Đà Nẵng Cuối Tháng 3/75

Đêm một ngày cuối tháng ba, khó ngủ. Tự dưng cái bàn chân trái trở nên không “ngoan”, sưng táy nhức từng cơn. Uống một liều thuốc giảm đau. Rồi nằm loay hoay chuyển hướng suy nghĩ đến một câu chuyện gì đó cố dỗ lại giấc ngủ. Chuyện bây giờ thì toàn những lo toan “biêu bọng”, chán bỏ qua. Chuyện tương lai mờ mịt, để ý làm chi. Chỉ có chuyện quá khứ, dù là cái quá khứ thật xa nhưng sao lại rõ mòn một, lẩn quẩn hoài không dứt. Tháng ba năm 2024 quay ngược về tháng ba năm 1975, thiếu một năm là đủ tròn con số 50.

Cuối tháng ba năm đó. Tình hình Đà Nẵng đang thoi thóp. Bây giờ không phải chỉ là những tin rỉ tai đồn đoán bị bỏ lại. Những chiếc xe GMC chở lính sư đoàn dù đã rời thành phố, nghe nói họ được chuyển về bảo vệ phần đất còn lại theo dự tính của miền Nam. Thành phố tràn ngập những người tị nạn từ Quảng Trị, Huế, Tam Kỳ, Hội An… Trường học đóng cửa làm chỗ trú cho dân tị nạn. Từng tốp lính Thủy quân lục chiến, lính các Sư đoàn súng ống trên tay lang thang trên đường. Quần áo họ tả tơi, gương mặt bơ phờ hốc hác sau đợt rút lui bi thảm từ cửa biển Thuận an. Ban đêm từng loạt đạn pháo kích rót xuống phi trường, bến cảng và cả khu dân cư.

Chiều ngày 28 tôi đứng trên sân thượng nhìn xuống. Thành phố vẫn đông kín người hối hả chạy ngược xuôi. Tình cờ dõi mắt về hướng có đoạn đường rày xe lửa băng ngang, tôi thấy một người đàn ông lái xe gắn máy dừng lại, rồi loay hoay cuối xuống như tìm một vật gì. Bỗng đâu có một người đàn ông khác đi bộ đến gần rồi bất ngờ rút súng bắn. Người đàn ông ngồi trên xe ngã vật xuống. Người bắn vội vã rời đi. Lần đầu tiên trong đời thấy cảnh giết chóc ngay trước mặt mình, tôi hoảng hồn sợ điếng.

Phía chợ Cồn thỉnh thoảng vang lên từng loạt đạn. Không biết từ đám bạo loạn lợi dụng thời cơ giết người cướp của hay từ lực lượng bảo vệ còn sót lại. Một chiếc xe thiết giáp chạy về hướng chợ, trên xe có vị sĩ quan mang cấp bậc trung tá tay lăm lăm khẩu súng lục. Loa phóng thanh từ xe thiết giáp cảnh cáo sẽ bắn chết những kẻ xấu. Nghe nói người sĩ quan cấp tá can đảm đó là chỉ huy trưởng của Quân trấn Đà nẵng (?). Có lẽ đó là vị sĩ quan cao cấp quân đội cuối cùng còn ở lại với người dân trong “giờ thứ 25” của thành phố…

Mấy hôm nay vài gia đình trong xóm tôi đột nhiên biến mất. Vẫn còn những chuyến bay cuối cùng bay vào Sài gòn. Dưới bến Bạch đằng, bên cảng Tiên sa, bãi biển Mỹ khê đoàn tàu lũ lượt ra khơi. Tôi nhớ có buổi chiều, người cậu họ ghé lại tiệm buôn nhà tôi. Cậu thầm thì khuyên mẹ dẫn chị em tôi theo gia đình cậu xuống bến tàu di tản. Ba mẹ lưỡng lự vì em gái út tôi mới sinh. Vả lại, hàng hóa buôn bán vẫn còn chất đầy cửa tiệm. Ba mẹ tôi tiếc của. Một phần ba tôi tin rằng, “họ” có vào đi nữa thì mình cũng chẳng sao vì gia đình xưa nay chỉ biết buôn bán, không dính dáng đến chính quyền miền Nam. Và ba tôi có một người em tập kết ra bắc năm 1954. Dù sao cũng có người thân để dựa dẫm.

Cậu ôm mẹ nói lời từ giã. Khóe mắt mẹ rưng rưng. Giã biệt trong hoàn cảnh như bây giờ thì biết bao giờ gặp lại. Mà thật vậy, đến 20 năm sau ba mẹ tôi mới gặp lại cậu trên đất Mỹ.

Những ngày cuối cùng. Đà nẵng tựa một con bệnh đang trong cơn sốt vỡ da. Nó đang hấp hối. Nó cần một phép màu để đứng vững. Nhưng chẳng có phép màu nào đến như lời cầu nguyện của những người dân lành tội nghiệp. Chiều 29 tháng Ba, những chiếc xe tăng bộ đội miền Bắc tiến vào, thành phố ngậm ngùi đổi chủ…

Buổi chiều Đà nẵng mưa rả rích, tôi đạp xe xuống khu Ngã Năm trung tâm thành phố. Nghe nói lính bên kia đang hiện diện ở đó. Trước khách sạn Đông Phương, những người bộ đội trong quân phục xanh màu đọt chuối. Họ trông lạ hoắc, họ lạc lõng giữa rừng người tò mò đến xem. Vài cô có vẻ là lực lượng du kích đi chân đất, súng lăm le trên tay.

Chiếc mũ tai bèo, đôi dép “râu” lạ lẫm. Tôi mang cảm giác bất an. Bầu trời hôm đó xám nghịt, mưa lâm râm! Tất cả như là điềm báo trước cho một ngày mai tan tác, như hai câu thơ ai đó đã viết nên sau này:

“Đôi dép râu dẫm nát hồn tuổi trẻ
Chiếc mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai”

Đoàn xe Molotova vẫn còn lá cây ngụy trang chạy ngoài phố. Khói đen mù mịt, tiếng máy nổ gầm gừ. Những người lính miền Bắc với vẻ mặt ngờ nghệch, mắt dáo dác nhìn hai bên đường. Trên vài chiếc xe jeep quân đội miền Nam bỏ lại, đám thanh niên tay mang băng đỏ thỉnh thoảng nhả vài tràng đạn hăm dọa vu vơ. Họ hò hét điên cuồng trong cơn lên đồng của những kẻ say men mùi chiến thắng. Chiếc băng màu đỏ trên cánh tay họ làm tôi sợ hãi, nó như vệt máu ứa rỉ trên vết thương dân tộc.

Tôi rời khỏi đám đông trước khách sạn Đông Phương. Rẽ ngang đường Bạch Đằng. Tôi một mình ngồi nhìn mưa đổ xuống sông Hàn. Lòng sông sủi tăm màu trắng đục. Những hạt mưa vừa chạm mặt nước bắn tung tóe, nhưng sao tôi không nghe thấy gì cả. Cảnh vật lặng yên, như diễn ra trong một đoạn phim câm. Sự yên lặng mang theo cảm giác sợ hãi. Tôi muốn làm một điều gì đó để trấn an mình. Nhưng biết làm gì? Thời đó tôi chưa hút thuốc! Chiều sẩm xuống, đạp xe về nhà. Tôi lúc đó mới tuổi 16 mà đã buồn vô vọng!

Vài ngày sau xóm nhà tôi, những gia đình không xuống tàu di tản vào nam kịp lục đục trở về. Họ còn may mắn, vì chỉ vài hôm nữa những căn nhà bỏ trống lần lượt bị niêm phong. Không khí giữa xóm giềng dường như không còn thân mật như trước. Một không khí e dè đề phòng sau những đợt mít tinh, học tập chính trị của chính quyền địa phương. Những kẻ nằm vùng trước 1975, và cả lực lượng “30 tháng 4” mới nổi lên đang mở căng mắt dòm ngó làm họ sợ hãi.

Tháng năm. Thời gian sau khi Sài gòn cũng mất, tôi trở lại trường học. Không khí trong trường thay đổi. Ngoài những thầy cô giáo cũ được cho “lưu dụng”, ban điều hành trường bây giờ toàn là cán bộ được điều từ thành đoàn xuống. Họ có uy quyền tuyệt đối, kể cả quyền cho nghỉ việc một thầy cô giáo nào đó bị nghi ngờ không tin vào cách mạng. Dăm cô cậu học sinh bỗng dưng thay đổi cách ăn mặc, cách nói chuyện, cứ như đã giác ngộ cách mạng từ lâu lắm. Mới hôm qua đây thôi họ là những người bạn, hôm nay họ trở nên lạnh lùng chăm chỉ lên gân phê bình từng cá nhân bị gán cho là thành phần có tư tưởng không tiến bộ. Tôi mệt mỏi vì những buổi họp, những lần học chính trị kéo dài đến vài giờ. Những câu từ mới như “phân biệt địch và ta”, “kiên định lập trường giai cấp”, “ba dòng thác cách mạng”… làm tôi sợ hãi.

Một hai năm đầu sau tháng 4, 1975 đời sống người dân còn tương đối dễ thở. Nhưng sau đó là chủ trương đánh tư sản mại bản, kinh tế mới, rồi phát động chiến tranh biên giới thì miền Nam đã biết thế nào là hệ lụy của việc tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Không chịu nổi đè nén, lần lượt người xóm tôi rủ nhau vượt biên. Có gia đình thành công vượt thoát hết, có gia đình đau đớn khi con mất tích trên biển. Một ngày cuối tháng ba, 5 năm sau ngày 29 tháng ba định mệnh của Đà nẵng tôi bước xuống ghe ra đi, xem như vĩnh biệt quê nhà.

Nhìn lại bến bờ.

Thế hệ tôi, những người ở thời điểm tháng tư năm 1975 chỉ độ tuổi 15, 17 có lẽ là những người kém may mắn. Chúng tôi chưa được tận hưởng trọn vẹn cái không khí một thời miền Nam tự do như bậc cha anh, chúng tôi cũng không đến nỗi ngây thơ mù mắt vì phải sống sau bức màn sắt che khuất của chủ nghĩa Cộng sản. Thế hệ chúng tôi ở giữa cái biết và không biết. Chúng tôi mắc kẹt và phải chịu đựng giữa sự chuyển giao của hai giai đoạn lịch sử. Giữa tự do và độc tài. Giữa nhân bản và phi nhân.

Chế độ Cộng sản có một từ để diễn tả cái khoảng trung gian chuyển giao giữa hai giai đoạn trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mỗi một 5 năm (kế hoạch ngũ niên). Đó là giai đoạn họ gọi là “giai đoạn bản lề”. Chử “bản lề” thoạt nghe dễ mang cho chúng ta cái cảm giác của tình trạng mắc kẹt, của sự chèn ép đến vỡ nát te tua. Một ngón tay tội nghiệp bị mắc kẹt giữa bản lề cánh cửa vừa khép. Như chúng tôi, thế hệ của tôi nằm trong một giai đoạn “bản lề” khốn khổ mà hoàn cảnh đã gây nên. Một thế hệ kém may mắn.

Nhớ những ngày Đà nẵng cuối tháng ba, 1975
Trương Hữu Hiền

8 thoughts on “Đà Nẵng Cuối Tháng 3/75”

  1. Đọc bài viết của Hiền mà cảm giác được cơn sốt hâm hấp và nỗi sợ hãi vào những ngày ấy.

    Trí nhớ đôi khi là một lựa chọn (selective memory). Chuyện hôm qua không muốn nhớ thì dễ dàng quên đi. Chuyện vài chục năm trước không muốn quên thì vẫn có thể nhớ như chuyện hôm qua. Chúc Hiền sớm khỏe lại cũng như tìm được bình an trong tâm hồn 🙏

    1. Cám ơn Như Hòe chia sẻ cảm nghĩ. Đúng là trí nhớ là điều kỳ lạ khó giải thích được, đôi khi nó tự động chọn lựa cho mình.
      Tâm hồn Hiền rất bình an khi viết những dòng trên. Bởi vậy, rất cố gắng để chọn lựa những từ, những câu nhẹ nhàng nhất nếu có thể.

  2. Đã gần hơn nữa đời người, sao mà nhớ giai thế.
    Quên bớt đi cho khỏe thân.
    Có thể vì nhớ quá nên chân đau 🙂

    1. Dù mình không muốn nhớ tới thì một ngày nào đó lịch sử sẽ nhắc lại cho chúng ta thôi. Vì đó là một thời điểm lịch sử mà!
      Cám ơn anh đã quan tâm đến cái chân thỉnh thoảng không “ngoan” của tôi 😊

  3. Không còn ở Đà Nẵng nữa nên lòng chùng quá khi đọc những ký ức buồn khổ của cuối tháng 3/75 Hiền ôn lại! Tháng 4/75 của gia đình Hân ở Saigon cũng hoang mang hãi sợ không kém. Những đoạn trường trải qua sau cuộc đổi đời muốn quên nhưng vẫn phải nhớ mãi. Nuối tiếc thật nhưng có lẽ thế hệ thiệt thòi của tụi mình có tâm hồn lành mạnh hơn, chịu thương chịu khó hơn, quí cái tự do an lạc hơn?

    1. Cám ơn Ngọc Hân chia sẻ cảm nghĩ. Dù nhìn ở chiều nào đi nữa thì thế hệ mình cũng là những người kém may mắn. Một đoạn đời lẽ ra đẹp nhất của tụi mình vỡ nát vì biến cố tháng 4/75.
      Đâu ai muốn bỏ nước ra đi làm boat people phải không? 😞

  4. Nghe ngậm ngùi,nhớ những ngày mới lớn,ngơ ngác,sợ hãi,tìm 1 chỗ dựa..
    Chưa hiểu nhiều về cuộc đời, chưa biết nhiều về cuộc sống, ngày ấy qua ,rồi,nhắc lại nghe lòng chùng xuống,buồn miên man và muốn khóc!
    Người có ký ức tốt cũng lắm muộn phiền!
    Cảm thông với Hữu Hiền,hôm nay sống cho thật tốt để ngày mai khg hối tiếc,nghe !

    1. Dạ. Cám ơn chị đã đọc và chia sẻ cảm nghĩ. Những gì không quên được thì chúng ta chỉ còn biết nên nhớ và giữ gìn cảm xúc đã từng có. Chúc anh chị luôn vui khỏe. Thỉnh thoảng viết bài và hát bài gửi cho trang nhà nghe! 🙂 Rất trông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *