạn nêu ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình khiến cả bàn cười theo:

-Hồi đó ở Việt nam khái niệm về bản quyền hình ảnh chắc ít ai để ý đến. Hi hi. Có khi được treo hình chân dung của mình trước hiệu ảnh là một đặc ân, một hãnh diện cần phải bị trả “phí” tháng nữa là khác!

Song song với đường Phan Châu Trinh là đường Nguyễn Tri Phương, đoạn qua khỏi rạp cine Trưng Vương là nhà của anh bạn Nguyễn Thanh Đức ngồi kế bên tôi. Nghe nói ba của Đức, ông Nguyễn Rô, nguyên là Giám đốc Thông tin Dân vận vùng 1 chiến thuật. Sau 1975 bị đi tù “cải tạo” của mấy ổng một thời gian khá lâu. Chị của Đức là Thanh Hà cùng lớp tôi thời TTGD Nguyễn Hiền. Kế bên nhà của Đức còn có hãng sản xuất xì dầu Vĩnh Hưng của gia đình anh Giang Xương Dân, cũng học cùng lớp tôi.

Đi khá xa, về hướng bãi biển Thanh Bình, số 30 Cao Thắng có bảo sanh viện Tê Rê Xa của gia đình Bích Liên. Một nơi mà ai ở Đà nẵng thời đó đều biết đến, vì chuyện sinh đẻ dĩ nhiên là chuyện quá hệ trọng trong mỗi gia đình.

Hơn chục năm trước, lần đầu gặp lại nghe tôi nói là nhận ra Bích Liên ngay, cô ấy không tin. Tôi không quên Bích Liên vì hai lý do, cô ấy vừa là con của nhà Tê Rê Xa tiếng tăm, vừa là em gái của anh bạn Vinh cùng lớp mình. Vã lại, dường như tôi có trí nhớ tò mò khá tốt với những câu chuyện đời thường lẩm cẩm. Cô bé Bích Liên một thời tóc xoăn, nước da ngăm đen hay cười chạy loanh quanh trong trường…

Riêng ông bạn thân thời chung lớp Trần Phước Hà thì căn nhà trên đường Lý Thái Tổ làm sao tôi quên. Tôi đã đến đó biết bao lần. Nơi ấy bạn tôi đã bày ra bao trò vừa vui vừa hoang phá. Tôi và vài người bạn khác đâm ghiền đến nhà Trần Phước Hà mỗi cuối tuần. Những trò vui thuở nhỏ được nhắc lại. Nhớ mãi căn nhà lầu cao tầng, trung tâm chuyên về điện lạnh của gia đình bạn, kế bên là ngôi chùa Chiêu Ứng có chiếc cổng vào uy nghiêm bề thế.

Tôi nói vui, nhà tôi ở đường Ông ích Khiêm, nhà anh bạn Hà ở Lý Thái Tổ đều năm vòng ngoài trung tâm thành phố. Chúng tôi đã tự nguyện làm nhiệm vụ bao bọc, bảo vệ an ninh nhà các bạn mình ở trung tâm. Cho đến cuối tháng ba năm 75, các bạn chạy hết, chỉ còn mấy ông bảo vệ ở lại chịu đựng những năm tháng khốn khó đổi đời. Hơn chục năm sau hai thằng tôi mới chạy thoát!

Đà nẵng của những năm trước 1975. Có biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu hình ảnh đáng nhớ. Mỗi một nhắc nhỡ là một gợi nhớ. Có người trong bàn tiệc vừa nhắc đến tên một hiệu sách nào đó, thì cả đám thi nhau đếm từng tên khác. Nào là Lam Sơn, Sông Đà, Lê Thanh Tuân, Vinh Sơn, Bạch Đằng (anh Trần Công Uẩn), Ngày Mới, Ngày Mai, Song Yên (vợ chồng cô Hạnh, thầy Joel), Văn Hóa… Nhắc đến nhà may à! Có ngay những Elegant, Bảo Toàn, Danh Tiếng… Nhà thuốc tây thì có nhiều lắm, ai mà không có lúc trái gió trở trời cảm mạo cần tìm đến một hiệu thuốc nào đó gần nhà? Ngã Năm, Trung Nguyên, Tân Việt, Cầu Vồng, Chợ Cồn, Sông Hàn, …

Còn rạp cine? Chuyện này thì quá hấp dẫn với chúng tôi. Nhớ những ngày có phim hay vừa mới trình chiếu, tôi và mấy ông bạn dám liều lĩnh nhảy rào “cúp cua” đi xem cho bằng được. Đà nẵng hồi đó có Trưng Vương chuyên “trị” phim kiếm hiệp mới ra mắt, Kim Châu và Lido chuyên về phim cao bồi miền viễn tây Hoa kỳ, Kinh Đô thì hay chiếu những phim tây thuộc loại tình cảm ướt át. Rồi Chợ Cồn toàn chiếu những phim cũ thập niên 60 nhưng rất hay, giá vé lại rẻ rề. Tôi với ông bạn Vương văn Bình hay rúc vào đây coi phim cao bồi hay thần thoại Hercule thời La mã. Riêng rạp Kim bề thế tân tiến nhưng xui xẻo, chỉ ra mắt một thời gian ngắn rồi bị đình chỉ vì quá gần trường Nữ tiểu học, sợ ảnh thưởng không tốt đến các em học trò. Sau 1975, Kim được cho mở cửa lại để chiếu phim “cách mạng”. À, cũng phải nhắc đến rạp hát Hòa Bình chuyên diễn tuồng hát bội, hồ quảng nữa chứ! Nhớ mỗi lần đi ngang qua, trước rạp dựng những tấm pano đầy màu sắc, mặt người tô điểm sơn phết sặc sỡ tôi thấy sờ sợ sao ấy.

Riêng chuyện về những quán cà phê ở Đà nẵng thì tôi xin đếm khá đủ. Những Thiên Nga, Lộng Ngọc, Quỳnh Châu, Crystal, Paloma, Danube, Mộng Hoàng… Một thời hoang đàng mình mãi la cà đốt thời gian với mấy ông bạn đáng quên 😊

Khi viết những dòng này thì tôi đang cố nhớ lại tất cả, nhưng làm sao nhớ hết được. Mong các bạn có đọc bài này thì xin nhắc dùm người viết nhé! Viết dưới comment. Mong lắm.

Dưới phố Bellaire

Chiều sẩm tối. Sau khi chụp hình kỷ niệm ngoài trung tâm vũ trụ NASA, chúng tôi kéo nhau qua phố Bellaire, định ghé vào hàng chè tráng miệng. Chợt có người nói thèm bún chả cá, cả nhóm quyết định chìu theo. Nhưng cuối tuần tiệm có tên “Bún Chả cá Đà nẵng” đóng cửa hơi sớm. Tiếc quá, chụp hình kỷ niệm trước cửa tiệm rổi kéo qua tiệm bánh canh tôm cua kế bên.

Thật tỉnh thì tôi không phải là “môn đồ” của trường phái ẩm thực bánh canh. Hình như trong suốt khoảng đời biết vô tiệm kéo ghế hiếm hoi lắm tôi mới lỡ kêu một tô bánh canh. Tôi chỉ khoái hai món ăn dạng sợi có chan nước là mì quảng và bún bò huế. Một món đặc sản đậm đà quê tôi, một món là cô láng giềng mỹ miều thành phố kế bên. Cũng đúng thôi, từ khi sinh ra đến lớn lên tôi đã thường ngày thấy chúng ngay trước mặt mình mà. Với tôi, phở thì ngon nhưng rườm rà với những tái, gầu, nạm, chín…nghe đã rắc rối. Hủ tiếu, mì vắt thì cũng ngon nhưng sặc mùi ngũ vị hương thuốc bắc của mấy chú ba, tôi không chuộng. Còn bánh canh trông đơn giản làm sao, chỉ hai con tôm, vài miếng thịt, nước lèo trong trong, gắp lên sợi mì lõng bỏng trơn muốn tuột khỏi đũa ngay. Theo vào tiệm bánh canh, không vui nhưng đâu dám than với mấy o Nguyễn Hiền. Cứ ước gì mình có một tô mì quảng trước mặt, bún bò huế cũng được.

Rời quán bánh canh. Chia tay ra về, nơi bãi đậu xe tôi nán lại nói chuyện với cô Phạm Thị Lập. Thật ra thời TTGD Nguyễn Hiền tôi không có dịp học lớp cô giảng dạy. Sau này sang Mỹ tôi có gặp cô vài lần ở Hội ngộ cựu học sinh Quảng Đà. Tôi đắn đo ngỏ lời:

-Thời đi học Nguyễn Hiền em được nghe câu chuyện buồn của cô, nhiều lần em muốn viết một bài ngăn ngắn nói lên cảm xúc của mình mà lại ngại. Sợ chuyện riêng tư sẽ làm phiền đến cô. Vậy tiện gặp đây em xin phép cô nhé!

Cô giáo trường tôi hiền lành nói ngay:

-Không sao đâu. Em cứ tự nhiên viết lại bằng cảm nhận của em.

Cô nói thêm:

-Từng là cô giáo dạy văn cô cũng biết, đôi khi cũng cần tô điểm chút gì đó văn vẻ cho bài viết thêm sống động. Dĩ nhiên chuyện thật thì cần giữ nguyên nội dung chính là được rồi. Phải không em?

-Dạ. Cám ơn cô. Về lại nhà em xin phép gọi điện thoại nói chuyện với cô nhiều hơn.

-Thỉnh thoảng cứ gọi cho cô. Cám ơn em quan tâm đến cô.

Trong tôi, hình ảnh đậm nét của cô hơn 50 năm trước là một cô giáo rất trẻ vừa đổi về TTGD Nguyễn Hiền. Cô thường mặc áo dài đen, đầu vẫn còn vấn khăn trắng để tang cho người chồng vừa tử trận. Một sĩ quan binh chủng Thủy quân lục chiến. Dáng cô buồn, cô hay đứng thơ thẩn dưới gốc phượng già trong sân trường. Tôi cảm nhận được những gì rất buồn, rất đau đớn trong bóng dáng ấy. Tôi từng xúc động theo. Bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ mãi…

Từ giã

Bellaire tối thứ bảy, hơn chín giờ mà phố vẫn còn sầm uất. Hàng quán hai bên được đèn vẫn còn thắp sáng trưng. Chia tay những người bạn TTGD Nguyễn Hiền. Cám ơn Tường Vi và anh Đạt, cám ơn cô Lập và những người bạn đã cho vợ chồng tôi một gặp gỡ và những thân tình khó quên…

Tuần sau, thứ năm vợ chồng tôi bay về lại Boston. Trên đường ra phi trường, ngang qua phố Bellaire. Tôi chợt nhận ra nơi đây có nét gì đó rất gần gũi, rất thân quen của Đà nẵng mình. Rải rác vài cửa hiệu mang theo tên Đà nẵng hay gợi nhớ chút gì về nó. Nào là Ocean Đà nẵng quán, Bún Chả cá Đà nẵng, hay tiệm uốn tóc với tên Lê Nẫm… Thỉnh thoảng vào một nơi nào đó tôi còn được nghe những câu nói với âm hưởng “quảng nôm” thân thương mà hiếm nơi đâu hải ngoại có được. Trên xe, nhìn ra ngoài trời đang lấm tấm mưa, tôi như thấy lại một Đà nẵng nhạt nhòa qua khung cửa kính.

Nghe nhiều người có dịp về thăm bên nhà nói Đà nẵng bây giờ đẹp và lớn hơn xưa nhiều. Tôi cũng tò mò đi tìm những tấm hình về nó trên mạng internet. Quả thật Đà nẵng giờ này khác đi nhiều lắm. Đường xá rộng rãi hơn, chằng chịt hơn, nhiều tòa nhà cao ngất ngưởng. Nhưng rõ ràng nó không còn cái dáng vẻ thoáng đãng dễ chịu như trước nữa. Biết rằng có sự thay đổi nào mà không cần phải xóa bỏ đi những vướng víu quá khứ. Làm sao tránh được? Nhưng ít nhiều mình vẫn cảm thấy bùi ngùi thương tiếc! Tôi nhớ có một nhà văn nào đó viết đại ý rằng: Thời gian có thể làm tấm ảnh cũ của một thành phố trở nên xấu xí đi trong con mắt nhiều người. Nhưng thời gian đôi khi cũng làm nó trở nên đẹp tuyệt vời hơn trong mắt của vài người. Tùy theo tầm nhìn, cách nhìn, và nhất là có bao nhiêu ký ức đẹp mà bạn đã được gửi lại từ nơi ấy! Tôi yêu và quý những tấm hình Đà nẵng năm tháng cũ. Những tấm hình có tôi và chúng bạn đi qua bao tháng ngày.

Boston, một ngày đầu tháng ba, 2024.
Trương Hữu Hiền

*Bác sĩ Trương Đình Trí: nguyên Giám Đốc Bệnh Viện Toàn Khoa Đà nẵng và Thanh Tra Y Tế vùng 1 Chiến Thuật.

 

Một vài hình ảnh trong mini reunion Houston.

This slideshow requires JavaScript.

 

 

8 thoughts on “Đà Nẵng nơi phố Bellaire”

  1. HH nhớ hay quá, đọc bài viết hình dung được những khu phố hồi xưa. Thành hồi học Blaise Pascal có một thằng bạn tên Vinh, ba má nó có một bảo sinh viện, tóc nó hơi quăng, nó hiền lắm, lúc đổi qua TTGDNH thì không học chung. Hồi đó cứ tưởng nó đổi trường. Không biết có phải Vinh trong bài viết của Hiền không.

    1. Đúng Vinh học lớp mình hồi nhỏ rồi đó Thành. Hiền còn nhớ Vinh thích sưu tầm những mẫu đồ chơi máy bay, và hay đem vô lớp cho bạn bè chơi ké 🙂 Hình như Vinh đang ở vùng Washington, DC Hoa kỳ.

  2. Chỉ cần một ly nước mía tươi ngon của phố Bellaire mà ngòi bút của Hiền ngọt ngào tình cảm hơn hẳn đó! Bài tường thuật thật sống động làm Hân tưởng như mình cũng được dự buổi họp mặt đầy tình thân của mấy cô trò. Hiền nhắc những con đường, góc phố, tiệm quán … của Đà nẵng ngày xưa mà nhớ quê nhà tới thắt ruột. Cũng có chút ganh tị đó nghe, lúc xưa Hiền với mấy ông bạn cùng lớp được la cà quanh phố sướng ghê. Hèn chi mà biết nhiều. Trí nhớ và vựa chuyện xưa của Hiền giàu quá, viết hoài mà vẫn cứ còn chuyện mới để kể. Phục lăn!

    1. Sau những chuyến đi xa thì Hiền mới rút ra kinh nghiệm, muốn viết chi thì phải cần những dữ liệu để tìm ý mà dàn trải. Ở nhà riết thì không biết viết chi đâu, dù có muốn cố gắng 🙂 Hân, Sương với chuyến đi Úc vừa rồi thì nợ trang nhà NH một bài viết đó nghe. Ngóng hỉ 🙂

  3. Cảm ơn Hiền đã lên bút chia xẻ với bạn bè cuộc họp mặt ngắn ngűi và thật nhiệt tình vừa qua ở Houston. Bao kỷ niệm và hình ảnh của những ngày sống ở DN được gợi lại. Nhớ mãi tuổi học trò dưới khung trường TTGDNH và những người bạn cùng trường. Dễ thương làm sao!

    1. Cám ơn vợ chồng Vi thật nhiều. Gởi tin khá trễ về chuyến đi Houston vừa qua, vậy mà bạn vẫn sắp xếp gọn gàng lịch trình cho hội ngộ NH lần này. Dù chỉ là nhóm nhỏ vài người bạn nhưng cũng đủ vui và thân tình. Hẹn gặp lại một ngày thật gần.

  4. Thank you anh Hiền chia sẻ cuộc họp mặt Houston ở Boston. Em đọc bài anh viết mà như là được có mặt trong nhũng ngày hôm ấy. Thank you anh.
    Em cũng vừa đi chơi PV với chị Tường Vi, Phong Lan, và Bích Liên về. Vui và dạt dào biết bao tình cảm. Rất cảm động khi được các chị welcomed cô em lớp 6, mà lanh chanh năn nỉ xin đi chơi với các chị. Rất nhiều cảm tưởng trong chuyến đi chơi vừa qua. muốn viết đề chia sẻ, nhưng hơi bị “pen block”, về nhà thì lại lu bêu đủ chuyện. Thôi để từ từ em cũng xin góp bàiI. Again, thank you anh Hiền for sharing ạ.

    1. Anh có nghe mấy chị kể về chuyến đi chơi PV của Đoan với mấy chị. Không những được xem hình ảnh vui nhộn nhảy nhót mà còn được nghe Đoan hát với Phong Lan nữa 🙂 Quá vui phải không? Anh ngóng bài viết của Đoan, cứ thong thả cho nó chín và mùi hơn 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *