Lên Nguồn

Ai lên Hòn Kẻm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng ai ơi!

Tôi đã từng lên núi tới chóp Đèo Le, Quế Sơn, Quảng Nam. Nghỉ chân ăn uống một chặp, tôi lại tiếp tục đổ dốc đi ngang qua cánh đồng Tây Viên. Thung lũng cao nguyên Tây Viên ruộng lúa xanh tươi vì nhờ đất đai màu mỡ, mưa gió thuận hoà. Qua khỏi cánh đồng Tây Viên là đến chợ Trung Phước. Nơi đây có mặt hàng mắm cá cơm là nhất. Dân biển chẻ hai miếng tre vạc mỏng kẹp cá tươi như cá chuồn, nướng sơ qua hay còn gọi là xông khói. Rồi mới bán lại cho những người buôn gánh. Họ gánh lên chợ Trung Phước, Phú Gia … bán lại cho mấy vựa mắm cá.

Trung Phước đi về hướng đông là Phường Rạnh, đi lên hướng tây bằng ghe là Bến Dầu. Đây là nơi sản xuất dầu rái. Làng ghe làng biển dùng dầu rái để trét ghe tốt lắm. Lớp dầu “trong” trên mặt dùng để trét nón lá Huế đó. Còn cái lớp dầu cặn khô cứng ngắt thì được đập vụn vỡ ra y như đường phèn Quảng Ngãi vậy. Mùi dầu rái thơm thơm dễ chịu, còn được dùng để hơ háp cho sản phụ, hơ rốn, mỏ ác cho bé sơ sinh. Làm cho da thịt săn chắc hơn. Nghe nói heo rừng thích lăn chai khi trời nóng dầu rái chảy ra. Lăn dầu khắp mình, heo lại lăn lên cát sạn như muốn làm tên hiệp sĩ hay lính trận mặc áo giáp. Lao đâm, súng nổ đạn xẹt toé lửa cũng chẳng thấm gì. Heo rừng có thêm bốn cái răng nanh nhọn làm vũ khí lợi hại, đánh nhau với thú dữ không con nào chịu nổi. 

Từ chợ Trung Phước đi dọc theo hướng nam sẽ thấy sông sâu thăm thẳm, nước chảy xiết, va vào đá tung lên trắng xoá. Cứ chảy thế suốt ngày đêm, ào ào róc rách. Nước trong veo, nhìn xuống đáy sông lỗ chỗ đá sạn. Đến chợ Phú Gia, đi lần vô nữa là Tân An. Tân An thuộc phủ Thăng Bình, Quảng Nam, nằm về hữu ngạn sông. Bên kia sông Tân An là địa phận huyện Phước Sơn, rừng núi bao la ít người ở, giáp giới với Hạ Lào. Vô nữa là huyện Tiên Phước, nước sông ngày đêm chảy xuống Trung Phước, nhập vô sông cái Thu Bồn. Dân bản địa nói có tên Hòn Kẻm Đá Dừng là vì thực dân Pháp biết ở đó có cái mỏ kẻm, vách đá thẳng đứng sừng sững, hệt như bức tường thành cao nghệu vĩ đại. Cảnh đẹp tựa bức tranh thủy mạc khổng lồ. Tạo hoá đã vẽ, đã sắp bày … làm chạnh lòng khách tha hương nỗi niềm thương nước nhớ nhà! Tôi cảm thấy thân phận mình quá nhỏ bé trước cái cảnh thiên nhiên hùng vĩ đó.

Tôi cũng đã thử đi ghe một lần ở đây. Cái mui ghe thấp, khách phải khom lưng cúi đầu. Suốt đêm ngồi co ro bó gối. Bốn năm khách tựa lưng vào nhau, ngủ gà ngủ gật. Trung Phước-Tân An chỉ cách nhau khoảng 15km. Ghe đi ngược dòng mất một đêm, sáng mới đến nơi. Mấy tay lái ghe lực lưỡng, rất sành đường đi nước bước. Họ không dùng mái chèo đâu, một tay đứng lái, miệng la hét không ngớt suốt đêm. Hai chân kẹp cái cần lái, hai tay cầm chắc cây sào nhọn, đầu bộc sắt, chống xuống lòng sông nghe chan chản, rột rạt, lạch cạch đến rợn người. Tay đứng mũi cũng không kém gì, lấy sức lực chống cây sào xuống đáy sông, cố đẩy con thuyền vượt tới, chống đở luồn lách. Có đoạn tên đứng mũi phải nhảy xuống ghe, tay nắm sợi dây thừng cột trước mũi ghe, vừa lội vừa kéo chiếc thuyền. Đoạn thì nhảy lên lại mũi ghe, tiếp tục cầm cây sào chống lắc lịa. Thuyền vượt lên chừng nào thì nước càng chảy xiết bấy nhiêu. Con thuyền chồm lên hụp xuống, lắc lư đong đưa. Đi thử một lần cho tởn tới già, tôi không đi ghe kiểu ni nữa đâu! Ngồi ghe xuôi dòng từ bến Tân An về Trung Phước thì ghe lướt nhanh tựa chiếc lá trôi, chỉ mất khoảng 6, 7 tiếng. Tôi thấy càng nguy hiểm hơn ghe đi ngược dòng. Ghe phải gọn gàng, ván dày gỗ tốt mới chịu nổi với va chạm, với đá, với ghềnh, với thác.

Tha phương,

Cao Ngọc Huỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *