Nơi Yên Nghỉ Của Một Linh Mục

Houston, sáng chủ nhật Quý đến đón vợ chồng tôi thật sớm. Trên đường đi anh ghé ngang phố Bellaire, nói muốn đãi chúng tôi một bữa ăn sáng với món cháo vịt Thanh Đa nổi tiếng. Thật tình tôi chưa bao giờ thấy một tô cháo vịt nào mà “hào sãng” như ở quán này, bưng ra là một tô cháo khá to cộng thêm một dĩa thịt vịt đầy ắp. Tô cháo thơm bốc khói, thịt vịt béo ngậy chấm nước mắm gừng ngon nhức đầu lưỡi. Bao năm, lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức một tô cháo đã đời như vậy.

Gia đình nhà vợ tôi biết Quý hồi mới rời Việt nam, cùng chung chuyến tàu vượt biển đi từ Cam Ranh và đến Nhật giữa năm 1979. Quý rời trại Okinawa, Nhật Bản khá sớm, chỉ sau sáu tháng vì có thân nhân ruột đã định cư ở Mỹ trước. Từ đó đến nay không biết tin gì về Quý cả. Bỗng một lần vợ tôi nói chuyện qua điện thoại với cô cháu dâu, và khám phá ra Quý có họ hàng gần với cô ấy. Vậy là thỉnh thoảng gọi thăm hỏi nhau, biết Quý đang ở thành phố Houston, tiểu bang Texas.

Trong chuyến đi Mỹ định cư đợt đó, ngoài Quý còn có anh Lương là một chủng sinh Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang. Hồi ở trại tị nạn, Quý và anh Lương ở phòng gần với gia đình bên bà nhà tôi nên khá thân nhau. Qua Mỹ, anh Lương tiếp tục con đường tu học để trở thành một vị linh mục Công giáo. Sau khi biết tin vợ chồng tôi qua Quý, anh Lương liên lạc thăm hỏi ngay, lại còn kết bạn trên mạng Facebook nữa. Qua phone anh cứ nhất định bảo tôi đừng gọi “cha” xưng “con” theo phép tắc Công giáo, cứ xưng “anh, em” cho thân tình. Cha Lương sinh cùng năm với tôi nhưng trước vài tháng. Vợ chồng tôi hẹn sẽ ghé thăm cha khi có dịp sang Houston thăm mấy đứa em dưới ấy.

Nhưng rồi bẵng đi một dạo khá lâu chúng tôi không nhận được liên lạc, cũng không thấy Cha tương tác trên Facebook thường như trước. Ngạc nhiên, nhưng tôi nghĩ chắc là Cha bận mục vụ, nhất là trong mùa dịch Covid công việc của một linh mục trong giáo xứ nặng nề hơn. Hỏi Quý thì anh cho biết quá lâu rồi cũng không liên lạc với Cha Lương. Quý nói trước đây Cha vẫn hay gọi phone nói chuyện với mình.

Nghĩ là Cha đổi số điện thoại, Quý vào trang mạng nhà của Giáo Phận Beaumont, Texas nơi Cha phục vụ để tìm lại. Nhưng thật bàng hoàng, anh đọc được từ một trang cáo phó cũ loan tin cha Gioan Baotixita Trần Quang Lương đã mất năm 2021. Quý gọi nói chuyện trực tiếp đến văn phòng Giáo phận thì được biết, nguyên nhân cái chết của Cha có nghi vấn do bị phản ứng quá nặng sau khi chích ngừa Covid. Thật là một tin quá buồn, vợ chồng tôi nghe mà không thể nào tin được. Mới liên lạc được với Cha đây, những lần nói chuyện qua phone, giọng Cha thật hiền, ân cần thăm hỏi gia đình tôi. Cầu Chúa cho linh hồn Cha được an nghỉ nơi nước thiên đàng.

Lược dịch tiểu sử của cha Lương đăng trên trang mạng Giáo Phận Beaumont:
Sau khi đến Mỹ, Cha Lương quyết định tiếp tục con đường tu học để trở thành linh mục. Cha hoàn tất môn Triết tại trường đạo Holy Trinity Seminary ở Irving, Texas năm 1985 và tốt nghiệp môn Thần Học tại trường St. John Seminary ở Boston, Massachusetts. Cha được thụ phong linh mục vào ngày 16 tháng 12, 1989 tại thánh đường St. Anthony Cathedral bởi Giám Mục Bernard J. Ganter. Cha đã mục vụ tại các nhà thờ Immaculate Conception, Liberty; St. Mary, Orange; St. Peter the Apostle, Groves; St. Charles Borromeo, Nederland; St. Joseph, Beaumont; và cuối cùng tại nhà thờ Our Lady of Sorrows ở thị xã China từ năm 1999 cho đến ngày qua đời. Linh Mục Trần Quang Lương, Thánh Danh Gioan Baotixita, đã kết thúc cuộc lữ hành trần thế vào thứ Hai, ngày 22 tháng 11, 2021 tại bệnh viện Christus St. Elizabeth Hospital.

Vậy là trong chuyến về Houston lần này, ngoài việc thăm gia đình mấy người em, vợ chồng tôi còn có chủ đích là hẹn với Quý đi thăm mộ Cha Lương.

Theo hướng dẫn của Google Map, thị xã China nơi Cha yên nghỉ cách trung tâm thành phố Houston hơn hai giờ lái xe. Trên đường đi Quý kể về cuộc đời của Cha Lương khi còn ở Việt nam.

Cha sanh tại Bình Thuận, trong một gia đình gồm 11 anh chị em. Năm 1975, Cha đang là một chủng sinh của Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang thì miền Nam mất. Hầu hết người thân trong gia đình di tản ra nước ngoài nhưng cha quyết định ở lại. Sau ngày đổi chế độ, chính quyền mới với chủ trương vô thần, đình làng-miểu xóm bị phá bỏ, chùa chiền-nhà thờ bị tịch thu hay cấm đoán hành lễ. Đại chủng viện Sao Biển cũng như những cơ sở tu học của các tôn giáo khác đều bị làm khó dễ. Tháng 6 năm 1979, Sao Biển bị tịch thu, các đại chủng sinh phải trở về với gia đình hoặc ra đời. Nhận thấy con đường tu học để trở thành linh mục không thể nào tiếp tục được, cha Lương với sự giúp đỡ của người thân đã tìm đường vượt biên. Vậy là trong chuyến ra khơi năm đó của Quý và gia đình nhà vợ tôi còn có chủng sinh Sao Biển Trần Quang Lương.

Thị xã tên China nằm về hướng đông nam tiểu bang Texas, có nhà cửa thưa thớt, dân số chỉ hơn 1.000 người. China trông như một ngôi làng quê giữa nước Mỹ hơn là một thị xã. Đường vào nơi đây vắng lặng, hai bên là những cánh đồng bạc ngàn. Vài con bò, con ngựa đang bình yên gặm cỏ. Rẻ vào con đường nhỏ, một ngôi nhà thờ gạch đỏ cũ kỹ. Khuôn viên nhà thờ không lớn lắm. Mặc dù ngày chủ nhật nhưng then cửa đóng kín. Có lẽ chúng tôi đến không đúng giờ thánh lễ. Chụp vài tấm hình trước khuôn viên nhà thờ. Ngay con đường vào nhà thờ có tấm bia khắc tên những vị linh mục chánh xứ gần nhất đã mất. Tên linh mục Gioan Baotixita Trần Quang Lương nằm ngay giữa bia đá. Ngài sinh năm 1958, mất 2021.

Chúng tôi hỏi một thanh niên đang lái chiếc xe cắt cỏ, đường đến nghĩa trang chôn cất Cha. Theo hướng dẫn của anh ta, Quý cho xe chạy một đoạn ngắn rồi rẽ vào con đường mòn. Nghĩa trang China Cemetery ở cuối đường. Nghĩa trang nhìn thật đơn sơ, nằm trên một khu đất bằng phẳng, không có hàng rào cũng như cổng ra vào. Những ngôi mộ cũ kỷ phần lớn nằm rải rác trong khuôn viên. Nhưng cũng có những phần mộ nằm cạnh liền nhau trong một khu đất, tên khắc trên bia cùng họ, có lẽ thuộc về một đại gia đình.

Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng thấy được nơi Cha Lương yên nghỉ. Một ngôi mộ với tấm bia còn khá mới, nằm ngoài bìa gần cuối khuôn viên nghĩa trang. Chúng tôi tìm được nhờ nhận ra tấm hình của ngài, tấm hình chụp hồi còn khá trẻ. Cha Lương cười rất tươi, gương mặt hiền hậu, đầu đội chiếc mũ kiểu đặc trưng cao bồi vùng Texas. Quanh mộ ngài đã có vài bó hoa tươi ai đó đặt sẵn. Quý đặt thêm bên cạnh mộ một bó hoa anh mang theo sáng nay.

Trong khung cảnh vắng lặng của một nghĩa trang vùng quê, giữa những phần mộ mà người nằm đó hầu hết là dân địa phương, lẻ loi một người Việt nam. Cha Gioan Baotixita Trần Quang Lương. Một cảm xúc nao buồn dâng trong tôi. Thương cảm nghĩ đến Cha, một người đến từ một đất nước xa xôi, bây giờ nằm lại đây. Trên đất khách quê người. Nhưng bên cạnh sự thương cảm đó, trong tôi còn dâng lên một niềm trọng kính trên đức độ hy sinh của ngài cho đạo, cho đời. Một hiến dâng không hề chọn lựa, ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Khoảng những năm sau tháng tư 1975. Khi phong trào vượt biên, vượt biển từ Việt nam dâng cao, trong số những người tị nạn bỏ nước ra đi có cả những tu sĩ, công giáo, phật giáo, cao đài giáo… Có ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh đất nước khốn khó như vậy mà một tu sĩ chẳng ở lại đồng hành cùng giáo dân, cùng người dân là điều không hay. Nhưng phải ở trong hoàn cảnh của họ mới biết được, chọn lựa ra đi là điều chẳng đặng đừng không dễ dàng gì. Một khi tôn giáo bị bức bách, nơi thờ phượng tín ngưỡng cũng chằng còn. Riêng bên Công Giáo, hầu hết các đại chủng viện đều bị đóng cửa. Các chủng sinh sống lêu bêu, không cả nơi nương náu huống gì là chốn để tu học. Họ phải chọn một con đường khác. Con đường gần nhất đến với lý tưởng phụng vụ của mình. Cha Lương đã chọn cho mình con đường ra đi năm đó.

Bây giờ thì việc tu hành trong nước có vẽ như thông thoáng hơn xưa. Chùa chiền, nhà thờ được xây nhiều, đẹp hơn. Trên một mức độ nào đó thì việc tu học tương đối ít bị ngăn cấm. Nhưng một thời cái quan niệm xem tôn giáo là thuốc phiện đầu độc con người cần phải dẹp bỏ vẫn còn đầy âm hưởng. Làm sao xóa hết được những dấu vết đó trong lịch sử xây dựng CNXH của nhà nước Việt nam đương hành.

Từ giã Cha Gioan Baotixita Trần Quang Lương, từ giã ngôi giáo đường nhỏ bé và cổ kính của thị xã China. Chúng tôi ra về, gửi lại nơi đây những bùi ngùi thương tiếc, một người anh cùng chuyến thuyền ra khơi vượt thoát năm nào, một vị linh mục đáng kính hết lòng cho mục vụ. Trên trang mạng nhà của Giáo Phận Beaumont mô tả Cha là một mục tử của Chúa hiền lành, vui tính, thích âm nhạc, ưa săn bắn, và nhất là hết lòng thương yêu giáo dân.

Xin hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita Trần Quang Lương vĩnh viễn được về hưởng tôn nhan Chúa.

Đường rời khỏi thị xã China. Buổi chiều nắng chưa tắt hẳn, chỉ vừa đủ nghiêng bóng đổ trên những cánh đồng. Tiếng chim hót tô điểm thêm cho khung trời bình yên một vùng quê nước Mỹ. Một nơi chốn quá xa quê nhà, nhưng là một nơi mà giờ đây sao chúng tôi thấy mình gần gũi đến vậy!…

Boston, giữa tháng Ba, 2024
Trương Hữu Hiền

4 thoughts on “Nơi Yên Nghỉ Của Một Linh Mục”

  1. Bài viết cảm động và ý nghĩa ghê Hiền! Cha đã từng tu học ở Boston, một chi tiết chắc làm Hiền Châu thấy thương quí gần gũi với Cha hơn nữa. Nguyện cầu linh hồn Cha đã được về với nước Chúa.

    1. Cám ơn Ngọc Hân cầu nguyện cho ngài. Lúc cha sang tu học ở Boston thì tụi Hiền chưa sang Mỹ. Nhưng quả thật nghe vậy cũng thấy gần gũi thêm.

  2. Cầu nguyện cho cha Gioan Baotixita Trần Quang Lương đã bước vào cuộc sống vĩnh Cửu về với Chúa. Sau một đời hiến dâng phục vụ, sứ mệnh của Cha đã chu toàn, xin Chúa đón nhận Cha trong tình thương của ngài. Amen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *