Cô N Cà Lăm

Câu chuyện xảy ra khoảng năm 1946-47, lúc tôi đang làm việc tại đỉnh Đèo Le, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Đa số dân ở đây là dân bỏ quê chạy giặc Tây. Theo lịnh của Cán tản cư lên Nguồn, Trung Phước, Phú Gia thuộc Quế Sơn làm ăn. Trong đám bà con buôn bán gánh gồng nhọc nhằn đó, nổi bật nhất có cô N. Cô đẹp người, da dẻ trắng hồng, cao dong dỏng. Miệng luôn cười chúm chím, hai hàm răng trắng đều. Tóc huyền, từ cặp mắt đến chân mày, lông mi … đối với tôi đúng là người em lý tưởng. Lúc nào cũng cùng đi hai cha con. Từ chợ Nguồn Trung Phước đến chợ Được Trà Đoá. Có ngày đi xuống miền sông nước cận biển. Có ngày lên núi Đèo Le. Rất tiếc là những khi cười đùa đối đáp với tôi, cô N cứ bị cà cà lặp lặp, buồn cười. Nên những câu chuyện không suôn dứt cho gọn được. Tôi thường phải làm nghiêm thương hại, không dám cười đùa trêu chọc cô.

Một hôm đẹp trời, tâm hồn tôi cảm thấy nhẹ nhàng vui vẻ. Tôi bạo dạn thảo lá thư tình, chờ gặp cô N. Tôi dòm trước ngó sau thấy cha cô N đang lên dốc, vai gánh đôi bầu mắm cá cơm. Bầu đan bằng tre có nắp đậy. Nước không chảy ra được nhờ có lớp dầu rái. Dầu này lấy trên nguồn dùng trét ghe xuồng, ghe thúng, máng xối, nón Huế v.v. Tôi liền trao tay lá thơ. Cô N cười đón nhận liền, nhét vội vô túi áo. Lấy cây ghim sắt ghim kỷ cẩn thận. Tôi muốn đo lường cái tình cảm với người đẹp, xem cô có bằng lòng không. Thiệt tình thân phận của tôi lúc ấy cũng gần như miếng giẻ rách. Buồn tủi lắm vì mình sống bơ vơ không có một người thân cận kề. Đầu óc cứ luôn nghĩ ngợi sẽ có một ngày nào đó về gặp lại mẹ và hai em. Thời gian đó tôi đúng 17 tuổi. Ý nghĩ của tôi còn mông lung lắm, đâu đã muốn lấy vợ. Nếu có gia đình sẽ bị cột chân. Thà cứ đơn thân độc mã tốt hơn. Mà dù có vợ con rồi thì mình cũng chỉ là mạng mộc, ăn bám báo hại người ta thôi.

Một ngày nọ tại Đà nẵng tôi tình cờ gặp lại người xưa. Cô N nói “Hiện tại em làm cho hãng BGI của Tây.” Hãng này chuyên bán sĩ bia chai, nước ngọt, nước đá cây cho các tiệm buôn lẻ. Cô cũng nói “Em đã có chồng con rồi. Chồng em cũng là bạn lính với anh khi xưa đó đó, lúc còn ở tại cái đồn kiểm soát trên đỉnh Đèo Le đó đó. Anh H đó. Anh còn nhớ không? Bây chừ vợ chồng em về đây được hơn một năm. Anh H có tiệm hớt tóc một ghế mở dưới cái gốc cây xoan rợp mát, dọc con đường Hùng Vương nối dài, gần ngả ba Cai Lang.” Nghe vậy tôi mừng cho cô N. Riêng tôi con thuyền cứ trôi nổi, chưa đổ bến nào.

Đà Nẵng là cái trạm dừng chân tạm. Tôi còn phải đưa mẹ vô Nha Trang nữa, để gặp lại anh hai và chị dâu. Đã 9 năm xa cách. Hai mẹ con theo tàu thủy Tây “Đờ Ni Fờ Re Rờ”, cập cái bến đá Nha Trang ngay sáng sớm mùng một Tết Tây 1954.

Dĩ vãng vui buồn,

Cao Ngọc Huỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *