Quê Ngoại

Sống trên đời ai ai cũng có nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời. Tôi có kỷ niệm vài lần về quê ngoại thân yêu. Xe kéo (xe tay) không như cyclo đạp, cyclo gắn máy như bây giờ đâu. Má tôi và bốn anh em đi hai xe về quê thăm ngoại. Người thành thị có khác cái lối ăn mặc đối với trẻ em trong quê. Có lẽ từ khi ra đời mấy em chưa bao giờ ra thành phố? Mà cũng chắc như vậy. Thôi thì chúng nó tụm năm tụm bảy đứng ngoài rào, mắt tròn xoe, nhướn qua nhướn lại ré cười. Miệng lớn tiếng la lên “Tai chó tai chó”. Cái áo sơ mi trắng, cổ áo dựng, hai bên có hai cái tai. Tây thường thắt cà vạt, đeo nơ nên cắt may như vậy. Quần sọt lại thêm dây treo. Tai nghe văng vẳng “tai chó tai chó”, tôi tức mình cầm kèo rượt. Lát sau tụi nó trở lại cười, miệng vẫn lớn tiếng “tai chó tai chó”. Tối đến tôi đòi ngủ với ngoại. Thương chìu cháu, ngoại gật đầu ừ. Khổ nỗi người già khó ngủ. Cháu hết ôm ngoại lại hôn ngoại. Tay cháu cứ mọ mạy sờ vú ngoại. Chắc ngoại bực mình lắm nhưng thương cháu nên đành mở miệng cười. Ôm hôn lên đầu cháu, tay tát yêu lên má. Sáng ra quán xem ngoại tiếp khách, buôn bán cười nói vui vẻ. Hai tay tôi không chịu ở yên. Tay nắn cọng dây chuối khô, tôi xin ngoại để tôi xâu tiền ăn 3 ăn 6 cho ngoại. Ông ngoại tôi theo ông theo bà sớm, gởi lại cho bà ngoại một nách 8 con (3 gái và 5 trai). Ngoại tôi đẻ như gà, sơ sơ 11 lần thôi. Ngoại tôi đâu có thiếu sữa, đúng dòng dõi mà. Má tôi và hai dì tôi, bà nào cũng hai bầu sữa căng ứ nự. Vú thòng tới lưng quần, vú mướp. Có lẽ hậu duệ của nữ anh hùng Triệu Ẩu chăng? Đến bây giờ tuổi đã xế chiều, lòng tôi vẫn còn thương nhớ ngoại!

Sống ly hương,

Cao Ngọc Huỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *